Thứ Ba, 9/7/2013 19:24'(GMT+7)
Bằng chứng thép về chủ quyền biển đảo của VN
Hàng trăm tấm bản đồ, tư liệu… về chủ quyền của
Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được trưng bày tại Hà Nội thêm
một lần nữa khẳng định chúng ta có đủ cơ sở pháp lý, lịch sử để chứng
minh quyền làm chủ tại các quần đảo này.
Bằng chứng thép
Tại khai mạc triển lãm "Bản đồ và tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt
Nam-Những bằng chứng lịch sử" diễn ra sáng nay ở Bảo tàng Lịch sử Quân
sự Việt Nam (28A Điện Biên Phủ, Hà Nội), Cục trưởng Cục Thông tin đối
ngoại (Bộ Thông tin và Truyền Thông) Lê Văn Nghiêm cho hay, ban tổ chức
đã đem đến đây gần 150 tấm bản đồ, văn bản, hiện vật và ấn phẩm. Đó là
nguồn tư liệu của các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế và
là bằng chứng lịch sử và pháp lý chứng minh quyền của Việt Nam đối với
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông.
Để tiện cho khách thăm quan, khu vực triển lãm được bài trí một cách
khoa học. Các nhóm tư liệu được trưng bày gồm phiên bản của các văn bản
Hán Nôm, Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam ban hành
từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX; 95 bản đồ chứng minh chủ quyền Việt
Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Việt Nam, phương Tây và
Trung Quốc công bố từ thế kỷ XVI đến nay; hình ảnh, tư liệu về hoạt động
kinh tế, văn hóa và xã hội của Hoàng Sa và Trường Sa trong thời gian
gần đây…
Đặc biệt, khách đến thăm quan triển lãm còn được tận mắt thấy ba cuốn
Atlas (tập bản đồ chính thức) do nhà nước Trung Quốc xuất bản năm 1908,
1919 và 1933. Các Atlas này là sản phẩm của chương trình thiết lập bản
đồ bưu chính do nhà Thanh đề ra vào năm 1906 và được chính phủ Trung
Hoa dân quốc kế tục và các năm sau đó. Bản đồ được thiết lập chi tiết ở
từng tỉnh, thể hiện các con đường vận chuyển thư từ, công văn… Và, nơi
nào không thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì không được thể hiện.
Trong các Atlas này, cực Nam của Trung Quốc luôn chỉ giới hạn đến đảo
Hải Nam mà không hề nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó, những
bản đồ, văn bản cổ của Việt Nam lại thể hiện rất rõ chủ quyền với hai
quần đảo này.
Không thể chối cãi
Về mặt sử học, giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa
học lịch sử Việt Nam, cho biết sau khi kết thúc 1.000 năm đô hộ của
phương Bắc, các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn từng bước mở rộng lãnh thổ
xuống phía nam. Năm 1940, vua Lê Thánh Tông cho hoàn thành bộ Hồng Đức
bản đồ, có vùng duyên hải chạy dài đến núi Thạch Bi (Khánh Hòa) và biển,
đảo tỏa ra khắp Đông Hải (Biển Đông). Gữa Biển Đông có một địa danh mới
được đánh dấu là Bãi Cát Vàng.
Tiếp đó, đến đầu thế kỷ XVII, chúa Nguyễn Phúc Nguyên mở rộng lãnh thổ
xuống miền Đông Nam Bộ, đặt ra đội Hoàng Sa khai thác và quản lý khu vực
Bãi Cát Vàng. Cuối thế kỷ XVII, chúa Nguyễn Phúc Chu chính thức xác lập
quyền quản lý về mặt nhà nước đối với miền Đông Nam Bộ và tiến ra chiếm
lĩnh khu vực Nam Biển Đông. Tới năm 1711, chúa Nguyễn Phúc Chu giao cho
Mạc Cửu tổ chức khảo sát, đo vẽ và quản lý Trường Sa hải chử (tức quần
đảo Trường Sa ngày nay).
Những bản đồ cổ chứng minh chủ quyền của Việt Nam với Trường Sa, Hoàng Sa. (Ảnh: T.H/Vietnam+)
Vẫn theo Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, vua Gia Long khi lập ra vương triều
Nguyễn đã tái lập các đội Hoàng Sa, Bắc Hải, liên tục thăm dò đường
biển, thực thi chủ quyền một cách kiên quyết và đồng bộ. Đến đầu thập kỷ
20 của thế kỷ XIX, các đội này được tích hợp vào đội Thủy quân của
triều đình Minh Mệnh, hoạt động trên toàn tuyến biển đảo của Việt Nam.
Với sự cai trị của mình, vua Minh Mệnh đã đưa hoạt động chủ quyền ở
Trường Sa, Hoàng Sa lên đỉnh cao nhất với các biện pháp như kiểm tra,
kiểm soát, khai thác hóa vật-hải sản, thu thuế, cứu hộ tàu bị nạn, khảo
sát đo vẽ bản đồ, dựng miếu thờ, lập bia chủ quyền… Mỗi chuyến đi ra
Trường Sa, Hoàng Sa đều có quyết định của triều đình…
Bước sang các đời vua Thiệu Trị, Tự Đức, các hoạt động chủ quyền không
được duy trì thường xuyên như trước, nhất là trong hoàn cảnh đất nước
không giữ được độc lập.
Giáo sư Ngọc cho hay, năm 1909, lợi dụng hoàn cảnh Việt Nam bị mất chủ
quyền vào tay thực dân Pháp và Pháp chưa quan tâm đến Trường Sa, Hoàng
Sa, Trung Quốc lần đầu tiên cho người ra Hoàng Sa, tự nhận có công “phát
hiện” và đã tùy tiện đặt tên mới cho đảo.
Theo ông Lê Văn Nghiêm, bộ tư liệu trưng bày ngày hôm nay chỉ là đại
diện cho toàn bộ các nguồn tư liệu đã tập hợp được. Ban tổ chức chỉ tập
trung vào giai đoạn trưng bày tư liệu từ đầu thế kỷ XVII đến cuối thế
kỷ XIX là thời kỳ Việt Nam khẳng định và thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa
và Trường Sa một cách trọn vẹn trong hòa bình. Tuy nhiên, ban tổ chức
cũng giới thiệu một phần nhỏ các tư liệu trước và sau khoảng thời gian
đó để làm cơ sở giúp người xem hiểu rõ ngọn nguồn lịch sử chủ quyền Việt
Nam.
Cũng theo lời lãnh đạo Cục Thông tin đối ngoại, sau khi triển lãm tại Hà
Nội, những tư liệu này sẽ được trưng bày tại Thành phố Hồ Chí Minh vào
tháng Tám tới. Sau đó, Cục Thông tin đối ngoại sẽ có kế hoạch tập hợp,
thẩm định và hoàn chỉnh tư liệu để xây dựng bộ tư liệu mềm (tư liệu điện
tử), giới thiệu tới các địa phương, đưa lên mạng Internet./.
Theo Vietnam+