Thứ Hai, 23/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 5/1/2013 18:50'(GMT+7)

Bức tranh kinh tế năm 2012

 

Theo Tổng cục Thông kê (1), có thể phác thảo bức tranh tổng quan kinh tế năm 2012 như sau:

Tuy giảm so với 2011 nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2012 theo giá so sánh 1994 ước tính tăng 5,03% so với năm 2011, trong đó quý I tăng 4,64%; quý II tăng 4,80%; quý III tăng 5,05%; quý IV tăng 5,44%.

Trong 5,03% tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,72%, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,52%, đóng góp 1,89 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,42%, đóng góp 2,7 điểm phần trăm.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2012 theo giá so sánh 1994 ước tính đạt 255,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với năm 2011, bao gồm: Nông nghiệp đạt 183,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8%; lâm nghiệp đạt 8,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,4%; thuỷ sản đạt 63,3 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5%.

Nông nghiệp

Sản lượng lúa cả năm 2012 ước tính đạt 43,7 triệu tấn, tăng 1,3 triệu tấn so với năm 2011 do diện tích và năng suất đều tăng, trong đó diện tích gieo trồng ước tính đạt 7.753,2 nghìn ha, tăng 97,8 nghìn ha; năng suất đạt 56,3 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha. Nếu tính thêm 4,8 triệu tấn ngô thì tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2012 ước tính đạt 48,5 triệu tấn, tăng 2,6% so với năm 2011.

Sản lượng lúa đông xuân đạt gần 20,3 triệu tấn, tăng 510,4 nghìn tấn so với vụ đông xuân 2011; sản lượng lúa hè thu đạt 14 triệu tấn, tăng 573,3 nghìn tấn; sản lượng lúa mùa ước tính đạt gần 9,4 triệu tấn, tăng 179,6 nghìn tấn, chủ yếu do năng suất tăng 0,9 tạ/ha.

Cây công nghiệp lâu năm tiếp tục phát triển do thuận lợi về giá bán sản phẩm đã khuyến khích người dân mở rộng diện tích gieo trồng. Diện tích cho sản phẩm và sản lượng một số cây chủ lực tăng so với năm 2011, trong đó diện tích chè tăng 1,4%; sản lượng tăng 5%; cà phê diện tích tăng 5,6%, sản lượng tăng 1,2%; cao su diện tích tăng 10%, sản lượng tăng 9,4%; hồ tiêu tăng 4,2%, sản lượng tăng 0,6%.

Tại thời điểm 01-10-2012, đàn lợn cả nước có 26,5 triệu con, giảm 2,1% so với cùng thời điểm năm 2011. Riêng nuôi bò sữa vẫn phát triển, tổng đàn bò sữa tại thời điểm 01-10-2012 của cả nước đạt 167 nghìn con, tăng 17% so với cùng thời điểm năm 2011. Đàn gia cầm có 308,5 triệu con, giảm 4,4% so với thời điểm 01-10-2011, trong đó đàn gà 223,7 triệu con, giảm 3,86%.

Tính đến ngày 20-12-2012, cả nước không còn địa phương nào có dịch bệnh trên gia súc, gia cầm chưa qua 21 ngày.

Sản lượng thịt hơi các loại năm 2012 ước tính đạt 4,3 triệu tấn, tăng 2,5% so với năm 2011, trong đó thịt trâu tăng 0,8%; thịt bò tăng 2,4%; thịt lợn tăng 2%; thịt gia cầm tăng 4,8%. Trứng tăng 5,8%; sữa tươi tăng 10,5%; mật ong tăng 4,8%; kén tằm tăng 6,5%.

Lâm nghiệp

Diện tích rừng trồng tập trung cả năm đạt 187 nghìn ha, bằng 88,2% năm 2011; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 169,5 triệu cây, tăng 0,3%; diện tích rừng trồng được chăm sóc tăng 34,8%; diện tích rừng được giao khoán bảo vệ tăng 12,6%; sản lượng gỗ khai thác đạt 5251 nghìn m3, tăng 11,9%, trong đó gỗ khai thác từ rừng trồng chiếm trên 80%.

Tổng diện tích rừng bị thiệt hại năm 2012 là 3.225 ha, giảm 18% so với năm 2011.

Thuỷ sản

Sản lượng thủy sản năm 2012 ước tính đạt 5732,9 nghìn tấn, tăng 5,2% so với năm 2011. Sản lượng thủy sản nuôi trồng năm 2012 ước tính đạt 3110,7 nghìn tấn, tăng 6,1% so với năm 2011. Sản lượng thủy sản khai thác năm 2012 đạt 2622,2 nghìn tấn, tăng 4,3% so với năm 2011. Sản lượng cá ngừ đại dương năm 2012 đạt 18 nghìn tấn, tăng 38% so với năm 2011.

Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 12-2012 ước tính tăng 5% so với tháng 11 và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2011.

Tính chung cả năm 2012, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,8% so với năm 2011, trong đó công nghiệp khai khoáng tăng 3,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,5%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 12,3%; cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải tăng 8,4%,.

Một số ngành công nghiệp có mức sản xuất tăng cao so với năm 2011 là: đóng tàu và cấu kiện nổi tăng 136,7%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 48,3%; sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ tăng 39,6%; sản xuất linh kiện điện tử tăng 23,7%; sản xuất pin và ắc quy tăng 18%; sản xuất đường tăng 17,7%...

Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2012 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Thành phố Hồ Chí Minh tăng 4,9%; Đồng Nai tăng 7,2%; Bình Dương tăng 7,5%; Hà Nội tăng 5%; Hải Phòng tăng 3,9%; Bắc Ninh tăng 19,1%; Đà Nẵng tăng 6%; Cần Thơ tăng 4,6%; Hải Dương giảm 1%; Vĩnh Phúc giảm 3%.

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 11 tháng năm 2012 so với cùng kỳ năm 2011 tăng 3,6%. Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01-12-2012 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,1% so với cùng thời điểm năm 2011.

Hoạt động dịch vụ

- Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2012 ước tính đạt 2324,4 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2011 (loại trừ yếu tố giá tăng 6,2%). Trong đó khu vực kinh tế nhà nước đạt 288,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,3% và giảm 1,2%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 1.968,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 84,8% và tăng 18,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 67,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,9% và tăng 34,7%.

Xét theo ngành kinh doanh thì kinh doanh thương nghiệp đạt 1.789,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,1% tổng mức và tăng 15,2%; khách sạn nhà hàng đạt 273,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,8% và tăng 17,2%; dịch vụ đạt 237,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% và tăng 19,6%; du lịch đạt 23,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 1% và tăng 28,1%.

- Vận tải hành khách và hàng hóa

Vận tải hành khách năm 2012 ước tính đạt 2862,3 triệu lượt khách, tăng 12,2% và 123,2 tỷ lượt khách.km, tăng 9,5% so với năm 2011. Vận tải hành khách đường bộ tăng 13,4% và tăng 11,1% so với năm 2011; đường sông giảm 3,4% và giảm 3,7%; đường hàng không giảm 0,2% và tăng 7,6%; đường biển giảm 2,4% và giảm 1,5%; đường sắt tăng 2% và tăng 0,7%.

Vận tải hàng hóa năm 2012 ước tính đạt 940,4 triệu tấn, tăng 9,5% và 185,2 tỷ tấn.km, giảm 8,7% so với năm 2011, bao gồm: Vận tải trong nước tăng 10,4% và tăng 1,7%; vận tải ngoài nước giảm 12,4% và giảm 14,8%. Vận tải hàng hoá đường bộ tăng 11,5% và tăng 8,7%; đường sông tăng 6,8% và tăng 5,7%; đường biển giảm 14% và giảm 16%; đường sắt giảm 3,9% và giảm 3,4%.

- Bưu chính, viễn thông

Số thuê bao điện thoại phát triển mới năm 2012 đạt 12,5 triệu thuê bao, tăng 5,5% so với năm 2011. Số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 12-2012 ước tính đạt 136,6 triệu thuê bao, tăng 2,7% so với cùng thời điểm năm 2011.

Số thuê bao internet băng rộng ADSL phát triển mới trong năm 2012 là 355,6 nghìn thuê bao. Tính đến cuối tháng 12-2012, tổng số thuê bao internet băng rộng ADSL của các nhà cung cấp dịch vụ trên toàn quốc ước tính đạt 4,3 triệu thuê bao, tăng 5,4% so với cùng thời điểm năm 2011.

Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông năm 2012 ước tính đạt 179,9 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với năm 2011.

- Khách quốc tế đến Việt Nam

Khách quốc tế đến nước ta năm 2012 ước tính đạt 6647,7 nghìn lượt người, tăng 9,5% so với năm 2011.

Khách đến từ Trung Quốc tăng 0,8%; Hàn Quốc tăng 30,7%; Nhật Bản tăng 19,7%; Hoa Kỳ tăng 0,9%; Đài Loan (Trung Quốc) tăng 13,4%; Malaixia tăng 28,3%; Ôxtrâylia tăng 0,1%; Thái Lan tăng 24,2%; Pháp tăng 3,9%; Xingapo tăng 13,8%; Liên bang Nga tăng 71,5%; Anh tăng 9%; Lào, tăng 27,2%.

Thành công trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Chỉ số giá

- Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12-2012 tăng 0,27% so với tháng 11 và tăng 6,81% so với tháng 12-2011. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2012 tăng 9,21% so với bình quân năm 2011.

Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tháng 12-2012 so với tháng trước tăng cao hơn mức tăng chung là: may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,17%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,59%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,34%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,32%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,28% (lương thực tăng 0,13%; thực phẩm tăng 0,28%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,4%).

Các nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm gồm: nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,15%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,14% (dịch vụ y tế tăng 0,03%); giáo dục tăng 0,09% (dịch vụ giáo dục tăng 0,05%); giao thông giảm 0,43%; bưu chính viễn thông giảm 0,02%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12-2012 chỉ tăng 6,81% so với cùng kỳ năm 2011, xấp xỉ mức tăng 6,52% của năm 2009, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,75% của năm 2010 và mức tăng 18,13% của năm 2011.

- Chỉ số giá sản xuất

Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2012 tăng 3,91% so với năm 2011, trong đó chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông nghiệp tăng 1,05%; hàng lâm nghiệp tăng 14,26%; hàng thủy sản tăng 13,78%.

Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng công nghiệp tăng 9,32%; chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng tăng 9,04%; chỉ số giá cước vận tải năm 2012 tăng 13,2%.

- Chỉ số giá xuất, nhập khẩu hàng hóa

Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá năm 2012 giảm 0,54% so với năm 2011. Chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá giảm 0,33% so với năm 2011, trong đó chỉ số giá nhập khẩu của một số mặt hàng giảm là: Giấy giảm 7,89%; xơ, sợi dệt giảm 7,7%; sắt thép giảm 5,96%; nguyên phụ liệu thuốc lá giảm 5,82%.

Xây dựng, đầu tư phát triển

- Hoạt động xây dựng

Giá trị sản xuất xây dựng năm 2012 theo giá hiện hành ước tính đạt 720,2 nghìn tỷ đồng, bao gồm: Khu vực Nhà nước đạt 112,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,7%; khu vực ngoài Nhà nước 583,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 81%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 24,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,3%.

Giá trị sản xuất xây dựng năm 2012 chia theo loại công trình như sau: Công trình nhà ở đạt 269,8 nghìn tỷ đồng; công trình nhà không để ở đạt 111,9 nghìn tỷ đồng; công trình kỹ thuật dân dụng đạt 241,4 nghìn tỷ đồng; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 97,1 nghìn tỷ đồng.

Giá trị sản xuất xây dựng năm 2012 theo giá so sánh 1994 ước tính đạt 229,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,1% so với năm 2011.

- Đầu tư phát triển

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2012 theo giá hiện hành ước tính đạt 989,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2011 và bằng 33,5% GDP, đây là năm có tỷ trọng vốn đầu tư so với GDP đạt thấp nhất kể từ năm 2000 trở lại đây. Trong đó, vốn khu vực Nhà nước đạt 374,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,8% tổng vốn và tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2011; khu vực ngoài Nhà nước 385 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,9% và tăng 8,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 230 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,3% và tăng 1,4%.

Trong vốn đầu tư thực hiện khu vực Nhà nước năm 2012, vốn từ ngân sách Nhà nước ước tính đạt 205 nghìn tỷ đồng, bằng 98,8% kế hoạch năm và tăng 15% so với năm 2011, gồm có:

+ Vốn trung ương quản lý đạt 50,3 nghìn tỷ đồng, bằng 98,9% kế hoạch năm và tăng 15,4% so với năm 2011.

+ Vốn địa phương quản lý đạt 154,7 nghìn tỷ đồng, bằng 98,7% kế hoạch năm và tăng 14,9% so với năm 2011.

* Xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ

- Xuất khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 12-2012 ước tính đạt 10,4 tỷ USD, tăng 0,5% so với tháng 11 và tăng 15% so với năm 2011.

Tính chung cả năm 2012, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 42,3 tỷ USD, tăng 1,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (gồm cả dầu thô) đạt 72,3 tỷ USD, tăng 31,2%. Nếu không kể dầu thô thì kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài năm nay đạt 63,9 tỷ USD, tăng 33,5% so với năm 2011. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2012 tăng 18,9%.

Trong năm 2012, nhiều sản phẩm thuộc nhóm hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh như: Điện thoại và linh kiện 12,6 tỷ USD, tăng 97,7%; điện tử máy tính đạt 7,9 tỷ USD, tăng 69,1%; máy móc, thiết bị phụ tùng 5,5 tỷ USD, tăng 26,9%.

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu của nước ta năm 2012, EU vươn lên là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất với kim ngạch đạt 20,3 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm 2011 và chiếm 17,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.

- Nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 12-2012 ước tính đạt 10,6 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng 11 và tăng 13% so với năm 2011.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2012 đạt 114,3 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm 2011, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 54 tỷ USD, giảm 6,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 60,3 tỷ USD, tăng 23,5%. Mức tăng kim ngạch nhập khẩu năm nay đạt thấp nhất kể từ năm 2002 trở lại đây (Không tính đến năm 2009). Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2012 tăng 7,4% so với năm 2011.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 28,9 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2011 và chiếm 25,3% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu; tiếp đến là ASEAN đạt 21 tỷ USD, tăng 0,3% và chiếm 18,3%; Hàn Quốc đạt 15,6 tỷ USD, tăng 18,4% và chiếm 13,6%...

Năm 2012 xuất siêu 284 triệu USD và là năm đầu tiên Việt Nam xuất siêu hàng hóa kể từ năm 1993. Trong năm chỉ có 3 tháng nhập siêu ở mức thấp, các tháng còn lại đều xuất siêu, đặc biệt là các tháng cuối năm. Nguyên nhân chủ yếu do suy giảm của sản xuất và tiêu dùng trong nước nên nhập khẩu tăng thấp hơn nhiều so với xuất khẩu. Đáng chú ý là xuất siêu hàng hóa chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với mức xuất siêu đạt gần 12 tỷ USD, tập trung ở nhóm hàng gia công lắp ráp. Ngược lại, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,7 tỷ USD.

- Xuất, nhập khẩu dịch vụ

Kim ngạch dịch vụ xuất khẩu năm 2012 ước tính đạt 9,4 tỷ USD, tăng 6,3% so với năm 2011, trong đó dịch vụ du lịch đạt 6,6 tỷ USD, tăng 18%; dịch vụ vận tải 2,1 tỷ USD, giảm 15,5%.

Kim ngạch dịch vụ nhập khẩu năm 2012 ước tính đạt 12,5 tỷ USD, tăng 5,7% so với năm 2011, trong đó dịch vụ vận tải đạt 8,7 tỷ USD, tăng 6%; dịch vụ du lịch 1,9 tỷ USD, tăng 8,5%.

Nhập siêu dịch vụ năm 2012 là 3,1 tỷ USD, tăng 3,8% so với năm 2011 và bằng 32,8% kim ngạch dịch vụ xuất khẩu năm 2012.

Đức Anh
_________

(1) Tổng cụ Thống kê: tình hình kinh tế- xã hội năm 2012

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất