Vừa qua, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, các quốc gia và tổ chức quốc tế đánh giá cao cách tiếp cận, cách làm cũng như sự chủ động của Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19. Cũng tại đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã công bố việc thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (AC-PHEED) dự kiến đặt tại Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực y tế, tăng cường khả năng điều phối quốc gia và khu vực, ứng phó với dịch bệnh trong tương lai.
Đây cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số - giải pháp quan trọng để hạn chế tiếp xúc người với người trong nền kinh tế không tiếp xúc, giao dịch không tiếp xúc, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế là một Bộ đi tiên phong trong chuyển đổi số quốc gia. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ khai trương 2 nền tảng là mạng lưới Y tế Việt Nam và khai trương phần mềm điều hành điện tử tại 12.000 điểm trạm y tế xã. Trong đó, Y tế Việt Nam là mạng kết nối hơn 500.000 cán bộ y tế trong cả nước, nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin, chuyên môn. Theo đó, tại 12.000 điểm trạm y tế xã sẽ không còn dùng hồ sơ giấy mà sẽ điều hành bằng phần mềm điện tử với sự hỗ trợ của các nhà mạng. Tháng 8/2020, quyết định số 3532-QĐ/BYT quy định về xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn được Bộ Y tế ban hành. Việc thực hiện hệ thống này nhằm giúp trạm y tế dễ truy xuất thông tin bệnh nhân, quản lý hồ sơ sức khỏe người bệnh, tiêm chủng mở rộng..., bảo đảm kết nối, liên thông dữ liệu với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh, Bộ Y tế, giúp tiết kiệm chi phí và nhân lực.
Các dịch vụ đặc biệt là khám chữa bệnh từ xa tới 1.500 cơ sở y tế. Người dân cả nước ở bất cứ đâu đều có cơ hội tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao nhất của tuyến trên ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên. Thậm chí người dân ở nhà cũng có thể được bác sĩ tuyến trên khám, hỗ trợ tư vấn, điều trị thông qua các thiết bị điện tử thông minh.
Bộ Y tế cũng đang đẩy mạnh sử dụng bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy tại các cơ sở khám, chữa bệnh và việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở khám chữa bệnh trên nền tảng thanh toán của Cổng Dịch vụ công quốc gia. Nếu làm tốt việc này, ngay tại cơ sở y tế, người bệnh không phải mang sổ khám chữa bệnh như trước đây, được thanh toán chế độ bảo hiểm dễ dàng.
Bộ Y tế đã công khai tất cả vấn đề liên quan giá thiết bị và tới đây, Bộ Y tế sẽ công khai toàn bộ giá dịch vụ và kêu gọi xã hội hóa để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của người dân.
Trong việc thực hiện các dịch vụ công, Bộ Y tế đã đưa lên Cổng dịch vụ công của Bộ 100% dịch vụ công cấp độ 3, 4, đã kết nối lên Cổng Dịch vụ công quốc gia 100 dịch vụ công. Đến ngày 15/11/2020 có 1.479 hồ sơ tiếp nhận, xử lý, đồng bộ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Bộ Y tế đã cùng với Văn phòng Chính phủ tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa thủ tục hành chính bảo đảm công khai, minh bạch, đơn giản, thuận tiện với người dùng trước khi kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Đặc biệt là việc ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Nghị định 15 đã tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp khi gia nhập thị trường, giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp theo hướng cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính về đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, theo đó 95% lô hàng thực phẩm nhập khẩu sẽ không phải kiểm tra chuyên ngành.
Người dân đang mong đợi rất nhiều ở những dịch vụ mà ngành y tế công khai, minh bạch, tạo ra dịch vụ tốt nhất, thuận lợi nhất cho người dân để giảm đi lại, giảm chi phí không cần thiết. Số hóa dịch vụ y tế là để người dân được hưởng những lợi ích, các dịch vụ tốt nhất về khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.
Lan Anh