Thứ Tư, 4/12/2024
Bạn cần biết
Thứ Tư, 25/7/2018 14:33'(GMT+7)

Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V và những đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Cán bộ tuyên truyền ở căn cứ Hòn Tàu. (Ảnh: Báo Quảng Nam)

Cán bộ tuyên truyền ở căn cứ Hòn Tàu. (Ảnh: Báo Quảng Nam)

Sự ra đời của Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V

Ban Tuyên huấn Khu V được thành lập tháng 5 năm 1960 sau khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng về đường lối cách mạng ở miền Nam Việt Nam từ đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang tiến đến giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Là cơ quan tham mưu cho Khu ủy về công tác tư tưởng chính trị trong kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường Khu V, Ban Tuyên huấn Khu V được Khu ủy giao quản lý và chỉ đạo nội dung chuyên môn thuộc các binh chủng như: tuyên truyền, huấn học, báo chí, thông tấn xã, giáo dục, văn hóa, văn nghệ, điện ảnh, các đoàn nghệ thuật, nhà in, Đài Minh Ngữ, Trường Đảng, Trường Tuyên huấn. Các binh chủng trên mặt trận tư tưởng đã được Ban Tuyên huấn Khu V lãnh đạo tổ chức phối hợp tác chiến theo định hướng tư tưởng qua từng bước ngoặt của cách mạng tại chiến trường Khu V.

Nhiệm vụ xuất sắc của Ban Tuyên huấn Khu V là vừa xây dựng bộ máy vừa phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị trong mọi hoàn cảnh của chiến trường.

Khi mới thành lập, Ban chỉ có 3 đồng chí cán bộ do đồng chí Trương Chí Cương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Khu ủy làm Trưởng ban. Đến năm 1961, cán bộ từ miền Bắc vào và các địa phương điều động nên đã nhanh chóng hình thành các tiểu ban chuyên môn. Để các tiểu ban tuyên truyền, huấn học, thông tấn xã, báo Cờ giải phóng, nội san Tiền phong phát huy hiệu quả thì một số bộ phận phục vụ bắt buộc phải có đó là nhà in, Đài Minh Ngữ. Ban đã cử cán bộ liên lạc với cơ sở cách mạng trong nội thành Đà Nẵng vận động các nhà kinh doanh có cảm tình với Cách mạng mua được 2 máy in đẩy tay với 1.500 con chữ, vài tấn giấy và mực in, vượt qua mọi sự kiểm soát của địch đưa về căn cứ. Đài Minh Ngữ thu phát tin tức được Quân khu V hỗ trợ, từ đó có liên lạc trực tiếp với TTXVN, tin tức báo chí, tài liệu tuyên truyền được chuyển tải nhanh chóng tới TTXVN, ngay sau đó được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Giải phóng, lan tỏa nhanh chóng đến toàn dân.

Khi mới thành lập Ban Tuyên huấn Khu V, Ban Thường vụ Khu ủy giao cho Ban Tuyên huấn Khu nhiệm vụ trọng tâm là tuyên truyền nhanh chóng tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương đến tận cán bộ, Đảng viên các cấp và các tầng lớp nhân dân trong toàn Khu chuyển hình thức đấu tranh từ chính trị kết hợp vũ trang tại các địa phương.

Đến năm 1964, Ban Tuyên huấn Khu V đã hoàn chỉnh bộ máy chuyên môn với lực lượng cán bộ trên 600 người. Khi quân Mỹ đổ bộ vào miền Nam tiến hành chiến tranh cục bộ vô cùng ác liệt, Ban Tuyên huấn Khu V đã chỉ đạo đưa cán bộ tỏa xuống các địa phương bám sát dân để tuyên truyền vận động nhân dân không sợ Mỹ giàu, Mỹ mạnh, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ. Cũng vào thời kỳ này, Ban Tuyên huấn Khu V đã khẩn trương mở trường Đảng, trường tuyên huấn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo các tỉnh, thành để kịp có cán bộ lãnh đạo và chuyên ngành tuyên huấn cấp tỉnh, huyện trong Khu.

Thành tích xuất sắc ngay từ ban đầu thành lập Ban thể hiện ở các đơn vị nhà in giải phóng, thông tấn xã và Đài Minh Ngữ. Ban đầu, nhà in chỉ có 2 chiếc máy đẩy tay, đầu năm 1963 được miền Bắc chi viện, nhà in đã trở thành nhà in Trung Trung bộ phục vụ in ấn, phát hành của các cơ quan Khu V. Nhà in với 1 khối lượng máy móc nặng nề, thường xuyên phải di chuyển bằng "vai trăm cân, chân nghìn dặm" nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu in ấn, phát hành hàng vạn tài liệu tuyên truyền, chuyển về các địa phương toàn Khu trong điều kiện đồi núi, sông ngòi hiểm trở, chỉ bằng sức người dưới làn bom đạn của địch.

Tháng 8 năm 1969 khi Đài phát thanh Hà Nội đưa tin về sức khỏe của Hồ Chủ tịch, Ban đã chỉ đạo nhà in nhanh chóng in hàng vạn bức ảnh Bác Hồ chuyển về tận các cơ sở và các vùng miền núi, làng bản Tây Nguyên cũng như các đơn vị quân đội. Ở một số thành phố, thị xã, cơ sở đã chuyển hàng ngàn tấm ảnh Bác Hồ để đồng bào làm lễ tang tưởng nhớ Bác. Đội tự vệ của nhà in đã liên tục chống càn để bảo vệ nhà in, đã có nhiều đồng chí hi sinh.

Những thành tích xuất sắc của Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V

• Thông tấn xã Khu V

Người phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đầu tiên có mặt tại chiến trường Khu V tháng 4 năm 1959 là đồng chí Võ Thế Ái (người làng Hà Thân, thuộc quận Sơn Trà, Đà Nẵng ngày nay). Đến năm 1965, Thông tấn xã Khu V có 60 phóng viên đủ các bộ phận chuyên môn nhiếp ảnh, kỹ thuật và phóng viên thường trú các tỉnh miền Trung. Hằng ngày, Thông tấn xã Khu V chuyển ra Thông tấn xã Việt Nam trên 20 tin, bài. Đến ngày giải phóng miền Nam, Thông tấn xã Khu V có 180 phóng viên, kỹ thuật viên, hy sinh 8 đồng chí, bị bắt 1 đồng chí.

Thông tấn xã có Đài Minh Ngữ là phương tiện kỹ thuật đảm bảo giữ liên lạc thu phát với Thông tấn xã Việt Nam (và Thông tấn xã Giải phóng). Ban Tuyên huấn hình thành Đài Minh Ngữ để thu phát tin tức tài liệu không có yêu cầu bảo mật, phát trực tiếp qua tín hiệu móoc xơ. Đài Minh Ngữ chủ yếu là phát, còn thu thì dùng radio bình thường.

Với các phương tiện kỹ thuật, địch dễ dàng phát hiện tọa độ của Đài Minh Ngữ, từ đó xác định khu vực cơ quan chủ quản của đài để đánh phá. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho đài và cho Ban Tuyên huấn Khu V cũng như Khu ủy, Đài Minh Ngữ phải luôn di chuyển. Anh em rất vất vả về việc này vì mỗi lần di chuyển thì lại phải làm nhà, đào hầm, gùi cõng máy móc, gạo mắm.

Trong điều kiện khó khăn như vậy anh em ở Đài Minh Ngữ vẫn hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo thu phát tin tức, bài vở nhanh chóng, chuẩn xác. Anh em còn có sáng kiến chế ra thủy điện nhỏ, lợi dụng sức nước để quay máy phát, giảm bớt lao động cơ bắp nặng nhọc.

• Báo chí


Khu V có 2 tờ báo, đó là tờ báo Cờ giải phóng Trung Trung bộ và Tạp chí nội san Tiền phong là tạp chí lý luận, học tập xây dựng Đảng của Khu ủy. Cả 2 tờ báo này đều ra số đầu tiên vào tháng 01 năm 1961.

Lúc ban đầu, tờ báo Cờ giải phóng chỉ có 3 phóng viên, Tạp chí Tiền phong chỉ có 1 người. Tất cả phải vượt qua mọi thách thức, khó khăn để hằng tháng ra được một số báo đầy đủ các chuyên mục. Đến năm 1963 được miền Bắc chi viện, báo Cờ giải phóng có được 16 phóng viên phân công bám các địa phương. Báo Cờ giải phóng mỗi tháng phát hành một kỳ, đến năm 1970 mỗi tháng ra hai kỳ với số lượng 6.000 tờ/kỳ. Báo Cờ giải phóng là tiếng nói của Mặt trận dân tộc giải phóng Trung Trung bộ, liên tục phản ánh những tấm gương anh dũng chống Mỹ - Ngụy và phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân từ thành thị đến nông thôn.

Nội san Tiền phong, tờ báo xây dựng Đảng và học tập lý luận luôn đồng hành với tờ báo Cờ giải phóng. Mỗi tháng xuất bản một số, mỗi số 4.000 tờ. Nội san Tiền phong đi sâu vào các bài chuyên luận kết hợp giữa lý luận và thực tiễn chiến trường giúp lãnh đạo các cấp có cơ sở lý luận để phân tích thực tiễn diễn biến tình hình cách mạng ở mỗi địa phương.

• Điện ảnh Khu V trong chống Mỹ

Điện ảnh Khu V trong thời kỳ chống Mỹ được bắt đầu với một đồng chí vừa đạo diễn vừa quay phim, đó là đồng chí Trần Đống (Trần Quý Lục) với 1 chiếc máy quay 16 ly có mặt ở chiến trường cuối năm 1960. Đến năm 1970 được miền Bắc chi viện, điện ảnh Khu V có được 128 cán bộ gồm đạo diễn, quay phim, kỹ thuật và đội chiếu phim lưu động. Cũng như các tiểu ban chuyên môn khác, cán bộ điện ảnh được phân công về các địa phương, bám sát các chiến trường để ghi lại hình ảnh của chiến tranh nhân dân.

Năm 1965 quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, đồng chí Trần Đống đã bám sát theo trinh sát vào vùng ven Đà Nẵng ghi lại những hình ảnh quân Mỹ hành quân càn quét vùng nông thôn, đồng chí Đống đã ghi lại được hình ảnh lễ truy điệu sống của dũng sĩ Lê Độ trước lúc anh ôm bom vào thành phố đánh quân Mỹ ở khách sạn Mo-ranh Đà Nẵng; bám sát đặc công ghi lại trận đánh kho xăng Liên Chiểu, thiêu hủy hàng triệu tấn xăng của quân Mỹ. Phóng viên điện ảnh Khu V trong chống Mỹ đã dũng cảm bám sát chiến trường ghi lại hàng ngàn thước phim tư liệu có giá trị. Việc bảo quản phim ở vùng núi mưa nhiều, độ ẩm cao cũng là một cố gắng lớn của anh em điện ảnh, nhờ đó Khu V đã có những bộ phim tài liệu đạt được các giải thưởng như giải Nguyễn Đình Chiểu với bộ phim "Những người dân quê tôi" của đạo diễn, quay phim Trần Văn Thủy, sau đó bộ phim này đoạt giải Bồ câu vàng tại Liên hoan phim quốc tế Lai-xích (Cộng hòa Dân chủ Đức) năm 1970. Bộ phim "Người săn thú trên núi Đắk Sao" của Trần Thế Dân và Ivang năm 1971 được Huy chương vàng Liên hoan phim Mát-cơ-va. Bộ phim "Làng nhỏ bên sông Trà" của Nghiêm Phú Mỹ được giải Bồ câu vàng Liên hoan phim Lai-xích (Cộng hòa Dân chủ Đức) năm 1970. Bộ phim "Chúng tôi buộc phải cầm súng" của đồng tác giả Tràn Đống, Trần Thế Dân, Trần Văn Thủy, đã được giải Băng Đung tại Liên hoan phim Châu Á Indonexia. Những bộ phim tài liệu có giá trị về chiến trường Khu V cùng với phim tài liệu, phim truyện từ miền Bắc đưa vào đã được đội chiếu phim lưu động gùi cõng máy móc vượt đèo cao, suối thẳm đến vùng giải phóng, bản làng đồng bào Tây Nguyên, các đơn vị quân giải phóng để chiếu, góp phần củng cố niềm tin con đường tất thắng của cách mạng miền Nam.

• Tiểu ban văn nghệ, hội họa và các đoàn nghệ thuật Khu V


Tiểu ban văn nghệ Khu V được hình thành giữa năm 1961 khi có các nhà văn, họa sĩ, nghệ sĩ từ miền Bắc vào như các nhà văn Phan Tứ, Nguyễn Chí Trung, nhà thơ Vương Linh, Thu Bồn, Lưu Trùng Dương, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, họa sĩ Lý Châu Hoàn, Thế Vinh... Đầu năm 1962, Tạp chí Văn nghệ được xuất bản, mỗi số 4.000 bản được phát hành đến tận cơ sở. Để mở rộng mặt trận văn nghệ chống Mỹ, Ban chủ trương tập hợp các văn nghệ sĩ yêu nước chống Mỹ trong vùng địch kiểm soát, nhất là các thành phố lớn và văn nghệ sĩ là người dân tộc Tây Nguyên. Mặc dù bị địch đánh phá và bao khó khăn về điều kiện đi lại, ăn ở, Ban đã kiến nghị Thường vụ Khu ủy mở đại hội văn nghệ. Đại hội diễn ra tại căn cứ cách mạng Trà My với gần 300 người là các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nghệ sĩ. Nhiều người đến từ các thành phố, thị xã và buôn làng Tây Nguyên. Sau đại hội, trong vùng địch kiểm soát đã xuất hiện nhiều tờ báo với các tác phẩm văn nghệ yêu nước chống Mỹ, yêu hòa bình, phản đối chiến tranh.

Văn nghệ Khu V đã tập hợp được một lực lượng sáng tác đầy tài năng. Phan Tứ viết tiểu thuyết Gia đình má Bảy và Mẫn và tôi, Thu Bồn có Trường ca chim chơ rao được Giải thưởng Hội nhà văn Á Phi. Các họa sĩ Thế Vinh, Lý Châu Hoàn, Hà Xuân Phong, Trần Việt Sơn, Hồng Chính Hiền, Giang Nguyên Thái có nhiều ký họa chân thực, cảm động về đồng bào chiến sĩ Khu V thời đánh Mỹ; nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhà văn Phan Tứ, nhà thơ Thu Bồn, đã vinh dự được giải thưởng Hồ Chí Minh; nhiều văn nghệ sĩ được giải thưởng nhà nước.

Văn nghệ sĩ Khu V dũng cảm bám dân, bám chiến trường, nhiều đồng chí đã hy sinh như nhà văn Chu Cẩm Phong, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; nhà văn Dương Thị Xuân Quý; nghệ sĩ múa Phương Thảo; nhà thơ Nguyễn Mỹ; nhà báo Lê Ái Mỹ, Trọng Định; các họa sĩ Hà Xuân Phong, Trương Công Nghĩa, Phan Hồng Châu, Phạm Đức Minh, Nguyễn Quang Việt, Nguyễn Xuân Nam, Trịnh Xuân Núi...

• Các đoàn nghệ thuật Khu V

Đoàn nghệ thuật đầu tiên của Khu V là đoàn gồm các cháu con em các dân tộc Tây Nguyên được chọn từ các hạt nhân phong trào văn nghệ quần chúng. Với thế mạnh là các làn điệu dân ca, dân vũ và các nhạc cụ của Tây Nguyên, đoàn được đồng bào chiến sĩ Khu V nhiệt liệt hoan nghênh. Đoàn đã vào tận Trung ương cục biểu diễn, được các đồng chí lãnh đạo mặt trận và cán bộ đồng bào, chiến sĩ ở căn cứ rất yêu thương.

Năm 1966, đoàn Tuồng bao gồm các nghệ sĩ nổi tiếng từ Nhà hát Tuồng liên Khu V như Võ Sĩ Thừa, Tư Bửu, Nguyễn Kim Hùng, Nguyễn Thị Xuân Viên đã vào chiến trường Khu V. Đầu năm 1967 đoàn về Bình Định biểu diễn, đến huyện Hoài Ân bị địch đổ trực thăng vây bắt, 13 diễn viên bị cầm tù. Các nghệ sĩ khác thoát hiểm, nhiều người sau đó được cử về Quảng Nam, Quảng Đà xây dựng các đoàn Tuồng ở địa phương và giúp đỡ dàn dựng nhiều vở diễn. Đoàn Ca múa nhạc đi đến các đơn vị quân giải phóng và vùng giải phóng biểu diễn.

Ca sĩ Thanh Đính cùng một nhóm gọn nhẹ trình diễn ở vùng sâu đồng bằng cũng như ở miền núi được nhiệt liệt hoan nghênh.

• Tiểu ban huấn học

Cuối năm 1961, các trường Đảng, trường Tuyên huấn của Khu được thành lập. Vượt qua mọi khó khăn, nhất là lương thực, thực phẩm phục vụ cho học viên, với phương châm vừa học vừa sản xuất để có cái ăn, hằng năm trường Đảng, trường Tuyên huấn Khu đều mở các khóa học đào tạo, bồi dưỡng cho lãnh đạo từ cấp huyện, tỉnh các nơi về học, mỗi khóa học đào tạo 6 tháng, bồi dưỡng 3 tháng, mỗi khóa có từ 500 - 600 học viên. Trường còn đi về các tỉnh mở lớp bồi dưỡng cho cán bộ địa phương. Trong những năm chiến tranh ác liệt, vượt qua bao thử thách, trường Đảng Khu, trường Tuyên huấn đã đào tạo, bồi dưỡng trên 6.000 cán bộ các cấp hoạt động trên các chiến trường.

•  Tiểu ban tuyên truyền

Tiểu ban tuyên truyền được xem như lực lượng xung kích bám sát các địa phương tuyên truyền đường lối cách mạng; kết hợp với Tiểu ban văn nghệ sáng tác ca dao, hò vè, truyền đơn in ấn phát hành đến các địa phương.

Phương tiện của công tác tuyên truyền trong chiến tranh chủ yếu tuyên truyền miệng. Vì vậy, cán bộ tuyên truyền phải bám sát dân, đến từng người dân để tuyên truyền, thuyết phục họ có ý chí hướng theo cách mạng. Đồng thời cũng là nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng địch kiểm soát.

• Tiểu ban giáo dục

Tiểu ban giáo dục thuộc Ban tuyên huấn Khu V được hình thành vào cuối năm 1961, trên cơ sở cán bộ giáo viên tập kết trở về.

Nhiệm vụ chính trị được giao cho Tiểu ban giáo dục trước mắt tập trung xóa nạn mù chữ và có kế hoạch đào tạo cán bộ để phát triển ngành giáo dục trong thời chiến ở Khu V.

Khi cuộc chiến tranh đặc biệt của Mỹ - Ngụy ở miền Nam bị phá sản, phong trào cách mạng ở miền Nam dưới ngọn cờ của Mặt trận giải phóng, các tổ chức Đảng đoàn thể chính trị được khôi phục, lực lượng vũ trang phát triển. Thanh niên vùng địch kiểm soát thoát ly tham gia cách mạng phần lớn chưa học hết cấp I, trách nhiệm ngành giáo dục lo xóa nạn mù chữ cho đồng bào dân tộc miền núi, bổ túc văn hóa cho cán bộ thoát ly tham gia cách mạng. Tiểu ban giáo dục đã mở nhiều lớp học bổ túc vừa làm vừa học cho cán bộ thoát ly, mở trường sư phạm đào tạo giáo viên cấp I cho đồng bằng và miền núi.

Đến năm 1964 trên địa bàn Khu V cơ bản xóa được mù chữ cho đồng bào dân tộc, đã từng bước nâng lên trình độ văn hóa cấp I, rồi cấp II cho cán bộ thoát ly. Do yêu cầu giáo viên, năm 1964 Tiểu ban giáo dục đã mở trường Trung cấp sư phạm Trung bộ để đào tạo giáo viên cho các địa phương. Nhu cầu cán bộ đòi hỏi mở một trường cấp III trên vùng căn cứ tỉnh Quảng Ngãi cho học sinh từ vùng giải phóng các tỉnh thành được chiêu mộ đến học và học sinh ở vùng địch thoát ly tham gia cách mạng học để đào tạo trở thành cán bộ.

Trong suốt những năm chiến tranh đến ngày giải phóng thống nhất đất nước, giáo dục Khu V đã xóa mù chữ, nâng lên trình độ văn hóa từ cấp I đến cấp II: 4.000 người. Đào tạo 2.000 giáo viên từ cấp I đến cấp II.

Trường cấp III có 400 học sinh theo học chương trình cấp tốc hết lớp 10 được đưa về bổ sung đội ngũ cán bộ cho các địa phương.

• Công tác hậu cần

Một đặc điểm của chiến tranh chống Mỹ ở khu V là cán bộ vừa làm chuyên môn vừa phải sản xuất tự túc để cùng đơn vị nuôi sống mình. Để đảm bảo được nhiệm vụ chuyên môn đề ra, mỗi cán bộ phải đảm bảo 50% tâm sức dành cho công tác chuyên môn, còn lại phải lo gùi cõng sản xuất đảm bảo cuộc sống. Ngoài ra, Ban Tuyên huấn Khu đã tuyển chọn một số thanh niên từ vùng địch lên thành lập lực lượng hậu cần không chỉ lo sản xuất tự túc mà còn làm nhiệm vụ vận chuyển tài liệu báo chí về các địa phương, họ còn lặn lội xuống tận vùng ven để tìm mua lương thực, thực phẩm cho cơ quan, lúc địch càn lên căn cứ họ là lực lượng chống địch.

Việc chăm lo đời sống đói no cho đơn vị đều phụ thuộc vào lực lượng hậu cần. Nguồn lương thực, thực phẩm để nuôi sống một lực lượng cán bộ, nhân viên, có lúc lên đến 1.000 người của Ban, trong chống Mỹ đã trải qua bao thăng trầm, gieo neo, vất vả. Khác với chiến trường Nam bộ còn khai thác được tiềm lực hậu cần từ Campuchia, Thái Lan vận chuyển bằng ghe xuồng, ở chiến trường Khu V, khi đường Hồ Chí Minh mới là đường mòn hàng chi viện cho Khu V chủ yếu là vũ khí, thuốc men, đến sau hiệp định Paris mới có đường xe ô tô, mới nhận được lương thực, thực phẩm chi viện. Nguồn lương thực khai thác từ vùng địch bị địch kiểm soát thường xuyên. Nguồn sản xuất tự túc thường bị rải thuốc độc không thu hoạch được, nhất là vào năm 1965 - 1970 nạn đói ăn, lạt muối thường xuyên xảy ra. Nhiều đồng chí bị sốt rét, thuốc men thiếu thốn, sức khỏe suy kiệt, lại thêm đói cơm, không có gì bồi dưỡng đã hy sinh. Những lúc như vậy đều trông cậy vào lực lượng hậu cần đi vào vùng ven, đi vào vùng địch để tìm kiếm lương thực, thực phẩm, nhiều đồng chí anh em đã hy sinh.

Nhiệm vụ xuất sắc của lực lượng hậu cần là luôn sẵn sàng phục vụ mọi công việc nặng nhọc. Hằng ngày, phải gùi cõng hàng tấn tài liệu báo chí đi phân phối các địa phương, vừa sản xuất, vừa lặn lội xuống vùng địch để tìm kiếm lương thực, thực phẩm. Lúc địch càn đến căn cứ phải vận chuyển nhà in, điện đài hàng tấn thiết bị máy móc bằng sức gùi cõng, khiêng vác, có lúc phải trực tiếp đánh địch. Bộ phận hậu cần có số lượng liệt sĩ cao nhất của Ban Tuyên huấn Khu V.

Phát huy truyền thống, phục vụ xuất sắc chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam 

Tháng 3/1975, Ban Tuyên huấn Khu V đã tập trung lực lượng phóng viên, điện ảnh, tuyên truyền bám sát các đơn vị quân đội, giải phóng đến đâu phối hợp với địa phương tiếp quản đến đó, tuyên truyền, thành lập các chính quyền cơ sở để nhanh chóng ổn định tình hình. Tin tức thắng lợi giải phóng Tây Nguyên ngày đêm liên tục phát ra Hà Nội loan truyền khắp thế giới.

Chuẩn bị cho giải phóng các tỉnh miền Trung và thành phố Đà Nẵng, Ban Tuyên huấn Khu đã sử dụng 100% lực lượng cán bộ, phiên chế thành các đội công tác tiền phương đưa về các tỉnh, thành trong toàn khu, bám theo các đơn vị quân đội tại các mặt trận. Cán bộ Tuyên huấn Khu V có mặt tại khắp các tỉnh, thành trong Khu giúp địa phương phương tiếp quản xây dựng chính quyền, quản lý vùng mới giải phóng.

Đối với thành phố Đà Nẵng, một vị trí trọng yếu được Thường vụ Khu ủy giao Ban Tuyến huấn Khu tổ chức lực lượng nhanh chóng tiếp quản cơ sở thông tin, đài phát thanh sau khi được giải phóng để tuyên truyền thông báo chính sách hòa hợp dân tộc cũng như nhanh chóng làm tan rã các tổ chức chống phá cách mạng, với hơn mười vạn sĩ quan binh lính Ngụy và các đảng phái phản động bị quân giải phóng bao vây đang lẩn tránh trong thành phố và núi Sơn Trà.

Trưa 29/3/1975 thành phố Đà Nẵng được giải phóng cũng là lúc cán bộ Tuyên huấn Khu đã có mặt tiếp quản Nha thông tin, Đài phát thanh, cán bộ Tuyên huấn Khu V kết hợp với cán bộ địa phương sử dụng các phương tiện thông tin của địch tuyên truyền ổn định tình hình trật tự trong thành phố. Riêng Đài phát thanh, chiều cùng ngày đã được tiếp quản sử dụng nhân viên kỹ thuật của chế độ cũ ở lại thực hiện tiếp sóng Đài giải phóng và đúng 10 giờ ngày 30/3/1975 buổi phát thanh đầu tiên của Ủy Ban quân quản thành phố Đà Nẵng được cất lên sau 117 năm bị đô hộ và kiên cường đấu tranh, chính quyền cách mạng thành phố Đà Nẵng tuyên bố thành phố đã quét sạch quân xâm lược.

Tự hào về truyền thống anh hùng của Ban Tuyên huấn Khu V

Nhìn lại những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ hy sinh, những chiến sĩ trong đội quân chính trị tư tưởng của Khu ủy V và mỗi chúng ta luôn tự hào về những trải nghiệm và cống hiến của đơn vị anh hùng này.

Riêng với mỗi chiến sĩ trong đội quân chính trị tư tưởng của Khu ủy V, điều đầu tiên đáng nhớ với họ là Khu ủy V, cơ quan lãnh đạo một chiến trường ác liệt vào bậc nhất đã luôn luôn khẳng định vai trò của công tác chính trị tư tưởng.

Khi ồ ạt đổ quân vào miền Nam, Mỹ là siêu cường số một sức mạnh kinh tế kỹ thuật, sức mạnh quân sự hơn ta nhiều lần. Khu ủy Khu V chủ trương làm cho nhân dân thấy rõ chỗ mạnh, chỗ yếu của địch, thế mạnh của ta, của cách đánh Việt Nam, của chiến tranh nhân dân, tư tưởng phải tuyên truyền giáo dục sâu sắc ý chí không sợ Mỹ, dám đánh, quyết thắng Mỹ, "Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ", "Không có gì quý hơn độc lập tự do", từ đó dấy lên phong trào "Tìm Mỹ mà đánh, lùng Ngụy mà diệt", "Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh", "Không sợ Mỹ vào đông chỉ sợ không có Mỹ mà đánh" và lập các vành đai diệt Mỹ.

Sau Mậu Thân 1968 ta tổn thất nhiều. Công tác tư tưởng đã phân tích rõ dù không đạt hai mục tiêu lớn, nhưng chiến dịch đã đè bẹp ý chí xâm lược của Mỹ. Mỹ thừa nhận chúng có thể đưa thêm quân vào, nhưng không xoay chuyển được tình thế mà sẽ thất bại thảm hại, nên Mỹ phải xuống thang, từng bước rút quân và chấp nhận đàm phán bốn bên ở Paris. Đó là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược.

Để công tác tư tưởng chính trị có hiệu quả thiết thực, Khu ủy V luôn chăm lo bồi dưỡng đào tạo đội ngũ cán bộ tuyên huấn, khuyến khích anh em đi ra phía trước. Thời kỳ đó, mỗi cán bộ, chiến sỹ của Ban Tuyên huấn Khu V thường chỉ có dưới 50% ở cơ quan nơi hậu cứ, còn đều tha thiết mong muốn được đi ra phía trước đến các vùng ven, vùng địch kiểm soát, có khi lọt vào thành phố dù biết đó có đi không về. Với người này là để trải nghiệm và tích lũy vốn sống viết tin bài, thai nghén tác phẩm, với người khác là tham gia như một cán bộ địa phương trong đội công tác chỉ đạo để rút kinh nghiệm.

Chính từ thực tiễn công tác, mỗi cán bộ, chiến sỹ thuộc Ban Tuyên huấn Khu V trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã tìm ra lời đáp cho nhiều câu hỏi của cuộc chiến. Ngày ấy thực tiễn chiến đấu đòi hỏi mỗi chiến sỹ phải công tác theo phương thức ba bám "Dân bám đất, Đảng bám dân, du kích bám địch" (về sau thêm một bám nữa là trên bám dưới). Chính nhờ Đảng bám dân, được dân chở che nuôi nấng giúp đỡ mà đơn vị có sức mạnh to lớn vượt qua mọi khó khăn thử thách.

Bởi tất cả mọi hoạt động của cách mạng miền Nam từ thực hiện hai chân ba mũi, diệt ác phá kềm, chống bình định nông thôn đến đòi dân sinh dân chủ chống đàn áp Phật giáo, đến nổi dậy làm chủ Đà Nẵng 76 ngày mùa xuân 1966... rồi đến đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris... đều là hoạt động yêu nước cách mạng của đông đảo người dân được vận động tổ chức thông qua công tác tư tưởng.

Để đường lối Cách mạng, chủ trương, chính sách của Đảng và Mặt trận đi vào lòng dân, trở thành sức mạnh tinh thần của dân, Khu ủy V luôn yêu cầu và bồi dưỡng tinh thần kiên trì vượt khó và có phương pháp công tác phong phú sáng tạo.

Trong điều kiện chiến tranh tuyên truyền miệng luôn là phương thức chủ yếu nhưng các hình thức khác như thơ ca, hò vè, các vở diễn và tiết mục văn nghệ, các tác phẩm hội họa, từ hoạt động của đội loa binh vận đến việc khuyến khích người dân nghe đài Hà Nội, Đài giải phóng đều được tận dụng phát huy từ công tác tuyên truyền.

Cần nói thêm vài điều về vùng núi phía tây Quảng Nam là căn cứ cách mạng của các cơ quan của Khu ủy V suốt thời kỳ chống Mỹ.

Căn cứ địa của các cơ quan Khu ủy V ở miền núi phía tây tỉnh Quảng Nam. Đây là một phần của dãy Trường Sơn hùng vĩ, có ngọn Ngọc Linh cao 2.600m, địa hình hiểm trở vực sâu tiếp dốc đứng, vùng căn cứ là nơi sinh sống của nhiều dân tộc ít người.

Đây là cộng đồng các dân tộc trung kiên chí cốt với cách mạng. Họ chưa hề bị khuất phục ách thống trị của thực dân. Đặt căn cứ ở đây anh em chúng tôi được bà con nuôi nấng, chở che. Họ trồng tỉa đến mùa thu hoạch chỉ giữ lại một ít lúa giống và lương thực cho người già và trẻ nhỏ, còn tất cả còn lại để nuôi quân. Những kho gạo muối của Bác Hồ ở rừng luôn được bảo vệ cẩn mật, dù đói cơm lạt muối họ vẫn ăn sắn ăn rau không động đến dù chỉ là một chút, chỉ để dành cho cách mạng. Khi có yêu cầu động viên thì họ hăng hái tham gia. Nhiều chị bồng con phía trước gùi đạn trên lưng, nhiều mẹ 70, 80 vẫn đi dân công cả tháng...

Đặc biệt họ là những người bảo vệ căn cứ tuyệt vời, không một phần tử thù địch nào xâm nhập được, không một hành động chống phá nào qua được mắt đồng bào.

Căn cứ địa của Khu ủy V ở vùng núi phía tây Quảng Nam có địa thế hiểm trở, lòng dân kiên trung khiến kẻ thù từ Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu và quan thầy của chúng biết căn cứ đóng ở vùng này muốn tấn công tiêu diệt cũng không dám mạo hiểm vì biết đây là nơi có đi không về. Nhưng chúng luôn tìm cách đánh phá bằng chất độc hóa học, bằng phi pháo, kể cả B52 và thả những nhóm biệt kích lùng sục.

Anh em cán bộ, chiến sỹ Ban Tuyên huấn Khu V nhiều người đã ở trong vùng chúng thả chất độc da cam, có người vì không có sự lựa chọn nào khác, đã phải ăn sắn bắp nhiễm chất độc. Nhiều người là nạn nhân chất độc da cam, hiện nay có người thế hệ con cháu đều mang di chứng chất độc quái ác đó trong cuộc sống đau đớn đến tột cùng.

Giờ đây mỗi người cán bộ của Khu ủy V và nói riêng anh em cán bộ Tuyên huấn đã sống những ngày tháng trăm ơn, ngàn nghĩa, vạn tình với đồng bào các dân tộc, vì thế luôn mong muốn Đảng và Nhà nước có chế độ chính sách phát triển vùng miền núi thật tốt để không ngừng nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc, đền đáp công ơn trời biển của đồng bào.

Kết thúc chiến tranh tháng 4/1975, Ban Tuyên huấn khu V có 1.098 cán bộ, trong đó hy sinh trên chiến trường 128 đồng chí, bị thương 193 đồng chí, nhiễm chất độc da cam 19 đồng chí, bị bắt cầm tù 12 đồng chí, qua đời từ sau ngày hòa bình đến nay 68 đồng chí, trong đó có 16 đồng chí cán bộ lãnh đạo Ban.

Tháng 6/1976 Khu ủy Khu V có quyết định của Bộ Chính trị giải thể sau khi đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Ban Tuyên huấn Khu V giải thể, cán bộ đủ điều kiện công tác được bố trí về các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Một số đồng chí còn trẻ tuổi được đi học để đào tạo phát triển. Từ đó, Ban liên lạc cán bộ Tuyên huấn Khu V được hình thành với mục đích giữ mối liên hệ từng đồng chí, đồng đội động viên nhau tiếp tục giữ vững ý chí, phẩm chất cách mạng của một thời chinh chiến, tiếp tục phát huy trong môi trường hòa bình, xây dựng đất nước.

Nhìn chung mục đích đó đã được phát huy, nhiều đồng chí là nhà văn, nhà báo, cán bộ lý luận, quản lý... trở thành những cán bộ cốt cán ở nhiều lĩnh vực, có đồng chí nguyên là công nhân nhà in sau nhiều năm rèn luyện và trưởng thành trong chiến tranh, trong hòa bình đã được tín nhiệm giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy.

Hơn 43 năm qua, mặc dù không còn cơ quan đơn vị, nhưng trong lòng mỗi cán bộ Ban Tuyên huấn Khu V vẫn mang trong mình một ước mong được Đảng, Nhà nước xem xét ghi nhận những thành tích trên mặt trận tư tưởng của chiến trường chống Mỹ tại Khu V.

Niềm mong ước bấy lâu nay đã thành hiện thực, vào ngày 26/4/2018, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định 632/QĐ-CTN, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước./.

Nguồn: Ban liên lạc Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất