Chủ Nhật, 22/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 28/1/2017 11:51'(GMT+7)

Bài 1: Công nghiệp 4.0, cơ hội “vàng” để Việt Nam bứt phá

Tận dụng cơ hội để thu hẹp khoảng cách

Nhìn nhận kết quả qua hơn 30 năm đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đến nay, Việt Nam ra khỏi nước kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trong lĩnh vực công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã có sự tăng trưởng liên tục, công nghệ sản xuất đã có bước thay đổi về trình độ theo hướng hiện đại, tỷ trọng công nghiệp chế tạo, chế biến trong giá trị sản xuất công nghiệp tăng, tỷ trọng công nghiệp khai thác giảm dần, cơ cấu xuất khẩu sản phẩm công nghiệp được chuyển dịch theo hướng với hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, điển hình như: tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu theo chiều rộng, chất lượng và hiệu quả phát triển kinh tế còn thấp; tỷ trọng của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng trong GDP còn cách khá xa so với các nước trong ASEAN, năng suất lao động thấp. Sức cạnh tranh của nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh còn thấp. Trình độ khoa học - công nghệ của ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế tạo chưa cao. Nhìn chung, việc tạo nền tảng để nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được mục tiêu đã đề ra.

Trước tình hình trên, đối với giai đoạn 2016-2020, Đại hội XII của Đảng đã xác định: “Phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững”. Trong giai đoạn này “khoa học, công nghệ phát triển rất nhanh cùng với toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia”.

“Nếu chúng ta tận dụng tốt cơ hội và vượt qua được các thách thức của Công nghiệp 4.0, sẽ giúp Việt Nam thu hẹp được khoảng cách với các nước tiên tiến, sớm thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại” - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình hy vọng.

Bốn cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử thế giới: (1) Cơ khí hóa với máy chạy bằng thủy lực và hơi nước. (2) Động cơ điện và dây chuyền sản xuất hàng loạt. (3) Kỷ nguyên máy tính và tự động hóa. (4) Các hệ thống liên kết thế giới thực và ảo.

Chia sẻ thêm, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh Huỳnh Thành Đạt cũng nhận định, trước cơ hội mang lại của thời đại Công nghiệp 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, xã hội thông tin, kinh tế tri thức và sự biến chuyển trong các chuỗi giá trị toàn cầu đang tạo ra thời cơ mới cho Việt Nam hội nhập sâu hơn và hiệu quả hơn vào kinh tế thế giới. Đặc biệt, Công nghiệp 4.0 mới đang trong giai đoạn khởi phát là cơ hội rất quý giá mà Việt Nam phải nhanh chóng đón bắt, tranh thủ để tiến thẳng vào lĩnh vực công nghiệp mới để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thu hẹp khoảng cách phát triển. Công nghiệp 4.0 cũng là thời cơ để Việt Nam xây dựng chiến lược công nghiệp mới gắn với các đặc trưng của nó.

Do vậy, ông Huỳnh Thành Đạt đề xuất, về thành phần kinh tế, tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế nhà nước theo định hướng sản xuất công nghiệp, trong đó ưu tiên công nghiệp hỗ trợ. Điều này sẽ làm rõ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước như lực lượng mở đường gắn với hoàn cảnh mới, mục tiêu mới và cũng là cơ sở lý giải đặc trưng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đối với thành phần kinh tế tư nhân, Đảng và Nhà nước nên hỗ trợ về vốn, đất đai, thông tin về xúc tiến thương mại… cho một số tập đoàn tư nhân đang phát triển để đi vào lĩnh vực sản xuất công nghệ, sản xuất công nghiệp nặng, công nghiệp tiêu dùng và công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, ưu đãi cho các nhà đầu tư sản xuất các mặt hàng công nông nghiệp mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh với điều kiện gia tăng giá trị để xuất khẩu. Điều này vừa khai thác hiệu quả nguồn lực sẵn có, vừa cải thiện giá trị xuất khẩu và gia tăng năng lực sản xuất trong nước.

Điều chỉnh chính sách phù hợp

TS. Nguyễn Thắng - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định, trong bối cảnh Việt Nam đã và đang hội nhập ngày một sâu rộng hơn với thế giới và đặc biệt khi mà Công nghiệp 4.0 đang diễn ra đem lại nhiều cơ hội cho Việt Nam, những đổi mới về mặt chính sách là vô cùng quan trọng để đảm bảo một sự tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm với mọi thành phần trong xã hội. Theo đó, Việt Nam cần thực hiện một chương trình nghị sự kép: Tiếp tục giải quyết những vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội và môi trường còn tồn đọng từ giai đoạn tăng trưởng nóng trước đây; đồng thời nhanh chóng tận dụng những cơ hội và vượt lên những thách thức mới xuất hiện liên quan đến Công nghiệp 4.0 đang tăng tốc trên phạm vi toàn cầu.

Đặc biệt, mô hình tăng trưởng mới dựa vào năng lực đổi mới sáng tạo, công nghệ, kỹ năng và sự tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu sẽ đòi hỏi phải tiếp tục khai thác những lợi thế so sánh của đất nước, kết hợp với một sự chuyển hướng mạnh mẽ hơn sang nền kinh tế theo quy mô dựa vào mức độ chuyên môn hóa cao. “Một sự thay đổi trọng tâm như vậy sẽ giúp Việt Nam khai thác hết lợi ích của quá trình hội nhập tăng cường trong khi vẫn phát huy hết tiềm năng của mình để thúc đẩy sự phát triển quốc gia một cách nhanh chóng” - TS. Nguyễn Thắng nhấn mạnh.

Theo đề xuất của Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Trọng Hoài, nhằm nắm bắt những cơ hội mở ra của Công nghiệp 4.0 để định hình tương lai theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì một trong những vấn đề cấp bách là phải hoàn thiện thể chế kinh tế thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đồng thời, xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ phù hợp với thông lệ quốc tế để tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, khuyến khích tinh thần doanh nghiệp, tạo động lực cho mọi thành phần kinh tế không ngừng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, cần chuyển đổi cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, tập trung phát triển các ngành công nghiệp cốt lõi, tạo sự lan tỏa lớn như trí thông minh nhân tạo, người máy, Internet của vạn vật (Internet of Things), công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, phát triển mạnh mẽ hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông.

Nhìn từ góc độ hội nhập, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Hoài Nam nhận định, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang chuyển sang một giai đoạn mới với cấp độ cao hơn và sâu rộng hơn. Bên cạnh nghĩa vụ hoàn tất các cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) trong khuôn khổ ASEAN, trong giai đoạn tới Việt Nam cũng sẽ bước vào thực thi các cam kết xây dựng Cộng đồng ASEAN và các FTA thế hệ mới với nhiều cam kết tiêu chuẩn cao chưa từng có.

Cùng với nhiều yếu tố khác, Công nghiệp 4.0 đang và sẽ tác động sâu sắc, đa chiều đến đời sống chính trị - kinh tế trên thế giới. Những biến chuyển của môi trường quốc tế đặt ra những vấn đề đối với hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Do vậy, ông Nguyễn Hoài Nam kiến nghị, cần có những nghiên cứu sâu, đánh giá kỹ lưỡng và toàn diện tác động của hội nhập kinh tế sâu rộng, nhất là việc thực hiện các FTA thế hệ mới trong bối cảnh Công nghiệp 4.0 nhằm tranh thủ tối đa cơ hội, vượt qua thách thức của Công nghiệp 4.0 để phát triển nhanh và bền vững hơn.
Thái An - Mạnh Đức/NHân Dân

C
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất