Hôm nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vui mừng kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân, dân Cam-pu-chia chiến thắng chế độ diệt chủng (7-1-1979 - 7-1-2019); trong bối cảnh cả nước đang ra sức thi đua lập thành tích mừng Đảng, mừng Xuân, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Cách đây 40 năm, thực hiện quyền tự vệ chính đáng của dân tộc, quân và dân ta trên toàn tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc đã đứng lên chiến đấu, chống lại tội ác của tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari, bảo vệ toàn vẹn độc lập, chủ quyền biên giới quốc gia, giúp nhân dân Cam-pu-chia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari và bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hòa bình, hòa hợp dân tộc và phát triển. Thắng lợi to lớn đó là sự tổng hòa của nhiều nhân tố, trước hết là sự lãnh đạo nhạy bén, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam; sự chỉ đạo tập trung, kiên quyết và chính xác của Quân ủy T.Ư và Bộ Quốc phòng. Đó còn là thắng lợi của nghệ thuật huy động sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh yêu chuộng hòa bình và công lý của nhân dân thế giới, trước hết là của nhân dân và các lực lượng vũ trang yêu nước Cam-pu-chia.
Trong chiều dài lịch sử, nhất là trong những năm tháng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Việt Nam và Cam-pu-chia luôn đoàn kết bên nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi chống kẻ thù chung, giành độc lập, tự do cho mỗi nước. Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước vào tháng 4 năm 1975, được các thế lực bên ngoài giúp sức, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới nước ta, đồng thời, thực hiện chính sách diệt chủng tàn bạo đối với nhân dân Cam-pu-chia. Chỉ trong vòng gần bốn năm, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari đã tàn sát gần ba triệu người dân Cam-pu-chia, xóa bỏ hầu hết cơ sở vật chất - xã hội và đẩy dân tộc Khmer trước thảm họa diệt vong. Đối với Việt Nam, chúng xuyên tạc lịch sử, kích động thù hằn dân tộc, cho quân gây rối, xâm lấn lãnh thổ nước ta trên vùng biển biên giới Tây Nam. Không dừng lại ở đó, chúng còn đưa quân đánh chiếm đảo Thổ Chu và một số đảo khác ở khu vực Tây Nam của Việt Nam. Đến ngày 23-12-1978, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari đã tập trung nhiều sư đoàn mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam nước ta; đi đến đâu chúng cũng tàn phá làng mạc, cướp bóc, giết hại dã man người dân, kể cả người già, phụ nữ, trẻ em...
Trước hành động gây hấn và mở rộng chiến tranh của kẻ địch, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã kiềm chế và kiên trì thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị. Nhưng càng kiềm chế, thì tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari càng lấn tới, buộc chúng ta phải chọn con đường đứng lên thực hiện quyền tự vệ chính đáng. Đáp lại lời kêu cứu của nhân dân Cam-pu-chia và lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, Việt Nam không chỉ đánh tan bọn xâm lược, mà còn đưa quân, giúp nhân dân Cam-pu-chia lật đổ chế độ diệt chủng của tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari vào ngày 7-1-1979, cứu nhân dân Cam-pu-chia khỏi thảm họa diệt chủng, giành lại quyền được sống, quyền làm người và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, hồi sinh đất nước, dân tộc. Hành động của Việt Nam xuất phát từ nhu cầu tự vệ chính đáng, trách nhiệm quốc tế, cũng như lương tâm của một dân tộc từng chịu nhiều áp bức và ngoại xâm. Trong cuộc chiến đấu gian khổ và ác liệt đó, biết bao cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh, hoặc để lại một phần máu, thịt của mình trên các chiến trường. Sự giúp đỡ bằng xương máu của quân tình nguyện Việt Nam đối với cách mạng Cam-pu-chia là sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, vô tư, trong sáng. Chủ tịch Quốc hội Cam-pu-chia Hêng Xom-rin đã nói: “Sự giúp đỡ bằng xương máu của quân tình nguyện Việt Nam là sự giúp đỡ nhân đạo và đúng đắn nhất. Sự hỗ trợ này lẽ ra phải là nghĩa vụ chính yếu của cộng đồng quốc tế trong việc cứu giúp một dân tộc đang trong hoạn nạn bởi chính sách diệt chủng có tổ chức chính quy từ trên xuống dưới của chế độ Pôn Pốt”. Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen, từng khẳng định: “Quân dân Cam-pu-chia nếu không có sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam thì không thể giải phóng nhanh đến thế. Nếu Cam-pu-chia tự giải phóng thì dân Cam-pu-chia chết hết rồi”.
Ngày 8-1-1979, Hội đồng Nhân dân cách mạng Cam-pu-chia thành lập và đề nghị quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục phối hợp với lực lượng vũ trang Cam-pu-chia truy quét tàn quân Pôn Pốt, củng cố chính quyền cách mạng. Cùng với hoạt động quân sự, Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia giúp Cam-pu-chia xây dựng chính quyền cơ sở, hỗ trợ vật chất giúp phục hồi kinh tế từ đống đổ nát do chế độ diệt chủng để lại. Ngày quân tình nguyện Việt Nam về nước (29-6-1989), Báo Pro-chia-chuôn (Nhân dân) của Đảng Nhân dân cách mạng Cam-pu-chia ra xã luận có đoạn viết: “Trong những năm cực kỳ bi thảm dưới chế độ diệt chủng Pôn Pốt, trên thế giới này không biết bao nhiêu kẻ mạnh, kẻ giàu, nhưng duy nhất chỉ có người bạn láng giềng nghèo Việt Nam đến cứu sống dân tộc ta mà thôi”.
Trong giai đoạn Cam-pu-chia xây dựng, phát triển đất nước, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Việt Nam tiếp tục đoàn kết, hợp tác với Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Cam-pu-chia trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Cùng với thời gian, sự giúp đỡ ấy cũng như tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân hai nước sẽ mãi được khắc ghi trong lịch sử, trở thành biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết quốc tế thủy chung, trong sáng giữa hai dân tộc Việt Nam - Cam-pu-chia. 40 năm đã đi qua, trong giai đoạn hiện nay, mặc dù tình hình thế giới, khu vực có nhiều thay đổi, quan hệ hai nước đã có những bước phát triển mới, nhưng bản chất, giá trị của mối quan hệ hai nước, hai dân tộc vẫn không thay đổi. Chúng ta tin tưởng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng Đảng Nhân dân cách mạng Cam-pu-chia sẽ tiếp tục giữ gìn, phát huy mối quan hệ truyền thống Việt Nam - Cam-pu-chia trong thời đại mới bằng những chương trình, kế hoạch hợp tác cụ thể, hiệu quả trên các lĩnh vực, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.
Theo Nhân dân