XEM XÉT THẤU ĐÁO, THẬN TRỌNG
Thảo luận về dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi), các đại biểu tập trung phân tích, cho ý kiến về việc mở rộng
khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa. Theo đó, dự thảo Bộ Luật quy
định mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm).
Đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) cho rằng mức tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành là quá nhiều.
Theo đại biểu, mức tăng tối đa chỉ là 50 giờ/năm đồng thời quy định
rõ mức lương khi tăng thời gian làm thêm. “Trong thời gian làm thêm giờ,
các doanh nghiệp thường tranh thủ tận dụng kỹ năng của công nhân lành
nghề. Do đó, những người thất nghiệp sẽ mất đi cơ hội có việc làm, khả
năng tiếp cận công việc bị hạn chế trong khi đối tượng này rất nhiều” ,
đại biểu phân tích.
Đại biểu Võ Trọng Việt (Lạng Sơn) nhận định xu hướng “tăng lương,
giảm giờ làm” chỉ phù hợp với các nước phát triển, thu nhập bình quân
đầu người ở mức cao. Trong khi đó, ở Việt Nam, thu nhập bình quân của
người lao động chỉ hơn 2.000 USD/người/năm; mức sống còn khó khăn.
Nhu cầu làm thêm giờ của người lao động rất chính đáng. “Qua khảo sát
tại một số khu công nghiệp, người lao động rất muốn làm thêm giờ để cải
thiện đồng lương của mình. Chính phủ đưa ra ràng buộc về vấn đề làm
thêm giờ khá chặt chẽ”, đại biểu Võ Trọng Việt nêu rõ và tán thành với đề xuất
của Chính phủ mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400
giờ/năm.
Ở góc nhìn khác, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng người
lao động làm thêm giờ khiến sức lao động bị vắt kiệt nhưng đời sống
không được cải thiện nhiều. Vì thế, Cơ quan soạn thảo cần tính toán kỹ
đồng thời đánh giá cụ thể tác động đối với vấn đề này.
Một số ý kiến nhấn mạnh đề xuất này cần được xem xét thấu đáo, thận
trọng; cân nhắc trên các yếu tố tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ
nghỉ ngơi, năng suất lao động... bảo đảm việc làm bền vững và hài hòa
lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động.
TÍNH TOÁN KỸ VỀ CƠ HỘI VIỆC LÀM CHO GIỚI TRẺ
Vấn đề điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nhấn mạnh việc điều chỉnh tuổi nghỉ
hưu không chỉ tăng nguồn lực cho tương lai mà điều quan trọng là kéo dài
thời gian làm việc cho người lao động. Khi làm việc lâu hơn, tiền đóng
quỹ bảo hiểm xã hội nhiều hơn, tiền lương hưu sẽ tăng thêm.
Đại biểu đề nghị Chính phủ cần tuyên truyền làm rõ việc tăng tuổi
nghỉ hưu áp dụng cho đối tượng nào, chứ không phải ai cũng phải tăng
thời gian làm việc. “Chính phủ quy định điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần
phân theo ba nhóm có các danh mục ngành nghề, lĩnh vực, để người lao
động nhìn vào thấy được mình có thuộc diện đó hay không, từ đó đảm bảo
sự đồng thuận của người lao động”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi lưu ý.
Đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) liên hệ về con số hơn 200.000 sinh
viên tốt nghiệp Đại học ra trường hiện nay đang thất nghiệp với việc
tăng tuổi nghỉ hưu. “Việc tăng tuổi nghỉ hưu đã tính tới cơ hội việc làm
cho giới trẻ chưa”, đại biểu băn khoăn và đề nghị Cơ quan soạn thảo
đánh giá tác động cụ thể.
Lưu ý tới ngành nghề giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo
viên tiểu học, đại biểu Triệu Thế Hùng cho rằng đây là lao động nặng
nhọc, áp lực. Hiện nay, cả nước có trên 330.000 giáo viên mầm non và gần
400.000 giáo viên tiểu học (bao gồm cả công lập và ngoài công lập).
Với đặc thù công việc này, giáo viên không chỉ nuôi dưỡng, chăm sóc
trẻ em, ngoài kiến thức chuyên môn còn thực hiện văn hóa nghệ thuật.
Lao động của giáo viên ở khối này 2 buổi trong ngày, nhất là giáo
viên mầm non phải lao động từ 8-12 tiếng. Bên cạnh áp lực của xã hội,
vấn đề gia đình đối với giáo viên hiện nay không nhỏ.
“Nếu tăng tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên ở những cấp này, cần quan
tâm tới yếu tố tâm sinh lý. Phần lớn giáo viên Mầm non là nữ, trong khi
đó, tâm lý của các cháu nhỏ thường thích cô giáo trẻ. Nếu nâng tuổi nghỉ
hưu, những cô giáo lớn tuổi vẫn phải nhảy múa cho các cháu có còn phù
hợp nữa không”, đại biểu Hùng nêu quan điểm và đề nghị đưa đối tượng này
vào nhóm ngành nghề đặc biệt, để họ có quyền lựa chọn nghỉ hưu sớm mà
vẫn được đảm bảo các chế độ.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu ở tổ. (Ảnh: TTXVN)
Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên-Huế) cho biết theo dự thảo,
người lao động có quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người
lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng
nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và
một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.
Đại biểu băn khoăn nếu người lao động thuộc nhóm này nghỉ hưu trước
tuổi, có khoản ngân sách nào hỗ trợ cho họ không. Ngoài ra, việc kéo dài
tuổi nghỉ hưu có tác động như thế nào đến vấn đề đóng bảo hiểm và tiền
lương hưu.
THỰC THI CAM KẾT CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LAO ĐỘNG TRONG CPTPP
Thảo luận tại tổ chiều 29/5 về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ
chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và
thương lượng tập thể, các đại biểu đều tán thành về sự cần thiết gia
nhập Công ước này.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) nhấn mạnh, việc gia nhập Công
ước số 98 phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong hội nhập quốc
tế về lao động, xã hội; khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam
trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp
định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Đồng quan điểm, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) chỉ rõ việc gia nhập
Công ước số 98 để tăng cường cam kết chính trị, thực thi thực chất cam
kết có liên quan về lao động trong Hiệp định CPTPP và các hiệp định
thương mại thế hệ mới. Việc tham gia nhằm thực hiện nghiêm túc vai trò
của Việt Nam là thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO); tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến tới ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
“Quốc hội đã thông qua Hiệp định CPTPP và Hiệp định này có hiệu lực
thi hành từ tháng 1/2019. Hiệp định CPTPP yêu cầu phải đảm bảo quyền
thương lượng tập thể và các tổ chức đại diện cho người lao động để tham
gia quá trình thương lượng tập thể trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Vì thế, việc ký kết Công ước số 98 là rất cần thiết”, đại biểu Bùi Sỹ
Lợi nêu rõ.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ hơn về một số quy định
trong Công ước liên quan đến Luật Công đoàn. Cụ thể, Khoản 2 Điều 26
Luật Công đoàn quy định: “Kinh phí Công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh
nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho
người lao động”.
Theo đại biểu, đây là quy định rất cứng và cần xem xét việc này có
được coi là hành vi can thiệp vào tổ chức Công đoàn theo quy định tại
Công ước 98 không?
Khoản 2 Công ước 98 quy định: Các tổ chức của người lao động, người
sử dụng lao động phải được hưởng sự bảo vệ thích đáng, chống lại mọi
hành vi can thiệp của bên kia hoặc cá nhân hay thành viên của bên kia
trong quá trình thành lập, hoạt động hoặc điều hành hoạt động của mình.
“So với Điều 2 Công ước 98, Khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn hoàn toàn
được coi là hành vi can thiệp của cơ quan, tổ chức doanh nghiệp vào hoạt
động Công đoàn (doanh nghiệp phải đóng 2% quỹ tiền lương),” đại biểu
Bùi Sỹ Lợi lưu ý.
Có ý kiến cho rằng dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đang được trình
Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8
vào tháng 10/2019 và có hiệu lực vào ngày 1/1/2021.
Công ước 98 cũng đang được xem xét, quyết định gia nhập tại kỳ họp thứ 7 và theo
quy định sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam sau 12 tháng kể từ khi văn kiện
gia nhập của Việt Nam được đăng ký với Tổng Giám đốc Văn phòng ILO. Do
vậy, cần đảm bảo đồng bộ về thời gian hiệu lực giữa Công ước số 98 và Bộ
Luật Lao động (sửa đổi) để tránh tạo khoảng trống và xung đột pháp lý
khi thi hành Công ước.
Có ý kiến đề nghị, Chính phủ sớm triển khai các thủ tục tham gia hai
Công ước cơ bản còn lại: Công ước số 87 “Tự do hiệp hội và về việc bảo
vệ quyền được tổ chức”; Công ước số 105 “về xóa bỏ lao động cưỡng bức”
đáp ứng quá trình hội nhập, đảm bảo tính đồng bộ, tránh sửa đổi, bổ sung
luật nhiều lần.
Có ý kiến cho rằng Chính phủ cần rà soát, đánh giá đầy đủ các mặt
không thuận lợi khi gia nhập Công ước số 98 để chủ động các phương án xử
lý tốt nhất, không làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người lao
động./.
(TTXVN)