Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 17/4/2019 6:34'(GMT+7)

Bảo đảm thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững, an toàn

Toàn cảnh Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, chiều 16/4/2019. (Ảnh: TTXVN)

Toàn cảnh Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, chiều 16/4/2019. (Ảnh: TTXVN)

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 33, chiều 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).

NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, sau hơn 10 năm thi hành Luật Chứng khoán, quy mô thị trường chứng khoán ngày càng phát triển; thị trường chứng khoán đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Cụ thể, hạn chế trong chính các quy định của Luật Chứng khoán; bất cập giữa Luật Chứng khoán và các luật khác có liên quan; hạn chế trong tổ chức thi hành luật.

Vì vậy, việc sửa đổi Luật Chứng khoán ở thời điểm hiện nay là rất cần thiết. Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững, an toàn của thị trường chứng khoán, đáp ứng yêu cầu hội nhập; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) bao gồm 10 chương, 135 điều. So với Luật Chứng khoán hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi 98 điều, bổ sung 29 điều, bãi bỏ 30 điều và giữ nguyên 8 điều.

Nội dung sửa đổi tập trung vào một số vấn đề như phạm vi điều chỉnh; việc chào bán chứng khoán; đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán; quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán...

Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Chứng khoán nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Các đại biểu cho rằng, bố cục của dự thảo Luật là hợp lý, trong đó đã tập trung giải quyết những vấn đề đang vướng mắc hiện nay như chất lượng hàng hóa đầu vào của thị trường, hành vi thao túng giá, chống giao dịch nội gián, cải cách hành chính nâng cao hiệu quả công tác tổ chức vận hành, quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm...

Bao dam thi truong chung khoan phat trien on dinh, ben vung, an toan hinh anh 1Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

NHIỀU Ý KIẾN VỀ MÔ HÌNH TỔ CHỨC ỦY BAN CHỨNG KHOÁN NHÀ NƯỚC

Liên quan đến vị trí, quyền hạn, nhiệm vụ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Điều 8 của dự thảo Luật), đa số ý kiến cho rằng vị trí, vai trò của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần được xác lập để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có đủ thẩm quyền trực tiếp tổ chức, quản lý và giám sát toàn diện hoạt động đối với thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, về mô hình tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần độc lập, trực thuộc Chính phủ để khắc phục những bất cập hiện tại, giảm bớt các khâu trung gian, đề cao trách nhiệm, nâng cao hiệu quả quản lý, phù hợp với kinh nghiệm và thông lệ quốc tế.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trước mắt có thể trực thuộc Bộ Tài chính, tuy nhiên cần có lộ trình rõ ràng để chuyển thành cơ quan độc lập thuộc Chính phủ trong tương lai.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh - đại diện cơ quan thẩm tra dự án Luật nêu rõ việc xác lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan độc lập, thuộc Chính phủ là cần thiết.

Trong giai đoạn trước đây, việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính là nhằm có sự hỗ trợ về chính sách, nguồn lực và các yếu tố để thúc đẩy thị trường.

Tuy nhiên, đến nay quy mô thị trường đã được mở rộng, với tốc độ tăng trưởng nhanh, cùng với những yêu cầu đổi mới và cấu trúc lại thị trường tài chính bảo đảm bền vững theo hướng giảm áp lực đối với nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng, đòi hỏi phải lành mạnh hóa, nâng cao vai trò của thị trường vốn để thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn trung-dài hạn, phục vụ cho phát triển kinh tế.

Do vậy, việc nâng cao vai trò, vị thế của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là yêu cầu khách quan, cần thiết trong giai đoạn hiện nay và thời gian sắp tới.

Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước độc lập sẽ đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO) đồng thời khắc phục được những tồn tại, bất cập hiện nay, giảm bớt các khâu trung gian trong xử lý các tình huống biến động bảo đảm tính chủ động, kịp thời cũng như trong quy trình ban hành văn bản pháp quy liên quan lĩnh vực chứng khoán.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, làm rõ vị trí, vai trò, mô hình tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính trong quản lý nhà nước đối với hoạt động chứng khoán, thị trường chứng khoán, bảo đảm thống nhất với tinh thần của Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 19/3/2019 của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng Luật Chứng khoán (sửa đổi) nhằm tiếp cận tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế để góp phần thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần triển khai hiệu quả các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có các Hiệp định thương mại thế hệ mới.

Do đó, cần tập trung chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và tăng thẩm quyền cho Ủy ban chứng khoán Nhà nước, đảm bảo tính độc lập về mặt nghiệp vụ.

Tại phiên thảo luận, các nội dung về chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, mô hình Sở Giao dịch chứng khoán, hoạt động của tổ chức xã hội-nghề nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán... cũng được các đại biểu phân tích, cho ý kiến cụ thể./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất