Thứ Hai, 25/11/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Hai, 1/6/2015 20:47'(GMT+7)

Báo Đức: Dư luận quốc tế phản đối Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

Tàu nạo vét Trung Quốc trong các vùng nước xung quanh Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Nguồn: Reuters/U.S. Navy)

Tàu nạo vét Trung Quốc trong các vùng nước xung quanh Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Nguồn: Reuters/U.S. Navy)

Báo Tấm gương điện tử (Spiegel) trong bài “Trung Quốc cố biện hộ việc xây dựng đảo là bảo vệ môi trường" đánh giá Mỹ đang thể hiện rõ nhất thái độ phản đối Trung Quốc cải tạo các đảo trên Biển Đông, đặc biệt là việc xây đường băng quy mô lớn trên đá Chữ Thập.

Bài viết cho rằng Trung Quốc đang tiếp tục làm gia tăng tình hình trên Biển Đông hơn nữa với việc tuyên bố xây dựng hai ngọn hải đăng ở các đảo đang tranh chấp.

Bên cạnh đó, bài báo cũng đề cập đến việc Trung Quốc gần đây triển khai hai khẩu pháo tại các đảo, đá nói trên và tuy nước này hiện đã rút các thiết bị quân sự trên khỏi vị trí công sự song điều này cho thấy ý đồ thực sự của Trung Quốc muốn vũ trang hóa các đảo nhân tạo để lập những tiền đồn trên biển.

Ngoài ra, bài viết còn dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho rằng mặc dù các nước khác ở khu vực cũng tiến hành một số hoạt động cải tạo các đảo song đó là để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cuộc sống và mức độ cải tạo rất nhỏ, gần như không đáng kể so với các hoạt động bồi đắp liên tục trên quy mô khổng lồ của Trung Quốc thời gian vừa qua.

Cùng ngày, báo Thời đại (die Zeit) có bài “Trung Quốc vẫn bác bỏ các chỉ trích về xây dựng đảo,“ trong đó nhấn mạnh phát biểu của Bộ trưởng Ashton Carter tại Đối thoại Shangri-La 2015 rằng các hành động của Trung Quốc hoàn toàn đi ngược lại các chuẩn mực của luật pháp quốc tế, đồng thời yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hoạt động cải tạo hiện nay để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Bài viết cũng đề cập tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen trong lần đầu tiên dự Đối thoại Shangri-La rằng Đức có nhiều lợi ích trong việc duy trì tự do hàng hải và trật tự luật pháp quốc tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bởi Đức là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới trong khi một nửa số hàng hóa vận chuyển bằng đường biển toàn cầu là đi qua khu vực Biển Đông.

Cũng theo bà Leyen, Liên minh châu Âu (EU) cần thể hiện thái độ mạnh mẽ hơn trong vấn đề Biển Đông và kinh nghiệm của châu Âu cho thấy xung đột chỉ có thể giải quyết bằng con đường đối thoại và đàm phán hòa bình.

Trong khi đó, tờ Toàn cảnh Frankfurt (FAZ) trong ngày 31/5 cũng có bài viết về tình hình Biển Đông, chủ đề quan trọng nhất của Đối thoại Shangri-La 2015, trong đó nhấn mạnh tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Đức phê phán các hoạt động cải tạo của Trung Quốc trên Biển Đông đang làm tổn hại nghiêm trọng tới ổn định và sự phát triển hòa bình của khu vực, cũng như đề xuất về một “cấu trúc an ninh mới“ cho khu vực trước những diễn biến trên biển ngày càng căng thẳng hiện nay.

Trước đó, ngày 28/5, báo điện tử Sóng Đức (Deutsche Welle) đã đăng tải bài viết cho rằng an ninh biển ở Đông Nam Á đang đứng trước nhiều thách thức trước các hành động hiếu chiến của Trung Quốc.

Theo bài báo, Trung Quốc đang triển khai một chiến lược biển đầy tham vọng với việc triển khai đồng loạt các nội dung gồm hiện đại hóa không ngừng lực lượng hải quân, phát triển các vũ khí mới, thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông tháng 11/2013 và đẩy mạnh xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông.

Bài viết đánh giá một cấu trúc an ninh khu vực mới trên cơ sở thỏa hiệp là điều cấp thiết bởi cấu trúc hiện nay thiếu ổn định, các bên đều tự do hành động và điều này có thể làm cho tình hình trở nên nguy hiểm trong tương lai./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất