Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) là những trụ cột an sinh xã hội đặc biệt quan trọng đối với người dân.
Người đứng đầu ngành y tế cho rằng BHYT giúp người dân, đặc biệt là người nghèo, người khó khăn tiếp cận được các dịch vụ y tế và đảm bảo cơ chế tài chính cho khám chữa bệnh.
BHYT nước ta “đi sau nhưng về trước”, chúng ta khởi động BHYT muộn hơn so với các nước nhưng lại tăng rất nhanh độ bao phủ, đến năm 2020 BHYT bao phủ tới 90,85 %, vượt cả chỉ tiêu Quốc hội giao. "Hiện nay đang cố gắng phấn đấu theo chỉ tiêu của Chính phủ giao, nhưng tăng 1%, giai đoạn này sẽ rất khó khăn", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Theo các đại biểu Quốc hội, mức đóng BHYT ở nước ta trung bình thấp so với các nước. So với các nước phát triển thì chưa bằng thế nhưng những dịch vụ y tế và chất lượng thì người dân đang được thụ hưởng nhiều.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, việc phải đảm bảo tính bền vững, mở rộng mức độ tham gia của người đóng BHYT là vấn đề quan trọng, theo nguyên tắc đóng hưởng, chia sẻ rủi ro thì phải có nhiều người đóng, gần như bao phủ toàn bộ dân số.
Bộ Y tế đang báo cáo với Chính phủ, trình Quốc hội để sửa đổi Luật Y tế. “Tới đây chúng tôi sửa theo hướng tất cả người dân phải được tiếp cận dịch vụ BHYT. Không phải cứ đến khi ốm đau mới đóng bảo hiểm, hay năm đóng, năm không”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Ngoài ra, cũng phải tiếp tục theo đuổi phương án mở rộng quyền lợi, phạm vi được hưởng của người dân đối với BHYT. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long phân tích, đây là chính sách rất ưu việt, ở nước ngoài đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Nếu chúng ta áp dụng như thế thì người nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn không thể tiếp cận được với các dịch vụ y tế chất lượng cao.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn chứng, có những người ở vùng sâu, vùng xa khi có bệnh phải mổ não nhưng bác sĩ cơ sở chưa mổ bao giờ, nếu chuyển bệnh nhân lên tuyến trên thì quá muộn; qua khám chữa bệnh từ xa, hướng dẫn từ trên, cầm tay chỉ việc nên đã cứu sống được bệnh nhân. Hay trong thời gian dịch COVID-19, Bộ Y tế đã kết nối tất cả các điểm cầu trên toàn quốc để trao đổi về các ca bệnh, diễn tiến bệnh.
Thế nhưng đối với Luật BHYT lại chưa quy định tính pháp lý của việc này, nên theo Bộ trưởng Bộ y tế, tới đây cũng phải mở rộng, yêu cầu đối với tất cả các cơ sở tuyến trên phải kết nối không chỉ với tuyến tỉnh mà còn cả với tuyến huyện.
Bộ Y tế rất mong muốn y tế cơ sở được nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa.
Bày tỏ sự gấp rút phải xây dựng tăng cường năng lực hệ thống y tế cơ sở, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu: “Hôm nay là đại dịch COVID-19, có thể thời gian nữa là một đại dịch nào đó cho nên việc củng cố, tăng cường hệ thống y tế cơ sở, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ y tế đối với người dân ngay tại nơi sinh sống là điều phải hướng tới”.
Về mô hình bác sĩ gia đình, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, ở các nước phát triển như Mỹ hay châu Âu thì mô hình này đã triển từ rất lâu, được chú trọng nhưng hệ thống y tế ở nước ta phân cấp về mặt hành chính. Các nước có mô hình bác sĩ gia đình thì không có trạm y tế, họ chỉ có bệnh viện, còn nước ta có hệ thống phân cấp từ tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện và có tuyến xã.
Thời gian qua, đã thí điểm bác sĩ gia đình ở một số địa phương, nhất là TP Hồ Chí Minh nhưng khi xảy ra dịch bệnh thì trạm y tế đã phát huy được hiệu quả rất cao. Bác sĩ gia đình chỉ là một phòng khám nhỏ, không thể đảm bảo được chức năng, nhiệm vụ về tiêm chủng, xét nghiệm…
“Chúng ta coi trạm y tế chính là một bác sĩ gia đình chung cho cả khu vực dân cư. Về bản chất làm sao được mỗi người dân được quản lý sức khỏe, được chăm sóc sức khỏe và khi ốm đau được tiếp cận với các dịch vụ y tế gần nhất”, Bộ trưởng cho hay.
Báo Tin tức