KHÔNG GIAN MẠNG VÀ BẢO VỆ AN NINH QUỐC GIA TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
Hiện
nay, trên thế giới vẫn chưa có khái niệm thống nhất về không gian mạng.
Quan điểm của Mỹ đề cập trong Chỉ thị số 54 về An ninh quốc gia và Chỉ
thị số 23, năm 2008, về An ninh nội địa của Tổng thống Mỹ cho rằng,
không gian mạng là mạng lưới kết nối các cơ sở hạ tầng bao gồm internet,
các mạng viễn thông, các hệ thống máy tính, các hệ thống xử lý và điều
khiển trong ngành công nghiệp trọng yếu; không gian mạng được dùng để mô
tả một môi trường ảo, trong đó diễn ra việc trao đổi thông tin và tương
tác giữa con người với nhau, không bị giới hạn bởi không gian và thời
gian. Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác định không gian mạng là không gian ảo,
bao gồm cả internet, trong đó thông tin được trao đổi bằng công nghệ
thông tin và viễn thông; không gian mạng là “trường”, trong đó các hoạt
động tình báo, tấn công và phòng thủ được tiến hành như “trường” trên
bộ, trên biển, trên không và trong không gian(1).
Trung
Quốc coi không gian mạng là chiến trường thứ năm và là mặt trận tình
báo mới. Trong phát biểu tại hội nghị thành lập Tiểu tổ Lãnh đạo an ninh
mạng và thông tin hóa Trung ương ở Bắc Kinh, ngày 27/2/2014, Tổng Bí
thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cho rằng, internet và an ninh thông tin
đã trở thành thách thức mới đối với Trung Quốc vì cả hai đều gắn liền
với an ninh quốc gia và ổn định xã hội(2).
Luật
An ninh mạng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
thông qua ngày 12/6/2018 khẳng định, không gian mạng là mạng lưới kết
nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng
internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều
khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi
xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Không gian mạng
quốc gia là không gian mạng do Chính phủ xác lập, quản lý và kiểm soát(3).
Trên không gian mạng, Việt Nam có hệ thống thông tin quan trọng về an
ninh quốc gia. Hệ thống này gồm hệ thống thông tin quân sự, an ninh,
ngoại giao, cơ yếu; hệ thống thông tin lưu trữ, xử lý thông tin thuộc bí
mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ lưu giữ, bảo quản hiện vật,
tài liệu có giá trị đặc biệt quan trọng; hệ thống thông tin phục vụ bảo
quản vật liệu, chất đặc biệt nguy hiểm đối với con người, môi trường
sinh thái; hệ thống thông tin phục vụ bảo quản, chế tạo, quản lý cơ sở
vật chất đặc biệt quan trọng khác liên quan đến an ninh quốc gia; hệ
thống thông tin quan trọng phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức ở
Trung ương; hệ thống thông tin quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, tài
chính, ngân hàng, viễn thông, giao thông vận tải, tài nguyên và môi
trường, hóa chất, y tế, văn hóa, báo chí; hệ thống điều khiển và giám
sát tự động tại công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia,
mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia(4).
Từ khái niệm bảo vệ an ninh quốc gia được đề cập trong Luật An ninh quốc gia Việt Nam năm 2004 có thể hiểu, bảo
vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng là phòng ngừa, phát hiện, ngăn
chặn, đấu tranh làm thất bại các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia
trên không gian mạng. Thực tế cho thấy, không gian mạng quốc gia
Việt Nam chứa đựng những yếu tố hết sức quan trọng, nếu bị xâm hại sẽ
ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích, an ninh quốc gia. Hiện nay, các thế
lực thù địch, phản động trong và ngoài nước vẫn không từ bỏ âm mưu, hoạt
động chống phá Việt Nam. Chúng luôn lợi dụng thành tựu khoa học - kỹ
thuật và không gian mạng vào các hoạt động chống phá với các thủ đoạn
ngày càng tinh vi, nguy hiểm. Trong bối cảnh đó, yêu cầu bảo vệ an ninh
quốc gia trên không gian mạng đặt ra trong tình hình hiện nay là hết sức
cấp thiết. Chính vì vậy, Nghị quyết số 51-NQ/TW, ngày 5/9/2019, của Bộ
Chính trị, về “Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia” xác định,
cần phải tăng cường bảo vệ an toàn, an ninh mạng các hệ thống thông tin
quan trọng quốc gia và các hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc
gia; phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh ngăn chặn các hoạt động xâm
phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng; khắc phục điểm yếu, lỗ hổng
bảo mật, nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng, an ninh thông tin.
Bảo
vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng được xác định là trách nhiệm
của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Do đó, để triển khai công tác
này, phải phát huy được sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại;
đồng thời, xác định đây là cuộc đấu tranh của toàn dân, dưới sự lãnh đạo
của Đảng, là nhiệm vụ trọng yếu của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc
gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, là trách nhiệm của cả hệ thống
chính trị, trong đó, lực lượng công an giữ vai trò nòng cốt, lực lượng
an ninh mạng và cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao có trách
nhiệm trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia
trên không gian mạng. Đây là quan điểm, tư tưởng cơ bản, xuyên suốt của
Đảng, quyết định thắng lợi cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc
gia trên không gian mạng. Các nguyên tắc cần quán triệt trong bảo vệ an
ninh quốc gia trên không gian mạng bao gồm: Tuân thủ Hiến pháp, pháp
luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ
chức, cá nhân; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản
lý thống nhất của Nhà nước, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống
chính trị và toàn dân tộc; lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc
gia trên không gian mạng làm nòng cốt. Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ
bảo vệ an ninh quốc gia với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, văn
hóa, xã hội. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và
hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng.
Bảo
vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng là bảo vệ chế độ chính trị và
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo vệ độc lập, chủ quyền,
thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam trên không gian mạng; bảo vệ an
ninh về tư tưởng và văn hóa, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quyền lợi
và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian
mạng; bảo vệ an ninh trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, đối ngoại
và các lợi ích khác của quốc gia trên không gian mạng; bảo vệ bí mật nhà
nước và các mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia trên không gian
mạng; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại và loại
trừ các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, nguy cơ đe dọa an ninh quốc
gia trên không gian mạng.
HOẠT ĐỘNG XÂM PHẠM AN NINH QUỐC GIA TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG TRONG BỐI CẢNH CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được
hình thành dựa trên nền tảng của công nghệ số cùng với việc sử dụng phổ
biến Internet. Đặc trưng quan trọng của cuộc cách mạng này là sự phát
triển hệ thống liên kết thế giới thực và ảo trên cơ sở internet kết nối
vạn vật (Internet of Things - IoT) và Internet kết nối các hệ thống
(Internet of Systems - IoS). Trong bối cảnh diễn ra cuộc Cách mạng công
nghiệp lần thứ tư, trên không gian mạng xuất hiện những nguy cơ, hoạt
động tác động mạnh mẽ đến an ninh quốc gia của tất cả các nước, trong đó
có Việt Nam. Ở các nước trên thế giới, nhất là các nước có nền khoa học
- công nghệ phát triển, như Mỹ, Nga, Trung Quốc..., đã và đang xuất
hiện ngày càng nhiều hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian
mạng. Cụ thể là:
Một là, chiến tranh mạng.
Có thể nói, chiến tranh mạng là một hình thái chiến tranh mới, vượt ra
khỏi khuôn khổ khái niệm về chiến tranh quân sự truyền thống. Đây là
cuộc chiến tranh bất đối xứng, chỉ một lực lượng rất nhỏ cũng có thể gây
thiệt hại lớn cho đối phương. Chiến tranh mạng không sử dụng khí tài
quân sự truyền thống mà sử dụng lực lượng tinh nhuệ để lập trình, chế
tạo, sản xuất và nhân bản hàng loạt vũ khí mạng, như mã độc, hệ thống
công cụ tấn công mạng, hệ thống công cụ tình báo mạng. Mặc dù được tiến
hành trên không gian mạng nhưng hậu quả do chiến tranh mạng gây ra có
thể vượt ra ngoài phạm vi không gian ảo và có sức tàn phá lớn, thậm chí
vượt xa chiến tranh quân sự truyền thống. Tháng 4/2007, hàng loạt trang
thông tin điện tử (website) các cơ quan chính phủ, nhà cung cấp dịch vụ Internet và ngân hàng của Estonia bị tấn công liên tục. Hậu quả là
hầu hết các website tại Estonia bị tê liệt trong khoảng 3 tuần, gây
ra nhiều thiệt hại cho nước này. Năm 2009, hàng loạt website của chính
phủ Mỹ và Hàn Quốc cũng bị tấn công, trong đó nhiều website quan trọng
của Mỹ và Hàn Quốc phải tạm ngừng hoạt động.
Hai là, gián điệp mạng.
Gián điệp mạng ra đời cùng với sự xuất hiện của không gian mạng với sự
kết nối của mạng máy tính, internet và sự phát triển của công nghệ thông
tin. Gián điệp mạng có thể gây ra những tổn thất khôn lường về nhiều
mặt, thậm chí làm ảnh hưởng đến nhiều quốc gia thông qua hoạt động tấn
công vào hệ thống máy tính của các cơ quan chính quyền, tập đoàn kinh
tế, hệ thống ngân hàng hoặc hệ thống thông tin của các cảng sân bay hàng
không quốc tế,... để đánh cắp dữ liệu số, thông tin bí mật hoặc tấn
công mã độc, chiếm quyền kiểm soát, điều khiển hệ thống thông tin... Từ
năm 2006 đến năm 2017, WikiLeaks cho công bố hàng loạt tài liệu mật,
trong đó có nhiều tài liệu mật của Mỹ và một số nước, bao gồm cả các tài
liệu phản ánh hoạt động giám sát các thiết bị di động của Cơ quan tình
báo Trung ương Mỹ (CIA). Năm 2013, Edward Snowden tiết lộ
thông tin mật về chương trình do thám toàn cầu do tình báo Mỹ và Anh
thực hiện, gồm cả các hoạt động giám sát điện thoại của một số nhà lãnh
đạo trên thế giới, như Tổng thống Nga Dmitry Medvedev,
Thủ tướng Đức Angela Merkel... Năm 2016, 11,5 triệu
tài liệu mật cũng đã được công khai cho báo chí trong vụ “Hồ sơ
Panama”...
Ba là, khủng bố mạng.
Thời gian qua, các đối tượng khủng bố quốc tế; các thế lực thù địch;
các tổ chức tin tặc, điển hình như Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự
xưng (IS), tổ chức tin tặc do “nhóm hacker ẩn danh” Anonymous sáng lập
và chỉ đạo, luôn tìm cách lợi dụng không gian mạng, công nghệ thông tin
hoặc phương tiện điện tử để thực hiện các hành vi khủng bố, tài trợ
khủng bố. Hoạt động khủng bố mạng gồm tấn công mạng nhằm mục đích khủng
bố; tấn công khủng bố trên mạng; sử dụng không gian mạng để đe dọa khủng
bố. Năm 2015, nhóm hacker người Tunisia Al-Fallaga có quan hệ chặt
chẽ với mạng lưới thánh chiến toàn cầu đã tiến hành chiến dịch “Op
Electronic Badr” tấn công các trang tin điện tử của ngân hàng Hapoalim,
Mossad và nhiều website khác của Chính phủ Israel, sau đó đăng tải các
tài liệu thu được lên Facebook. Thời gian qua, tổ chức khủng bố IS cũng
liên kết chặt chẽ với các nhóm tin tặc, như Cyber Caliphate, IS Hacking
Division, ISIS Cyber Army và một số nhóm tin tặc khác ủng hộ IS tiến
hành các vụ tấn công mạng nhằm vào mục tiêu của các nước mà chúng cho là
thù địch.
Trung tâm dữ liệu của Google tại Hà Lan. (Nguồn: datacenterdynamics.com)
Bốn là, tội phạm mạng.
Bên cạnh những loại tội phạm, như khủng bố, gián điệp trên không gian
mạng, còn xuất hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác, như xâm nhập bất
hợp pháp, lấy cắp, sửa đổi, phá hoại dữ liệu, dùng dữ liệu đó vào mục
đích xâm phạm an ninh quốc gia, chiếm đoạt tài sản, phát tán thông tin
thuộc bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư. Thủ đoạn của
chúng là sử dụng kỹ thuật tấn công chủ động, tấn công thụ động; tấn công
lợi dụng lỗ hổng bảo mật, để xâm nhập bất hợp pháp...; trong đó thủ
đoạn phổ biến là lừa người sử dụng để cài backdoor, trojan. Với ưu thế
miễn phí, tiện lợi, các dịch vụ mạng như Skype, Yahoo, Facebook, Viber,
Zalo,... được sử dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới và Việt Nam.
Tội phạm mạng đã lợi dụng các dịch vụ này để cài mã độc, phần mềm gián
điệp vào các thiết bị di động, máy tính kết nối internet nhằm kiểm soát,
lấy cắp nội dung thông tin, dữ liệu cuộc gọi, gây ra nhiều thiệt hại
cho người dùng, trong đó có các cá nhân, cơ quan chính quyền các nước.
Ví dụ, như vụ “hacker của thế kỷ 21” Albert Gonzalez đánh cắp dữ liệu của hơn 170 triệu thẻ tín dụng trong khoảng thời gian
từ năm 2005 đến năm 2007, gây chấn động dư luận Mỹ và thế giới do mức độ
hậu quả thiệt hại nặng nề mà nó gây ra. Hay vụ Mỹ và Anh bắt giữ 48
người ở Mỹ liên quan đến vụ tấn công được biết đến với loại trojan mang
tên Zeus mà họ dùng để trộm cắp hơn 70 triệu USD từ các ngân hàng trên
khắp thế giới.
Việt
Nam hiện cũng đang đối mặt với không ít các nguy cơ, thách thức đe dọa
đến an ninh quốc gia trên không gian mạng. Cụ thể là:
Thứ nhất, chiến lược “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng.
Hiện
nay, các thế lực thù địch, phản động đang triệt để lợi dụng không gian
mạng để tiến hành các hoạt động phá hoại nền tảng tư tưởng, nhằm thực
hiện âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình”, chống phá Việt Nam. Chúng
chủ yếu sử dụng mạng xã hội, phổ biến là Facebook, Youtube để tuyên
truyền, phá hoại nền tảng tư tưởng, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa” trong nội bộ, từng bước triển khai thực hiện mục tiêu thay đổi chế
độ chính trị nước ta. Năm 2020, Bộ Công an đã phát hiện hơn 3.000 trang
mạng có nội dung xấu, trong đó có 31 trang mạng, blog, 55 kênh Youtube,
49 trang fanpage, 765 tài khoản facebook, 149 hội nhóm chống đối cực
đoan, đăng tải hơn 800.000 bài viết, video, clip có nội dung xấu, độc
hại. Trong các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, các thế lực
thù địch không ngừng lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền, phá hoại,
phổ biến các quan điểm sai trái, thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước
ta.
Thứ hai, hoạt động gián điệp mạng và các loại tội phạm công nghệ cao.
Không
gian mạng đã và đang trở thành môi trường để các thế lực thù địch tiến
hành các hoạt động gián điệp nhằm vào Việt Nam. Thời gian qua, cơ quan
đặc biệt nước ngoài đã tiến hành tuyển lựa công dân Việt Nam qua không
gian mạng, có những trường hợp đã được các cơ quan chức năng Việt Nam
phát hiện, bóc gỡ. Bên cạnh đó, các cơ quan đặc biệt nước ngoài còn
triệt để lợi dụng không gian mạng để tiến hành các hoạt động xâm nhập
gián điệp, thu thập tin tình báo chống Việt Nam. Các hoạt động này được
tiến hành thông qua các mã độc, phần mềm gián điệp được cài sẵn trong
các phần mềm, ứng dụng, các thiết bị số làm quà tặng, bán ra thị trường
hoặc có thể cài đặt từ xa thông qua Internet. Theo Trung tâm Ứng cứu
khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), hằng năm có hàng triệu mã độc tấn
công các máy tính của Việt Nam, với hàng nghìn virus máy tính mới xuất
hiện và hàng trăm website của các cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công, xâm
nhập.
Trên
thực tế, không gian mạng còn là nơi tội phạm công nghệ cao tiến hành
các hoạt động gây nhiều thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức. Phổ biến là
các hoạt động giả danh các cơ quan thực thi pháp luật tiến hành các hoạt
động lừa đảo qua mạng; lừa đảo qua phương thức kinh doanh đa cấp qua
mạng (sử dụng các khoản lợi nhuận lớn làm “mồi nhử”, lôi kéo số lượng
lớn người dân đầu tư vào các dự án “ảo”, sau đó đánh sập hệ thống để
chiếm đoạt tài sản); giả mạo website của các ngân hàng để lừa người truy
cập, yêu cầu cung cấp thông tin giao dịch trực tuyến, sau đó chiếm đoạt
quyền sử dụng tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tài sản; chiếm quyền điều
khiển tài khoản mạng xã hội, sau đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản của
người thân, bạn bè; tổ chức đánh bạc trên mạng với tổng số tiền lên đến
hàng nghìn tỷ đồng; tiến hành các hoạt động “tín dụng đen” trên mạng,
“giang hồ mạng”. Hoạt động trên của các đối tượng đã làm ảnh hưởng không
nhỏ đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Thứ ba, nguy cơ chiến tranh mạng.
Thế
giới đã và đang đối mặt với nguy cơ chiến tranh mạng, đó là nguy cơ
hiện hữu và trong một thế giới vạn vật kết nối internet, Việt Nam không
nằm ngoài vòng xoáy đó. Chính vì vậy, Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày
25/10/2013, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”
khẳng định, nguy cơ xảy ra khủng bố, chiến tranh mạng, mất an ninh
thông tin ngày càng gia tăng. Mục tiêu tấn công của kẻ địch trong trường
hợp xảy ra chiến tranh mạng đối với Việt Nam là hệ thống hạ tầng truyền
dẫn vật lý (cáp truyền dẫn quốc tế, trục truyền dẫn nội bộ quốc gia);
các hạ tầng dịch vụ lõi (router, thiết bị mạng... ); các hệ thống cơ sở
dữ liệu, mạng máy tính nội bộ; hệ thống điều khiển tự động hóa của các
cơ sở quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh, như nhà máy lọc dầu,
nhà máy thủy điện, nhiệt điện, giàn khoan, sân bay, hải cảng. Năm 2016
đã xảy ra hàng loạt hoạt động tấn công mạng nhằm vào hệ thống quản lý
thông tin của các sân bay quốc tế lớn của Việt Nam, như sân bay quốc tế
Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Quốc. Rõ ràng, nếu để xảy ra chiến
tranh mạng sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề về nhiều mặt cho đất nước.
Thứ tư, tình trạng mất an ninh, an toàn thông tin mạng đe dọa tới an ninh quốc gia.
Việt
Nam đang phụ thuộc vào thiết bị hạ tầng và hệ thống công nghệ mạng lõi
do các công ty nước ngoài cung cấp và luôn thường trực nguy cơ bị nước
ngoài kiểm soát, giám sát. Phần lớn hạ tầng công nghệ phần cứng của Việt
Nam, từ các hạ tầng lõi cho đến các thiết bị cá nhân đều nhập từ nước
ngoài, nhiều nhất là từ Trung Quốc và Mỹ. Các hãng bảo mật và cơ quan
chức năng nhiều nước, trong đó có Việt Nam đã chứng minh và cảnh báo về
các mã độc, “cửa hậu” được cài sẵn trong các thiết bị trước khi xuất
xưởng, cho phép đối phương có thể truy cập, kiểm soát từ xa. Bên cạnh
đó, nhiều trang thiết bị mạng sử dụng trong nước, gồm cả các trang thiết
bị của các cơ quan, tổ chức nhà nước có xuất xứ nước ngoài. Ngoài ra,
tình trạng thiếu nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, nhất
là về an ninh, an toàn mạng cũng dẫn đến nguy cơ khó kiểm soát được các
vấn đề an ninh, an toàn mạng. Đáng chú ý, nhận thức của một số cấp lãnh
đạo, quản lý, ý thức và kỹ năng về an ninh, an toàn mạng của người sử
dụng tại Việt Nam còn hạn chế, trong đó có cả cán bộ thuộc các bộ phận
cơ mật, thiết yếu, nắm quyền quản trị các hệ thống quan trọng, liên quan
đến nhiều bí mật nhà nước.
Thực
tế cho thấy, Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển internet nhanh
trong khu vực, nhưng tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém về an ninh, an toàn
mạng. Hiện nay, khoảng 70% dân số Việt Nam sử dụng internet, 66% sử dụng
mạng xã hội; 100% số cơ quan nhà nước có cổng thông tin điện tử, sử
dụng mạng nội bộ LAN, Extranet, internet; sử dụng các kênh liên lạc trên
không gian mạng để giao dịch. Theo các tổ chức an ninh mạng Kaspersky
và Symantec, Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về nguy cơ bị nhiễm
mã độc, phần mềm độc hại (qua USB, thẻ nhớ) với gần 70% người dùng máy
tính có nguy cơ bị lây nhiễm cao; đứng thứ ba về số lượng người dùng di
động bị mã độc tấn công nhiều nhất thế giới; đứng thứ 4 trên thế giới về
nguy cơ bị nhiễm độc khi sử dụng Internet. Hệ quả là năm 2020 có tới
hơn 73% số vụ lộ, lọt bí mật nhà nước xảy ra trên không gian mạng, tăng
khoảng 3% so với năm 2019.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG BẢO VỆ AN NINH QUỐC GIA TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG THEO TINH THẦN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG
Văn
kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ
vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc,
lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ
xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giữ vững môi
trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”(5). Trong
bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các thế lực thù địch,
phản động luôn lợi dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật để chống phá Việt
Nam, đặc biệt là gia tăng các hoạt động tuyên truyền phá hoại nền tảng
tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, do đó, để bảo vệ an ninh quốc
gia trên không gian mạng theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, cần làm
tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục tăng
cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là
các cán bộ, đảng viên về âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, phá
hoại của các thế lực thù địch, phản động trên không gian mạng.
Trên
thực tế, không gian mạng đã, đang và sẽ là môi trường để các thế lực
thù địch tìm mọi cách lợi dụng vào các hoạt động chống Đảng, Nhà nước
ta. Hoạt động thường xuyên, phổ biến của chúng trên không gian mạng là
tuyên truyền phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Trong khi đó, số
lượng người dân Việt Nam được tiếp cận, sử dụng Internet ngày càng
nhiều, kiến thức, kỹ năng về tự bảo vệ bản thân trên không gian mạng của
một bộ phận không nhỏ người dân còn hạn chế, dẫn đến tình trạng số
lượng người dân tiếp cận với các thông tin tuyên truyền, phá hoại tư
tưởng của các thế lực thù địch ngày một lớn, dễ bị các đối tượng lôi
kéo, tiêm nhiễm các quan điểm sai trái, thù địch. Để mỗi người dân có
thể “miễn dịch” với các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của kẻ địch và
cao hơn có thể trở thành chiến sĩ kiên trung, đấu tranh trên mặt trận
tư tưởng, lý luận, chúng ta cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác
tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác, để mỗi người dân có thể nhận
thức rõ âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng
của các đối tượng.
Hai là, làm tốt công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng.
Thời
gian qua, xuất hiện ngày càng nhiều các hoạt động xâm phạm an ninh quốc
gia trên không gian mạng, từ hoạt động của các đối tượng tình báo, gián
điệp, phản động, cho tới các loại đối tượng tội phạm khác, nhất là tội
phạm công nghệ cao. Do đó, yêu cầu làm tốt công tác phòng, ngừa, phát
hiện, đấu tranh chống các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia trên không
gian mạng ngày càng trở nên cấp thiết. Cần làm tốt công tác quản lý,
giám sát không gian mạng để phòng ngừa và phát hiện sớm các hoạt động
xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng. Huy động sức mạnh tổng
hợp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị trong đấu tranh phòng, chống
các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng. Đầu tư xây
dựng đội ngũ, lực lượng nòng cốt chuyên trách, tinh nhuệ, tinh thông
nghiệp vụ, đủ khả năng đấu tranh với các loại tội phạm xâm phạm an ninh
quốc gia trên không gian mạng.
Ba là, phòng ngừa không để chiến tranh mạng xảy ra.
Mặc
dù chưa xảy ra chiến tranh mạng, tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta đã
chứng kiến nhiều hoạt động tấn công mạng nguy hiểm, gây ra những thiệt
hại lớn cho Việt Nam. Do đó, yêu cầu phòng ngừa không để chiến tranh
mạng xảy ra là hết sức cần thiết. Để đối phó với nguy cơ xảy ra chiến
tranh mạng, chúng ta phải triển khai ngay các giải pháp tổng thể, đồng
bộ bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng, khẩn trương nghiên cứu
và có giải pháp hiệu quả phòng, chống chiến tranh mạng, chiến tranh điện
tử, chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao, chiến tranh thông tin.
Tăng cường quản lý nhà nước về an ninh thông tin, an ninh không gian
mạng quốc gia trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, bảo vệ vững chắc các
cơ sở hạ tầng quân sự, mục tiêu trọng yếu; có chiến lược phát triển nhân
lực chuyên ngành công nghệ thông tin trong lĩnh vực quốc phòng, an
ninh. Đầu tư trọng điểm xây dựng các đơn vị an ninh mạng, tác chiến điện
tử đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ phòng thủ quốc gia trên không gian
mạng, sẵn sàng ứng chiến khi có chiến tranh mạng xảy ra.
Bốn là, tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trên không gian mạng.
Để
bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trên không gian mạng, trước hết cần
chú trọng công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, tăng cường tuyên
truyền, phổ biến kiến thức về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin cho cán
bộ, đảng viên và nhân dân. Chủ động phòng ngừa những sơ hở, thiếu sót,
không để các thế lực thù địch, phản động và các loại đối tượng lợi dụng
xâm phạm hệ thống thông tin, thu thập, chiếm đoạt bí mật nhà nước, thông
tin nội bộ gây phương hại đến an ninh quốc gia, lợi ích của các cơ
quan, tổ chức và cá nhân. Tuân thủ các quy định của Luật An toàn thông
tin mạng năm 2015. Chấp hành nghiêm các quy định về bảo mật nhà nước,
quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin, tài liệu. Kịp thời phát hiện,
ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi làm mất an ninh, an toàn thông tin;
lộ, lọt bí mật nhà nước, thông tin nội bộ hoặc lợi dụng bí mật nhà nước,
thông tin nội bộ để thực hiện các hành vi trái pháp luật.
Năm là, xây
dựng nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, đủ về số lượng,
đồng thời nghiên cứu, nắm bắt, tiến tới chủ động về công nghệ, trang
thiết bị và dịch vụ mạng.
Việt
Nam có đội ngũ kỹ sư, chuyên gia công nghệ thông tin đông đảo nhưng số
lượng làm việc trong các cơ quan nhà nước còn hạn chế, trong đó, không
ít người giỏi, có năng lực chuyên môn tốt đã chuyển ra ngoài khu vực Nhà
nước làm việc. Đáng chú ý là, số lượng người có chuyên môn sâu về an
ninh, an toàn thông tin mạng còn thiếu, đặc biệt là trên lĩnh vực bảo
mật mạng. Do đó, trong thời gian tới, cần có chiến lược đào tạo phù hợp
để có nguồn nhân lực đủ cả về số lượng và bảo đảm về chất lượng, có thể
đáp ứng được những đòi hỏi, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần
thứ tư đặt ra. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác nghiên cứu, hợp tác
quốc tế, chuyển giao công nghệ, tự chủ sản xuất các trang thiết bị, tiến
tới có thể tự chủ trong sử dụng, cao hơn là trong sản xuất các trang
thiết bị và ứng dụng dịch vụ mạng./.
PGS. TS. Cao Anh Dũng
Thiếu tướng, Giám đốc Học viện Quốc tế, Bộ Công an
___________________
(1), (2) Trần Đại Quang: Không gian mạng: Tương lai và hành động, Nxb. Công an nhân dân, H, 2015, tr.57-58, 23.
(3), (4) Luật An ninh mạng Việt Nam năm 2018, khoản 3, 4, Điều 2; Điều 10.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.67-68.
(Nguồn: Tạp chí Cộng sản)