Thống kê của LĐBĐ Việt Nam cho thấy, có tới 40 vạn lượt, tức là xấp xỉ 11.000 khán giả đã đến lấp đầy mỗi sân (xin chú ý là trung bình mỗi sân) sau 5 vòng đầu tiên của V-League 2009. Biết là báo cáo, nhưng đây quả là con số biết nói!
Hiệu ứng AFF Cup
Mới đây, một anh bạn của người viết bỗng ngỏ ý muốn vào sân Hàng Đẫy để xem tận mắt những người hùng trở về từ AFF Cup là Công Vinh và Hồng Sơn của T&T Hà Nội. 4 vòng chưa bỏ sót trận nào, điều nhận xét đầu tiên từ anh bạn là bóng đá Việt Nam đã thay đổi hoàn toàn…
Phân tích chi ly hậu xét, chỉ biết rằng trên bề nổi, người hâm mộ nước nhà đang rất hứng khởi với V-League chỉ với một lí do duy nhất – sức lan tỏa rộng khắp của chiếc Cup AFF Cup. Màn trình diễn không thể thuyết phục hơn của ĐTQG nam đã tô điểm hình ảnh Công Vinh, Hồng Sơn, Như Thành, Việt Thắng, Việt Cường, Quang Thanh… thêm đậm nét trong suy nghĩ 85 triệu người dân Việt Nam. Giờ là lúc họ muốn tới các SVĐ đầy ắp người hòa mình vào không khí lễ hội, để chứng kiến thần tượng của mình bằng xương bằng thịt, chứ không chỉ qua màn ảnh nhỏ. Đó cũng là ước muốn giản dị của nhiều người hâm mộ bình dân khi không thể bỏ ra cả, thậm chí 2 tháng lương để đổi lấy tấm vé vào sân Mỹ Đình ở AFF Cup vừa rồi.
Đó là lí do vì sao những cái tên Lạch Tray, Chi Lăng, Gò Đậu, Thống Nhất… bỗng trở thành điểm giao lưu thú vị cho người dân mỗi Chủ nhật cuối tuần. Cái nhìn của họ về bóng đá nội đã khác hơn rất nhất nhiều. Ai cũng muốn V-League phải là giải đấu thực sự hấp dẫn nhất khu vực chứ không chỉ dựa vào những thống kê của VFF hay AFF (Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á).
Đậm chất báo cáo….
Nhiều thời điểm trong quá khứ, dư luận cảm thấy nực cười với những con số các BTC địa phương báo cáo lên BTC giải về số lượng khán giả. Đơn cử như 2 đội bóng của Hà Nội. Trong 4 mùa Hòa Phát HN đá V-League, tức là có tới 8 trận derby giữa CLB này với người hàng xóm HN.ACB thì cả 8 lần sân Hàng Đẫy vắng như chùa bà Đanh. Đấy là gà nhà đá nhau, chứ mỗi lần bộ đôi này tách lẻ để tiếp các đội khách, thì ôi thôi?! Có khi chưa nổi 500 người mỗi trận. Ai chẳng hiểu bóng đá Thủ đô mấy năm nay “lạnh” thế nào, vậy mà “sếp” VFF vẫn hào phóng tặng họ tới… 6000 khán giả mỗi trận. Nói thế để thấy, mọi con số VFF đưa ra chỉ là tương đối, mang tính… bên lề.
Tuy nhiên, với thực tế đang diễn ra, thì có vẻ những con số thống kê mùa giải năm nay có vẻ không còn… nhảy múa dưới tay VFF nữa. Thống kê trung bình 10.850 người đến với 7 sân mỗi vòng đấu cũng chưa chính xác, nhưng chỉ cần 1 con số tiệm cận là đủ mừng quýnh với BTC V-League, và phần nào là với chính người hâm mộ nước nhà. Ví dụ như vòng 5 vừa diễn ra Chủ nhật vừa rồi, VFF đưa ra con số 66.000 lượt khán giả vào 6 sân Thiên Trường, Cao Lãnh, Nha Trang, Hàng Đẫy, Chi Lăng, Vinh, trung bình 11.000 người/sân. Đấy là còn chưa có sự góp mặt của “chảo lửa” Gò Đậu bởi trận B.Bình Dương – XM.Hải Phòng) hoãn lại đến ngày 1/4, bằng không chưa biết con số này sẽ gia tăng chóng mặt đến đâu
… nhưng quả rất ấn tượng!
“Sân Chi Lăng không còn chỗ mà đứng. Anh cứ tưởng tượng người dân chen chúc nhau đến từ 2h, mặc dù 4h tụi em mới đá”, Quốc hét qua điện thoại như muốn nổ tung. “Ở đây chẳng khác nào một Festival, màu da cam (màu áo truyền thống của SHB.Đà Nẵng) ngợp trời, kèn trống rôm rả, trận tự và văn minh lắm. 7 năm gắn bó với Đà Nẵng, lâu lắm rồi em mới thấy con người mình hưng phấn đến thế”. Lời nhận xét của tiền vệ đội phó như một lời tri ân gửi tới người hâm mộ thành phố trên sông Hàn. Giờ đây, không chỉ Chi Lẵng mà mỗi chiều Chủ nhật có mặt trong sân Lạch Tray, Gò Đậu, Long An, Thanh Hóa, Thống Nhất, Cao Lãnh, Nha Trang, Vinh… đều như một ngày hội. Chỉ mong sao, các cầu thủ ý thức được sự quan trọng của “người đồng đội” thứ 12 này để tiếp tục cống hiến, giữ vững nhịp chèo thống kê đã và đang rất ấn tượng cho lãnh đạo VFF.
(Theo VnMedia)