Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 28/12/2020 8:44'(GMT+7)

Bứt tốc chặng cuối, xuất khẩu của Việt Nam năm 2020 vượt 281 tỷ USD

Xuất khẩu năm 2020 của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trên 6%. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Xuất khẩu năm 2020 của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trên 6%. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Với sự phục hồi khá tích cực từ đầu quý 3/2020 đến nay, xuất nhập khẩu của Việt Nam sau 12 tháng năm 2020 vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương.

Theo Bộ Công Thương, đây là kết quả đáng khích lệ và được xem là điểm sáng trong khu vực và thế giới trong bối cảnh thương mại toàn cầu gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Giảm hàm lượng xuất khẩu thô

Báo cáo của Bộ Công Thương, cho thấy xuất khẩu tháng 12/2020 tăng tới 17,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả nước năm 2020 ước đạt 281,47 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đây cũng là mức tăng cao hơn so với dự báo tại thời điểm tháng 9 (khi đó dự báo chỉ tăng từ 3,5-4%).

Cũng theo thống kê của Bộ Công Thương, các mặt hàng có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu là: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 24,4%; gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 15,7%; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng tăng 47,8%; sắt thép các loại tăng 23,7%; dây điện và cáp điện tăng 21,6%; phân bón các loại tăng 26,6%; giấy và sản phẩm từ giấy tăng 22,9%...

Đáng chú ý, mặt hàng sản phẩm đồ nội thất từ chất liệu khác gỗ và đồ chơi dụng cụ thể thao là hai mặt hàng  có tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao (lần lượt là 47,6% và 48,7%), đây là những nhóm hàng mới, có tăng trưởng cao ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh chưa được khắc phục hoàn toàn và là điểm tích cực cần được khai thác trong thời gian tới.

Đại diện Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), cho biết cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Cùng đó, động lực tăng trưởng xuất khẩu trong 2 năm qua không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp.

Cụ thể, trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản năm 2020 ước giảm 2,5%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 35% thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm trên 85% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 84,2% của năm 2019 và 82,9% của năm 2018…

Có được kết quả trên là nhờ thời gian qua Việt Nam đã tham gia, ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như CPTPP, EVFTA và gần nhất là RCEP, giúp đa dạng hóa thị trường và thêm nhiều đối tác.

Đơn cử, ngay khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020, nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ được những ưu đãi từ hiệp định thông qua việc thực hiện các hồ sơ chứng nhận xuất xứ theo mẫu EUR.1- mẫu C/O để hưởng ưu đãi theo EVFTA.

Từ ngày 1/8 - 20/11/2020, các cơ quan, tổ chức ủy quyền cấp C/O (chứng nhận xuất xứ) mẫu EUR.1 đã cấp 49.495 bộ C/O với kim ngạch gần 1,9 tỷ USD đi 28 nước EU. Các mặt hàng được cấp C/O ưu đãi chủ yếu là giày dép, thủy sản, hàng dệt may, nông sản, sản phẩm từ ngũ cốc, hàng điện tử….

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thông tin sau 35 năm hội nhập kinh tế quốc tế, hiện nay Việt Nam đã là “bạn hàng” với hầu hết tất cả các quốc gia thành viên WTO. Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở về kinh tế rất rộng với việc tham gia vào 16 FTA, 13/16 FTA đã có hiệu lực.

“Càng hội nhập thì công tác chứng nhận xuất xứ hàng hóa càng quan trọng. Chứng nhận xuất xứ hàng hóa như là một visa, giấy thông hành để phân biệt giữa doanh nghiệp, các nước trong và ngoài khối tham gia vào tiến trình hội nhập này,” ông Chinh cho biết.

Đáng chú ý, tỷ lệ C/O tăng trung bình 20-25%/năm cao hơn so với bình quân tỷ lệ tăng kim ngạch xuất khẩu (17,3%/năm), điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã dần tham gia tích cực và có ý thức, chủ động tận dụng tốt các lợi thế trong xuất xứ hàng hóa mà các FTA mang lại.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin, cùng với việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do và sự hỗ trợ của hoạt động xúc tiến thương mại thị trường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam ngày càng được mở rộng, tăng từ 72 nước, vùng lãnh thổ (năm 2009) lên đến 180 nước, vùng lãnh thổ (vào năm 2019).

"Trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19, xuất khẩu đã trở thành điểm sáng và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế vững bước vào năm 2021,” ông Đỗ Thắng Hải nói.

Thặng dư thương mại kỷ lục

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của cả nước cũng có những chuyển biến tích cực sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Trong tháng 12/2020 nhập khẩu tăng 11,4% so với tháng trước và tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 12 tháng của năm 2020, nhập khẩu tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 231,54 tỷ USD (tăng 3,9% so với năm 2019, chiếm tỷ trọng 88,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu)

Ngoài ra, nhóm hàng cần kiểm soát năm 2020 ước đạt 16,5 tỷ USD, giảm 8,9% so với năm 2019, chiếm tỷ trọng 6,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu.

Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ, nhờ EVFTA, CPTPP…, ngoài lợi ích về thuế quan, doanh nghiệp cũng kỳ vọng các hiệp định này sẽ là động lực thu hút đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam ở những mắt xích mà ngành còn yếu.

“Lúc đó Việt Nam sẽ dần xây dựng được một hệ sinh thái dệt may, dần tự chủ được nguyên phụ liệu đầu vào,” ông Cao Hữu Hiếu nói.

- Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020 lên tới 543,9 tỷ USD:

Với kết quả về xuất nhập khẩu như trên, năm 2020 Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu và cũng là năm thứ hai liên tiếp tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức trên 500 tỷ đô la (năm 2020 đạt khoảng 543,9 tỷ USD.)

Điểm nhấn quan trọng của năm nay chính là xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục, lên tới 19,1 tỷ USD, cao hơn mức thặng dư năm 2019 (10,87 tỷ USD), gấp hơn 9 lần so với mức thặng dư năm 2017 (2,11 tỷ USD) và gấp gần 11 lần so với mức thặng dư năm 2016 (1,78 tỷ USD).

Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đã đạt thặng dư trong toàn bộ giai đoạn 5 năm 2016-2020.

Đây sẽ là tiền đề quan trọng để Việt Nam tiếp tục thực hiện các mục tiêu cho giai đoạn tới; trong đó xuất khẩu vẫn được coi là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế, cải thiện cán cân thanh toán, giúp nâng vị thế của hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế./.

Theo Vietnam+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất