Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy hoạch sử dụng đất phải bảo đảm tính tổng thể, hài hòa giữa mục tiêu phát triển và bảo tồn, đảm bảo tiềm năng, nguồn lực đất đai được sử dụng một cách hiệu quả.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có báo cáo tổng hợp ý kiến và tiếp thu giải trình về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm tới.
Trong đó, có nhiều ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét điều chỉnh giảm thêm diện tích đất trồng lúa, tăng thêm diện tích đất khu công nghiệp tại các vùng trên cả nước.
Giảm đất trồng lúa gần gấp 3 lần là khó khả thi
Theo đó, đối với vùng Tây Nguyên, một số ý kiến đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần xem xét khả năng thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong giai đoạn. Bởi, theo định hướng phương án quy hoạch đến năm 2030 thì chỉ tiêu quy hoạch nhóm đất phi nông nghiệp tăng 85,75 nghìn hécta; trong khi theo kết quả đánh giá loại đất này của vùng tăng 15,75 nghìn hécta.
Tương tự, vùng trung du miền núi phía Bắc nói chung và tỉnh Thái Nguyên cần cân đối tăng thêm diện tích đất phi nông nghiệp để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu về sử dụng đất phi nông nghiệp; đặc biệt là đối với các loại đất: Khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, đất ở, đất sản xuất kinh doanh... nhằm góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Quy hoạch lần này cũng cần tăng chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng nhóm đất nông nghiệp sang các mục đích phi nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 đối với vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Trong đó, xây dựng và phát triển Thanh Hoá trở thành tỉnh kiểu mẫu, trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển nên diện tích đất trồng lúa của tỉnh đến năm 2030 giảm khoảng 39,5 nghìn hécta so với năm 2020.
Tuy nhiên, giải trình về kiến nghị trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc tính toán, xác định chỉ tiêu đất phi nông nghiệp của các tỉnh, thành phố đã căn cứ theo chiến lược phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, khu kinh tế, đô thị; hiện trạng, biến động, kết quả thực hiện quy hoạch; đề xuất nhu cầu sử dụng đất của các bộ, ngành, địa phương và khả năng huy động nguồn lực…
Theo đó, đất phi nông nghiệp của vùng Tây Nguyên phải tăng ở mức khoảng 85-95 nghìn hécta so với năm 2020 (đề xuất 5 tỉnh tăng khoảng 125 nghìn hécta); vùng Trung du và miền núi phía Bắc tăng 185,31 nghìn hécta (đề xuất của địa phương tăng khoảng 272 nghìn hécta, tăng gấp 8 lần giai đoạn 2011-2020); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đến năm 2030 là 1.391,62 nghìn hécta, tăng 239,80 nghìn hécta so với năm 2020 (tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 2021-2030).
Riêng tỉnh Thanh Hóa đề nghị giảm còn 100 nghìn hécta đất lúa (giảm 39,5 nghìn hécta so với năm 2020) là quá lớn so với khả năng thực hiện. Bởi giai đoạn trước, Chính phủ cho phép đất trồng lúa giảm 13,66 nghìn hécta nhưng mới thực hiện được 7,1 nghìn hécta.
"Do đó, kỳ này tiếp tục đề nghị giảm gấp gần 3 lần so với kỳ trước là khó khả thi,” Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.
Quỹ đất công nghiệp: Cần định hướng dài hạn
Liên quan đến ý kiến đề nghị xem xét, điều chỉnh giảm thêm diện tích đất trồng lúa, tăng thêm diện tích đất khu công nghiệp cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc tính toán, cân đối các chỉ tiêu đất trồng lúa của vùng đã được xem xét toàn bộ các yếu tố về mục tiêu, dự kiến nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất.
Hơn nữa, đồng bằng này đóng góp trên 50% sản lượng lúa cả nước, cung cấp cho thị trường ngoài vùng và 90% lượng gạo xuất khẩu. Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030 cũng nhấn mạnh đây là vùng sản xuất lúa trọng điểm của cả nước, có tiềm năng, lợi thế trong sản xuất lúa. Vì thế, đến năm 2030, diện tích đất trồng lúa của vùng chỉ giảm 88.880 hécta.
Đối với chỉ tiêu đất khu công nghiệp, diện tích đất chỉ tăng 14.980 hécta. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc tính toán chỉ tiêu quy hoạch đất khu công nghiệp đến năm 2030 của vùng đã bám sát các chủ trương, định hướng phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long; kết quả thực hiện quy hoạch; tính toán trên cơ sở giá trị GRDP công nghiệp/đơn vị diện tích, khả năng thu hút FDI…
Tương tự, một số ý kiến cũng đề nghị làm rõ nhu cầu và tính khả thi của chỉ tiêu đất khu công nghiệp. Bởi lý do trong kỳ quy hoạch 2010-2020 chỉ thực hiện được 47% chỉ tiêu (trong 10 năm tăng 28.000 hécta). Trong khi, kỳ này dự kiến tăng gần 115.000 hécta, tức gấp 5 so với kết quả thực hiện thời kỳ 2010-2020.
Về ý kiến này, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh theo nhu cầu đề xuất của các địa phương đến năm 2030, đất khu công nghiệp là 340.000 hécta (tăng gấp 12 lần so với kết quả thực hiện thời kỳ 2011-2020). Việc tính toán dự báo đất khu công nghiệp đến năm 2030 trên cơ sở mối quan hệ đất đai và giá trị gia tăng GRDP công nghiệp; nhu cầu ngành, địa phương và tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp.
“Về dài hạn, việc quy hoạch, bố trí diện tích quỹ đất các khu công nghiệp của cả nước như trên là tính tới lâu dài, tránh tốn kém kinh phí trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư,” phía Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị nghiên cứu để phát triển nhanh các khu đô thị, khu công nghiệp dọc đường Hồ Chí Minh để phân bổ lại dân cư phát triển kinh tế đảm bảo an ninh quốc phòng.
Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng thực tiễn cũng như kết quả thực hiện quy hoạch, định hướng phát triển đô thị cho thấy khu công nghiệp dọc đường Hồ Chí Minh không thu hút được các nhà đầu tư. Nguyên nhân là vùng này hạn chế về tiềm năng cho đô thị và công nghiệp, hạ tầng, nguồn lao động không đáp ứng được yêu cầu.
Ngoài ra, dọc đường Hồ Chí Minh là vùng có rất nhiều Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn, khu vực xung yếu cầu phát triển quỹ đất lâm nghiệp đảm bảo sinh thủy, hạn chế thiên tai, biến đổi khí hậu. Do đó, việc phát triển nhanh các khu đô thị, khu công nghiệp cần định hướng dài hạn./.
Theo Vietnam+