(TG)-Để tổ chức thành công cuộc bầu cử trong cả nước, ngay từ đầu năm 2016, Bộ Chính trị đã có chỉ thị về lãnh đạo và tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp;, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã có Chỉ thị 09 - CT/TU về việc lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Quán triệt chỉ thị của Trung ương và tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Bình Thuận đã kịp thời tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ để tổ chức thành công cuộc bầu cử. Trong đó, những tài liệu văn bản hướng dẫn, chương trình, kế hoạch, các bước tiến hành, quy định về bầu cử của Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương được quán triệt sâu sắc để mọi người nắm vững quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân trong bầu cử, ứng cử để thực hiện. Để làm tốt nội dung này, cấp ủy, chính quyền các cấp đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể, làm cho mọi người hiểu sâu sắc về luật bầu cử, hiểu được quyền và trách nhiệm của mình về bầu cử, bảo đảm dân chủ, tạo sự thống nhất trong nhân dân, tích cực tham gia bầu cử.
Trên cơ sở các quy trình, quy định về cuộc bầu cử, các cơ quan báo chí, truyền thông trong tỉnh đã tăng cường các chuyên trang, chuyên mục, đặc biệt thời lượng, tần suất, hình thức tuyên truyền cho đến gần ngày bầu cử. Nhờ đó, nhân dân và cử tri có thêm thông tin và bày tỏ sự quan tâm hơn đến cuộc bầu cử. Tuy vậy, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn, thắc mắc về các quy định, quy trình lựa chọn ứng cử viên; hiệp thương để phân bổ cơ cấu và lập danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Nhằm kịp thời giải tỏa băn khoăn này, các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan báo chí truyền thông cần có nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp để giải đáp kịp thời những băn khoăn thắc mắc của người dân, cử tri. Có thể nói, quy trình đưa 3 lần hiệp thương và 5 bước chuẩn bị nhân sự cho danh sách ứng cử viên là một bước phát triển trong việc vận dụng kết hợp nhuần nhuyễn dân chủ trực tiếp với dân chủ đại diện để thực thi quyền làm chủ thật sự của nhân dân trong quá trình xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Điều đó đã được kiểm nghiệm qua nhiều lần bầu cử Quốc hội, bầu cử HĐND các cấp và ngày càng được hoàn thiện. Tiến hành các bước hiệp thương thật tốt, dân chủ và đúng pháp luật sẽ cấu tạo nên một Quốc hội (HĐND) có một cơ cấu phản ảnh đầy đủ khối đại đoàn kết toàn dân, tập trung trí tuệ của toàn dân tộc, đồng thời chọn được các đại biểu Quốc hội (HĐND) thật sự là những người có đủ đức tài để đảm nhiệm trọng trách, thật sự là người đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Hội nghị tiếp xúc cử tri cũng là một sự kiện được đông đảo cử tri quan tâm, theo dõi. Đây là dịp để các ứng cử viên trình bày chương trình hành động của mình và cũng là dịp để cử tri trao đổi qua lại, chất vấn đối với chương trình hành động của người ứng cử. Việc trao đổi chương trình hành động của các ứng viên tại các cuộc tiếp xúc cử tri tại nhiều nơi diễn ra tốt, nhưng ở một số nơi, số cử tri tham dự ít, sự trao đổi giữa ứng cử viên và cử tri không được phong phú, có nơi cử tri lại kiến nghị những vấn đề ngoài lĩnh vực công tác, phụ trách của ứng cử viên. Qua theo dõi cho thấy, các hội nghị hiệp thương đã được các cấp, các địa phương tổ chức trang trọng, chu đáo; chương trình hành động của người ứng cử khá gọn, cụ thể, thiết thực. Không có ứng cử viên nào hứa những việc không thuộc thẩm quyền của mình cũng như những việc khả năng của mình không làm được.
Bên cạnh đó, tại các hội nghị tiếp xúc cử tri có rất ít lời hứa chung chung. Nhưng hầu hết ứng cử viên nào cũng phải hứa đó là: nếu trúng cử sẽ thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc cử tri nơi mình ứng cử, lắng nghe những ý kiến, kiến nghị của cử tri để phản ánh kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền, đồng thời để cử tri giám sát việc thực hiện lời hứa đó. Cử tri cần tin tưởng vào kết quả hiệp thương của MTTQ Việt Nam, có nghĩa là những người đã được Mặt trận hiệp thương đưa vào danh sách chính thức là những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện để ứng cử.
Có thể thấy, với 99,96% tỷ lệ cử tri đi bầu, trong đó có 808/855 khu vực bỏ phiếu đạt tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu 100%; 105/127 xã, phường, thị trấn đạt tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu 100% là minh chứng rõ nhất cho sự thành của cuộc bầu cử. Và, có thể khẳng rằng, sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của nhân dân cùng với sự lãnh đạo lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung, công việc bảo đảm tiến độ, đúng quy trình, quy định của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với cuộc bầu cử là đảm bảo cho sự thành công đó sẽ tạo tiền đề tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện và xây dựng bộ máy Nhà nước các cấp./.
Lê Thành
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận