Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ
tướng, truyền đạt ý kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Tập đoàn
Bưu chính-Viễn thông Việt Nam (VNPT) và mong muốn Tập đoàn có bước tiến
mới trong 5 lĩnh vực, đồng thời yêu cầu VNPT giải trình, làm rõ về 3
nhiệm vụ chậm trễ.
Ngày 15/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến
Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, đã dẫn đầu đoàn
kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao
tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
Phát biểu mở đầu buổi kiểm tra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết
thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương VNPT với
những kết quả hoạt động nổi trội so với nhiều tập đoàn khác.
Hướng tới sản xuất máy tính, điện thoại
VNPT đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về tái
cơ cấu, bán phần vốn ngoài ngành, tuy số lượng chưa nhiều, phần vốn bán
khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, nhưng hiệu quả rất cao. Đặc biệt, nội bộ đoàn
kết, không có đơn thư khiếu nại tố cáo.
“Thủ tướng rất khen ngợi tập thể lãnh đạo VNPT trong thống nhất thực
hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng. Không phải nơi nào cũng được
như vậy”, Bộ trưởng nêu rõ.
Cùng với đó, thông qua hoạt động của mình, VNPT đã đóng góp rất lớn
trong xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng Chính phủ
điện tử, đẩy mạnh cải cách hành chính, giúp các địa phương xây dựng
thành phố thông minh.
Bộ trưởng cho biết mới đây khi thăm khu công nghệ cao Láng-Hòa Lạc,
Thủ tướng rất mừng vì VNPT đã có những sản phẩm được sản xuất tại đây.
Sản phẩm cung cấp ra thị tường tuy mới ở mức độ nhất định nhưng là tín
hiệu đáng mừng, cho thấy Tập đoàn đã chú ý quan tâm đầu tư vào lĩnh vực
này.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng mong muốn VNPT sẽ có bước phát triển mới trong 5 lĩnh vực.
Thứ nhất, vẫn phải tích cực, chủ động thực hiện tốt tái cơ cấu Tập
đoàn, thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành để tăng hiệu quả, chất
lượng, xứng đáng là tập đoàn hàng đầu về CNTT. Cần hết sức quan tâm công
tác này. Với VNPT, nhà nước vẫn giữ phần vốn nhà nước chi phối, cần
tính toán kỹ phần nào cổ phần hóa, phần nào giữ lại.
Thứ hai, trong thời điểm hiện nay, VNPT cần quyết liệt trong xử lý
các vấn đề như an toàn, an ninh thông tin, tin nhắn rác, sim rác…
Thứ ba, quyết tâm của Chính phủ là xây dựng Chính phủ điện tử để tăng
cường minh bạch, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp. Bộ trưởng cho
biết từ tháng 10/2016, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã đưa vào vận
hành hệ thống tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp và từ ngày 1/4 tới đây
sẽ có hệ thống tiếp nhận ý kiến của người dân. Như vậy, người dân, doanh
nghiệp được trực tiếp phản ánh tới Chính phủ, Chính phủ trực tiếp lắng
nghe và giải quyết. Thủ tướng mong muốn VNPT sẽ góp phần tích cực hơn
vào quá trình này.
Thứ tư, Tập đoàn đã sản xuất một số sản phẩm công nghệ cao, Thủ tướng
mong muốn VNPT cần cố gắng trong thời gian sớm nhất trở thành tập đoàn
sản xuất công nghệ cao, có sản phẩm của mình như điện thoại, máy tính…
với chất lượng tốt ra thị trường để khẳng định Việt Nam nói chung và
VNPT nói riêng đủ sức làm được.
Thứ năm, vấn đề dịch vụ công là cực kỳ quan trọng. Thời gian qua,
chúng ta đã có tiến bộ rất tốt về giải quyết thủ tục, trả kết quả thực
hiện thủ tục… qua hệ thống của VNPT. Thủ tướng mong muốn VNPT tiếp tục
góp phần giảm thời gian, giấy tờ thực hiện thủ tục, đơn giản hóa quy
trình…
|
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Giải trình 3 nhiệm vụ chậm trễ
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết với quyết tâm xây dựng Chính phủ
kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ, thượng tôn pháp luật, hoàn
thiện thể chế, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, nói đi đôi với làm, Thủ
tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác từ tháng 8/2016.
Thời gian chưa dài nhưng hoạt động của Tổ công tác đã giúp kéo giảm
tỷ lệ nhiệm vụ quá hạn từ 25% xuống còn 2,18% vào cuối năm 2016, tạo lan
tỏa rất lớn với các bộ ngành, địa phương. Các bộ ngành, địa phương đều
lập Tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc các nhiệm vụ do Bộ trưởng, Chủ tịch
UBND tỉnh giao.
Theo thống kê, từ đầu năm 2016 tới ngày 5/3/2017, Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ đã giao VNPT 111 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 108
nhiệm vụ (đúng hạn 104, quá hạn 4), còn lại 3 nhiệm vụ quá hạn mà chưa
hoàn thành.
Cụ thể, đó là việc thoái vốn tại các doanh nghiệp ngoài ngành hoặc
doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả triển khai quá chậm so với yêu
cầu; việc xây dựng phương án tái cơ cấu Công ty TNHH MTV Tài chính Bưu
điện; việc đẩy mạnh các bệnh viện trực thuộc hoạt động theo cơ chế tự
chủ theo Nghị định số 16 năm 2015 của Chính phủ.
Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị VNPT giải trình, làm rõ về nguyên nhân
dẫn tới 3 nhiệm vụ quá hạn và biện pháp khắc phục trong thời gian tới,
nêu rõ mốc thời gian hoàn thành.
Nội dung của buổi kiểm tra sẽ được Tổ công tác tổng hợp, báo cáo
Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 3, đồng thời sẽ kiến nghị các
giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, kể cả
những vướng mắc về cơ chế, chính sách./.
TG