(TG)- Ngày 13/10, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận tổ chức hội nghị
lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đấu giá tài sản. Dự thảo Luật Đấu
giá tài sản gồm 8 chương, 81 điều, quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ
tục đấu giá tài sản, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, thù lao
dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản, xử lý vi phạm, hủy kết quả
đấu giá, bồi thường thiệt hại và quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
Góp ý kiến vào dự thảo Luật, các đại biểu đều thống nhất với nội dung, bố cục của dự thảo Luật Đấu giá tài sản. Đây là dự án luật cần thiết, nhằm thể chế hóa các quy định của pháp luật, khắc phục hạn chế, bất cập, các quy định hiện hành về công tác đấu giá tài sản.
Một số ý kiến cho rằng, dự thảo luật này cần mở rộng đối tượng không được cấp giấy chứng nhận đấu giá; cần thể hiện rõ hình thức đấu giá trực tuyến; quy định số lượng người tham gia đấu giá là bao nhiêu để tránh xuất hiện “cò” trong đấu giá; quy định rõ quyền lợi của người trúng thầu; việc bán đấu giá đối với tài sản của thi hành án dân sự cần quy định 1 chương riêng để đảm bảo sự thống nhất trong giải quyết bản án; mỗi cuộc đấu giá phải do đấu giá viên điều hành. Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng nêu ý kiến cần sửa đổi một số nội dung liên quan tại các điều về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; quy định về các loại tài sản quy định phải bán thông qua đấu giá, đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu…
Các đại biểu cũng nêu ý kiến, cần xem xét, thu hẹp các đối tượng được miễn đào tạo nghề đấu giá; bổ sung điều kiện người muốn tham gia đào tạo nghề đấu giá phải làm việc tại tổ chức đấu giá tài sản ít nhất là 1 năm; xem xét mở rộng đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá là những người có bằng cử nhân các ngành tài chính, ngân hàng; qui định cụ thể thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá; quy định chặt chẽ, rõ ràng các trường hợp thu hồi chứng chỉ hành nghề đấu giá...
*Ngày 14/10, đoàn đại biểu Quốc hội khu vực tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị góp ý kiến vào dự thảo Luật Đấu giá tài sản.
Dự thảo Luật gồm 8 chương với 81 điều quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản, xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá tài sản, bồi thường thiệt hại và quản lý nhà nước về đấu giá tài sản. Việc ban hành Luật Đấu giá tài sản nhằm thể chế hóa các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng các yêu cầu về xã hội hóa và tính chuyên nghiệp trong hoạt động đấu giá tài sản, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Các đại biểu đều nhất trí cao với các nội dung quy định trong phạm vi điều chỉnh của Luật; đồng thời cũng chỉ ra những bất cập chưa phù hợp trong dự thảo Luật Đấu giá tài sản. Theo các đại biểu, tại Khoản 2 Điều 4 Luật Đấu giá tài sản có nêu “Đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản có từ 2 người trở lên tham gia đấu giá…” , nếu định nghĩa như vậy chưa hợp lý bởi nếu trường hợp chỉ có 1 người tham gia đấu giá sẽ không được coi là đấu giá tài sản và sẽ không chịu sự điều chỉnh của Luật này. Do đó, một số đại biểu đề nghị cần điều chỉnh định nghĩa cho phù hợp với quy định của Luật.
Về đấu giá nợ xấu, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần quy định việc đấu giá các khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu để thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu, đảm bảo tính minh bạch và đảm bảo quyền sở hữu tài sản của các chủ thể. Bởi thời gian vừa qua, việc xử lý các khoản nợ xấu của các ngân hàng thương mại diễn ra vẫn còn chậm. Trong khi đó, đây là nguồn lực quan trọng, cần sớm phát huy, tạo hiệu quả cho nền kinh tế thì lại gặp vướng mắc từ các văn bản pháp luật. Thực tế hiện nay, việc xử lý nợ xấu và các tài sản đảm bảo khoản nợ xấu được điều chỉnh bởi các văn bản dưới luật nên tính ổn định chưa cao, vẫn chưa mang tính thị trường. Vì vậy, Quốc hội cần thiết kế, bổ sung một số quy định mang tính nguyên tắc điều chỉnh việc đấu giá các khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu tại dự thảo Luật.
Về nguyên tắc quy định trong dự thảo, các đại biểu đề nghị bổ sung nguyên tắc quy định tài sản đưa ra đấu giá phải là tài sản "sạch”, có nghĩa là tài sản không có tranh chấp, tài sản hội đủ các điều kiện để đấu giá. Đối với quy định về tiêu chuẩn đấu giá viên, các đại biểu đề nghị cơ quan làm luật cần sửa đổi lại nội dung này cho rõ nghĩa hơn, cách diễn đạt không nên cứng nhắc, phải cụ thể, rõ ràng. Ngoài ra, các đại biểu còn đóng góp nhiều ý kiến vào các nội dung khác của Luật như: Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong đấu giá sản; hình thức thành lập doanh nghiệp đấu giá; giá khởi điểm, giám định tài sản đấu giá; việc niêm yết tài sản đấu giá…
* Ngày 14/10, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến dự thảo Luật về Hội. Dự thảo Luật gồm 8 chương 33 điều, quy định về quyền lập hội của công dân Việt Nam; tổ chức, hoạt động của hội và quản lý nhà nước về hội.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến về phạm vi điều chỉnh của Luật, chính sách tài chính đối với hội, điều kiện thành lập hội…Đại biểu tán thành với quan điểm Luật về hội không áp dụng đối với 6 tổ chức chính trị-xã hội gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, vì đây là những tổ chức chính trị - xã hội có vị trí, vai trò đặc biệt và đã có các luật, pháp lệnh khác điều chỉnh riêng.
Đại biểu cũng cho rằng, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để xác định cho thành lập hay không thành lập hội các cấp theo hệ thống từ trung ương đến cơ sở. Điều này sẽ góp phần hạn chế tình trạng thành lập hội tràn lan, không nhất thiết là trung ương có hội nào thì huyện, xã cũng phải có hội đó. Riêng đối với điều lệ hội nên thống nhất từ trung ương đến địa phương, tránh mỗi địa phương quy định một kiểu khác nhau.
Góp ý về chính sách tài chính đối với hội, đại biểu tán thành quan điểm trong dự thảo luật, nên quy định theo hướng tập trung thúc đẩy cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tự giám sát hoạt động của hội. Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho các nhiệm vụ Nhà nước giao cho các tổ chức Hội.
Về phạm vi hoạt động của hội (Điều 12 và Điều 13), đại biểu Thái Văn Tào, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Long cho rằng, Luật cân nhắc việc Chủ tịch UBND tỉnh có thể ủy quyền cho Chủ tịch UBND huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội hoạt động trong phạm vi huyện. Đại biểu cũng đề nghị phân cấp thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội như sau: “Bộ Nội vụ được Chính phủ ủy quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội hoạt động trong phạm vi cả nước hoặc liên tỉnh, trừ các hội quy định tại khoản 2, Điều 15”, “Sở Nội vụ được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội hoạt động trong phạm vi địa phương, trừ các hội thuộc hệ thống hội được quy định tại khoản 2, Điều 15”.
* Ngày 14/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào các dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV sắp tới .
Về dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo, tại hội nghị đa số đại biểu tán thành việc ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo vì kết quả thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo sau hơn 10 năm, đã có nhiều tiến bộ, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân được đảm bảo, các hoạt động tôn giáo đi vào nề nếp, đúng pháp luật; tuy nhiên trong thực tiễn thực hiện vẫn còn những bất cập.
Ông Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo cho rằng, dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo lần này tái khẳng định một số quyền và địa vị pháp lý của tôn giáo, người có tín ngưỡng, tôn giáo được mở rộng và vai trò tham gia các hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội... được quy định cụ thể...Qua đó đã tạo cho các tôn giáo có hành lang pháp lý phù hợp để phát huy giá trị tích cực và đóng góp ngày càng nhiều vào công cuộc xây dựng đất nước, niềm tin của đồng bào có đạo vào Đảng, Nhà nước ngày càng được cũng cố, bền chặt.
Theo ông Nguyễn Tấn Đạt, dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo lần này cần xem xét chỉnh sửa lại một số cụm từ cho chính xác, như ở khoản 9 Điều 2 Giải thích từ ngữ “Chức việc là người", đề nghị sửa lại “Chức việc là tín đồ”...; ở điểm b, khoản 1 Điều 19 cần quy định rõ hơn về sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp... của người đại diện; ở cấp nào thì cần phải có phiếu lý lịch tư pháp? Trường hợp tái cử có phải khai làm lại lý lịch tư pháp không? Ngoà i ra, Luật cần quy định rõ việc quản lý, sử dụng tài sản của c ơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo …
Thống nhất với việc ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Giáo sư Ngọc Năng Thanh, Trưởng Ban Đại diện Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh tỉnh An Giang cho rằng: Luật cần quy định rõ cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo, bởi thực tế việc quản lý lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo hiện nay còn phân tán; đề nghị ghi trong Luật cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Truong ương, địa phương, theo phân cấp quản lý để đảm bảo sự thống nhất, tránh sự chồng chéo trong quá trình triển khai thực hiện.
Về dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các đại biểu thống nhất cao các nội dung dự thảo; đồng thời đề xuất bổ sung nội dung về sản xuất vũ khí, kiến nghị quy định rõ các tr ường hợp người thi hành nhiệm vụ được nổ súng không cần cảnh cáo đối với các trường hợp tấn công nguy hiểm.
Góp ý vào dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Thiếu tá Phan Chí Tâm, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính và trật tự xã hội Công an tỉnh An Giang đề nghị: Luật cần quy định rõ h ơn về việc kiểm soát, xử l ý hoạt động buôn bán vũ khí, công cụ hỗ trợ trên mạng Internet, cũng nh ư hành vi liên quan đến chế tạo các loại vũ khí. Bên cạnh đó, Luật cần quy định cụ thể việc các địa phương trích ngân sách để thực hiện nhiệm vụ công tác quản l ý, đăng ký, thu hồi, tiêu hủy và đấu tranh phòng chống tội phạm có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; siết chặt quản lý, tránh chồng chéo trong đăng ký, quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
*Ngày 14/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào 04 dự thảo luật dự kiến trình tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, gồm: Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Du lịch và Luật Quy hoạch.
Trên thực tế, các luật này đã ra đời và đang có hiệu lực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn bộc lộ nhiều bất cập nên cần thiết phải có sự điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế cũng như Hiếp pháp của nước ta năm 2013. Đối với dự thảo Luật Quản lý sử dụng tài sản công, nhiều ý kiến cho rằng, một số quy định trong dự thảo luật chưa thể hiện được tính dân chủ, còn có kẽ hở, dễ bị cơ quan thực thi nhiệm vụ lợi dụng để thoái thác trách nhiệm; chưa tạo được sự công bằng và tiện lợi cho người dân… Bởi thế, nhiều ý kiến đã đề nghị điều chỉnh, thêm bớt một số từ ngữ, nội dung của Luật. Đơn cử như ở Điều 70 “Trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại chết” thì quyết định hoàn trả chấm dứt hiệu lực tại thời điểm người đó chết. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần thực hiện theo Điều 615, Bộ luật Dân sự “Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại”.
Đối với dự thảo Luật Du lịch, nhiều đại biểu cho rằng cần làm rõ việc quản lý hướng dẫn viên du lịch và việc cấp thẻ cho hướng dẫn viên du lịch. Theo Luật hiện hành,“hướng dẫn viên được hành nghề khi có thẻ hướng dẫn viên và có hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành”. Tuy nhiên, trên thực tế, một hướng dẫn viên có thể cùng một lúc ký hợp đồng với nhiều doanh nghiệp lữ hành miễn là họ không vi phạm các điều khoản quy định trong nội dung của hợp đồng. Vì vậy, nội dung này hạn chế khi họ là người hành nghề tự do chỉ nhận công việc theo từng đoàn khách cụ thể. Một số đại biểu cho rằng, Luật cần làm rõ trách nhiệm quản lý sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh; cần bổ sung quy mô của Khu du lịch quốc gia và làm rõ khái niệm về Khu du lịch quốc gia đặc biệt, điểm du lịch, khu du lịch; bổ sung thêm vấn đề bảo vệ quyền lợi cho khách du lịch.
Về dự thảo Luật Quy hoạch, nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay trong quy hoạch ở một số tỉnh chưa thấy nói đến mạng lưới quy hoạch y tế và giáo dục. Đặc biệt trong ngành y tế, việc quy hoach phải có sự thống nhất, tránh tình trạng các bệnh viện, phòng khám phát triển rầm rộ. Có ý kiến cho rằng việc công bố quy hoạch cần phải công khai với người dân tại nơi quy hoạch, tránh tình trạng khiếu kiện ở một số nơi như hiện nay; nên bổ sung quy hoạch theo từng ngành, từng lĩnh vực và quy trình quy hoạch nên bổ sung việc lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân vì hiện nay, một số địa phương mới chỉ có quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội.
Những ý kiến đóng góp đối với 04 dự thảo luật trên sẽ được Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên tổng hợp gửi tới cơ quan soạn thảo xem xét, chọn lựa để tiếp tục hoàn thiện trình Quốc hội trong kỳ họp tới.
*Ngày 14/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị góp ý vào dự án Luật đấu giá tài sản, dự kiến trình tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV.
Tại Hội nghị, đại diện đại biểu Sở Tư pháp cho rằng, việc triển khai đấu giá trực tuyến ở nước ta hiện nay là chưa phù hợp. Vì cơ sở vật chất và trình độ nghiệp vụ chuyên môn của đấu giá viên chưa đáp ứng được các yêu cầu đề ra; đồng thời kiến nghị xây dựng lộ trình 5 năm tới hãy triển khai đấu giá trực tuyến sẽ hợp lý hơn. Riêng tại Điều 13 về quy định tập sự hành nghề của đấu giá viên là 6 tháng cơ bản phù hợp, tuy nhiên các quy định về miễn giảm thời gian tập sự đối với một số trường hợp đặc biệt là chưa hợp lý, cần phải xem xét, cân nhắc lại.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Tây Ninh kiến nghị, Quốc hội xem xét quy định rõ về bước giá và mức giảm giá trong khâu tổ chức đấu giá tài sản, trong đó phải quy định bước giá tối thiểu (cụ thể quy định phần trăm mỗi bước giá trên giá trị tài sản đấu giá); kiến nghị Bộ Tư pháp giao thẩm quyền cho Sở Tư pháp điều hành, quản lý, theo dõi người tập sự hành nghề đấu giá viên và xác nhận đủ điều kiện trên hồ sơ xin cấp giấy cấp chứng chỉ hành nghề của đấu giá viên.
Ngoài ra, một số đại biểu kiến nghị, Luật nên bổ sung thêm quy định thời gian cấp, đổi chứng chỉ hành nghề đấu giá viên (từ 5 năm đến 10 năm), không nên quy định có giá trị vô thời hạn như trên dự thảo Luật và bắt buộc mỗi năm ít nhất người hành nghề đấu giá viên phải tham gia 1 lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ. Nhiều đại biểu cũng đồng tình với kiến nghị quy định phải cùng lúc đăng báo ở địa phương và báo Trung ương về thông tin mời tham gia đấu giá tài sản, nhằm công khai rộng rãi và minh bạch trong hoạt động đấu giá./.
TG tổng hợp