Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, tính từ đầu năm 2017 đến nay cả
nước ghi nhận 07 trường hợp mắc mới virus Zika, trong tổng số 42 mẫu
xét nghiệm.
Các trường hợp mắc mới chủ yếu ở phía Nam. Cụ thể, tại Thành phố Hồ Chí
Minh có 5 trường hợp, tại tỉnh Bình Dương có 2 trường hợp mắc bệnh.
Trong năm 2016, cả nước ghi nhận 152 trường hợp mắc bệnh do virus Zika
tại 9 tỉnh, thành phố trong tổng số 4.299 mẫu xét nghiệm virus Zika,
trong đó ghi nhận 01 trường hợp trẻ đầu nhỏ nhiều khả năng liên quan đến
virus Zika.
Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu nhận định, trong năm 2017,
dịch bệnh do virus Zika sẽ tăng cả về số địa phương và số ca bệnh. Virus
Zika sẽ trở thành bệnh dịch lưu hành bởi tại Việt Nam có nguồn bệnh và
vật trung gian truyền bệnh là loại muỗi gây bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy,
bệnh này lưu hành như bệnh sốt xuất huyết.
Cục trưởng Trần Đắc Phu cho hay, hiện nay, số bệnh nhân nhiễm virus Zika
phần lớn là các ca bệnh nhẹ và không gây tử vong nên người dân không
nên quá lo lắng về căn bệnh này. Tuy nhiên, bệnh có ảnh hưởng tới các bà
mẹ mang thai vì nó có thể liên quan tới chứng đầu nhỏ.
Để phòng chống bệnh do virus Zika, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần áp
dụng các biện pháp chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (loăng
quăng); ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày, dùng kem xua muỗi,
hương muỗi; dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi…
Bệnh do virus Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính chủ yếu do muỗi Aedes
truyền, ngoài ra có thể truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ
sang con.
Người bệnh có biểu hiện như sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu.
Để chủ động phòng chống bệnh do virus Zika, người dân nếu có biểu hiện
bệnh hãy đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại để được
khám, tư vấn, điều trị…/.
(Vietnam+)