Sách trắng năm 2020 chỉ ra quy mô hợp tác xã dưới 10 lao động chiếm 61,6%, từ 10-49 lao động chiếm 35,7%. Quy mô lao động từ 50-99 người chiếm 1,6% và 100 lao động trở lên, chiếm 1,0%.
Ngày 28/4, Tổng cục Thống kê công bố Sách trắng hợp tác xã Việt Nam năm 2020, cung cấp những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển hợp tác xã cả nước và các địa phương giai đoạn 2016-2018.
Theo đó, tổng số hợp tác xã tính tới thời điểm 31/12/2018 trên phạm vi cả nước là 22.861, tăng 8,8% so cùng kỳ năm 2017, tuy nhiên số lượng hợp tác xã hoạt động kinh doanh là 13.958.
Về quy mô lao động, có 8.605 hợp tác xã có dưới 10 lao động, chiếm 61,6%, 4.984 hợp tác xã có từ 10-49 lao động, chiếm 35,7% và có 229 hợp tác xã có từ 50-99 lao động, chiếm 1,6%, 140 hợp tác xã có từ 100 lao động trở lên, chiếm 1,0%.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết tổng doanh thu thuần của toàn bộ khu vực hợp tác xã đang hoạt động đạt 88.586 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2017. Theo đó, tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực này là 2.575 tỷ đồng, giảm 27,8% so với năm 2017.
Sách trắng ghi nhận hoạt động tái cơ cấu hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới nhằm khai thác tốt nhất lợi thế vùng miền, địa phương, sử dụng tốt hơn các nguồn lực (về đất đai, lao động, cây trồng, vật nuôi…) vốn rất đa dạng và là điểm cộng của nông nghiệp Việt Nam.
Cụ thể, sự phát triển hợp tác xã nông nghiệp đã giúp cho liên kết chuỗi giá trị không ngừng được cải thiện, qua đó nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp, thu nhập của cả người dân và hiện cả nước có 86,2% số xã có cơ sở chuyên chế biến nông, lâm, thủy sản.
Bên cạnh đó, sự phát triển của các hợp tác xã kiểu mới đã góp phần thu hút được đầu tư phát triển kinh tế- xã hội nói chung và phát triển nông, lâm, thủy sản nói riêng. Nhiều hợp tác xã đã ứng dụng nhanh và hiệu quả khoa học công nghệ vào sản xuất./.
Theo TTXVN