(TG) - Sáng ngày 3/7/2020, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phối hợp với Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam tổ chức Hội nghị thông tin chuyên đề “Bảo vệ động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm - Những vấn đề đặt ra”.
Tham dự và chủ trì Hội nghị thông tin chuyên đề có đồng chí Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo các cục, vụ thuộc Ban Đảng Trung ương.
Báo cáo chuyên đề “Bảo vệ động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm - Những vấn đề đặt ra”, đồng chí Phạm Ngọc Linh-Vụ trưởng, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Đa dạng sinh học nói chung, các loài động, thực vật hoang dã nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và môi trường Việt Nam, là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực; duy trì nguồn gen vật nuôi, cây trồng; cung cấp nguyên vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu, dược liệu... Ý thức được tầm quan trọng của việc cần phải bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm phục vụ cho phát triển kinh tế -xã hội, bảo vệ môi trường bảo đảm phát triển bền vững đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để tăng cường quản lý hiệu quả công tác này.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cùng với nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, các tổ chức đoàn thể nhân dân đã nỗ lực chung tay có nhiều hành động thiết thực để bảo vệ các loài hoang dã, nguy cấp. Công tác bảo tồn các loài hoang dã, nguy cấp đã đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, nhiều loài sinh vật, đặc biệt là các loài quý, hiếm, đang trở nên tuyệt chủng ngoài tự nhiên hoặc đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Tình trạng khai thác, săn bắn, buôn bán và tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã ngày càng diễn biến phức tạp gây ra những mối đe dọa lớn tới đa dạng sinh học cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Để công tác bảo tồn động, thực vật hoang dã đạt được hiệu quả, bảo đảm tính toàn vẹn của hệ sinh thái, chúng ta cần cùng nhau đánh giá một cách tổng thể những kết quả đã đạt được, những hạn chế yếu kém trong công tác bảo vệ các loài nguy cấp, quý hiếm, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn và yêu cầu quản lý công tác này trong tình hình mới.
Đồng chí Phạm Ngọc Linh-Vụ trưởng, Ban Tuyên giáo Trung ương nêu lên một số nhiệm vụ và giải pháp bảo vệ các loài động thực vật hoang dã trong thời gian tới như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như vị trí, vai trò của đa dạng sinh học, các loài động, thực vật hoang dã đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Tạo dư luận xã hội lên án, phê phán nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo tồn các loài hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức, hình thành ý thức cho cán bộ lãnh đạo các cấp, các báo cáo viên, tuyên truyền viên trong lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng công tác thông tin tuyên truyền về bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, bảo tồn động, thực vật hoang dã nói riêng. Cam kết không sử dụng động, thực vật hoang dã. Thể hiện thái độ không khoan nhượng đối với việc buôn bán và tiêu thụ động, thực vật hoang dã. Ngành tuyên giáo cần tăng cường công tác định hướng thông tin tuyên truyền thay đổi hành vi về việc không sử dụng các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã đối với cơ quan thông tấn báo chí, các báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp. Đội ngũ cán bộ tuyên giáo, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp chủ động và nỗ lực truyền tải thông điệp thay đổi hành vi đến và khuyến khích tất cả cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị Đảng và Nhà nước chấm dứt việc sử dụng trái phép các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã góp phần bảo vệ đa dạng sinh học và sự phát triển bền vững đất nước.
Đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị đa dạng sinh học không thể thay thế của các loài động vật hoang dã và các quy định của pháp luật về việc săn bắt, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ và sử dụng động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã, đặc biệt nhấn mạnh việc sử dụng, tiêu thụ động vật hoang dã cũng là một hành vi trái pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Một trong những yếu tố chi phối mạnh nhất đến hành vi tiêu dùng các sản phẩm từ động vật hoang dã đó là niềm tin vào công dụng của chúng đối với sức khỏe và đời sống con người đã bám rễ chặt, được truyền từ nhiều thế hệ, do đó các thông điệp truyền thông cần phải nhấn mạnh đến việc chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh được công dụng chữa bệnh của các sản phẩm từ động vật hoang dã, có thể mời các bác sỹ, chuyên gia uy tín nói về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền về những tác động tiêu cực của sản phẩm từ động vật hoang dã đến bản thân người sử dụng.
Lồng ghép các thông điệp truyền thông thay đổi hành vi bảo vệ động vật hoang dã vào các quy định, quy chế nội bộ của cơ quan; tiến tới ban hành các công văn hướng dẫn yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ động, thực vật hoang dã và tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về bảo tồn động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Phối hợp với các cơ quan ngoại giao, cơ quan cảnh sát các nước và các tổ chức phi chính phủ về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm. Xây dựng và triển khai các điều ước, cam kết quốc tế; tổ chức và tham gia các chiến dịch bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm: bảo tồn voi, hổ, tê giác...mà Việt Nam đã tham gia.
Việt Nam tích cực cùng các nước ở Đông Á và Đông Nam Á và toàn thế giới nhanh chóng đẩy lùi đại dịch Covid-19 bằng việc cam kết và thực hiện việc cấm vĩnh viễn việc tiêu thụ và buôn bán động vật hoang dã.
Nghiên cứu và áp dụng các bài học kinh nghiệm quốc tế và các mô hình truyền thông thay đổi hành vi thành công trên thế giới để dần dần thực sự thay đổi được thói quen và hành vi của người tiêu dùng động, thực vật hoang dã.
Phát biểu tại Hội nghị, Bà Bùi Thúy Nga, đại diện Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam cho rằng vai công tác thông tin, tuyên truyền về bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã góp phần bảo tồn đa dạng sinh học chưa thực sự hiệu quả và chưa được thực hiện thường xuyên liên tục; nội dung và phương thức chưa đa dạng, phong phú. Có thể nói, truyền thông mới dừng lại ở việc nâng cao nhận thức, chưa thực sự thay đổi hành vi của người sử dụng.
Các chiến dịch truyền thông về bảo tồn động, thực vật hoang dã thường chỉ được thực hiện khi có sự tài trợ từ các dự án và các tổ chức nước ngoài. Kinh phí dành cho truyền thông còn hạn chế, chưa bố trí được nguồn ngân sách dành riêng cho công tác truyền thông về bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã nói riêng.
Bên cạnh đó, việc huy động xã hội hóa các nguồn lực cho công tác truyền thông thay đổi hành vi về bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã chưa được thực hiện hiệu quả. Nhiều nội dung truyền thông chưa thực sự thuyết phục, chưa đưa ra được những căn cứ khoa học của các thông điệp truyền thông.
Còn nhiều đối tượng cần truyền thông thay đổi hành vi, chưa được tuyên truyền về những quy định của pháp luật xử phạt đối với các hành vi phạm pháp luật về buôn bán trái phép động thực vật hoang dã.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng cho rằng, hiện số loài và cá thể các loài động vật hoang dã Việt Nam bị giảm mạnh, nhiều loài đã bị tuyệt chủng. Để bảo vệ các loài động vật hoang dã, ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ các loài động vật hoang dã, cần tăng cường thực hiện các mô hình cộng đồng tham gia vào công tác bảo tồn. Cộng đồng sẽ được tham gia vào những quyết sách có tính chiến lược của khu bảo tồn và được chia sẻ lợi ích từ chính những hoạt động này. Ngoài ra, cần thực hiện những giải pháp như: Đẩy mạnh điều tra, giám sát Bảo tồn đa dạng sinh học; phục hồi môi trường sống tự nhiên cho các loài hoang dã; tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn; đầu tư nâng cấp các trung tâm lưu giữu nguồn gen các loài đang có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng...
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nhấn mạnh: Với mục đích bảo tồn thiên nhiên vì sự phát triển bền vững của Việt Nam và đảm bảo sự tuân thủ pháp luật trong việc buồn bán các loài động, thực vật hoang dã tại và từ Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương và tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông thay đổi hành vi bảo vệ động, thực vật hoang dã tới các cán bộ, đảng viên, doanh nhân và nhiều tầng lớp nhân dân.
Hiện nay, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đang tiếp tục phối hợp với Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam lên kế hoạch thực hiện nhiều chương trình truyền thông thay đổi hành vi đối với vấn đề bảo tồn động, thực vật hoang dã tiêu biểu như các hội thảo, hội nghị có sự tham gia của đối tượng lãnh đạo của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các Tổ chức chính trị, đoàn thể và các báo cáo viên, tổ chức trưng bày các thông điệp và hình ảnh tại trụ sở các cơ quan Đảng ở Trung ương.
Qua các thông tin tại Hội nghj chuyên đề ngày hôm nay, các đại biểu đã hiểu rõ hơn về giá trị về cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng về hệ sinh thái, các giá trị văn hóa, từ đó hướng tới việc khai thác, sử dụng bền vững Bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần vào công tác bảo vệ các loài nguy cấp, quý hiếm ở Việt Nam.
Việt Nam là nơi sống của gần 16.500 loài thực vật bậc cao, nấm lớn và rêu ở trên cạn, trong đó, số lượng các loài thực vật đặc hữu chiếm một tỷ lệ lớn (khoảng 30%). Trên cạn có khoảng 10.500 loài động vật, gồm xấp xỉ 8.000 loài côn trùng và động vật không xương sống ở đất, gần 500 loài bò sát - ếch nhái, 850 loài chim và 312 loài thú; ở nước ngọt có khoảng 1.500 loài vi tảo và rong, trên 1.000 loài động vật không xương sống và khoảng 600 loài cá; dưới biển có trên 1.200 loài rong, cỏ và vi tảo, trên 7.000 loài động vật không xương sống, khoảng 2.500 loài cá và xấp xỉ 50 loài rắn biển, rùa biển và thú biển. Ngoài ra, các nhà khoa học cho rằng ở Việt Nam, số loài sinh vật đã biết trên đây thấp hơn nhiều so với số loài đang sống trong thiên nhiên, chắc chắn còn nhiều loài sinh vật hoang dã khác chưa được biết tới.
Bên cạnh hệ sinh vật tự nhiên đa dạng, Việt Nam cũng sở hữu một hệ đa dạng sinh học nông nghiệp phong phú, thuộc một trong các trung tâm xuất xứ thực vật được thuần hóa và là nguồn gốc của khoảng 40 giống vật nuôi. Hơn 6.000 giống lúa và gen đã được ghi nhận tại Việt Nam. Bên cạnh ưu thế về đa dạng các hệ sinh thái tự nhiên và thành phần loài sinh vật trong tự nhiên, trong hơn 20 năm qua, nhiều loài sinh vật mới đã được phát hiện đã lần nữa khẳng định tầm quan trọng toàn cầu của đa dạng sinh học Việt Nam.
|
Duy Phong