Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 2/1/2019 13:54'(GMT+7)

Bảo vệ biên giới Tây Nam: Mốc son trong quan hệ Việt Nam - Campuchia

Trưa 7/1/1979, các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia cùng Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Thủ đô Phnom Penh. Ảnh: TTXVN

Trưa 7/1/1979, các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia cùng Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Thủ đô Phnom Penh. Ảnh: TTXVN

Cách đây 40 năm, thực hiện quyền tự vệ chính đáng của dân tộc, quân và dân ta trên toàn tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc đã đứng lên trừng trị bàn tay tội ác của tập đoàn phản động Pol Pot – Ieng Sary.

Cuộc chiến đã thắng lợi, bảo vệ toàn vẹn độc lập, chủ quyền biên giới quốc gia, giúp nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng, bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên hòa bình, hòa hợp dân tộc và phát triển.

Trong chiều dài lịch sử, đặc biệt là trong những năm tháng đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam và Campuchia luôn đoàn kết bên nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi chống kẻ thù chung, giành độc lập, tự do cho mỗi nước. Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước vào tháng 4/1975, tập đoàn Pol Pot – Ieng Sary đã đi ngược với truyền thống vốn có của hai dân tộc, chúng thường xuyên xuyên tạc Việt Nam, cho quân gây rối, xâm lấn lãnh thổ nước ta trên vùng biển biên giới Tây Nam.

Không dừng lại ở đó, chúng còn đưa quân đánh chiếm đảo Thổ Chu (thuộc huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) và một số đảo khác ở khu vực Tây Nam của nước ta.

Đến tháng 12/1978, tập đoàn Pol Pot đã tập trung nhiều sư đoàn mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam. Tính từ tháng 5/1975 đến ngày 23/12/1978, chúng đã giết hại 5.230 dân thường Việt Nam vô tội với những phương thức cực kỳ man rợ; đốt phá nhiều cơ sở vật chất khiến nhiều người phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn; gây bao đau thương, tang tóc cho nhân dân ta. 

Trước hành động gây hấn và mở rộng chiến tranh của kẻ địch, Đảng và Nhà nước ta đã kiềm chế và kiên trì thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị với Nhà nước Campuchia Dân chủ, nhưng chúng ta càng kiềm chế, thì tập đoàn Pol Pot càng lấn tới, buộc chúng ta phải chọn con đường đứng lên thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình. 

Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, lúc bấy giờ là Sư đoàn phó Tham mưu trưởng Sư đoàn 330, Quân khu 9 kể: trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, Tịnh Biên và Khánh Bình thuộc tỉnh An Giang là hai khu vực chiến tranh ác liệt nhất, liên tục chiến đấu và liên tục bị tấn công. Vì mục tiêu của kẻ địch là muốn chiếm hai nơi này để tạo bàn đạp đánh vào Châu Đốc. Nhưng nhờ vào sự kết hợp chặt chẽ của Quân khu 9 cùng lực lượng vũ trang tại địa phương chiến đấu kiên cường nên kẻ địch không thực hiện được ý đồ.

“Lúc đó anh Lê Đức Anh gọi chúng tôi lên là bây giờ rút Trung đoàn 3 về phòng ngự ở Tịnh Biên để Trung đoàn của Sư đoàn 4 cùng những anh em địa phương của Tri Tôn giữ Ba Chúc, rút Trung đoàn 1 sang Vịnh Bà để chiếm lại toàn bộ dụng cụ, máy móc mà địch đã chiếm được. Chúng tôi đi có 2 ngày thì mất Ba Chúc, nó vào giết hơn 3.000 người dân ở Ba Chúc. Đánh đuổi địch ra khỏi biên giới Vịnh Bà, thì về để thay thế Trung đoàn 3 tiếp tục đánh Ba Chúc. Cuối cùng ta cũng giải phóng được Ba Chúc. Từ đó liên tục đánh, sau đó tiến công tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tại cánh đồng núi Phú Cường”- Đại tướng Phạm Văn Trà kể lại.

Đáp lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết cứu nước Campuchia, từ ngày 23/12/1978, Quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết cứu nước Campuchia mở cuộc tổng phản công – tiến công, lần lượt phá vỡ toàn bộ hệ thống phòng thủ vòng ngoài của quân Pol Pot.

Đến ngày 6/1/1979, ta bắt đầu tổng công kích vào thủ đô Phnom Penh. Sau 2 ngày tổng công kích, vào ngày 7/1/1979, Quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết cứu nước Campuchia giải phóng Phnom Penh, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của tập đoàn phản động Pol Pot – Ieng Sary, cứu giúp trên 4 triệu người dân Campuchia thoát khỏi bàn tay tội ác của kẻ địch.

Trong cuộc chiến đấu vô cùng khó khăn, gian khổ và ác liệt đó luôn sáng ngời tình đoàn kết quốc tế thủy chung, trong sáng giữa hai dân tộc.

Trung tướng Triệu Xuân Hòa, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Quân khu 7 nhớ lại: “Dân ta đói, nhưng chúng ta vẫn tập trung bạn lại, cung cấp lán, trại, lương thực, thực phẩm, tạo điều kiện cho đồng bào Campuchia sinh sống. Cùng với các đồng chí cách mạng chinh chiến Campuchia vận động, tuyển chọn lực lượng, huấn luyện, xây dựng lực lượng cách mạng Campuchia từ không thành có, từ nhỏ đến lớn. Từ đó, chúng tôi sống, công tác với các đồng chí cán bộ Campuchia, cảm nhận được nghĩa tình của đồng bào, đồng chí Campuchia đối với chúng ta như anh em ruột thịt, kể từ đó đến bây giờ”.

Theo Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam có ý nghĩa vô cùng to lớn. Chúng ta không chỉ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, giành lại quyền được sống, quyền làm người và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do thật sự; tạo điều kiện để khôi phục lại tình hữu nghị và tình đoàn kết chiến đấu vốn có giữa hai Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam – Campuchia. 

Thắng lợi ngày 7/1/1979 là thắng lợi chung của nhân dân hai nước Việt Nam – Campuchia. Đây là bài học quý báu trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển của hai quốc gia.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: “Phải kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển đất nước với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta phải bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp, kể cả lực lượng vũ trang làm nòng cốt, kể cả xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, tăng cường hợp tác, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị với bạn bè quốc tế, với các nước trong khu vực, đặc biệt là đối với các nước láng giềng và các nước có mối quan hệ hữu nghị truyền thống. Phải làm sao tăng cường quan hệ đoàn kết chặt chẽ với các nước, đối với các bạn Campuchia. Đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Và việc đoàn kết hữu nghĩ Việt Nam – Campuchia vừa là truyền thống, mà cũng là đòi hỏi tất yếu trong tình hình hiện nay”.

40 năm qua, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam – Campuchia được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp đang không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp mang lại lợi ích thiết thực cho hai quốc gia, vì hòa bình, độc lập dân tộc và sự ổn định, phát triển trong khu vực và quốc tế./.

Theo vov.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất