Thứ Sáu, 22/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 25/2/2021 14:0'(GMT+7)

Bộ Văn hóa khởi động vòng sơ khảo cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021

Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc được tổ chức thường niên nhằm phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc được tổ chức thường niên nhằm phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc là hoạt động dành cho các em học sinh, sinh viên trên toàn quốc. Sự kiện được tổ chức thường niên nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng, từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng. Đây là một yếu tố quan trọng để xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội.

Cuộc thi mở rộng cho học sinh, sinh viên các loại hình giáo dục, bao gồm cả học sinh khiếm thị.

Vòng sơ khảo tổ chức tại các tỉnh/thành, Hội Người mù Việt Nam, các trường đại học/học viện, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong thời gian từ tháng Hai đến hết tháng Bảy. Ban tổ chức chấm bài và trao giải, vinh danh Đại sứ Văn hóa đọc tại Hà Nội dự kiến vào cuối tháng 10.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gửi thông báo đến các Sở Văn hóa các tỉnh thành, Hội Người mù Việt Nam, các trường đại học/học viện và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để xây dựng kế hoạch và triển khai vòng sơ khảo.

Thí sinh sẽ viết bài chia sẻ về một cuốn sách yêu thích hoặc một cuốn sách đã làm thay đổi nhận thức hoặc cuộc sống của mình; sáng tác một tác phẩm (câu chuyện, bài thơ) nhằm khích lệ mọi người đọc sách; viết tiếp lời cho một câu chuyện hoặc cuốn sách đã đọc (Ban tổ chức khuyến khích thí sinh vẽ tranh minh họa hoặc có lời song ngữ tiếng Anh). Ngoài ra, thí sinh cũng sẽ trả lời câu hỏi: “Nếu được chọn là Đại sứ Văn hóa đọc, em có kế hoạch và biện pháp gì để khuyến khích các bạn và mọi người đọc sách nhiều hơn?”

Theo Vụ trưởng Vụ Thư viện, ông Phạm Quốc Hùng, cuộc thi khẳng định vị trí, vai trò, những giá trị tốt đẹp của văn hóa đọc trong việc nâng cao năng lực của người Việt Nam, đặc biệt là học sinh, sinh viên trong việc tiếp cận với thông tin và tri thức. Ông cho rằng văn hóa đọc sẽ góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ, đẩy mạnh việc xây dựng xã hội học tập./.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất