Ngày 8/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; đây là ngày làm việc đầu tiên của đợt họp thứ 2 theo hình thức tập trung tại Nhà Quốc hội.
Ngày 8/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Đây là ngày làm việc đầu tiên của đợt họp thứ 2 theo hình thức tập trung tại Nhà Quốc hội.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính-ngân sách Nhà nước 03 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).
Các ý kiến tại phiên thảo luận tập trung phân tích việc thực hiện mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu; các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật; tổ chức bộ máy nhà nước; cải cách hành chính; cơ cấu lại nền kinh tế; các chính sách vĩ mô; chính sách tín dụng; nợ xấu; đầu tư phát triển; nông nghiệp và phát triển nông thôn; công nghiệp, xây dựng; dịch vụ, du lịch; thương mại, xuất nhập khẩu; doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh; giá cả, lạm phát; bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; bình đẳng giới; y tế, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân...
Cho ý kiến Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15, nhiều ý kiến đại biểu phân tích những kết quả đạt được, chỉ rõ tồn tại, hạn chế, từ đó đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch.
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) đánh giá cao vai trò của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể, nhân dân, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, các tình nguyện viên đã chủ động tham gia tích cực, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch.
Về chiến lược vaccine, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước, chủ động nguồn cung và tự chủ vaccine để đảm bảo cung cấp cho người dân trong nước; chỉ đạo triển khai hiệu quả chiến lược, chiến dịch tiêm chủng vaccine đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả.
Nhấn mạnh việc đánh giá hiệu quả các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 để đề ra những giải pháp trong những năm tiếp theo, đại biểu đề nghị tiếp tục kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội cho người dân tại các địa phương; kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ lao động tự do, người dân có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo công bằng, không để sót và lọt đối tượng.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã phát biểu, làm rõ thêm một số vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.
Liên quan đến vấn đề thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả đối với dịch COVID-19, ông Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đã nghiên cứu, tham khảo các kinh nghiệm trong nước và quốc tế, tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP. Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 4800/QĐ-BYT để tổ chức triển khai thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đối với dịch COVID-19. Việc triển khai này nhằm mục tiêu vừa bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân, tạo điều kiện thuận lợi phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời tạo thuận lợi cho đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Đến nay, việc triển khai đã được thực hiện cơ bản, đồng bộ. Các địa phương đã không còn tình trạng phong tỏa trên diện rộng, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, nhưng vẫn đảm bảo thực hiện phòng, chống dịch hiệu quả.
Bộ Y tế hiện cũng đang hoàn thiện chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh trên cơ sở những bài học kinh nghiệm, đúc kết trong quá trình triển khai thực hiện, ngành y tế sẽ nỗ lực, quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trước mắt tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong bối cảnh đại dịch, cơ quan chức năng đã ban hành 3 chính sách lớn, chưa có tiền lệ và những giải pháp tình thế để kịp thời đáp ứng các yêu cầu cấp bách, cụ thể. Tuy còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, nhưng kết quả đến nay cho thấy, đã có trên 14 triệu đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42/2017/QH14.
Về gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, qua 4 tháng triển khai trên toàn quốc có 25.900 tỷ đồng đã được phê duyệt và đã hỗ trợ cho 26,71 triệu đối tượng thụ hưởng.
Đối với gói hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, có 363.000 người sử dụng lao động đã được hỗ trợ; hơn 8 triệu người lao động đã được hỗ trợ từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Hiện nay, 85% lực lượng lao động trong độ tuổi đã được thụ hưởng với hơn tổng số tiền hơn 20.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ của địa phương và vận động nguồn lực xã hội, cũng như của nhân dân đã góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Quốc hội sẽ dành cả ngày mai (ngày 9/11) tiếp tục thảo luận tại hội trường về các báo cáo kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước và công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Phiên họp được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi./.
Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)