Thứ Hai, 21/10/2024
Y tế - Dân số
Chủ Nhật, 3/7/2016 8:15'(GMT+7)

Bịt "lỗ hổng" trong bảo hiểm y tế

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Đây là lần đầu tiên, dữ liệu về BHYT tại 14.000 điểm khám chữa bệnh từ Trung ương đến địa phương trong cả nước được kết nối thông suốt. Theo như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, sự kiện này sẽ đem lại bước thay đổi căn bản trong khám chữa bệnh BHYT, đồng thời xem đây là một thời điểm lịch sử không chỉ với ngành y tế mà đối cả ngành công nghệ thông tin.

Tính đến nay, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thử nghiệm kết nối vào Hệ thống thông tin giám định BHYT. Theo các chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý BHYT sẽ mang lại lợi ích cho cả cơ sở khám, chữa bệnh và bệnh nhân.

Cụ thể, người bệnh sẽ tiết kiệm được thời gian, được cung cấp thông tin chính xác về mặt quyền lợi, đặc biệt là thông tin về mặt chi phí trong khám, điều trị. Ngành y tế sẽ rút giảm đáng kể nhân lực, quản lý hồ sơ minh bạch, hạn chế thấp nhất các tiêu cực so với trước đây. Ngoài ra, khi Hệ thống thông tin giám định BHYT được kết nối đồng bộ cùng hệ thống công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh sẽ giúp ngành y có đầy đủ dữ liệu để phân tích xu hướng bệnh tật ở từng nơi, từng vùng, phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Trước đây, khi chưa ứng dụng Cổng dữ liệu y tế và Hệ thống thông tin giám định BHYT, ngành y tế nước ta chưa tìm được các giải pháp hữu hiệu, lâu dài để khắc chế những hiện tượng tiêu cực trong lĩnh vực khám, chữa bệnh BHYT. Dư luận đã nhiều lần mất niềm tin bởi các hiện tượng tiêu cực ở một số bệnh viện. Các hiện tượng chi trả vượt mức quỹ BHYT cho bệnh nhân khám, điều trị trái tuyến, rồi những tiêu cực trong việc cấp, quản lý thẻ bảo hiểm y tế… đã gây ra không ít bức xúc trong dư luận cả nước. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHYT của cơ quan chức năng sẽ ngăn chặn dứt điểm hiện tượng người dân khám ở nhiều bệnh viện trong một ngày, ngăn ngừa tình trạng lấy thuốc từ BHYT mang ra ngoài bán, trục lợi.

Có thể nhận thấy, việc sử dụng Cổng dữ liệu y tế và Hệ thống thông tin giám định BHYT sẽ mang lại lợi ích rất tốt, phục vụ cho nhu cầu khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho nhân, góp phần giảm đáng kể chi phí chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Bởi y tế là ngành đặc thù đòi hỏi kiến thức chuyên môn cao, đầu tư tốn kém về nhân lực, cơ sở hạ tầng. Do vậy, giá thành dịch vụ y tế cũng cao hơn các loại dịch vụ khác trong xã hội. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, thu nhập của đại bộ phận người dân của nước ta, nhất là Nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo còn hạn chế thì việc tham gia BHYT là rất thiết thực. Hiện nước ta có hơn 70 triệu người tham gia BHYT và theo chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã giao, có ít nhất 90% dân số cả nước tham gia BHYT vào năm 2020.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực BHYT sẽ hạn chế được nhiều tiêu cực trong quản lý như đã trình bày. Song vấn đề dư luận quan tâm nhất hiện nay vẫn là chất lượng khám, điều trị BHYT. Bởi hiện nay, tình trạng quá tải trong khám, điều trị ở các bệnh viện vẫn diễn ra, nhất là các bệnh viện lớn ở tuyến Trung ương. Người tham gia BHYT vẫn phải mất nhiều thời gian, gặp nhiều phiền phức trong khám, xét nghiệm và điều trị. Bên cạnh đó, y đức của một số người làm nghề y có phần xuống cấp đã gây ra không ít khó khăn trong việc xây dựng niềm tin của người dân đối với ngành y.

Đây có thể nói là một bước đột phá trong công tác cải cách hành chính, đảm bảo tính minh bạch, công khai trong tổ chức khám chữa bệnh BHYT cũng như thanh toán BHYT, hướng tới mục tiêu lớn nhất là vì quyền lợi người bệnh. Hy vọng, đột phá trên sẽ là cơ sở, động lực quan trọng để ngành y tế sớm có các chủ trương, giải pháp căn cơ, kịp thời ngăn chặn hiện tượng xấu, mang lại niềm tin và hạnh phúc cho cả xã hội. Đồng thời, đó cũng là giải pháp thiết thực nhằm bịt những "lỗ hổng" trong quá trình triển khai, thực hiện việc khám, chữa bệnh BHYT./.

Phúc Thắng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất