Thôi “trả đũa” để có hòa bình
Nga đã đề xuất cùng U-crai-na đàm phán để tháo gỡ những hạn chế hiện nay đối với các chuyến bay trực tiếp và quá cảnh của các hãng hàng không hai nước. Đề xuất trên được đại diện Cơ quan Hàng không Nga đưa ra ngày 23-10 trong khuôn khổ các cuộc đàm phán với phía U-crai-na tại Brúc-xen (Bỉ). Tại cuộc đàm phán, phía Nga đã đề xuất không cần chờ tới ngày 25-10 tới (thời điểm lệnh cấm một số hãng hàng không của Nga và U-crai-na bay qua không phận của nhau có hiệu lực), hai bên cần tháo gỡ tất cả mọi hạn chế đối với các chuyến bay trực tiếp và quá cảnh của nhau. Cụ thể, chính quyền U-crai-na không áp dụng các biện pháp như theo dõi phi hành đoàn, khám xét khoang máy bay, hay phạt các hãng hàng không Nga thực hiện các chuyến bay tới Crưm. Như hồi cuối tháng 9 vừa qua, chính quyền U-crai-na và Nga đã tuyên bố lệnh cấm với một loạt hãng hàng không của hai bên khi bay qua không phận của nhau.
Ngoài việc tháo gỡ những hạn chế đối với các chuyến bay trực tiếp, theo kế hoạch, giai đoạn hai quá trình rút vũ khí đối với những loại vũ khí có cỡ nòng dưới 100mm cũng đã bắt đầu thực thi. Ngày 20-10, lực lượng đòi độc lập tại hai tỉnh Lu-gan-xcơ (Lugansk) và Đô-nhét-xcơ cũng như quân đội chính phủ U-crai-na bắt đầu rút vũ khí dưới 100 mm khỏi khu vực chiến tuyến. Người phát ngôn chiến dịch quân sự tại miền Đông của quân đội U-crai-na, ông R.Tơ-ca-trúc (Ruslan Tkachuk) cho biết Phái bộ giám sát chung của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã hoàn tất việc xác minh số vũ khí mà quân đội đã rút tại Lu-gan-xcơ. Ông R.Tơ-ca-trúc cũng cho biết tại khu vực này không ghi nhận sự vi phạm ngừng bắn nào.
Trong lĩnh vực kinh tế, Tập đoàn Gazprom của Nga nối lại nguồn cung khí đốt cho U-crai-na ngay sau khi Mát-xcơ-va nhận được 234 triệu USD tiền trả trước của Ki-ép để mua 2 tỷ mét khối khí đốt trong tháng 10. Theo Tổng Giám đốc Gazprom A-lếch-xây Min-lơ (Alexei Miller), Nga đã chính thức cung cấp khí đốt cho U-crai-na từ ngày 12-10.
Thắng lợi trước mắt và thách thức lâu dài
Có thể thấy rõ, sau một năm "đóng băng" quan hệ do xung đột tại miền Đông U-crai-na đang bắt đầu được cải thiện. Ngày 2-10, kết thúc Hội nghị thượng đỉnh tại Pa-ri (Pháp), Nhóm "Bộ tứ Normandy" gồm Đức, Pháp, Nga, U-crai-na đã đạt được thỏa thuận, theo đó các bên xung đột tại U-crai-na, gồm chính quyền Ki-ép và hai Cộng hòa nhân dân tự xưng Đô-nhét-xcơ và Lu-gan-xcơ đã tuyên bố rút vũ khí hạng nhẹ. Tuy không ký kết được văn kiện chính thức nào song Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken (Angela Merkel) đánh giá "Bộ tứ Normandy" hoàn toàn có thể hài lòng với kết quả của hội nghị, bà Méc-ken khẳng định con đường thực hiện thỏa thuận Min-xcơ sẽ còn nhiều gian nan, nhưng việc các bên tiếp tục ngồi lại với nhau và thảo luận đã là một kết quả tích cực.
Những dấu hiệu “tan băng” tại U-crai-na xuất hiện từ tháng 9 vừa qua. Mở đầu là lệnh ngừng bắn một tuần trùng với thời điểm bắt đầu năm học mới. Thay vì một tuần như dự kiến, lệnh ngừng bắn này được duy trì trong 5 tuần, với việc hầu như không có vụ vi phạm hay vụ thương vong nào. Sự yên ắng trên chiến trường đã tạo đà cho những nỗ lực thực thi thỏa thuận Min-xcơ ở cấp độ chiến thuật, với hành động cụ thể là từ ngày 4-10 các lực lượng U-crai-na rút vũ khí hạng nặng ra khỏi chiến tuyến. Đổi lại, lực lượng ly khai cũng bắt đầu rút vũ khí hạng nặng. Tiếp đó, ngày 6-10 các đại diện của Đô-nhét-xcơ và Lu-gan-xcơ tuyên bố sẽ lùi cuộc bầu cử địa phương tới năm 2016. Trong diễn biến liên quan, ngày 19-10, Tiểu ban chính trị của Nhóm Tiếp xúc ba bên về khủng hoảng U-crai-na (gồm đại diện Nga, U-crai-na và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông U-crai-na) đã nhóm họp tại thủ đô Min-xcơ của Bê-la-rút. Nội dung chính của cuộc họp tiểu ban chính trị là quy chế và lộ trình cho các cuộc đàm phán, cũng như các phương thức tiến hành bầu cử.
Sau những gì đã diễn ra tại miền Đông U-crai-na, cho dù không nhiều người U-crai-na thực sự tin vào khả năng tồn tại của các cam kết này, nhất là bởi sự đổ vỡ chóng vánh của thỏa thuận trước đó, nhưng đa số các chuyên gia đồng tình với quan điểm cho rằng những thỏa thuận thông qua con đường ngoại giao mà các bên đã đạt được đã cho thấy những nỗ lực “phá băng” từ tất cả các phía. Ví dụ như việc ngừng bắn có hiệu lực chính là nhờ việc Quốc hội U-crai-na đã thông qua dự thảo sửa đổi bổ sung hiến pháp, theo đó trao quyền tự trị nhiều hơn cho các vùng lãnh thổ mà quân nổi dậy kiểm soát.
Khoảng thời gian bình yên dù là ít ỏi cũng giúp người dân hy vọng vào tương lai tốt đẹp. Công tác tái thiết và sửa chữa đã bắt đầu diễn ra tại nhiều khu công nghiệp và cơ sở hạ tầng của U-crai-na; nhiều người di cư đang bắt đầu trở về nhà. Báo Độc lập (Nga) từ Ki-ép dẫn kết quả một cuộc khảo sát mới đây do Viện Xã hội học Quốc tế Ki-ép (KIIS) tiến hành cho thấy, trong 6 tháng qua, thái độ của người dân U-crai-na đối với Nga đã được cải thiện. Tất nhiên, đây chỉ là bước đầu. Tất các các bên ở U-crai-na cũng như Nga cần những kế hoạch mang tầm chiến lược và thực chất hơn. Bởi theo một số chuyên gia, thù địch và giao tranh tại miền đông U-crai-na có thể sẽ lại tiếp diễn ngay sau khi diễn ra các cuộc bầu cử ở Đô-nhét-xcơ và Lu-gan-xcơ diễn ra mà các bên không có kết quả như ý, vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11.
Cốt lõi của cuộc khủng hoảng tại U-crai-na là tranh chấp về địa chính trị. Nga và Mỹ, những bên có lợi ích ở U-crai-na đều có lý lẽ riêng khi bảo vệ lợi ích của mình. U-crai-na là láng giềng truyền thống của Nga. Nếu U-crai-na hội nhập sâu hơn về kinh tế, chính trị với Liên minh châu Âu, hợp tác chặt chẽ hơn với NATO về quân sự, Nga sẽ đặc biệt lo ngại. Xem ra, U-crai-na vẫn phải vượt qua rất nhiều chông gai để cân bằng tất cả các bên và có hòa bình thực sự.
Theo
QĐND