Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 8/1/2009 9:31'(GMT+7)

Bảo hộ quyền tác giả: Cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý và thực thi

Cuốn sách vi phạm bản quyền (trái) và sách gốc của  NXB Trẻ đã mua bản quyền

Cuốn sách vi phạm bản quyền (trái) và sách gốc của NXB Trẻ đã mua bản quyền

Nhức nhối vi phạm, quản lý

Trong thời gian qua, tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra ở hầu hết ở các lĩnh vực với các hình thức và mức độ khác nhau, nhất là trong lĩnh vực âm nhạc văn học, chương trình máy tính, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, kỹ thuật số.... Tình trạng này gây thiệt hại và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sáng tạo, môi trường đầu tư, phát triển kinh tế- văn hoá- xã hội của đất nước và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Công chúng xem truyền hình chắc sẽ nhớ vụ VTV mất bản quyền phát sóng chung kết Miss World 2008 diễn ra tại Johannesburg (Nam Phi) ngày 13/12 (giờ địa phương) không được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV3 như dự kiến vì phần thi Hoa hậu biển, phần thi Hoa gậu Thời trang mà VTV3 phát sóng trước đó đã bị một số website thu lại chương trình để phát trực tuyến.

Trong lĩnh vực xuất bản, việc vi phạm bản quyền khó đếm xuể. Xin dẫn ra một ví dụ: chỉ trong một thời gian ngắn, có tới 50 đầu sách của Nhà xuất bản Trẻ đã thoả thuận với phía nước ngoài được sử dụng bản quyền, nhưng bị một số nhà xuất bản trong nước chiếm đoạt bất hợp pháp. Nạn sách lậu làm đau đầu những nhà làm sách, khi mà “công nghệ làm sách lậu” ngày càng trở nên tinh vi và bất chấp dư luận. Một số trường hợp sách lậu, sách nhái còn xuất hiện trên thị trường trước cả sách thật.

Nguy cơ vi phạm bản quyền trong môi trường số là chuyện "cơm bữa". Đó là việc tiếp cận những bản ghi âm, ghi hình bất hợp pháp, tháo dỡ, huỷ hoại những thông tin quản lý quyền. Nghiêm trọng hơn là tiếp cận những ký mã của tác giả để tiếp cận tác phẩm. Chỉ tính riêng 4 mạng điện thoại di động lớn đang hoạt động tại VN có doanh thu khoảng gần 100 tỉ đồng/tháng, dùng tới 10.000 bản nhạc chờ... đều không trả tiền bản quyền. Hàng trăm website có sử dụng nhạc, phim, từ điển, tác phẩm văn học..., nhưng đến nay mới có 11 website ký hợp đồng sử dụng tác phẩm với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN và 6 website ký với Hiệp hội Ghi âm VN.

Ông Trịnh Sinh Nha- Phó Chủ tịch thường trực phía Bắc của Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam bức xúc: "Trong thời gian vừa qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các trung tâm văn hoá lớn, xảy ra tình trạng đầu nậu đã đánh cắp bản quyền rất nhiều. Một nhà sản xuất của chúng tôi muốn sản xuất một chương trình phải đầu tư tới 500-600 trăm triệu. Nhưng vừa đĩa vừa phát hành khoảng một tiếng sau thì các đầu nậu đã có đĩa lậu bán ngoài thị trường, bán với giá rất rẻ. Chính vì thế, các nhà sản xuất rất khó khăn trong việc thu hồi vốn".

Tình trạng vi phạm bản quyền ngày càng lan rộng như vết dầu loang. Cả nước chỉ có hơn 200 thanh tra văn hoá từ trung ương tới địa phương, nên nhiều việc cũng đành phải... "botay.com". Trong khi đó, mức phạt tối đa đối với việc vi phạm bản quyền theo Nghị định 56 mà Chính phủ ban hành ngày 6/6/2006 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa – thông tin mới chỉ ở mức 20 triệu đồng nên chưa đủ sức để giáo dục và răn đe những kẻ vi phạm.

Cần quyết liệt từ chỉ đạo đến thực hiện

Nguyên nhân của tình trạng vi phạm bản quyền ở nước ta chủ yếu là do nhận thức, hiểu biết, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan của nhiều tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng chưa nghiêm túc. Hệ thống thực thi quyền tác giả của các cấp chính quyền chưa đáp ứng yêu cầu bảo hộ theo qui định của pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng cũng nhận định: tình hình thực hiện và tuân thủ các quy định pháp lý liên quan đến vấn đề tác quyền ở nước ta vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Việc thực thi quyền tác giả đang đi vào đời sống, nhưng so với thực tế thì vẫn là một khoảng cách khá xa. Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tăng cường quản lý, kiểm tra và xây dựng hệ thống luật pháp, kiểm tra việc thực hiện các công ước quốc tế Berne, Rome, Brussels, Geneva, nhưng thực tế, người dân chưa hiểu hết hoặc số đông chưa có ý thức thực hiện các quy định đó. Nhiều người vẫn vi phạm một cách vô tình hoặc hữu ý.

Trước tình hình này, trước thềm năm mới 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị 36/2008/CT-TTg về việc tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Trong chỉ thị gồm 15 điểm này, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện một cách quyết liệt và áp dụng các biện pháp cụ thể để bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.

Tiến sĩ Vũ Mạnh Chu- Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh: Văn bản pháp lý này có ý nghĩa quan trọng trong việc đề cao trách nhiệm của những người đứng đầu các bộ, ngành, đơn vị trong việc thực hiện bản quyền tác giả.

Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch, với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề này, sẽ tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Trong quí 1 năm 2009, Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch tổ chức tổng kiểm tra việc thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ liên quan trên phạm vi cả nước.

Bộ cũng chỉ đạo Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam xây dựng Đề án "Tăng cường năng lực quản lý, thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan" theo từng lĩnh vực chuyên ngành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời bộ sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc ra đời và hoạt động của các tổ chức quản lý tập thể khác./.

Thạch Thảo

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất