Hội nghị đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, phát huy dân chủ, trí
tuệ, thẳng thắn thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết và
quan trọng vào các báo cáo và đề án.
Bộ Chính trị đã tiếp thu những ý kiến xác đáng, giải trình những vấn
đề còn có ý kiến khác nhau. Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao
thông qua các nghị quyết, kết luận của Trung ương.
ĐỔI MỚI TƯ DUY, NHẬN THỨC VỀ PHÒNG, CHỐNG DỊCH, PHỤC HỒI SẢN XUẤT KINH DOANH
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, với
tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, xem xét, phân tích, đánh giá khách
quan, toàn diện các vấn đề, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao
cho rằng, năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của
Đảng; thành công của Đại hội đã tạo ra xung lực mới và khí thế mới cho
sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Với tinh thần đổi mới mạnh
mẽ, năng động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện và
sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã kế
thừa, phát huy tốt những thành tựu, kết quả đã đạt được, khắc phục những
hạn chế, yếu kém còn tồn tại và bình tĩnh, tỉnh táo xử lý kịp thời,
đúng đắn những vấn đề khó, chưa có tiền lệ, mới phát sinh trong phòng,
chống dịch bệnh, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp từng bước vượt qua
khó khăn, duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, chăm
sóc, bảo vệ sức khỏe và đời sống nhân dân, chăm lo việc học hành của học
sinh, sinh viên... Tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta,
truyền thống đoàn kết, yêu nước, 'thương người như thể thương thân,' 'lá
lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều' của dân tộc ta lại tiếp
tục được phát huy cao độ".
Ban Chấp hành Trung ương ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao và trân
trọng cảm ơn những nỗ lực, đóng góp to lớn, những nghĩa cử cao đẹp của
đồng bào, đồng chí, chiến sỹ và cộng đồng các doanh nghiệp cả nước; cảm
ơn sự ủng hộ, giúp đỡ có hiệu quả của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè
quốc tế trong phòng, chống đại dịch COVID-19 thời gian qua.
Đồng thời, Ban Chấp hành Trung ương chia sẻ sâu sắc những tổn thất,
mất mát về người và của mà nhân dân ta đã phải gánh chịu; ghi công, tôn
vinh những đồng bào, cán bộ, chiến sỹ các lực lượng nơi tuyến đầu chống
dịch, nhất là ngành y tế, các lực lượng vũ trang và cán bộ cơ sở đã dũng
cảm hy sinh quên mình vì sinh mệnh, sức khỏe và cuộc sống yên bình của
nhân dân.
Hội nghị thống nhất nhận định, do hậu quả nặng nề của đợt bùng phát
dịch lần thứ 4, kinh tế quý 3 tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ năm
2020, làm cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1,42%, là mức
thấp nhất từ năm 2000 đến nay. Dự báo cả năm chỉ đạt khoảng 3%, thấp xa
so với mục tiêu Quốc hội đề ra (6%). Kinh tế-xã hội của đất nước đang
đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn, có thể còn tiếp tục kéo dài
trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022. Dự báo, không hoàn thành
được nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra cho năm 2021.
Trung ương thẳng thắn chỉ rõ, ngoài nguyên nhân khách quan do tác
động của dịch bệnh là chủ yếu, cũng có nguyên nhân chủ quan trong phòng,
chống dịch bệnh; có lúc, có nơi còn lơ là, chủ quan, bị động, lúng túng
hoặc cứng nhắc, thiếu thống nhất, đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý
các tình huống cụ thể, đột xuất; còn hạn chế, bất cập trong dự báo,
phân tích tình hình để xây dựng và triển khai thực hiện có bài bản các
phương án ngắn hạn cũng như dài hạn, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa
phát triển kinh tế - xã hội.
Các lãnh đạo Đảng và Nhà nước dự bế mạc Hội nghị. (Ảnh: TTXVN)
Dự báo, trong năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước
ta còn diễn biến phức tạp, khó lường, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn
mạnh, cần phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống,
kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh
doanh để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp đưa vào Kế hoạch phát
triển kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2022
sao cho sát hợp, khả thi nhất có thể.
Trên cơ sở kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2022 và chủ trương, định hướng
phòng, chống dịch trong tình hình mới, kịp thời điều chỉnh chính sách
tài chính-tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực để bảo đảm ổn định
kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, phục hồi sản xuất kinh
doanh, lưu thông hàng hóa, lao động, nhất là ở các địa phương đã thực
hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, thúc đẩy xuất khẩu và tiêu
dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo,
điều hành thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội; tập trung
ưu tiên bổ sung, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, xử lý có hiệu quả
các vấn đề tồn đọng, các nút thắt và điểm nghẽn cho đầu tư, phát triển
sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, cơ cấu lại một số ngành, lĩnh vực quan trọng và doanh
nghiệp đang bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19 như thương mại, dịch
vụ, hàng không, du lịch... để thích ứng với trạng thái bình thường mới,
tạo nền tảng cho giai đoạn phục hồi các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp
này từ năm 2022 trở đi; có giải pháp bảo vệ các doanh nghiệp trong các
lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế, cũng như tránh sự đổ vỡ của các tập
đoàn kinh tế lớn (cả nhà nước và tư nhân), có thể dẫn đến sự đổ vỡ dây
chuyền trong nền kinh tế; không để nền kinh tế bị lỡ nhịp trong xu hướng
hồi phục kinh tế thế giới cũng như quá trình tái cấu trúc chuỗi sản
xuất và cung ứng toàn cầu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh
giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án lớn, trọng điểm quốc gia;
sớm nghiên cứu, xây dựng kịch bản tăng trưởng mới cho thời kỳ "hậu
COVID-19," các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo
gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, không để suy giảm các
động lực tăng trưởng trong dài hạn; tăng cường kiểm tra, giám sát việc
thực hiện các chính sách an sinh xã hội; khẩn trương rà soát, không để
sót, lọt đối tượng, địa bàn cần hỗ trợ; kịp thời đề xuất khen thưởng đối
với các tổ chức, cá nhân tham gia tuyến đầu hoàn thành tốt nhiệm vụ;
chăm lo sức khỏe, đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh-phúc lợi xã hội,
phát triển văn hóa, giáo dục; chỉ đạo, hướng dẫn và có giải pháp phù hợp
cho việc đi học bình thường của học sinh, sinh viên; thực hiện tốt công
tác dự báo và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ban Chấp hành Trung ương đồng tình về cơ bản với mục tiêu tổng quát
và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2022 do Ban cán sự đảng
Chính phủ đề xuất, trong đó có việc lùi thời điểm thực hiện lộ trình cải
cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII.
Đồng thời, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu, tiếp tục rà soát, tính
toán kỹ lưỡng, chuẩn xác hóa lại các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ,
giải pháp chủ yếu để trình Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm đáp ứng
yêu cầu vừa tiếp tục phòng, chống, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa
phục hồi phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2022 và các năm tiếp theo;
tập trung ưu tiên thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm an sinh
xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh; xử lý những
hạn chế, yếu kém tồn đọng từ lâu của nền kinh tế, nhất là trong việc
giải ngân vốn đầu tư công; cải cách doanh nghiệp nhà nước và xử lý vấn
đề các dự án thua lỗ lớn, chậm tiến độ kéo dài; các ngân hàng thương mại
mua bắt buộc 0 đồng...
Tăng cường các giải pháp bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo; bảo
đảm quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; nâng cao
hiệu quả công tác đối ngoại trong tình hình mới; tăng cường sự thống
nhất, đồng thuận của nhân dân cùng chia sẻ, khắc phục những khó khăn
chung của đất nước.
XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG, HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH
Ban Chấp hành Trung ương khẳng định, hơn 90 năm qua, Đảng ta đã xác
lập, củng cố và ngày càng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức mạnh và uy tín
của mình bằng chính bản lĩnh, nghị lực, trí tuệ, lý luận tiên phong;
bằng đường lối đúng đắn mang lại lợi ích thiết thân cho nhân dân, cho
đất nước; bằng sự nêu gương, hy sinh quên mình, phấn đấu không mệt mỏi
của đội ngũ cán bộ, đảng viên; bằng một tổ chức đoàn kết, thống nhất
chặt chẽ, vững chắc; bằng mối liên hệ máu thịt với nhân dân, được nhân
dân hết lòng tin yêu, ủng hộ và bảo vệ.
Đại hội XIII của Đảng đã đề ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn
Đảng với 10 giải pháp cơ bản, đồng bộ, trong đó nhấn mạnh phải tiếp tục
đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII với trọng tâm là
ngăn chặn, đẩy lùi, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái
về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những hành vi tham nhũng,
tiêu cực và những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội
bộ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, cái mới của lần này là Trung
ương đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn
bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị đúng theo tinh thần Nghị
quyết Đại hội XIII của Đảng; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ
động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu
cực... Đồng thời, bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy
thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến," "tự
chuyển hóa," "tiêu cực" sát hợp tình hình mới.
Toàn cảnh phiên bế mạc hội nghị. (Ảnh: TTXVN)
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Trung ương thống nhất cao
phải tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa nhiều công việc cụ thể,
thiết thực, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị Trung
ương 4 khóa XII đã đề ra.
Đồng thời bổ sung nhấn mạnh thêm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là: Xây
dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ
phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; kiên quyết, kiên trì
đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai
phạm. Theo đó, phải chú trọng nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn
ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái; đấu tranh mạnh mẽ
chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, "lợi ích nhóm"; rà soát,
hoàn thiện, thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực
của người có chức, có quyền; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật
đảng, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực,
lãng phí; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, công
tác cán bộ, công tác kiểm tra, công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý
đảng viên; phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí, của công
luận.
Để Nghị quyết và Kết luận này đi vào cuộc sống, tạo ra chuyển biến rõ
rệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, cả hệ thống chính trị phải
vào cuộc. Từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ
cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành phải nhận
thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, đất nước,
trước Đảng để tự giác, gương mẫu thực hiện.
“Ở đây, sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa
quyết định. Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban
Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác,
gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt
với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn”, Tổng Bí thư nói.
Hội nghị đã thống nhất cao ban hành Quy định mới về những điều đảng
viên không được làm; coi đây là căn cứ, cơ sở quan trọng để xem xét, xử
lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Để thực hiện có hiệu quả các
nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương lần này thì nhận thức của
chúng ta phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn và phương
pháp phải đúng, góp phần làm chuyển biến tình hình thật sự, có kết quả
rõ ràng, cụ thể. Tôi đề nghị, mỗi đồng chí Ủy viên Trung ương, trên
cương vị công tác của mình, hãy phát huy tốt hơn nữa vai trò trách nhiệm
cá nhân, cùng với cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực
hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, kết
luận của Trung ương”./.
TTXVN