Mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển
Kinh tế biển là động lực, tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế. Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng vai trò của biển. Năm 2007, Hội nghị Trung ương lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020". Sau 10 năm, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", với quan điểm là: "Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển...". Sau bốn năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, các cơ quan Trung ương đến các địa phương có biển đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết nêu trên; nhận thức của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia được nâng lên. Chủ quyền an ninh quốc gia trên biển được giữ vững; công tác tìm kiếm cứu nạn, an toàn hàng hải được tăng cường; công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển được chủ động triển khai toàn diện; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nhất là đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện rõ rệt. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng được chú trọng...
Nhằm cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 5/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Kết quả thực hiện đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ:
Du lịch biển, đảo mang lại 70% doanh thu cho ngành du lịch cả nước; vận tải hàng hóa đạt 85,1 triệu tấn; sản lượng khai thác quy đổi ra dầu đạt 18,43 triệu tấn; sản lượng thủy hải sản khai thác đạt hơn 3,9 triệu tấn; nuôi trồng thủy hải sản đạt hơn 4,8 triệu tấn...
Mạng lưới giao thông đã quan tâm đầu tư bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước; các khu công nghiệp, khu đô thị, các vùng biển với các bến cảng được xây dựng dựa trên hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, kết nối chiến lược Bắc-Nam, Đông-Tây giữa các vùng trong nước và với quốc tế; công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai đã được tăng cường.
Đến nay, cả nước có 12 khu bảo tồn biển đã được thành lập, với tổng diện tích hơn 206 nghìn héc-ta, trong đó có 185 nghìn héc-ta biển; Việt Nam cũng đã tham gia nhiều diễn đàn khu vực và thế giới về kinh tế biển xanh, chống rác thải nhựa biển, bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái... qua đó từng bước khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.Các tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam chiếm hơn 50% dân số cả nước, phần lớn lao động làm việc trong các ngành nghề liên quan đến biển, đóng góp của 28 tỉnh, thành ven biển vào GDP cả nước hiện đã vượt ngưỡng 60%. Trong tình hình hiện nay, sau những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, kinh tế ven biển và các ngành kinh tế biển càng có vai trò quan trọng trong việc phục hồi các hoạt động kinh tế – xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Xử lý tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo tồn môi trường và đa dạng sinh học biển
Thực trạng phát triển kinh tế biển hiện nay của Việt Nam dù có nhiều bước tiến song cho thấy còn thiếu sự bền vững. Quy mô kinh tế biển của nước ta còn khiêm tốn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý; hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học-công nghệ biển, đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển; các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, thiên tai biển, các trung tâm tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn... ở ven biển còn nhỏ, trang bị thô sơ, năng lực còn yếu; môi trường biển biến đổi theo chiều hướng xấu; đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản đang sa sút nghiêm trọng, thiếu bền vững. Tình trạng khai thác, sử dụng biển và hải đảo còn thiếu bền vững, vẫn còn tình trạng khai thác tận diệt; lãng phí tài nguyên biển làm suy giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản, gây ô nhiễm môi trường...
|
Chung tay bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển |
Môi trường, đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển tạo ra các lợi ích cho các hoạt động kinh tế trên đất liền (lọc dầu, thương mại, kết nối giao thông trên đất liền). Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế trên đất liền lại chứa đựng những rủi ro đối với môi trường, đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển rất lớn do chất thải từ các hoạt động kinh tế trên đất liền thải vào sông đổ ra biển; do hoạt động kinh tế - xã hội của các địa phương ven biển.
Để có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong nền kinh tế biển xanh, lĩnh vực môi trường, đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái biển, cần nhận thức rõ, tương tác từ các hoạt động kinh tế trên biển đối với môi trường, đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển theo cả 2 chiều thuận và nghịch. Theo chiều thuận, môi trường, đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển là cơ sở tiền cơ bản đề để duy trì các hoạt động kinh tế biển. Theo chiều nghịch, các hoạt động kinh tế trên biển sẽ có tác động tiêu cực theo từng mức độ khác nhau đến môi trường.
Một số giải pháp
Biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã tạo ra áp lực đối với môi trường, đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển. Do môi trường, đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển là 1 trong 3 trụ cột của phát triển bền vững nên việc thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường (BVMT), bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng khôn khéo các hệ sinh thái biển cho phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng mang lại những lợi ích kép và góp phần thực hiện thành công 17 mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDG, Liên Hợp Quốc) đến năm 2030.
Một là, về mặt cơ chế, chính sách cần phải thúc đẩy nhận thức, BVMT, đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành để thực hiện thành công mục tiêu SDGs 2030, thực hiện chủ trương phát triển nhanh và bền vững đất nước. BVMT, đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái biển liên hệ mật thiết với các hoạt động kinh tế - xã hội và môi trường ở trên đất liền. Do đó không thể tách rời giữa mục tiêu BVMT biển với các mục tiêu BVMT trên đất liền. BVMT, đa dạng sinh học và sử dụng khôn khéo các hệ sinh thái biển để đưa các giá trị của môi trường, đa dạng sinh học và dịch vụ của hệ sinh thái biển thành động lực và yếu tố đầu vào của hệ thống kinh tế, thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế biển bền vững. Chú trọng việc bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái, nhất là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, bảo đảm tính toàn vẹn và mối quan hệ tự nhiên giữa các hệ sinh thái đất liền và biển.
Hai là, cần sớm ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn về thi hành các quy định về công cụ kinh tế và nguồn lực cho BVMT trong Luật BVMT năm 2020 được Quốc hội thông qua (đã bao hàm cả vấn đề môi trường, đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái biển).
Trong đó, cần xây dựng 01 chương trình thử nghiệm về áp dụng, hoàn thiện các quy định “chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển”; Xây dựng bộ tiêu chí riêng cho các dự án đầu tư kinh doanh trên biển, ven biển đáp ứng yêu cầu về sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn vốn tự nhiên, BVMT và đa dạng sinh học biển để làm căn cứ thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong pháp luật BVMT; Hoàn thiện quy định về bồi thường thiệt hại về môi trường áp dụng đối với các hoạt động kinh tế biển; bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển…
Ba là, các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá và lựa chọn các mô hình kinh tế biển bền vững phù hợp với mục tiêu vừa phát triển kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa trên thị trường vừa góp phần BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển; Thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm chất ô nhiễm từ các hoạt động kinh tế trên đất liền; Tăng cường kiểm soát và sẵn sàng ứng cứu các sự cố và thảm họa môi trường biển, các vụ tràn dầu không rõ nguồn gốc; Khai thác các giá trị của khu bảo tồn, cảnh quan thiên nhiên, kết hợp bảo tồn với phát triển du lịch sinh thái
Bốn là, tổ chức bộ máy quản lý, nguồn lực BVMT biển, hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy, cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành với địa phương để hình thành nên một bộ máy tổ chức đủ mạnh để điều phối tổng thể các hoạt động trên biển; ngăn chặn, giảm đến mức thấp nhất các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của các sinh vật biển; Đầu tư từ ngân sách nhà nước, ưu tiên vay vốn hỗ trợ phát triển (ODA) thực hiện các chương trình, nghiên cứu, dự án trong và ngoài nước đặc biệt là các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường biển…
Hải An