Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 11/3/2022 8:26'(GMT+7)

Bảo đảm an toàn cao nhất khi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi

Ngày 10/3/2022, Sở Y tế Thanh Hoá đăng ký bổ sung 30.000 ca; Sở Y tế Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung 21.182 ca; Sở Y tế Bình Định đăng ký bổ sung 6.601 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 5.260.495 ca mắc; trong đó có 2.908.365 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh, 4.044 bệnh nhân nặng đang điều trị, 41.157 ca tử vong.

Tính đến ngày 9/3 đã có tổng số 198.904.850 liều vaccine được tiêm.

Lãm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chậm trễ mua vaccine cho trẻ

Tại văn bản số 1487/VPCP-KGVX, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5/2/2022 của Chính phủ về việc mua vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tổ chức, cá nhân để chậm trễ theo đúng quy định.

Trước đó, tại Nghị quyết số 14/NQ-CP, Chính phủ quyết nghị đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu đối với việc mua 21,9 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua, triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.

Trước tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nhằm bảo vệ sức khỏe của trẻ em và tiếp tục thực hiện hiệu quả việc mở cửa lại trường học an toàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có các cuộc điện đàm với bà Aurelia Nguyen, Giám đốc điều hành Chương trình COVAX và ông Albert Bourla, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Pfizer đề nghị quan tâm thúc đẩy càng sớm càng tốt việc cung ứng 22 triệu liều vaccine dành cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tại Việt Nam và tư vấn, hỗ trợ về tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả.

Chuẩn bị sẵn sàng phương án tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 9/3 đến 18 giờ ngày 10/3, Hà Nội ghi nhận 30.157 ca mắc COVID-19; trong đó có 12.351 ca tại cộng đồng, 17.806 ca đã cách ly.

Trước đó, cho ý kiến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 từ thôn, tổ dân phố, xác định “dân là gốc”, phát huy sức mạnh lòng dân, coi người dân là chủ thể, nòng cốt là các tổ COVID-19 cộng đồng, các tổ hỗ trợ theo dõi người mắc COVID-19 tại nhà.

Từng phường, xã, thị trấn trên cơ sở đánh giá tỷ lệ ca F0, dự báo số ca mắc trong thời gian tới để tổ chức lực lượng nòng cốt là thôn, tổ dân phố, tổ COVID-19 cộng đồng, huy động sự tham gia của các tình nguyện viên, trước hết là đoàn viên, thanh niên, hội viên Hội Phụ nữ, cựu chiến binh... bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu quản lý và hỗ trợ người dân theo địa bàn quản lý.

Khi người dân mắc COVID-19 ở thể nhẹ, không triệu chứng được cách ly điều trị tại nhà thì tổ COVID-19 cộng đồng tiếp cận ngay, kết nối thông tin, hỗ trợ những thứ cần thiết như nhu yếu phẩm, thực phẩm, hướng dẫn người dân khai báo tình trạng sức khỏe, cấp phát thuốc theo chỉ định của cán bộ y tế, hỗ trợ theo dõi chuyển tầng, giảm áp lực cho y tế cơ sở... Cấp ủy, chính quyền, trực tiếp là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân về kết quả cuối cùng hiệu quả phòng, chống dịch, giảm thiểu rủi ro cho người dân trên địa bàn quản lý.

Đặc biệt, UBND thành phố tiếp tục kiến nghị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá tác động của dịch đối với sức khỏe của người dân. UBND thành phố kiến nghị Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh COVID-19 tại các bệnh viện công lập và ngoài công lập; hướng dẫn việc kê đơn, cấp, bán thuốc Molnupiravir ngoại trú, thống nhất với cơ quan bảo hiểm ban hành việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người mắc COVID-19 được điều trị tại nhà, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính...

Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng phương án tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự thống nhất giữa nhà trường và gia đình để khi được phân bổ vaccine phòng COVID-19 là có thể triển khai tổ chức tiêm ngay, bảo đảm an toàn cho trẻ khi trở lại trường học.

Ngày 10/3, Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên - Huế Trần Kiêm Hảo cho biết, hiện nay ngành Y tế địa phương đã sẵn sàng các nguồn lực để triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi ngay khi có hướng dẫn và vaccine từ Bộ Y tế. Việc tiêm phòng triển khai theo phương châm “Bảo đảm an toàn, hiệu quả, từng bước thận trọng”, trong đó vấn đề an toàn được đặt lên hàng đầu. 
 
Vừa qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức rà soát, lấy ý kiến phụ huynh có con từ 5-11 tuổi về việc cho trẻ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Kết quả cho thấy, 87,1% số trẻ trong tỉnh được phụ huynh đồng ý cho tham gia tiêm chủng.
 
Dự kiến, trẻ trong độ tuổi nói trên sẽ được tiêm phòng vaccine Pfizer trong quý 2 và quý 3 năm 2022 khi vaccine về đến Việt Nam. 
 
Các trẻ đang học ở các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở sẽ được tiêm ngay tại trường học. Những trẻ không đến trường sẽ tiêm tại các trạm y tế xã, phường hoặc thị trấn. Đặc biệt, nhóm trẻ có bệnh lý mạn tính, bệnh nền… sẽ được tiêm tại các trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa trên địa bàn.
 
Đến nay, tất cả cán bộ y tế đều đã được tập huấn về khám sàng lọc tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi, tập huấn sơ cấp cứu và xử lý trường hợp tai biến sau tiêm chủng. Bên cạnh đó, ngành Y tế địa phương cũng đã phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục, các trường Mẫu giáo, Tiểu học, Trung học Cơ sở để bố trí điểm tiêm phù hợp. 
 
Hỗ trợ tốt nhất cho người gặp di chứng sau khi mắc COVID-19

Nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh, đặc biệt là những người gặp các di chứng sau khi mắc COVID-19, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã triển khai và đưa vào hoạt động Phòng khám hậu COVID-19. Mỗi ngày, Phòng khám này tiếp nhận khoảng 30 đến 40 trường hợp đến khám, trong đó có nhiều bệnh nhân có triệu chứng nặng phải nhập viện điều trị.

Bác sĩ Phan Minh Hải, Phụ trách Phòng khám hậu COVID-19, Bệnh viện Bãi Cháy thông tin: Để có thể điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, Bệnh viện đã triển khai phục hồi chức năng hậu COVID-19 bằng các kỹ thuật về vật lý trị liệu - phục hồi chức năng. Trong đó sử dụng trị liệu oxy cao áp để phục hồi thể trạng cho bệnh nhân; giảm chứng mệt mỏi, suy nhược và các di chứng tổn thương thần kinh trung ương như: mất ngủ, đau đầu, chóng mặt, suy giảm trí nhớ, suy giảm khả năng.

Đây là một kỹ thuật đặc biệt được sử dụng rộng rãi và hiệu quả trong nhiều bệnh lý đã được triển khai tại Bệnh viện Bãi Cháy từ năm 2015.

Bên cạnh đó, Bệnh viện còn áp dụng các kỹ thuật về vật lý trị liệu khác như: nhiệt nóng - lạnh trị liệu, điện xung, từ trường, sóng ngắn giúp điều trị giảm đau, chống viêm, thư giãn cơ kèm theo đó là các bài tập vận động, tập thở, tập với bóng, đặt tư thế, vỗ rung… cho những bệnh nhân có di chứng tổn thương về hô hấp như khó thở, hụt hơi, tức ngực.
 
Theo bác sĩ Phan Minh Hải: Hội chứng hậu COVID-19 là các triệu chứng tái phát, kéo dài hoặc xuất hiện các vấn đề sức khỏe mới sau khi khỏi bệnh. Hầu hết mọi người có thể khỏi bệnh hoàn toàn trong vài tuần kể từ khi các triệu chứng bắt đầu. Nhưng một số người mắc COVID-19 sau khi khỏi bệnh vẫn gặp các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn hoặc có các triệu chứng kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau đó. Ngay cả những người mắc COVID-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng cũng có cũng có nguy cơ mắc hội chứng hậu COVID-19.

Những triệu chứng thường gặp sau khi mắc COVID-19 là mệt mỏi; khó thở, hụt hơi; chóng mặt khi đứng dậy; đau đầu; đau tức ngực; tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực; ho, đau họng, sốt, thay đổi khứu giác, vị giác; ù tai, đau tai; đau cơ khớp; buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng; chán ăn; gặp các vấn đề về giấc ngủ; thay đổi tâm trạng; khó suy nghĩ hay tập trung; cảm giác tê râm ran; phát ban. Các triệu chứng có thể trầm trọng hơn sau hoạt động gắng sức.

Bác sĩ Hải khuyến cáo: Để phát hiện sớm tình trạng mắc di chứng hậu COVID-19, người bệnh sau khi có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 và xuất viện từ 2-4 tuần nên quay lại bệnh viện để tái khám, thực hiện các cận lâm sàng cần thiết. Nếu gặp các triệu chứng của hội chứng hậu COVID-19, người bệnh không nên quá lo lắng, hãy đến các cơ sở y tế để được khám và hướng dẫn điều trị phù hợp./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất