Theo Chi cục Thú y Phú Thọ, do thời tiết
đang trong giai đoạn chuyển mùa, mưa nắng thất thường, độ ẩm không khí
cao ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, người chăn
nuôi đang nhập con giống để tái đàn sau dịp Tết, vì vậy nguy cơ dịch
bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đặc biệt là dịch cúm gia cầm, tai xanh ở
lợn, lở mồm long móng gia súc có khả năng phát sinh, lây lan rất cao.
Để tăng cường công tác phòng chống dịch
cúm gia cầm và dịch bệnh tai xanh ở lợn, tỉnh Phú Thọ đã chủ động triển
khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp phòng chống nhằm ngăn chặn dịch
bệnh. UBND các huyện, thành phố, các ban, ngành liên quan tăng cường
chỉ đạo chính quyền cơ sở, giao trách nhiệm cho trưởng thú y xã, trưởng
thôn xóm, các tổ chức đoàn thể kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các
trường hợp dịch bệnh phát sinh, báo cáo kịp thời để có biện pháp xử lý.
Đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch về nhân lực, kinh phí, phương tiện,
dụng cụ, hoá chất, địa điểm tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh.
Chi Cục Thú y cũng đang hướng dẫn nhân dân thực hiện đợt tổng vệ sinh,
khử trùng làm sạch môi trường chăn nuôi, khu vực giết mổ, chợ buôn bán
gia súc, gia cầm; phối hợp cùng với các xã, thị trấn tổ chức điều tra,
thống kê tổng đàn gia súc, gia cầm; xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều
kiện và triển khai tốt đợt tiêm vắc xin phòng bệnh vụ xuân năm 2013 cho
đàn vật nuôi. Đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện biện pháp
chăn nuôi an toàn sinh học: nhập con giống có nguồn gốc rõ ràng, từ vùng
an toàn dịch; cải tạo chuồng nuôi đảm bảo khô ráo, sạch sẽ; tiêm phòng
đầy đủ, đúng quy trình các loại vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm.
Tổ chức tuyên truyền thường xuyên, liên tục và sâu rộng cho nhân dân về
tác hại, sự nguy hiểm, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc,
gia cầm và địa chỉ để người chăn nuôi thông tin, báo cáo dịch bệnh;
thông báo công khai cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước về phát triển
chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật cho người chăn nuôi.
Ông Nguyễn Tất Thành, Chi Cục trưởng Chi
Cục thú y Phú Thọ cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện
bệnh tụ huyết trùng trên gia súc gia cầm. Bệnh này đã làm trên 100 con
lợn và nhiều gà, vịt chết rải rác khắp tại các địa phương trên địa bàn
tỉnh. Tỉnh khuyến cáo bà con khi phát hiện những triệu chứng sốt cao
(40- 41 độ C), bỏ ăn, khó thở, yếu nhanh và lạc tiếng kêu; quan sát các
vùng da mỏng như da vùng bụng, da vùng bẹn, tai…thấy xuất huyết, thủy
thũng ở lợn, phải báo ngay với cơ quan chức năng. Tuyệt đối không được
vận chuyển lợn bệnh ra khỏi địa bàn; không ăn thịt những con đã chết và
hạn chế thả rông gia súc; đồng thời tổ chức vệ sinh chuồng trại, rắc
bằng vôi bột, phun thuốc khử trùng trước khi nuôi gia súc mới.
Tỉnh cũng đã chuẩn bị đủ thuốc tiêm
phòng cho đàn gia súc gia cầm; tổ chức vệ sinh, tiêu độc định kỳ các khu
vực có nguy cơ cao; hướng dẫn tổ chức, cá nhân có liên quan đến giết
mổ, vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm
thường xuyên tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng, thu gom chất thải…
** Theo Chi cục Thú y tỉnh Hòa Bình, hiện nay dịch tụ huyết trùng ghép
lở mồm long móng trên lợn đã xảy ra ở các xã Hợp Hòa, Cư Yên, Liên Sơn
và Cao Răm huyện Lương Sơn với 537 con bị mắc bệnh, làm chết 111 con
(chủ yếu là lợn con theo mẹ và mới cai sữa). Theo đó, triệu chứng lâm
sàng của các con lợn bị bệnh đang trong thời kỳ toàn phát nên khả năng
lây lan và tỷ lệ chết cao.
Để chủ động phòng chống dịch, hiện nay các ban ngành chức năng trên địa
bàn tỉnh đã khoanh vùng dịch khẩn cấp để tổ chức chống dịch tụ huyết
trùng ghép lở mồm long móng trên lợn ở các địa phương có dịch. Đồng thời
lập các chốt kiểm dịch tạm thời cấm vận chuyển, mua bán lợn và các sản
phẩm từ lợn ra vào nơi có dịch; hàng ngày tiến hành quét dọn phân rác,
chất thải xử lý bằng phương pháp chôn đốt (có rắc vôi bột hoặc phun
thuốc khử trùng); thông báo trên các phương tiện truyền thanh xã về tình
hình dịch ở địa phương cũng như khuyến cáo nhân dân điều trị kịp thời
những con bị bệnh; tiêu độc khử trùng bằng thuốc sát trùng toàn bộ khu
vực có dịch. Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến tại ổ dịch và khu
vực quanh ổ dịch; không vứt xác lợn bị bệnh ra môi trường xung quanh…/.
TG