Thứ Năm, 28/11/2024
Môi trường
Thứ Hai, 22/11/2010 11:6'(GMT+7)

Biến đổi khí hậu - Biến đổi cuộc sống

Chung tay bảo vệ trái đất

Chung tay bảo vệ trái đất

Nằm trong chuỗi hoạt động "Năm Đức ở Việt Nam 2010", viện Goethe phối hợp với Tổ chức hỗ trợ phát triển Đức (DED) và Tổ chức nâng cao năng lực quốc tế Đức (InWEnt) đã tổ chức cuộc thi VietDocs: "Biến động khí hậu và tác động của nó tới cuộc sống của tôi".

Trong buổi khai mạc sáng ngày 21/11, các chuyên gia của Đức và Việt Nam có rất nhiều bản tham luận độc đáo và hữu ích, giúp người xem có một cái nhìn đa chiều và toàn diện hơn về BĐKH.

Tham dự buổi lễ có bà Almuth Meyer-Zollitsch -Giám đốc viện Goethe, bà Franziska Hoffmann -Kỹ sư môi trường, Tổ chức Hỗ trợ phát triển Đức (DED), ông Hứa Chiến Thắng - Bộ Tài nguyên&Môi trường, PGS.TS Trần Việt Liễn -nguyên giám đốc Viện Biến đổi khí hậu Việt Nam) cùng rất nhiều các bạn trẻ quan tâm đến vấn đề BĐKH.

Trình bày trước hội thảo, PGS.TS Trần Viết Liễn đã phân tích tác động của BĐKH tới sức khỏe của cộng đồng Việt Nam. Theo ông, ảnh hưởng trực tiếp của BĐKH là sự thay đổi nhiệt độ và thay đổi mùa. Đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là những người có thu nhập thấp và những người sống ở nông thôn. Khi môi trường thay đổi, những vi khuẩn, vi trùng mới xuất hiện, gây ra các bệnh mới, tác động trực tiếp lên đời sống con người: cúm AH1N1, cúm AH5N1, các bệnh ung thư da, đục thủy tinh thể ... và đặc biệt là tác động của tia tử ngoại tới đời sống con người.

Chị Ngô Vân Nguyệt- tổ chức Live&Learn hoạt động vì môi trường, trình bày tham luận của mình về vai trò của giới trẻ đối với BĐKH. Theo chị, giới trẻ hiện nay là "những người thông thái có học thức, bằng cấp nhưng mù tịt về sinh thái". Tại Việt Nam, đối tượng bị BĐKH tác động nặng nề nhất lại chính là trẻ em (50% số lượng nạn nhân). Từ đó, tổ chức Live&Learn đã xúc tiến các hoạt động bảo vệ môi trường, thay đổi cách sống, cách làm, thu hút được sự tham gia của nhiều đối tượng: học sinh, sinh viên, người đi làm, người về hưu. Tổ chức lấy giới trẻ làm trung tâm, xây dựng một "Thế hệ xanh Việt Nam"- những người sống có ích và bảo vệ môi trường.

Thảo luận về Hệ quả của BĐKH tới an ninh lương thực, nhà sinh học Dirk Euler (DED Việt Nam) cho biết, tỷ lệ người nghèo ở Việt Nam chiếm 20% dân số và họ là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. BĐKH khiến cho thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt độ tăng cao, tình trạng nước biển dâng, xâm nhập vào đất trồng trọt ... khiến cho giá lương thực tăng cao và những người nghèo không thể bảo đảm cuộc sống của họ.

Nguyên nhân của BĐKH một phần do phát triển nông nghiệp không đúng đắn. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, khí Nitơ và khí Mêtan trong chất thải nông nghiệp độc gấp 40 -100 lần khí Cácbonic, gây ra hiệu ứng nhà kính - yếu tố dẫn tới BĐKH. Từ đó, ông kiến nghị nông dân nên trồng nhiều loại cây trông đan xen, tận dụng đất, chống sâu bệnh và chống sự xói mòn.

 

Bà Franziska Hoffmann Kỹ sư môi trường, Tổ chức Hỗ trợ phát triển Đức (DED), trình bày tham luận của mình



Không chỉ những người dân nông thôn mà cả những người dân đô thị cũng chịu sự ảnh hưởng của BĐKH -đó là tham luận của tổ chức Action for the City. Tổ chức đưa ra thông điệp: "Hành vi nhỏ, thay đổi lớn", hướng tới đối tượng những người dân ở khu vực đô thị. Với hai chương trình: Xanh nhà và xanh cộng đồng, tổ chức đã hướng dẫn 600 hộ dân ở các quận Phúc Tân, Giáp Bát biết đọc các nhãn hiệu, sử dụng các sản phẩm trong nước thay vì nước ngoài, tiết kiệm điện, nước và hạn chế sử dụng túi nilon. Kết quả mỗi gia đình giảm 90 túi nilon/tháng, tiết kiệm 2-4m3 nước và 9-15kwh/tháng, nhiều hộ gia đình đã có vườn rau sạch, đảm bảo chất lượng cuộc sống.

Có thể nói, buổi hội thảo đã cung cấp thêm nhiều tư liệu cho các bạn trẻ muốn tham gia vào cuộc thi VietDocs: "Biến động khí hậu và tác động của nó tới cuộc sống của tôi". Những ý tưởng dự án hay nhất sẽ được tham gia nhiều khóa học (workshops) tại Trung tâm phim tài liệu và Thử nghiệm Video (DocLab) tại Viện Goethe Hà Nội; được chiếu cho công chúng vào tháng 5/6 năm 2011, đồng thời sẽ được tài trợ để phát hành rộng rãi (được chiếu trên VTV 6).

Ngoài ra, người thắng cuộc sẽ được tài trợ kinh phí để sản xuất một bộ phim dài về cùng chủ đề và sẽ được tham gia Liên hoan phim tài liệu SeaDocs (Liên hoan phim tài liệu dành cho các nhà làm phim trẻ khu vực Đông Nam Á, do Viện Goethe ở các nước Thái Lan, Indonesia, Phillipines và Việt Nam đồng tổ chức).

Vương Tâm

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất