Thứ Tư, 27/11/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Ba, 1/7/2014 14:59'(GMT+7)

Bắt đầu phát điện tại đảo Phú Quý 24 giờ/ngày

Một góc đảo Phú Quý. Ảnh: TTXVN

Một góc đảo Phú Quý. Ảnh: TTXVN

Ông Huỳnh Văn Hưng, Bí thư huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quý (Bình Thuận) cho rằng: Việc thực hiện giá bán điện bằng với đất liền từ ngày 1/6/2014 và nâng thời gian sử dụng điện từ 16 giờ/ngày lên 24 giờ/ngày bắt đầu từ 1/7 đối với đảo Phú Quý là bước ngoặt mang tính lịch sử. Đây là yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo Phú Quý và có ý nghĩa to lớn trong chiến lược an ninh quốc phòng của Đảng và Nhà nước về phát triển biển đảo của quốc gia.

Để kịp tiến độ phát điện 24 giờ/ngày tại huyện đảo Phú Quý, Công ty Điện lực Bình Thuận đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đưa vào vận hành 2 máy diesel mới công suất 1000kW; đồng thời tăng cường tạm thời lực lượng đã có kinh nghiệm vận hành diesel từ đất liền ra và tuyển nhân sự mới gửi đi đào tạo nghiệp vụ vận hành nguồn diesel tại trường Cao đẳng Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo vận hành ổn định lâu dài.

Ngoài ra, Công ty Điện lực Bình Thuận cũng đang lập đề án tiếp tục tăng qui mô công suất nhà máy diesel thêm 2MW trong năm 2015; lắp đặt 2 bồn dầu 400m3, đường ống dẫn dầu từ cảng Phú Quý đến nhà máy dài 600m bảo đảm khả năng vận chuyển, dự trữ nhiên liệu phục vụ phát điện, nhà xưởng sửa chữa... Mặt khác, Công ty đầu tư nâng cấp toàn bộ hệ thống lưới điện trung hạ thế trên đảo để đảm bảo cung cấp điện ổn định, đáp ứng nhu cầu điện phát triển sản xuất, tiêu dùng dân cư trên đảo sau khi tăng thời gian phát điện lên 24 giờ.

Từ năm 2011 đến nay, giá bán điện cho nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp trên đảo Phú Quý bình quân cao hơn trong đất liền từ 1,9 đến 4,96 lần. Giá điện quá cao đã khiến nhiều doanh nghiệp chuyển cơ sở sản xuất vào trong đất liền. Triển khai thực hiện Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu từ 1/6/2014, Công ty Điện lực Bình Thuận áp dụng giá bán điện tại đảo Phú Quý bằng với giá bán tại đất liền.

Như vậy, theo tính toán của Tổng Công ty Điện lực miền Nam, từ ngày 1/6 khi thực hiện giá bán điện trên đảo bằng với đất liền và tới ngày 1/7 nâng thời gian phát điện lên 24 giờ/ngày thì mức lỗ của ngành Điện miền Nam tăng lên 90 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc đầu tư này hoàn toàn là nhiệm vụ chính trị để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng trên đảo.

Theo Công ty Điện lực Bình Thuận, đảo Phú Qúy đang sử dụng nguồn điện tại chỗ do cách xa đất liền, không kết nối với lưới điện quốc gia. Thời gian phát điện tại đảo là 16 giờ/ngày. Hiện tỷ lệ hộ sử dụng điện trên đảo đạt 100%. Nguồn điện chính tại đảo là nhà máy Diesel, với tổng công suất 3MW. Việc vận hành nguồn diesel liên tục phát sinh nhiều hư hỏng, phải thường xuyên sửa chữa. Mặt khác, vật tư, thiết bị lưới điện hoạt động trong môi trường nhiễm mặn cao nên nhanh chóng xuống cấp. Do vậy, chi phí sản xuất và cung cấp cấp điện tại đảo cao hơn nhiều so với đất liền, không mang lại hiệu quả về mặt kinh doanh.

Ngoài ra, từ năm 2013 đảo có thêm nhà máy phong điện với tổng công suất 6MW, gồm 3 tuabin. Tuy nhiên, hiệu suất khai thác nhà máy phong điện mới đóng góp khoảng 30% sản lượng điện trên đảo.

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất