Thứ Bảy, 27/7/2024
Chung sức phòng chống thiên tai
Thứ Ba, 9/11/2021 9:5'(GMT+7)

Bảo đảm an toàn các hồ chứa thủy điện trước mùa mưa bão tại các tỉnh miền Trung

Các hồ thủy điện khu vực miền Trung điều tiết nước tăng dung tích phòng lũ. (Ảnh: TA)

Các hồ thủy điện khu vực miền Trung điều tiết nước tăng dung tích phòng lũ. (Ảnh: TA)

Theo số liệu của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, từ mùng 7 đến 9/11, khu vực Trung Bộ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-200 mm, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. 

Dự báo, từ ngày 9 đến 14/11, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, phía bắc Quảng Nam và Khánh Hòa có mưa phổ biến 200-350 mm, có nơi trên 400 mm; khu vực từ phía nam Quảng Nam đến Phú Yên mưa phổ biến 350-650 mm, có nơi trên 800 mm. 

Từ ngày 15/11, mưa lớn ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa còn diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Tính đến sáng nay, 9/11 có 17 hồ thủy điện khu vực miền Trung đang điều tiết qua tràn.

Trong thời gian qua, đặc biệt trong tháng 10 năm 2020 do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, khu vực miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Quảng Quảng Ngãi) bị ảnh hưởng liên tiếp của bão và ấp thấp nhiệt đới đã gây ra những đợt mưa lớn kéo dài, tổng lượng mưa phổ biến trên 1000 mm. Riêng tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế lượng mưa đạt tới 2.500 mm vượt lũ lịch sử năm 1999. Một số trạm mưa đặc biệt lớn như: Hướng Linh (Quảng Trị): 3.337 mm, Bạch Mã (Thừa Thiên Huế): 3.025 mm. Mưa đặc biệt lớn và kéo dài là nguyên nhân chính đã gây nên lũ lớn, ngập lụt trên diện rộng nhiều khu vực tại các tỉnh miền Trung làm thiệt hại rất lớn về người và tài sản của nhân dân, cũng như các công trình hạ tầng trong khu vực. Tuy nhiên, các hồ thủy điện đã vận hành an toàn và tuân thủ quy trình vận hành (liên hồ, đơn hồ) được cấp thẩm quyền phê duyệt, không gây tác động bất lợi cho hạ du. Đặc biệt, một số hồ thủy điện lớn đã cắt, giảm lũ cho hạ du với lưu lượng xả qua công trình/Lưu lượng đỉnh lũ về hồ như sau: Quảng Trị là 1.130/1.426 m3/s; Hương Điền là 2.500/4.552 m3/s; Bình Điền là 1.873/3.248 m3/s; Sông Bung 4 là 1.379/2.406 m3/s; Sông Tranh 2 là 1.501/1.884,8 m3/s. Đặc biệt do ảnh hưởng của bão số 9, ngày 28/10/2020 hồ Đăk Mi 4 đã cắt được trận lũ rất lớn với lưu lượng đỉnh lũ 15.571,47 m3/s về hồ và lưu lượng qua tràn 7.070 m3/s (cắt được 55%).

Đại diện Ban An toàn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện nay các hồ chứa thủy điện khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng mưa lớn đều đang thực hiện theo đúng quy định tại quy trình vận hành liên hồ chứa và đơn hồ chứa, dung tích phòng lũ các hồ còn khoảng 470 triệu m3. Hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối đang vận hành bình thường.

EVN kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tập trung chỉ đạo chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với ngành điện trong việc vận động người dân chặt tỉa cây xanh, phát quang hành lang tuyến đường dây trong đô thị, đồng thời phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn, cảnh báo người dân sử dụng điện an toàn trong mùa mưa bão, nhất là việc kiểm tra các thiết bị sử dụng điện trong quá trình khôi phục cấp điện trở lại sau bão, hoặc khu vực ngập sâu trước khi sử dụng lại.

Trong cuộc họp trực tuyến sáng nay, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị EVN tiếp tục chú trọng đảm bảo vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện trong khu vực; tiếp tục cảnh báo hạ du khi hồ chứa thủy điện điều tiết lũ, đảm bảo vận hành an toàn lưới điện trước, trong, sau khi mưa lũ. EVN chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tuyên truyền sử dụng điện an toàn cho người dân khi nước lũ rút.

Trong thời gian tới để vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện, góp phần giảm nhẹ ảnh hưởng thiên tai cần làm tốt các nhiệm vụ và giải pháp sau:

a) Đối với các đơn vị quản lý vận hành các hồ chứa thủy điện

- Thực hiện nghiêm các yêu cầu của Quy trình liên hồ và Quy trình đơn hồ đã được phê duyệt; tuân thủ và vận hành theo các mực nước khống chế trong Quy trình như mực nước trước lũ, đón lũ, mực nước an toàn công trình và mực nước tối thiểu tại các thời điểm; Chủ động rà soát điều chỉnh, bổ sung các nội dung chưa hợp lý trong QTVH đảm bảo phù hợp với pháp luật hiện hành, điều kiện thủy văn, địa hình, hành lang thoát lũ, dân sinh, kinh tế...vùng hạ du trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Quan trắc, thu thập thông tin KTTV chuyên dùng phục vụ vận hành hồ chứa theo đúng quy định.
- Hoàn thiện lắp đặt hệ thống giám sát vận hành theo quy định tại Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT ngày 07 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

- Rà soát, bảo dưỡng, lắp đặt bổ sung hệ thống cảnh báo vận hành điều tiết hồ chứa.

- Công tác phối hợp với chính quyền địa phương trước hết phải xây dựng Quy chế phối hợp theo quy định tại QTVH liên hồ và đơn hồ, thống nhất với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của tỉnh và các cơ quan đơn vị liên quan để thực hiện, trong đó cần lưu ý thể hiện chi tiết, rõ ràng các nội dung: Phương thức thông báo, cảnh báo khi vận hành; thông tin, số liệu vận hành hồ; chế độ quan trắc, cảnh báo, dự báo; thông tin số liệu mực nước tại trạm thủy văn; việc ra lệnh và thực hiện lệnh vận hành hồ; trách nhiệm, yêu cầu phối hợp giữa các cơ quan; các phương án vận hành phù hợp với điều kiện thực tế; phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp. Vì vậy để đảm bảo an toàn trong công tác vận hành, điều tiết các hồ thủy điện tránh thiệt hại cho vùng hạ du thì công tác này hết sức quan trọng và cần rà soát bổ sung cho phù hợp trước mùa mưa bão hàng năm và thống nhất triển khai thực hiện.

- Nâng cao chất lượng truyền hình ảnh camera giám sát việc xả nước và truyền tín hiệu hình ảnh có chất lượng cao, có thể nhìn thấy được: các cột thuỷ chí thượng và hạ du đập, cửa van cung, đập tràn ..., truyền tín hiệu về các cơ quan liên quan; phối hợp, hỗ trợ tăng cường tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ các cấp về vận hành hồ chứa nước cũng như cộng đồng dân cư vùng hạ du; tham gia diễn tập ứng phó sự cố hồ chứa nước.

- Xây dựng và thực hiện chế độ quan trắc, tính toán dự báo theo quy định tại QTVH liên hồ, đơn hồ; Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi; Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; Nghị định 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn.

- Chủ động tuyên truyền, giải thích và thông báo việc vận hành hồ chứa trước và trong quá trình vận hành theo quy định.

- Phối hợp địa phương giải quyết dứt điểm hiện tượng vi phạm hành lang bảo vệ hồ chứa và vùng phụ cận bảo vệ đập, hành lang thoát lũ của công trình, phương án bảo vệ mốc giới; tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân ở khu vực hạ du về các quy định an toàn trong khu vực hành lang thoát lũ cũng như thông tin và điều lệnh phòng, chống lụt bão.

b) Đối với UBND các tỉnh:

- Giải quyết dứt điểm hiện tượng vi phạm hành lang thoát lũ của công trình; tăng cường năng lực và trang thiết bị, cơ sở vật chất cho cơ quan Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các cấp ở địa phương để tăng hiệu quả trong phối hợp vận hành các công trình thủy điện; chỉ đạo các cơ quan PCTT&TKCN ở địa phương chủ động hơn nữa trong việc tham gia, phối hợp điều hành các hồ chứa thủy điện để đảm bảo an toàn đập, hồ chứa và hạ du trong mùa mưa bão.

- Đối với UBND các tỉnh khu vực miền Trung: Cần chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo quán triệt và thực hiện mục tiêu, nội dung, định hướng phát triển, giải pháp quy hoạch và quản lý quy hoạch theo Quy hoạch thủy lợi khu vực miền Trung; có phương án chủ động phòng, chống lũ lụt phù hợp với điều kiện mưa lũ ngày càng khắc nghiệt do biến đổi khí hậu và suy giảm rừng đầu nguồn; phù hợp với năng lực tham gia giảm lũ của các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện trên lưu vực; bố trí dân cư, hạ tầng kỹ thuật phù hợp; nghiên cứu thay đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với chế độ thuỷ văn khu vực.

- Tiếp tục chỉ đạo rà soát, tổng hợp để kiến nghị điều chỉnh hoặc chủ động phê duyệt điều chỉnh những nội dung chưa hợp lý trong QTVH các hồ chứa để phù hợp với pháp luật hiện hành, điều kiện khí tượng, thủy văn, địa hình, hành lang thoát lũ, dân sinh, kinh tế...vùng hạ du đập.

- Chỉ đạo, tuyên truyền, nâng cao năng lực ứng xử với lũ, lụt, sự phối hợp của nhân dân và các đơn vị chức năng ở hạ du; xây dựng bản đồ ngập lụt ở hạ du; chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống lũ lụt trên cơ sở năng lực tham gia cắt giảm lũ của các công trình thủy lợi, thủy điện trên lưu vực, đặc điểm lũ của lưu vực, tình hình bố trí dân cư, hạ tầng kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp…phía hạ du.

- Tăng cường hơn nữa nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan nhà nước ở địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện và tuân thủ các quy định của pháp luật về: đảm bảo an toàn đập, QTVH hồ chứa; tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành để thực hiện tốt công tác quản lý vận hành và khai thác các công trình thủy điện. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về vận hành theo quy định của pháp luật...

Tuấn Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất