Trước hết, cần khẳng định rằng, đây không phải là lần đầu Trung ương Đảng chỉ đạo, nhắc nhở đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Cách đây 17 năm, trong Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12-1-1998 của Bộ Chính trị “Về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội” đã nêu rõ: “Cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, nhân viên Nhà nước và cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân phải gương mẫu chấp hành những quy định của Nhà nước, quy ước của địa phương, cơ quan, đơn vị về nếp sống văn minh, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan, cổ hủ, xa hoa lãng phí, vụ lợi trong việc cưới, việc tang, lễ hội, coi đây là một tiêu chuẩn để đánh giá cán bộ, đảng viên, đoàn viên”.
Tại Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương “Về những điều đảng viên không được làm”, trong đó có quy định đảng viên không được phép: “Mê tín, hoạt động mê tín (đốt đồ mã, hành nghề đồng cốt, thầy cúng, thầy bói); Lập đền, miếu, nơi thờ tự của các tôn giáo trái phép; Lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi”, và cũng không được “Tự mình hoặc có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột đi du lịch, tham quan… bằng nguồn tài trợ của tổ chức trong nước hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền”.
Trước và sau dịp Tết Nguyên đán mấy năm gần đây, năm nào Thủ tướng Chính phủ cũng nhắc nhở đội ngũ cán bộ, công chức, nhân viên cơ quan hành chính các cấp trong cả nước cần nghiêm túc thực hiện tốt các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Trong công điện đôn đốc nhiệm vụ sau Tết Ất Mùi mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu: “Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công. Cán bộ, công chức không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ theo chức trách, nhiệm vụ được giao”.
Tại sao Trung ương Đảng, Chính phủ đã nhiều lần ra chỉ thị, nhắc nhở cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nêu gương chấp hành tốt các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội như vậy? Bởi vì thời gian qua, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã chểnh mảng, lơ là trong công tác, bớt xén thời gian hành chính, lạm dụng xe công để đi tham quan, lễ hội. Mấy năm trước đây, vào dịp đầu năm mới, ở một số lễ hội lớn, hình ảnh hàng chục chiếc xe “biển số xanh” (xe công) nối đuôi nhau kéo dài trên đường hay xếp thành hàng dọc, hàng ngang trên bãi đỗ xe của các khu di tích, đền chùa nổi tiếng… từng gây dư luận không tốt trong nhân dân. Đáng nói hơn, một số ít cán bộ, đảng viên có chức quyền “đìu ríu” vợ con, gia đình đi “cầu may, cầu lộc, cầu danh, cầu lợi” bằng những “mâm cao cỗ đầy” và những đồ hàng mã đắt tiền, mà thực chất là hành vi trục lợi tín ngưỡng, mua thần bán thánh, mê tín dị đoan. Những biểu hiện đó không chỉ làm lễ hội truyền thống bị biến dạng, méo mó, mà nguy hại hơn còn “gieo rắc, nuôi dưỡng” tâm lý cầu danh, cầu lợi một cách thái quá, mù quáng cho một bộ phận nhân dân. Hay nói cách khác, thông qua những hành vi tín ngưỡng chưa văn hóa, thiếu lành mạnh của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức-những người vốn có vị trí xã hội, có trình độ học vấn cao, được nhân dân trao truyền quyền lực và gửi gắm niềm tin-đã tác động xấu đến môi trường văn hóa tín ngưỡng, lễ hội, “tiêm nhiễm” thêm những thói hư, tật xấu cho một bộ phận người dân thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng buồn này là do một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thiếu niềm tin cơ sở khoa học, chạy theo tâm lý đám đông, lợi dụng chức quyền, bớt xét tài sản công và thời gian hành chính để “mua vui” cho bản thân và gia đình. Mặt khác, cũng do buông lỏng công tác quản lý, giáo dục của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đoàn thể, cộng với tâm lý tiểu nông, chưa rũ bỏ quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”… nên một số cán bộ, đảng viên vẫn sa đà vào hội hè say sưa, thái quá.
Thể hiện tình cảm, niềm tin tín ngưỡng, tâm linh là nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của con người, trong đó có cán bộ, đảng viên. Việc đi lễ hội để tìm về cội nguồn, tìm hiểu truyền thống, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của mình là một nét văn hóa lâu đời của người Việt. Tuy vậy, đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, xét ở một góc độ nào đó đều là “diện mạo của quốc gia, của địa phương, của ngành mình”, cho nên phải rất cẩn trọng trong các hành vi thực hành tín ngưỡng ở lễ hội. Một khi cán bộ, đảng viên đi lễ hội có văn hóa, tự giác tuân thủ các quy định, hương ước, phong tục, tập quán, nghi thức, nghi lễ tốt đẹp trong lễ hội, triệt để chấp hành các quy định về bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường… thì sẽ trực tiếp làm tấm gương tốt để nhân dân học tập, noi theo. Ngược lại, nếu cán bộ, đảng viên có thái độ, hành vi “cầu danh, cầu lợi, cầu tài” thái quá, thiếu tự giác thực hiện nền nếp, kỷ cương trong quản lý và tổ chức lễ hội, nhất là lợi dụng xe công, bỏ bê công việc, cắt xét thời gian hành chính để đi lễ hội… sẽ “bêu gương xấu” và trở thành những hình ảnh phản cảm trong quần chúng.
|
Múa sư tử tại lễ hội Yên Tử, Xuân Ất Mùi 2015.Ảnh:THỦY SƠN
|
Thực tế cho thấy, những hành vi thực hành tín ngưỡng thiếu chuẩn mực của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong lễ hội, cũng như sự thiếu gương mẫu của họ trong việc chấp hành các quy định về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, nếu không được ngăn chặn, xử lý kịp thời sẽ làm xói mòn các giá trị đạo đức truyền thống, băng hoại thuần phong mỹ tục, gây cản trở đến việc xây dựng, phát triển con người và văn hóa Việt Nam, đồng thời tác động không thuận đến công cuộc phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Những vấn đề liên quan đến lễ hội, thể hiện niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của con người vốn là vấn đề nhạy cảm, vì nó luôn tồn tại, đồng hành trong đời sống văn hóa tinh thần của mỗi cá nhân, gia đình và cả cộng đồng dân tộc. Muốn đưa lễ hội vào nền nếp mà vẫn bảo đảm đáp ứng nhu cầu tình cảm hướng thiện của nhân dân, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt, kiên trì, bền bỉ của toàn xã hội. Ứng xử với lễ hội làm sao vừa thấu tình, đạt lý, vừa mang lại những lợi ích chung cho cộng đồng, vừa thỏa mãn tâm lý, ước vọng tích cực của cá nhân, là mong muốn của Đảng, Nhà nước ta. Với ý nghĩa đó, việc Đảng ban hành các chỉ thị, quy định về lễ hội cũng không ngoài mục đích nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của lễ hội, qua đó góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội và môi trường văn hóa lành mạnh.
Quan điểm, chủ trương của Đảng về vấn đề này đã rõ, vấn đề quyết định là khâu tổ chức thực hiện, mà người thực hiện thuyết phục nhất, hiệu quả nhất chính là đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì vậy, có thể nói rằng, mọi hoạt động lễ hội ở nước ta có bảo đảm lành mạnh, văn minh, an toàn và có bảo tồn, phát huy được những nét đẹp văn hóa hay không, điều đó phụ thuộc rất lớn vào ý thức, thái độ, trách nhiệm, hành vi nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong việc thực hiện, tuân thủ, chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
THIÊN VĂN/QĐND
Bài 1: Giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa của lễ hội
Bài 2: Lễ hội trong xã hội hiện đại, những tích cực và bất cập
Bài 3: Đưa lễ hội vào nền nếp, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh