Các
phương tiện truyền thông xã hội là địa hạt mới trên mặt trận tư
tưởng, nơi các thế lực thù địch xem không gian mạng như một thứ “quyền
lực thứ năm”, bên cạnh “quyền lực thứ tư” là báo chí, để ráo riết và
triệt để lợi dụng phát tán trên diện rộng các luận điệu xuyên tạc trắng
trợn hoặc núp bóng tinh vi dưới vỏ bọc “khách quan” của cái gọi là “phản
biện”, “góc nhìn độc lập”…, hòng gây rối, nhiễu, bóp méo và làm sai
lệch thông tin, nhằm phục vụ cho những mưu đồ đen tối rắp tâm chống phá
công cuộc phòng, chống tham nhũng đang được Đảng ta đẩy mạnh. Việc đấu
tranh phản bác các luận điệu ngụy tuyên truyền về phòng, chống tham
nhũng trên các phương tiện truyền thông xã hội, góp phần vạch trần những
âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch là yêu cầu cấp
thiết hiện nay.
Nhận diện ngụy tuyên truyền và những kẻ chơi lá bài hai mặt
Trước
nay, trong chính giới và học giả phương Tây, nhiều người vẫn “rao
giảng” về một thứ truyền thông đại chúng, biểu hiện tập trung nhất ở
báo chí, là tự do, khách quan tuyệt đối, phi chính trị, đứng ngoài cuộc
đấu tranh tư tưởng. Với xảo biện rằng, báo chí thuần túy là phương tiện
giao tiếp, họ “lập lờ đánh lận con đen” tuyệt đối hóa chức năng thông
tin, song hành với phủ nhận chức năng tư tưởng và bóp méo khái niệm
tuyên truyền của báo chí.
Những
xảo biện đó không che giấu được sự thật là, báo chí thuộc thể chế
chính trị nào cũng đều mang bản chất chính trị - xã hội. Trong bất kỳ xã
hội có giai cấp và còn sự khác biệt về lợi ích, báo chí với tư cách là
công cụ đấu tranh giai cấp, luôn thuộc về một giai cấp nhất định, thường
là giai cấp thống trị xã hội - giai cấp này sử dụng báo chí như một
công cụ đắc lực để giành và giữ quyền lực chính trị, đồng thời tuyên
truyền hệ tư tưởng, chủ thuyết chính trị của mình để chính thống hóa và
duy trì nó ở vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội. Báo
chí thuộc giai cấp, nhóm xã hội nào thì bảo vệ cho quyền, lợi ích của
giai cấp, nhóm xã hội đó.
Chức
năng thông tin là chức năng cơ bản, nguyên thủy và khởi nguồn của báo
chí. Tuy nhiên, đặt chức năng thông tin lên hàng đầu không đồng nghĩa
với tuyệt đối hóa nó và cho rằng, thông tin sự kiện là khách quan tuyệt
đối, là thông tin sự kiện bản thể nguyên dạng, ngoài ra không vì bất cứ
mục đích nào khác. Báo chí thông tin chân thực, khách quan, song được
tái tạo và soi chiếu qua lăng kính chủ quan của nhà báo, bao giờ cũng
mang tính khuynh hướng rõ nét - do địa vị xã hội và lợi ích của tổ chức
xã hội hay lực lượng chính trị mà nhà báo đại diện phát ngôn chi
phối. Tính khuynh hướng chính trị của báo chí là nguyên tắc phổ biến,
tồn tại khách quan, ngoài ý muốn chủ quan, không thể chối bỏ. Do đó,
không thể và không bao giờ có thứ báo chí đứng ngoài, đứng trên chính
trị hay không can dự vào đấu tranh giai cấp, đấu tranh tư tưởng, ở bất
kỳ một nền báo chí nào, như sự rêu rao của nhiều học giả hay giới chức
phương Tây.
Trong
thực tiễn, thông tin (information) và tuyên truyền (propaganda) là hai
mặt của một vấn đề. Không ai thông tin mà không nhằm mục đích nào đó,
tức là tuyên truyền; ngược lại, nếu chỉ nhấn mạnh, tuyệt đối hóa tuyên
truyền mà không đẩy mạnh thông tin những sự kiện, vấn đề cụ thể, sinh
động từ cuộc sống thì trở thành tuyên truyền suông, thiếu thuyết phục và
hiệu quả. Như vậy, tuyên truyền là sự biểu hiện tập trung tính mục đích
của báo chí, trước hết là mục đích chính trị. Tuyên truyền mang tính
phổ quát ở mọi nền báo chí và là công việc được thực hiện bởi bất kỳ
đảng phái chính trị hay chính phủ ở thể chế chính trị nào, dù trực tiếp
hay gián tiếp, dù thừa nhận hay không thừa nhận. Tuyên truyền mang nghĩa tốt hay xấu không do nội hàm khái niệm, mà hoàn toàn do mục đích của chủ thể sử dụng nó.
Nền
báo chí của giai cấp vô sản mang bản chất cách mạng, công khai tuyên bố
và thực hành chức năng tư tưởng, bên cạnh chức năng thông tin. Với chức
năng này, theo quan điểm của Đảng ta, báo chí cách mạng Việt Nam vừa là
diễn đàn của đông đảo nhân dân, vừa là công cụ, phương tiện quan trọng
để tuyên truyền hệ tư tưởng của Đảng, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin,
tư tưởng Hồ Chí Minh và làm cho hệ tư tưởng này trở thành chủ đạo, nền
tảng tư tưởng trong đời sống tinh thần của xã hội. Báo chí tuyên
truyền để tạo dựng niềm tin vững chắc vào con đường đi lên chủ nghĩa xã
hội dưới sự lãnh đạo của Đảng ta; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc,
bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, vì sự phát triển bền vững của đất nước
và chấn hưng dân tộc; tự nguyện phục tùng, vì lợi ích chính đáng của
đông đảo nhân dân lao động. Công tác tuyên truyền luôn đứng về phía tiến
bộ, ủng hộ những nhân tố tích cực, làm cho các giá trị nhân văn, nhân
bản lan tỏa trong xã hội, đồng thời đấu tranh không khoan nhượng với
những thói hư, tật xấu trong xã hội, trong Đảng, nhất là với “giặc
nội xâm” tham ô, tham nhũng; đấu tranh với các luận điệu sai trái,
xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng
của Đảng...
Khi
thực hành nhiệm vụ tuyên truyền, nền báo chí nước ta đặt lên hàng đầu
tính chân thực, tính khách quan. Như V.I. Lê-nin khẳng định, tuyên
truyền là đem chân lý đến cho người nghe. Và, đông đảo quần chúng nhân
dân tin tưởng, đi theo những người cộng sản không phải vì những người
cộng sản khéo nói, mà chính bởi người cộng sản nói đúng sự thật. V.I.
Lê-nin đặc biệt nhấn mạnh tính thực tiễn, tính khách quan, xác thực của
hoạt động tuyên truyền, đặc biệt phát hiện và lấy những sáng tạo của
quần chúng nhân dân để thuyết phục nhân dân.
Trong khi đó, nhiều học giả và chính giới phương Tây vẫn thích chơi “lá bài hai mặt”. Một mặt,
họ phê phán và đánh đồng tuyên truyền với sự giả dối, tha hóa, là sự
“nhồi sọ thông tin”, cùng luận điệu tráo trở “chỉ có cộng sản mới sử
dụng tuyên truyền” (?!); mặt khác, chính họ lại tung ra thứ ngụy tuyên truyền đó - tức tuyên truyền những luận điệu giả trá, lừa phỉnh để phục vụ cho các mưu đồ, thủ đoạn chính trị của mình.
Sống
giữa trung tâm của thế giới phương Tây và nằm lòng những thủ thuật của
nền chính trị tư bản, Giáo sư nổi tiếng tại Viện Công nghệ Ma-xơ-chu-xét
(MIT) của Mỹ, Nô-am Chôm-xki (Noam Chomsky), người được tờ New York Times gọi là “nhà trí thức quan trọng nhất hiện đang còn sống”, trong các cuốn “Tham vọng bá quyền” và “Nhận diện quyền lực”
(đã được dịch ra tiếng Việt), cho rằng, truyền thông đại chúng phương
Tây bị thiên kiến nặng nề và luôn đứng về phía các thiết chế quyền lực
đương thời. Ròng rã hơn một thế kỷ vừa qua, “tuyên truyền” trở thành một
“kỹ nghệ có tổ chức” ở nhiều nước phương Tây. Giáo sư N. Chôm-xki cho
biết, ngay từ Chiến tranh thế giới thứ nhất, nước Anh đã tổ chức cơ quan
cấp bộ đầu tiên điều phối công việc tuyên truyền là Bộ Thông tin; tiếp
đó, cơ quan tuyên truyền đầu tiên của Chính phủ Mỹ là Ủy ban Thông tin
công cộng cũng được thành lập... Nhiều cơ quan kiểu này có nhiệm vụ
“kiểm soát đầu óc của dân chúng”, lừa phỉnh công luận để “chế tạo ra tâm
trạng đồng tình” và sẵn sàng bán rẻ, chà đạp lên lợi ích của đông đảo
người dân để bảo vệ lợi ích cho một nhóm nhỏ các nhà tư bản. Việc ngụy
tuyên truyền trên được hà hơi, tiếp sức bởi “các thế lực tài phiệt tư
nhân - tức là các hệ thống công ty - đóng vai trò kiểm soát dư luận và
thái độ của quần chúng. Những công ty này không nhận lệnh của chính phủ
nhưng liên hệ chặt chẽ với chính phủ”(1).
Hiện
nay, dù rằng về danh nghĩa, tại nhiều nước phương Tây, báo chí không
thuộc chính phủ hay các đảng phái chính trị, song trên thực tế, giai cấp
tư sản tiếp tục tìm mọi cách chi phối hoạt động báo chí, chủ yếu bằng
quyền lực chính trị và sức mạnh của đồng tiền, sử dụng báo chí hiện đại
như bộ máy trung gian để củng cố địa vị cầm quyền của giai cấp tư sản
và là “cỗ máy” dọn đường dư luận cho việc thực hiện những âm mưu chính
trị, điển hình như việc một số tập đoàn truyền thông phương Tây sẵn
sàng “đổi trắng thay đen” bịa đặt thông tin hay thông tin không hề được
kiểm chứng về tình hình một số nước tại Trung Đông, trong suốt vài
thập niên trở lại đây, đi ngược lại nguyên tắc tối thiểu về tính
chân thực, khách quan của báo chí, tạo cớ để một số cường quốc bất
chấp luật pháp quốc tế trắng trợn tấn công những nước có chủ quyền,
bản chất là phục vụ cho dã tâm bá quyền và âm mưu “đổi máu lấy
dầu” nhằm thu những món hời khổng lồ từ việc kiểm soát nguồn dầu mỏ ở
Trung Đông và buôn bán vũ khí, của giới chính trị chóp bu và tài phiệt
kếch sù phương Tây...
Nhà
nghiên cứu truyền thông hàng đầu của Mỹ là Rô-be Mac Che-xnây (Robert
W. McChesney) phải thốt lên rằng: “Báo chí của chúng ta (Mỹ - tác giả) đang trở thành thiên đường cho những kẻ lừa dối, ở đó, giá của sự xuyên tạc, bóp méo đã xuống quá thấp”(2).
Cùng
với các phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống như báo chí...,
các phương tiện truyền thông mới (New media), trong đó có các phương
tiện truyền thông xã hội (Social media), hiện cũng được chính giới
phương Tây triệt để lợi dụng để củng cố quyền lực chính trị
và thúc đẩy đấu tranh ý thức hệ, trong kỷ nguyên số.
Bước chuyển đầy toan tính này càng cho thấy, các phương tiện
truyền thông xã hội không thuần túy là vật trung gian công nghệ
và giao tiếp cá nhân chỉ mang bản chất vật lý kỹ thuật và
bản chất xã hội (kết nối xã hội) như phát ngôn ru ngủ công luận
của chủ các hãng công nghệ hàng đầu thế giới và nhiều chính
trị gia phương Tây, mà ngày càng hội đủ và bộc lộ rõ bản chất thông
tin, bản chất kinh tế... và nhất là bản chất chính trị.
“Cơn
ác mộng” về chính trị tại các nước ở khu vực Bắc Phi, Trung Đông
trong các năm 2010 - 2011 là điển hình cho việc các phương tiện
truyền thông xã hội trở thành công cụ chính trị đắc lực ra
sao, khi dưới sự hậu thuẫn của một số nước phương Tây, lần đầu tiên, các
nhóm xã hội đối lập thuộc nhiều thành phần xã hội, chính trị khác nhau
và các thành viên của tổ chức “Huynh đệ Hồi giáo” phối hợp hoạt động,
tập hợp hàng triệu người ủng hộ thông qua các trang mạng xã hội và điện
thoại di động để tiến hành biểu tình, mượn danh nghĩa chống tham
nhũng và sự đàn áp dân chủ, để lật đổ các chính phủ đương nhiệm.
Mới đây, vụ việc Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới, bị
cáo buộc làm lộ lọt thông tin cá nhân, để Cambridge Analytica, công
ty phân tích dữ liệu chính trị, tiếp cận trái phép và “đầu độc thông
tin chính trị” tới 87 triệu người dùng, mục đích tác động làm
thay đổi kết quả cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, cũng cho thấy
sự tham gia những thương vụ chính trị hết sức tinh vi của các tập
đoàn truyền thông xã hội, một cách chủ động hay bị dắt dây
bởi các thế lực chính trị, đi ngược lại hoàn toàn tuyên bố về tính
khách quan tuyệt đối và bảo mật thông tin của Facebook, vốn luôn khẳng
định mình đơn thuần chỉ là hãng công nghệ thuần túy (?!).
Những
minh chứng trên chỉ là số ít trong rất nhiều thủ đoạn chính
trị mà chính giới phương Tây đã sử dụng để điều khiển, chi phối,
khống chế hệ thống báo chí truyền thống và các phương tiện truyền
thông xã hội, một cách vừa tinh vi, vừa trắng trợn, không chỉ ở quy mô
một quốc gia, mà còn trên quy mô toàn cầu; không chỉ tự ra tay, mà
còn “tá đao sát nhân”, o bế và dung túng các thế lực tay sai
để can thiệp thô bạo vào an ninh và công việc nội bộ của nước khác,
nhất là các quốc gia có sự khác biệt về ý thức hệ.
Lật tẩy “con át chủ bài” các phương tiện truyền thông xã hội và những chiêu trò ngụy tuyên truyền về chống tham nhũng
Các
phương tiện truyền thông xã hội là các công cụ, ứng dụng giao tiếp
đại chúng dựa vào không gian trực tuyến trên nền tảng in-tơ-nét và
các công nghệ truyền thông hiện đại khác nhằm chuyển tải thông
tin, kết nối mọi người với tốc độ truyền dẫn, lan tỏa nhanh chóng, trên
diện rộng, cùng tính tương tác cao, sự chủ động của người dùng,
hình thành nên các mối quan hệ xã hội, cộng đồng tương tác xã hội
đa dạng, có tác động sâu rộng vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và
đời sống cá nhân của người dùng. Các phương tiện truyền thông xã hội rất
đa dạng, bao gồm nhiều loại hình, tính năng ứng dụng, như Mạng xã hội (Social network): Facebook, MySpace, Google+, Zing.Me...; trang chia sẻ link và tin tức xã hội (Social bookmarking và Social news): Delicious, Digg, Reddit, Loantin...; trang chia sẻ hình ảnh, video (Social sharing): YouTube, Instagram, Flickr, Clip.vn...; các tiểu blog hay blog vi mô (Microblogging): Twitter, Friendfeed, Tumblr, Me2day...; diễn đàn (Forums): Sitepoint.com, startups.co.uk, webtretho, Otofun...; dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền in-tơ-nét (OTT): Viber, Zalo, WeChat, Facebook Messenger...; phương tiện tìm kiếm xã hội và tìm kiếm tri thức (Social search and Social knowledge): Bing, Wikiedia, Wikia, Yahoo Ask...; thực tế ảo và trò chơi tương tác cộng đồng (Virtual reality và Social game): PlayStation VR, Augmented Reality, Rise of the Kings, “Trang trại @”...; mạng xã hội âm nhạc (Social music sites): Pandora, 8Tracks, Nhacso.net..., trong đó mạng xã hội có diện phủ rộng nhất.
Không
thể phủ nhận, các phương tiện truyền thông xã hội là một thành tựu vĩ
đại của nhân loại, mang đến nguồn tài nguyên thông tin - tri thức vô
hạn, những tiện ích trong kết nối - giao tiếp xã hội chưa bao giờ có
trước đây. Nếu được sử dụng vào những mục đích tích cực, thì chúng sẽ
tạo nên những giá trị vô cùng to lớn. Tuy nhiên, với sự tham gia đa
dạng của người dùng, trong môi trường khó kiểm soát, các phương tiện này
cũng là “con dao hai lưỡi”, khi những tác động nghịch rất dễ xảy ra,
tạo nên nhiều hệ lụy tiêu cực tới đời sống chính trị - xã hội, thậm
chí khôn lường, nhất là với một quốc gia có số lượng người
dùng in-tơ-nét gắn với các phương tiện truyền thông xã hội cao
hàng đầu thế giới như Việt Nam (tính đến ngày 30-6-2017, Việt Nam
có 64 triệu người sử dụng in-tơ-nét, đứng thứ 12 trên thế giới).
Chiếm
lĩnh môi trường không gian mạng, thông qua các phương tiện truyền thông
xã hội để ngụy tuyên truyền nhằm chống phá, tạo bất đồng, xung đột về
tư tưởng trong nội bộ Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, trong xã hội
và nhân dân, từ đó kích động biểu tình, chống đối, bạo loạn,
khủng bố, lật đổ... là âm mưu, thủ đoạn mới đầy nham hiểm của các thế
lực thù địch. Trong kỷ nguyên số, môi trường mạng đang ngày càng trở thành mặt trận chính trong cuộc đấu tranh ý thức hệ.
Trong
“ván bài chính trị” chống phá ta, các thế lực thù địch sử
dụng các phương tiện truyền thông xã hội như một “con át chủ
bài” và thông qua đó, chúng xảo quyệt tập trung ngụy tuyên truyền về tham nhũng,
vốn là vấn đề xã hội hết sức nhức nhối; vấn đề nhạy cảm
gắn liền với sự tha hóa về quyền lực chính trị, từ đó dễ
dàng bôi đen, thổi phồng các khuyết điểm, xuyên tạc về Đảng, Nhà
nước ta, âm mưu chuyển hóa từ tuyên truyền về chống tham nhũng sang
kích động chống phá về chính trị. Chúng không từ bất cứ thủ đoạn
nào để tung hỏa mù, bủa vây không gian mạng hòng gây nhiễu thông
tin bằng những màn lừa bịp tráo trở, biến hóa khó lường, song
tập trung nhất vẫn là xuyên tạc, khoét sâu một số nội dung chủ yếu sau:
Một là,
trên không gian mạng, các thế lực thù địch xảo biện và quy chụp tham
nhũng chỉ tồn tại và “nở rộ” ở chế độ một đảng cầm quyền như tại Việt
Nam. Chúng cho rằng, đây là vấn đề thuộc về “bản chất thể chế”,
không thể thay đổi được hoặc dù tham nhũng có ở các thể chế chính
trị khác, nhưng nghiêm trọng hơn ở chế độ một đảng. Rằng, công tác đấu
tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiệu quả thấp do thiếu vắng sự
kiềm chế và đối trọng giữa các nhánh quyền lực như cơ chế “tam quyền
phân lập” (?!).
Sự thật là,
tham nhũng là khuyết tật “bẩm sinh” của quyền lực, một hiện tượng
xã hội gắn liền với sự xuất hiện chế độ tư hữu, sự hình
thành giai cấp và sự ra đời, phát triển của nhà nước. Nó là
căn bệnh đồng hành và tồn tại ở mọi nhà nước, không phân biệt
chế độ chính trị. Khi còn nhà nước và quyền lực chính trị
thì tất yếu còn tham nhũng. Thể chế chính trị khác hay giống
nhau không thể là lằn ranh ngăn cản sự xuất hiện của tham nhũng
hay quyết định tham nhũng nhiều hay ít.
Đặc
biệt, tham nhũng xuất hiện và tồn tại được nhờ môi sinh là
chế độ tư hữu. Trong khi đó, chế độ tư bản chủ nghĩa được xây
dựng trên nền tảng của chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa
về tư liệu sản xuất. Do đó, từ trong bản chất của nó, chế độ
chiếm hữu tư bản tư nhân về tư liệu sản xuất là môi trường lý tưởng
hơn hết để tham nhũng xuất hiện và phát triển. C. Mác viết,
chế độ tư hữu khiến cho con người bị tha hóa (tác phẩm Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844)
và ở đó, giai cấp tư sản với “lòng tham vô đáy” công nhiên tư
lợi, biến mọi mối quan hệ giữa người với người trong xã hội
tư bản thành một mối quan hệ duy nhất là lợi ích trần trụi
và lối “tiền trao cháo múc” (tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản), nơi nhà tư bản sẵn sàng chà đạp lên mọi thứ, thậm chí không còn tội ác nào là nó không dám phạm (tác phẩm Tư bản).
Ngày nay, thực tiễn chính trường và xã hội tư bản vẫn đầy
rẫy những vụ, việc tham nhũng đình đám, không khó để điểm mặt
chỉ tên những vụ, việc này ở Mỹ, Anh, Pháp, Đức..., dù chúng
biến tướng ngày càng phức tạp, được chính giới và tài phiệt
tư bản cấu kết che đậy hết sức tinh vi. Tham nhũng là “khối u
ác tính” không thể cắt bỏ trong xã hội tư bản và nó đẩy các
mâu thuẫn bản chất không thể hóa giải trong xã hội tư bản lên
càng cao, dù rằng nhà nước tư bản có gắng gượng cải tổ đến
đâu. Sự thực nhãn tiền đó khiến cho những kẻ vẫn lu loa luận
điệu rằng, chỉ ở chế độ chính trị một đảng mới có tham
nhũng, trở nên hết sức lố bịch! Càng lố bịch hơn khi họ lớn
tiếng ca ngợi sự mẫu mực của các nước tư bản trong chống tham
nhũng và cho rằng, chỉ nhà nước pháp quyền tư bản và cơ chế
“tam quyền phân lập” mới chống tham nhũng hiệu quả từ gốc hay
thể chế dân chủ tư sản đã là một cơ chế tự thân để phòng và chống tham
nhũng. Và rằng, hoàn toàn có thể tích hợp cơ chế “tam quyền
phân lập” trong chế độ xã hội chủ nghĩa (?!)...
Tại
Hàn Quốc, đất nước tiêu biểu cho chế độ đa đảng và “tam quyền
phân lập”, tình trạng tham nhũng hiện nay vẫn diễn ra hết sức
nhức nhối. Theo Ủy ban Phòng, chống tham nhũng và Quyền công dân
Hàn Quốc (ACRC), trong vòng 10 năm (từ năm 2008 đến 2017), ACRC đã
tiếp nhận tới 32.306 tố cáo tham nhũng, chuyển cơ quan điều
tra, thẩm tra 1.615 vụ. Tháng 3-2017, bà Park Geun Hye trở thành
Tổng thống dân cử đầu tiên của Hàn Quốc bị phế truất vì cáo
buộc tham nhũng 55,2 triệu USD liên quan tới các tập đoàn kinh
tế hàng đầu của nước này, như Samsung, Lotte... và đang phải thụ
mức án 24 năm tù. Rõ ràng, cơ chế “tam quyền phân lập” không phải là
phương thuốc thần diệu kiểm soát quyền lực và chống tham nhũng được
triệt để!
Cuộc
đấu tranh chống tham nhũng hiện nay đã trở thành một trong
những vấn đề toàn cầu. Sự tham khảo kinh nghiệm chống tham
nhũng giữa các quốc gia và xây dựng cơ chế phối hợp chống tham
nhũng ở tầm quốc tế là hết sức cần thiết, trên cơ sở sự vận
dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện và thể chế
chính trị từng nước. Tuy nhiên, trong mỗi chế độ nhà nước khác
nhau, thì tính chất, mức độ và cách xử lý với tham nhũng cũng
khác nhau, phụ thuộc vào bản chất giai cấp, phương thức tổ
chức và thực thi quyền lực nhà nước, vào năng lực đạo đức
của đội ngũ công chức của nhà nước đó. Việc tham khảo, tiếp thu
về kinh nghiệm chống tham nhũng không hề đồng nghĩa phải bê
nguyên xi hay áp dụng cả hệ thống chính trị của quốc gia khác.
Rõ
ràng, mớ xảo biện hổ lốn ngụy tuyên truyền trên của các thế lực
thù địch chẳng có gì khác ngoài chiêu trò lợi dụng và mượn “con
bài” chống tham nhũng để chuyển sang chống phá về tư tưởng và
chính trị!
Đảng
ta lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
với hệ thống pháp luật ngày càng hoàn bị để phòng, chống
tham nhũng hiệu quả, với những bước đi chắc chắn, bài bản và
lâu dài. Chúng ta tiếp thu tinh hoa của văn minh nhân loại - các chế
định pháp lý được thừa nhận chung của cộng đồng quốc tế, như tất cả
quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, sự tôn trọng và bảo vệ các quyền
con người, tính tối cao của pháp luật trong hoạt động của nhà nước và
trong điều chỉnh các quan hệ xã hội, sự kiểm soát quyền lực... Tuy
nhiên, trong việc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước, chúng ta không
chấp nhận “tam quyền phân lập” gắn với chế độ đa nguyên chính trị, đa
đảng đối lập. Trái lại, ở nước ta, quyền lực nhà nước là thống nhất, có
sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc
thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, có sự hài hòa hóa
nguyên tắc tập quyền và phân công, phân cấp, vừa tập trung quyền lực để
quyết định và thực thi quyền lực nhà nước nhanh chóng, thống nhất, vừa
có sự kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước ngày càng chặt chẽ
hơn, hạn chế sự lạm quyền và tha hóa quyền lực. Dùng kỷ luật đảng, sức
mạnh của pháp chế xã hội chủ nghĩa kết hợp với sự giám sát xã hội, phản
biện xã hội và sức mạnh của dư luận rộng rãi để đấu tranh chống tham
nhũng.
Nhà
nước ngày càng tiến hóa và văn minh hơn nên cơ chế phòng ngừa,
phát hiện, đấu tranh với tham nhũng ngày càng hiệu quả hơn.
Sự ra đời của nhà nước pháp quyền chính là thành quả của văn
minh hóa tổ chức và hoạt động của nhà nước, chống sự tha
hóa quyền lực nhà nước và là một phương thức quan trọng chống
nạn tham nhũng. Tuy vậy, nhà nước pháp quyền cũng có những
thất bại của nó, cho nên không thể ảo tưởng rằng chỉ xây dựng
nhà nước pháp quyền thì tự nhiên tham nhũng bị đẩy lùi hay
xóa bỏ.
Đương
nhiên, tham nhũng không phải là một hiện tượng tất yếu, mang tính vĩnh
cửu, tồn tại và phát triển cùng với xã hội loài người. Nhà nước chỉ ra
đời và tồn tại ở một giai đoạn lịch sử nhất định của xã hội. C. Mác cho
rằng, đích cuối của lịch sử nhân loại là chủ nghĩa cộng sản, cùng với
sự thiết lập xã hội không giai cấp, nhà nước “tự tiêu vong”, theo đó là
sự tiêu vong của tham nhũng. Đó là lý tưởng cao đẹp chủ nghĩa cộng sản
hướng đến. Tuy nhiên, thực tiễn xây dựng xã hội mới theo lý tưởng cộng
sản, phải trải qua những bước quá độ, nhất là trong điều kiện phải sử
dụng một số yếu tố tư bản chủ nghĩa để xây dựng chủ nghĩa xã hội trong
thời kỳ quá độ, nên tất yếu khiến cho quá trình khắc phục hiện tượng
tham nhũng còn là một cuộc đấu tranh hết sức lâu dài, cam go, phức tạp.
Hai là,
các thế lực thù địch xuyên tạc trên các phương tiện truyền thông xã hội
rằng, cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam thực chất chỉ là cuộc
thanh trừng, đấu đá nội bộ giữa các phe nhóm tranh giành lợi ích, là
chính “ta đánh ta”. Chúng vu cáo Đảng ta chống tham nhũng vượt trên pháp
luật; kích động sự trừng phạt, trừng trị, chúng cố tình lấp liếm đi
tính nhân văn trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
Sự thật là,
chống tham nhũng là công việc được Đảng ta coi trọng và thực hiện
thường xuyên, nhất là từ khi Đảng trở thành đảng cầm quyền. Trong điều
kiện một đảng cầm quyền, không có đảng đối lập, không có nghĩa Đảng
có thể tự bằng lòng, chủ quan, duy ý chí, chuyên quyền, độc đoán, không
có khả năng nhận ra và sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm của mình...
Ngược lại, chiến thắng chính bản thân mình bao giờ cũng là cuộc chiến
khó khăn nhất! Và, một đảng “ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn,
không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca
ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá
nhân”(3), nên Đảng ta thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn chính
mình, đặc biệt tránh tha hóa về quyền lực bởi quan liêu, tham nhũng -
một trong bốn nguy cơ ảnh hưởng tới sự tồn vong của chế độ. Nếu
dung túng những cán bộ, đảng viên, dù là cán bộ cấp cao, nhưng suy thoái
về đạo đức, biến chất, tham ô, tham nhũng thì sẽ làm Đảng suy yếu từ
bên trong, làm xói mòn lòng tin của nhân dân. Năm 1950, khi chuẩn y tử
hình Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu, do biển thủ, ăn chặn
của công, dù hết sức đau xót, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Một
cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy
hiểm”. Do đó, Đảng ta chống tham nhũng là để thanh lọc, sàng lọc cán bộ, làm trong sạch bộ máy,
góp phần giữ sự xác tín chính trị, tính chính đáng và xứng đáng với vai
trò lãnh đạo và địa vị cầm quyền của mình, tuyệt nhiên không phải là
“thanh trừng nội bộ”, càng không phải là “cuộc đấu đá phe phái”, như
luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Mặt
khác, Đảng ta là một khối thống nhất ý chí và hành động. Hệ thống chính
trị ở nước ta mang bản chất thống nhất không có đối trọng, đặt dưới sự
lãnh đạo duy nhất của Đảng - đại biểu trung thành cho ý chí và lợi ích
thống nhất của giai cấp công nhân và của cả dân tộc. Đảng lãnh đạo Nhà
nước để bảo đảm nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước, tất cả quyền
lực nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi quyết sách của Đảng, trong đó có
việc chống tham nhũng, đều vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Càng
tuyệt nhiên không có các “phe nhóm” hay “phe phái” bên trong, bên ngoài
Đảng hay trong hệ thống chính trị của ta, có lợi ích khác đối trọng, kìm
hãm, phong tỏa hay cạnh tranh lẫn nhau, làm xé lẻ hay phân rã quyền lực
chính trị, quyền lực nhà nước, từ đó loại trừ hoàn toàn nguy cơ xung
đột cấu trúc (structural conflict) cố hữu như ở các nước tư bản. Do đó,
luận điệu cho rằng, tham nhũng là “chất xúc tác” làm xung đột giữa các
phe phái, làm đảo lộn trật tự quyền lực và chống tham nhũng chỉ vì lợi
ích của riêng Đảng, chặn xu hướng ly khai khỏi quyền lực hệ thống, quyền
lực trung tâm của Đảng, là hoàn toàn phi lý và vô căn cứ, chỉ là sản
phẩm của “trí tưởng tượng phong phú” của những kẻ mang thâm thù với chế
độ xã hội chủ nghĩa.
Đồng
thời, mọi hành vi tham nhũng đều phải được phát hiện, ngăn chặn và xử
lý kịp thời, nghiêm minh, công bằng, khách quan theo tinh thần thượng
tôn pháp luật. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm hơn pháp luật, nhưng kỷ luật
của Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các
hình thức xử lý của pháp luật. Quan điểm lấy kỷ luật đảng thay pháp luật
là sự sai lệch và làm tổn thương uy tín của Đảng. “Bất cứ ai cũng không
có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật, bất kỳ ai sử dụng quyền lực đều
phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và tự giác chịu
sự giám sát của nhân dân”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh
tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng được tổ chức
vào ngày 25-6-2018. Do đó, không thể có các quy định chống tham nhũng
của Đảng đứng trên pháp luật, “có sự can thiệp chính trị”, “xử ép” hay
“vi phạm nhân quyền”, “vi hiến” và càng không thể mượn cớ chống tham
nhũng để xảo biện phải có cái gọi là “luật về đảng”(?!), vì mọi hoạt
động của các tổ chức đảng, đảng viên và vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối
với Nhà nước và xã hội đều đã được quy định tại Hiến pháp nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam - đạo luật gốc có hiệu lực pháp lý tối cao.
Ở
góc độ khác, công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện tiêu cực, tham
nhũng là “thanh bảo kiếm” giữ nghiêm kỷ luật đảng, vừa thể hiện tính
nghiêm minh và tự giác cao độ, vừa thể hiện tính dân chủ, nhân
đạo sâu sắc. Nó không phải chỉ cốt “vạch lá tìm sâu”, “bới lông tìm
vết”, truy tìm bằng được khuyết điểm, sai lầm để xử phạt, trừng
trị, mà là “trị bệnh cứu người”, lấy xây dựng và cải tạo để chủ
động phòng ngừa, cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn, uốn nắn, giáo
dục, sửa chữa, khơi dậy sự tự giác là chính. “Thà chặt một cành
sâu để cho cây xanh tốt”, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, xử lý một người
để cứu muôn người, nên công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng
ta thể hiện bản chất nhân văn cao độ.
Ba là,
các thế lực thù địch tung thông tin trên không gian mạng hòng lung lạc
niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào cuộc đấu tranh phòng,
chống tham nhũng của Đảng ta, với những rêu rao rằng, chống tham nhũng ở
nước ta như “con thuyền không bến”, là “cuộc chiến nửa vời”, vẫn còn
“nhiều vùng cấm”; và rằng, càng kỷ luật, xử lý nhiều cán bộ tham nhũng
thì càng làm nhụt đi ý chí của đội ngũ cán bộ, đảng viên, cản trở sự
phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thủ
đoạn này nhằm cố tình bôi đen, phủ nhận những kết quả hết sức tích cực,
mang tính bước ngoặt từ công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng ta
vừa qua, reo rắc tâm trạng hoài nghi, bi quan, nhất là sự thiếu tin
tưởng trong dư luận xã hội, âm mưu chặt đứt cơ sở quan trọng bậc nhất để
cuộc đấu tranh chống tham nhũng thành công, đó là niềm tin, sự ủng hộ
và cùng vào cuộc của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Người
xưa có nói: “Giặc ngoài dễ chống, giặc trong khó phòng”. Chống tham
nhũng là công việc khó khăn muôn phần vì đụng chạm tới lợi ích, đến
quyền lực, có sự câu kết, tiếp tay, che đậy hết sức tinh vi, phức tạp.
Phải thẳng thắn nhìn nhận, có những giai đoạn, chúng ta chống tham nhũng
chưa như mong muốn, hiệu quả còn thấp. Nhưng, với quyết tâm chính trị
cao, chưa khi nào, công cuộc phòng, chống tham nhũng ở nước ta được thực
hiện ráo riết, quyết liệt như hiện nay. Chống tham nhũng không có “vùng
cấm”, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, bất luận là ai, kể cả
những người bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng hay can thiệp,
ngăn cản việc chống tham nhũng. Chúng ta tiến hành chống tham nhũng toàn
diện, gắn liền với tăng cường chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh công tác kiểm
tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán và đã xử lý nhiều cán bộ cao cấp, tổ
chức đảng vi phạm, trong đó có cả các đồng chí là Ủy viên Trung ương
Đảng; kỷ luật cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, cả trong lực lượng vũ
trang; làm nghiêm từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài... Lần đầu
trong lịch sử tố tụng Việt Nam, một người từng là Ủy viên Bộ Chính trị
đã bị cơ quan tiến hành tố tụng truy tố và đưa ra xét xử về tội cố ý làm
trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Đây là việc chưa từng có trước đây. Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết
Đại hội XII của Đảng, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ
luật 35.000 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 1.300 đảng viên bị thi
hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái; số vụ án lớn được đưa ra xử
lý, số cán bộ trung, cao cấp bị xử lý trong 2 năm vừa qua nhiều gấp 3
lần trong 20 năm trước đó; số tiền thu lại được trong 2 năm qua nhiều
gấp 40 lần trong 20 năm trước đó. Đây là những con số, minh chứng cho
thấy Đảng ta “quyết tâm làm đến cùng”(4) trong cuộc chiến chống tham
nhũng, đập tan những luận điệu xuyên tạc rằng ta làm “nửa vời” hay “vẫn
còn vùng cấm”.
Chống
tham nhũng cũng không hề làm thối chí hay rã đám tinh thần như luận
điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Ngược lại, cuộc đấu tranh chống
“giặc nội xâm” đang được Đảng ta đẩy mạnh, vì lương tâm và trách nhiệm
trước vận mệnh dân tộc, vì lợi ích của nhân dân, vì sự trong sạch và
thanh danh của Đảng, đang thực sự truyền cảm hứng mạnh mẽ và làm nức
lòng cán bộ, đảng viên, nhân dân. Khi những tiêu cực bị đẩy lùi, chính
nghĩa và sự thanh liêm được bảo vệ, sẽ thực sự dấy lên niềm tin và khí
thế mới trong cả hệ thống chính trị, chuyển biến thành những kết quả
tích cực trong công tác xây dựng Đảng và những tín hiệu tích cực của nền
kinh tế đất nước. GDP 6 tháng đầu năm 2018 tăng 7,08%, cao nhất từ 7
năm qua... Chống tham nhũng đang thực sự là một động lực mới cho sự phát
triển của đất nước.
Rõ
ràng, cam kết danh dự và quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng ta, cùng
những kết quả phòng, chống tham nhũng quan trọng đạt được trong thực
tiễn tự nó là những minh chứng sống động và đầy sức thuyết phục đanh
thép bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, ngụy tuyên truyền của các thế lực
thù địch về phòng, chống tham nhũng trên các phương tiện truyền thông
xã hội./. (Còn nữa)
------------------------------------------------
(1) Noam Chomsky: Tham vọng bá quyền, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2006, tr. 35
(2) Nichols - J. & McChesney - R. W., Tragedy & Farce: How the American Media Sell Wars, Spin Election, and Destroy Democracy, the New Press, New York, 2005, p.12
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 672
(4)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội
tiếp xúc cử tri Hà Nội trước kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIV, ngày
13-5-2018
TS. Lê Hải
Nguồn: Tạp chí Cộng sản