Thứ Hai, 25/11/2024
Cuộc sống số
Thứ Tư, 24/5/2017 21:1'(GMT+7)

Banking Vietnam 2017: Số hóa ngân hàng là xu thế tất yếu

Thực trạng và cơ hội cho ngân hàng số

Kết quả điều tra đến năm 2014 của Ngân hàng Thế giới về mức độ tiếp cận dịch vụ của người dân Việt Nam cho thấy tỉ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng là 31%. Còn theo bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, tính toán của Ngân hàng Nhà nước đến năm 2016 cho hay con số này đã xấp xỉ 40%. Sự chênh lệch lớn này không hẳn phản ánh mức độ tăng trưởng về số người tiếp cận dịch vụ ngân hàng bởi khả năng có khác biệt về cách thức tính toán.

Nhưng cho dù căn cứ vào con số lạc quan hơn từ Ngân hàng Nhà nước thì tỉ lệ người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng vẫn còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Năm 2014, tỉ lệ này ở Trung Quốc và Thái Lan là 78%, Malaysia là 81% và Ấn Độ là 53%.

Những “khập khiễng” trên con đường tiến tới cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện cho mọi đối tượng tại Việt Nam đã được chỉ ra bằng nhiều con số không thể xác thực hơn. Theo TS. Cấn Văn Lực, cố vấn cao cấp HĐQT ngân hàng BIDV, các tổ chức tài chính vi mô đang giữ vai trò quá khiêm tốn trong hệ thống. “Tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) chỉ mới chiếm 22% tổng dư nợ hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, SMEs lại chiếm 97% số lượng doanh nghiệp cả nước, đóng góp 77% việc làm và 41% GDP”, TS. Lực nói.

Ngoài ra, tính chung thì tỉ lệ chi nhánh ngân hàng của Việt Nam trên 100.000 dân vẫn ở mức thấp. Đáng chú ý là phân bổ không đồng đều, chủ yếu thành thị, rất ít ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, chính tỉ lệ mới gần 40% dân số có tài khoản, hơn 60% người dân đang sống ở nông thôn và chỉ 21% trong đó có tài khoản thanh toán, nhưng tỉ lệ người dân tiếp cận thiết bị di động thông minh và có sử dụng internet khá cao so với thế giới lại đang tạo ra cơ hội lớn cho những “tay chơi” tham gia cung cấp dịch vụ tài chính-ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng số.

Khi công nghệ số đóng “vai chính”

Câu hỏi là tại sao cần quan tâm đến tài chính toàn diện, câu trả lời đơn giản nhất là nhờ có tài chính toàn diện mà hệ thống tín dụng đen sẽ giảm đi!

Vậy ai có thể là nhân tố quan trọng góp phần thay đổi cục diện hiện nay của hệ thống tài chính? Câu trả lời có thể là các “tay chơi” Fintech - các công ty công nghệ chuyên kinh doanh dịch vụ tài chính số. Đây là xu thế tất yếu của thế giới bởi với lợi thế đột phá về công nghệ, về tiết kiệm chi phí quản lý và chi phí giao dịch, dịch vụ tài chính số có khả năng “phủ sóng” xa hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn cách mở rộng hệ thống điểm giao dịch vật lý của ngân hàng hiện nay.

Theo khảo sát của Nhà tư vấn nổi tiếng Baker & Mc Kenzi, Fintech có thể giúp giảm 80-90% chi phí hoạt động so với việc cung cấp dịch vụ tương tự của ngân hàng truyền thống. Không chỉ hỗ trợ đắc lực trong việc đa dạng hóa kênh phân phối, sản phẩm dịch vụ, mà các dịch vụ tài chính số còn có thể giúp cho nền kinh tế thế giới tăng khoảng 3.700 tỷ USD trong khoảng 7 năm tới, tức tăng thêm khoảng 3,5% GDP cho toàn cầu.

Hãy cùng xem điển hình ứng dụng triệt để công nghệ ngân hàng số tại Việt Nam với TPBank. Là ngân hàng "sinh sau, đẻ muộn" và rất khó phát triển hệ thống mạng lưới giao dịch vật lý vì vướng quy định của Ngân hàng Nhà nước là “một ngân hàng không được mở quá 5 chi nhánh mỗi năm”. Như vậy nếu muốn đạt đến 100 chi nhánh như quy mô của một ngân hàng trung bình tại Việt Nam thì TPBank cần đến 20 năm. “Lúc đó không biết các ngân hàng khác đã đi tới đâu rồi”, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc của TPBank lý giải về áp lực buộc ngân hàng này phải tìm kiếm con đường phát triển thông qua công nghệ.

Thực tế hoạt động tại TPBank cho thấy 2/3 lượng giao dịch tại đây đều xuất phát từ kênh điện tử, chỉ còn 1/3 đến từ kênh truyền thống - tức quầy giao dịch. Đáng chú ý, chi phí cho một giao dịch điện tử chỉ bằng khoảng 1/10 so với chi phí cho một giao dịch truyền thống tương tự.

Để đuổi kịp bánh xe lịch sử

Cũng theo người đại diện TPBank, hiện ngân hàng vẫn chưa thể loại bỏ hoàn toàn chứng từ trên giấy bởi đơn giản là “chưa có quy định nên chúng tôi vẫn phải làm theo theo cách cũ, tức từ công nghệ số hóa ấy vẫn có những dịch vụ chúng tôi phải in ra giấy để khách hàng ký vào, xong scan vào hệ thống, rồi thu tờ giấy ấy lại để lưu trữ”, Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng giải thích về những rối rắm khi ngân hàng phải “tích hợp” các quy định về chứng từ bằng giấy với công nghệ ngân hàng số hiện nay.

Vậy làm sao để đuổi kịp bánh xe lịch sử của công nghệ số? Nhiều chuyên gia tại Banking Vietnam 2017 tin rằng đó là cả một hành trình lớn. Trong đó có sự hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng tài chính và nâng cao khả năng giám sát của cơ quan quản lý.

Ngoài ra, thách thức hiện nay là làm sao chứng minh được lợi ích kinh tế cụ thể của khoản đầu tư cho công nghệ với các ông chủ ngân hàng. Khi xúc tiến ngân hàng số, một nhà cho vay cũng sẽ phải thay đổi rất nhiều quy trình giao dịch, quy chế về quản trị rủi ro, văn hóa kinh doanh v.v. Đó là chưa nói kiến thức về tài chính ngân hàng của người dùng rất quan trọng.

Những sự cố khách hàng vô tình để lộ thông tin cá nhân khiến ngân hàng gặp rủi ro, rồi phát sinh tranh chấp cũng không phải là ít. Vì vậy sự  đồng bộ trong tiến lên tài chính toàn diện thông qua ứng dụng tối đa công nghệ không chỉ đến từ phía bản thân các ngân hàng, các công ty Fintech hay người quản lý hệ thống ngân hàng mà còn cần sự vào cuộc của cả hệ thống truyền thông để “huấn luyện” người tiêu dùng.

Hiện, Việt Nam mới cấp phép hoạt động cho khoảng 20 công ty Fintech, còn ở Trung Quốc, con số này đã là 2.000 công ty./.

Theo chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất