Ngày 26/6, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2024.
ĐỔI MỚI CÔNG TÁC THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN VỀ XÂY DỰNG ĐẢNG
Phát biểu khai mạc, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phan Thăng An cho biết: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đứng trước những yêu cầu mới, cao hơn, đòi hỏi phải thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Đại hội lần thứ XIII và các Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra.
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, phát sinh nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; củng cố niềm tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chỉ nghĩa; tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; đẩy mạnh việc thực hiện các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.... đang là yêu cầu rất cần thiết.
Qua hội nghị tập huấn về xây dựng Đảng, Ban tổ chức mong muốn các nhà báo sẽ có thêm kiến thức, thông tin để nâng cao chất lượng sáng tác các tác phẩm báo chí về xây dựng Đảng; cổ vũ tuyên truyền kịp thời kết quả, cố gắng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương, đơn vị để tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ vừa có đức, vừa có tài, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; xây dựng Đảng về đạo đức; chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chạy chức, chạy quyền; công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng theo Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị; tăng cường xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Trên cơ sở đó, các cơ quan báo chí chủ động, đổi mới sáng tạo hơn nữa trong công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên các phương tiện thông tin đại chúng theo hướng kết hợp giữa xây và chống, trong đó lấy xây là cơ bản chiến lược lâu dài, thực hiện tốt phương châm "lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực", "lấy cái đẹp, dẹp cái xấu". Tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả để Giải búa liềm vàng trở thành một hoạt động có ý nghĩa chính trị sâu sắc, có tác dụng thiết thực đối với công tác xây dựng Đảng; làm cho cán bộ đảng viên, nhân dân ngày càng nhận thức sâu sắc thêm về Đảng và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ.
HỖ TRỢ LAN TỎA THÔNG TIN CHÍNH THỐNG, TÍCH CỰC
Chia sẻ chuyên đề về "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh bóc gỡ thông tin xấu độc trên không gian mạng", Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ các giá trị văn hóa của đất nước, của dân tộc giờ đây khó khăn nhất là trên không gian mạng, chứ không phải trên không gian báo chí truyền thống. Không vượt qua được thách thức của mạng Internet, không thể vượt qua thách thức cầm quyền lâu dài; Internet là mặt trận chính, chiến trường chính, tuyến đầu trong đấu tranh ý thức hệ. Mạng Internet là trận địa chính của công tác tuyên truyền tư tưởng hiện nay. Chúng ta cần chiếm lĩnh trận địa này và đoàn kết người dân trên môi trường Internet. ..
Chia sẻ về cách nhận biết tin giả, tin xấu độc, Thứ trưởng cho biết, các nền tảng xuyên biên giới là nơi phát tán nhiều nhất tin giả, thông tin xấu độc chống phá Đảng, Nhà nước. Quản lý tốt không gian mạng thì phải đấu tranh buộc các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh bằng pháp lý, truyền thông, kinh tế, kỹ thuật, với nhiều cách làm mới: Chặn hạ hiệu quả nội dung xấu độc; hỗ trợ lan tỏa thông tin chính thống, tích cực.
Đối với các nền tảng xuyên biên giới, Bộ duy trì ở mức cao tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc. Từ trước 2017, các nền tảng xuyên biên giới không hợp tác. Giai đoạn 2018 - 2019, các nền tảng xuyên biên giới bắt đầu hợp tác nhưng chỉ chặn gỡ nội dung với số lượng giới hạn ở mức thấp chỉ ở 200 link/tuần; không chặn gỡ các tài khoản, kênh… đáp ứng 50 - 60%. Từ 2020 đến nay, các nền tảng xuyên biên giới đã thực hiện các yêu cầu, chặn gỡ với số lượng lớn lên tới 700 link/tuần, đáp ứng >90%.
Bộ cũng sử dụng công nghệ rà quét, chặn lọc tự động các quảng cáo trực tuyến vi phạm: làm việc với Facebook, YouTube về triển khai sử dụng công nghệ AI để phát hiện và xử lý tài khoản nguồn quảng cáo vi phạm theo quy trình xử lý rút gọn; yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới không quảng cáo, bật kiếm tiền đối với những trang, kênh vi phạm (Black List). Cùng đó, Bộ yêu cầu các OTT cung cấp dịch vụ nội dung theo yêu cầu phải đăng ký hoạt động tại Việt Nam theo quy định; nắn chỉnh dòng tiền quảng cáo về các cơ quan báo chí, các trang, kênh sạch; triển khai White List và Black List.
Năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục triển khai Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý Internet và thông tin trên mạng (sắp được Chính phủ ban hành); duy trì tỷ lệ chặn gỡ nội dung xấu độc trên các nền tảng xuyên biên giới ở mức cao; tiếp tục đấu tranh để gỡ nhiều tài khoản, trang, kênh, nhóm vi phạm hơn; chấn chỉnh, xử phạt, buộc các nền tảng xuyên biên giới phải khắc phục các sai phạm, tuân thủ nghiêm pháp luật Việt Nam, đồng thời nghiên cứu để tiếp tục kiểm tra, xử lý các nền tảng xuyên biên giới khác; tiếp tục nắn chỉnh dòng tiền quảng cáo về các cơ quan báo chí, các trang kênh sạch, có kết quả số liệu bước đầu; phối hợp với cộng đồng các nhà sáng tạo nội dung trên mạng, những người có ảnh hưởng trên không gian mạng triển khai chiến dịch truyền thông về phòng chống tin giả trên mạng...
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã nghe, trao đổi về các chuyên đề: Những nội dung mới về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong các nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XIII; một số vấn đề về sáng tạo tác phẩm báo chí thể loại chính luận; kỹ năng sáng tạo tác phẩm phát thanh, truyền hình; giới thiệu chủ đề sáng tạo tác phẩm báo chí về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; những mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng; kỹ năng sáng tạo tác phẩm ảnh báo chí, chia sẻ kinh nghiệm sáng tạo tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải cao Giải Búa liềm vàng.
Qua đó, lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí được cập nhật những quan điểm mới, những vấn đề cần quan tâm trong công tác xây dựng Đảng về: chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, góp phần tuyên truyền thật tốt việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cùng nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; bồi dưỡng kỹ năng lựa chọn đề tài, khai thác, xử lý thông tin, truyền đạt kinh nghiệm sáng tạo tác phẩm về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, góp phần làm tốt hơn công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác xây dựng Đảng, gắn với nâng cao chất lượng Giải Búa liềm vàng../.
TTXVN