(TG) - Trong năm 2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ điều tra đánh giá và đề xuất cơ chế, chính sách cải tạo, phục hồi các dòng sông bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt như sông Nhuệ Đáy, kênh Bắc Hưng Hải...
Để đảm bảo an ninh tài nguyên nước - “mạch nguồn của sự sống,” ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết trong năm 2023, cơ quan này sẽ triển khai 30 nhiệm vụ quan trọng, hướng tới việc phục hồi các dòng sông.
Theo đó, thời gian tới, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, điều tra đánh giá và đề xuất cơ chế, chính sách cải tạo, phục hồi các dòng sông bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt như: sông Nhuệ Đáy, Ngũ Huyện Khê, kênh Bắc Hưng Hải...
Với nhiệm vụ chuyển tiếp, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ tập trung thực hiện dự án “Đánh giá tình hình thực thi, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về khai thác, sử dụng nước; đề xuất các biện pháp, chính sách tăng cường quản lý, bảo vệ tài nguyên nước,” để hỗ trợ xây dựng Luật Tài nguyên nước.
Với các nhiệm vụ mở mới, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ triển khai xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, mô hình số để hỗ trợ ra quyết định điều hòa phân bổ nguồn nước trên các lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, Sê San và Srepork.
Đặc biệt, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ tiến hành điều tra, đánh giá thực trạng, dự báo xu thế, đề xuất biện pháp giảm thiểu bồi lắng, sạt, lở lòng, bờ, bãi sông và lập danh mục các hồ, ao, đầm, phá liên tỉnh nhưng không được san lấp trên các lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, Sê San và Srepork, để kịp thời giải quyết.
Ngoài ra, Cục Quản lý tài nguyên nước cũng sẽ phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính và Tổng cục Môi trường để cùng xây dựng, vận hành hệ thống giám sát mục tiêu chất lượng nước (gồm cả dòng chảy tối thiểu). Việc này được thực hiện quy hoạch trên các lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, Sê San và Srêpốk../.
Hùng Võ