Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ các vấn đề như việc tổ
chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế tại Việt Nam; công tác xây dựng
và giám sát thực hiện pháp luật bảo hiểm y tế; công tác khám chữa bệnh
bảo hiểm y tế trong lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân; tác động
của chính sách Bảo hiểm y tế đối với nhóm đối tượng bảo trợ xã hội; việc
tham gia của hệ thống y tế tư nhân về cung ứng dịch vụ y tế và một số
bất cập trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; Quân y với nhiệm vụ thực
hiện bảo hiểm y tế cho quân nhân; vai trò của các tập đoàn dược phẩm với
hệ thống y tế...
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế được ban hành
có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 với nhiều quy định mới, hướng tới mục tiêu
Bảo hiểm y tế toàn dân.
Tính đến ngày 31/12/2015, số người tham gia Bảo hiểm y tế trong cả nước
là 69,97 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 76,52%. Đến hết tháng 6/2016, số
người tham gia bảo hiểm y tế là 72,81 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ
79% dân số.
Năm 2015, cả nước có bốn địa phương có tỷ lệ bao phủ dưới 65% dân số,
đến tháng 6/2016 chỉ còn một địa phương có tỷ lệ bao phủ dưới 65% (tỉnh
Bạc Liêu).
Hiện nay, chi phí khám chữa bệnh của đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
chiếm 70-90% nguồn thu của các bệnh viện, cơ bản bảo đảm các chi phí
trực tiếp để phục vụ người bệnh và hoạt động của bệnh viện.
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW, các cấp ủy đảng,
chính quyền, doanh nghiệp, người dân và cơ quan Bảo hiểm xã hội đã tích
cực triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách bảo hiểm y tế. Nhận
thức của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về chính sách
bảo hiểm y tế được nâng lên; hệ thống chính sách, pháp y tế từng bước
được hoàn thiện, thủ tục hành chính trong giải quyết các quyền lợi cho
người dân ngày được cải tiến, rút gọn; tổ chức bộ máy Bảo hiểm xã hội
các cấp được củng cố, kiện toàn, ngày càng hiệu quả và chuyên nghiệp;
quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng và
thực hiện tốt hơn.
Quỹ Bảo hiểm y tế đã thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho khoảng 104,7
triệu lượt người, tăng hơn 10,6 triệu lượt người (tương đương 11,4%) so
với cùng kỳ năm 2015, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Để thực hiện mục tiêu của Chính phủ đề ra đến năm 2020 có trên 90% dân
số tham gia bảo hiểm y tế, tiến tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân,
những giải pháp chủ yếu cần tập trung trong thời gian tới là tăng cường
lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách,
chế độ bảo hiểm y tế; hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo
hiểm y tế; mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm
y tế, bảo đảm quyền lợi và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người
tham gia bảo hiểm, tăng cường thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm y
tế; tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế.
Theo Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều Luật Bảo hiểm y tế có những điểm mới như tiếp tục khẳng định chính
sách bảo hiểm y tế toàn dân, quy định bảo hiểm y tế là bảo hiểm bắt
buộc và khuyến khích việc thực hiện bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; quy
định lực lượng công an và quân đội cùng tham gia hệ thống bảo hiểm y tế,
bổ sung một số nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y
tế và một số nhóm đối tượng được tổ chức bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y
tế; bổ sung quyền lợi cho các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
(người nghèo, người dân tộc thiểu số; thân nhân chủ yếu của người có
công với cách mạng, người có thời gian tham gia bảo hiểm y tế từ 5 năm
liên tục trở lên, quân nhân tại ngũ, trẻ em dưới 6 tuổi...); mở thông
tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; quy định rõ trách nhiệm của Hội đồng
quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan
trong thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, giao Chính phủ báo cáo Quốc hội về
quản lý, sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế hằng năm...
Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết để phát triển bền vững chính
sách bảo hiểm y tế, cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp
luật, đặc biệt bổ sung và tăng cường hiệu lực của các chế tài xử phạt vi
phạm pháp luật trong thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế.
Cơ quan Bảo hiểm xã hội tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành
liên quan và cấp ủy đảng, chính quyền địa phương để triển khai các giải
pháp thực hiện hiệu quả Luật Bảo hiểm y tế; tiếp tục cải cách hành
chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công
nghệ thông tin vào trong quản lý.
Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy
ban Nhân dân tỉnh, phối hợp với các sở, ngành triển khai giải pháp phát
triển đối tượng tham gia bảo hiểm; thu đúng, đủ, kịp thời; theo dõi tình
hình nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng
lao động; đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi cho người có thẻ bảo hiểm;
thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát việc gia tăng chi phí bất thường,
bất hợp lý, ngăn ngừa hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế, đảm
bảo chi tiêu trong dự toán Chính phủ đã giao.
Cơ quan Bảo hiểm xã hội cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền theo
hướng chuyên nghiệp hóa cả về nội dung và phương thức tiếp cận người
tham gia, nghiên cứu các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm
đối tượng, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông nhằm giúp người
dân, doanh nghiệp hiểu được quyền và nghĩa vụ về chính sách bảo hiểm y
tế và tự giác tham gia./.
Theo TTXVN