Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, về vấn đề này.
- Thưa ông, xin ông cho biết về thực trạng xâm hại tình dục trẻ em đang nhức nhối hiện nay?
Ông Đặng Hoa Nam: Theo số liệu chúng tôi tổng hợp được từ phía Bộ Công an thì xu hướng chung hiện nay là số lượng các cụ việc xâm hại tình dục trẻ em ngày càng tăng lên.
Theo thống kê, có tới 70% số vụ việc xâm hại trẻ em là xâm hại tình dục, có khoảng trên 1.000 vụ việc xâm hại tình dục bị phát hiện mỗi năm. Đặc biệt, đây mới chỉ là những vụ việc được thống kê từ các cơ quan công an, tức là những vụ việc đã được cơ quan công an lập hồ sơ, tiến hành thủ tục tố tụng.
Trước thực trạng này, đối với các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em đều được các cơ quan trung ương lưu ý phải được đặc biệt quan tâm. Thế nhưng, vấn đề là trong thực tế, đối với các cơ quan điều tra thì những vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em đã phải là các vụ việc được ưu tiên trước hết hay chưa?
Từ năm 2010 đến năm 2014, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em tăng gấp đôi (Nguồn: Bộ Công an, đơn vị: vụ án)
- Việc chậm chạp trong quá trình điều tra, trừng trị những kẻ dâm ô, hãm hiếp trẻ em cũng chính là điều mà dư luận bức xúc nhất đối với những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, nguyên nhân của thực trạng này là gì thưa ông?
Ông Đặng Hoa Nam: Hiện nay, các vụ việc cơ quan điều tra thông báo phải tạm hoãn hầu hết là do cần thu thập thêm chứng cứ để khởi kiện bị can.
Theo tôi, Luật Trẻ em có hiệu lực từ năm 2017 đã quy định rõ phải ưu tiên các vụ án liên quan đến trẻ em trong quá trình điều tra, tố tụng hình sự, xử lý dân sự, vi phạm hành chính. Trong Luật Hình sự cũng đã nêu rõ, tất cả các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em đều là vi phạm hình sự, ngay cả việc dâm ô trẻ em. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các cơ quan điều tra phải nhanh chóng vào cuộc để thu thập chứng cứ, đảm bảo không có việc sai lệch hoặc thất thoát chứng cứ liên quan đến xâm hại trẻ em, để vụ việc được xử lý theo trình tự của pháp luật một cách nhanh chóng.
Bản thân cán bộ ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cũng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an để cung cấp thêm chứng cứ, tư vấn, tham vấn hỗ trợ cho nạn nhân, thúc đẩy các cơ quan pháp luật vào cuộc để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.
- Trong vụ việc nghi ngờ bé gái học lớp 1 ở Thành phố Hồ Chí Minh bị xâm hại tình dục, gia đình nói có sự việc này nhưng nhà trường lại báo cáo “không có,” ông nhìn nhận thế nào về sự trái ngược này?
Ông Đặng Hoa Nam: Việc kết luận có hay không sự việc xâm hại tình dục trẻ em là của cơ quan điều tra chứ không phải của nhà trường. Trách nhiệm của nhà trường là phối hợp với cơ quan chức năng để bảo vệ nạn nhân, thu thập chứng cứ để cơ quan pháp luật hoàn thành việc điều tra, làm rõ sự việc.
Vụ việc ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng như vậy, không có một đơn vị nào có thể xác định em bé đó có bị xâm hại tình dục hay vết thương do bị ngã, bị tai nạn cho đến khi có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra. Trong vụ việc này, nếu phát hiện dấu hiệu xâm hại tình dục tức là vi dấu hiệu vi phạm Luật Hình sự, do đó trách nhiệm của nhà trường là không che dấu thông tin mà phải cung cấp đầy đủ thông tin, phối hợp với cơ quan điều tra, hoàn thành tốt trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Nhà trường cũng phải phối hợp để hỗ trợ các dịch vụ giảm tổn thương cho trẻ em.
- Trong trường hợp kết luận của cơ quan điều tra là có sự việc trẻ em bị xâm hại tình dục thì nhà trường, cơ quan quản lý... sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào?
Ông Đặng Hoa Nam: Trong trường hợp kết luận của cơ quan điều ra có sự việc trẻ em bị xâm hại tình dục thì đây là hành vi vi phạm Luật Hình sự và sẽ bị truy tố. Do đó, không nên vì lợi ích của nhà trường, lợi ích của một cá nhân nào đó mà bao che, làm sai lệch kết quả của quá trình điều tra, hành vi này cũng là vi phạm pháp luật.
Câu chuyện gần đây về vụ việc học sinh bị ô tô đâm gãy chân trong sân trường tại Hà Nội cũng là bài học cho tất các địa phương, cả hiệu trưởng và hiệu phó của nhà trường đều đã bị kỷ luật, cách chức vì cố tình che giấu vi phạm gây khó khăn cho cơ quan điều tra...
- Mặc dù đã diễn ra được một thời gian, nhưng vụ án bé gái bị xâm hại tình dục ở Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn chưa có kết luận cuối cùng, xin ông cho biết thêm về vụ việc này?
Ông Đặng Hoa Nam: Theo báo cáo của cơ quan điều tra mà chúng tôi nhận được về vụ án dâm ô trẻ em ở Bà Rịa-Vũng Tàu thì hiện nay vẫn chưa đủ chứng cứ để khởi tố bị can. Theo tôi, đối với những vụ án không phải là vụ án hiếp dâm, không phải giao cấu thì đòi hỏi những chứng cứ về mặt pháp y, y tế là rất khó. Những vụ thế này chỉ có thể căn cứ vào nhân chứng và cơ quan điều tra cần phải có biện pháp để thu nhập chứng cứ. Đối với những vụ việc thế này, các cơ quan điều tra cần phải trao đổi kinh nghiệm giữa nhiều tỉnh thành với nhau.
Gần đây, công an tỉnh Lào Cai cũng đã thu nhập chứng cứ từ lời khai của nhân chứng phía trẻ em, kết hợp đấu tranh với đối tượng, kết quả là khởi tố được 2 vụ án liên quan đến hành vi dâm ô trẻ em.
- Theo ông, chúng ta cần làm thế nào để xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ em, bảo vệ trẻ em trước những hành vi xâm hại?
Ông Đặng Hoa Nam: Khi phát hiện vụ việc xâm hại trẻ em, gia đình, người dân phả nhanh chóng tố cáo đến đúng các cơ quan chức năng gồm: Uỷ ban nhân dân xã phường, đường dây nóng bảo vệ trẻ em (19001567), cơ quan công an... Các cơ quan chức năng cso trách nhiệm phải vào cuộc xác minh, phối hợp với nhau để thu thập chứng cứ, đấu tranh bảo vệ trẻ em. Theo tôi, ngành y tế cần tập trung quy định mức độ tổn thương do xâm hại để tiện cho việc thu thập chứng cứ.
Chúng tôi cũng khuyến nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là Quốc hội khi xem xét, bổ sung sửa đổi bộ Luật Hình sự và Tố tụng hình sự sắp tới thì cần chú ý xây dựng những quy định cụ thể hơn, ví dụ như quy định rõ hơn hành vi dâm ô đối với trẻ em để các cơ quan tố tụng và các cơ quan quản lý có biện pháp hỗ trợ can thiệp và đấu tranh với tội phạm một cách hiệu quả hơn.
- Xin cảm ơn ông./
Theo Vietnam+