Theo đại diện các doanh nghiệp nước ngoài, Thành phố Hồ Chí Minh cần tháo gỡ các vấn đề về chính sách cũng như nguồn nhân lực.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 21/4, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2018 với chủ đề “Đột phá cơ chế, cùng doanh nghiệp phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nhanh và bền vững."
Đại diện lãnh đạo thành phố cùng các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài và gần 200 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tham dự hội nghị.
Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật và đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình giải quyết thủ tục hành chính nhằm nâng cao khả năng thu hút đầu tư từ nước ngoài. Những nổ lực đó đã mang lại kết quả rất tích cực, năm 2017, thành phố đã thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đạt 6,6 tỷ USD, tăng hơn 90% so với năm 2016.
Riêng 3 tháng đầu năm 2018, thành phố đã thu hút được 1,37 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (cả nước là 5,8 tỷ USD), đây là một trong những nguồn lực quan trọng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế thành phố.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức của một đô thị lớn như sự quá tải về cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông lạc hậu, áp lực quá tải trong các bệnh viện, trường học và nhà ở do dân số gia tăng quá nhanh. Thêm vào đó, ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nguy cơ ngập nước nghiêm trọng ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi các doanh nghiệp FDI tham gia vào các dự án trọng điểm phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Lãnh đạo thành phố đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hiến kế, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh với các mục tiêu chính là đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế tương đối cao, phát triển bền vững; dịch vụ phát triển, môi trường sống tốt, hạ tầng, y tế, giáo dục tốt; người dân được chính quyền phục vụ tốt; người dân và tổ chức xã hội tham gia quản lý và giám sát.
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định thành phố lấy sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân làm thước đo sự phát triển và hiệu quả phục vụ của bộ máy hành chính thành phố.
Để hiện thực mục tiêu trên, thành phố đã ban hành các văn bản, đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời việc tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh của doanh nghiệp; triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vào nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước; Chỉ số cải cách hành chính (PAR-index) vào nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước; Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) vào nhóm 16 địa phương dẫn đầu cả nước.
Bên cạnh đó, để khuyến khích các doanh nghiệp, thành phố sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế sáng tạo và sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn. Việc lựa chọn nhà đầu tư được tiến hành chủ yếu bằng hình thức tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch để đảm bảo tiến độ và chất lượng các dự án.
Các doanh nghiệp nước ngoài "hiến kế"
Các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố năng động, có tốc độ phát triển nhanh và là địa điểm thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để thu hút được nguồn vốn nước ngoài vào phát triển nhanh, bền vững và xây dựng thành công đô thị thông minh, thành phố sẽ phải tháo gỡ các vấn đề về chính sách cũng như nguồn nhân lực.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) cho biết các doanh nghiệp châu Âu mong muốn Thành phố Hồ Chí Minh hoạch định chính sách cởi mở, minh bạch hơn để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, hệ thống pháp lý liên quan đến hoạt động đầu tư cần được thống nhất cả về mặt lý thuyết và hiệu quả thực thi.
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: TTXVN)
Thêm vào đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, không chỉ là tay nghề của lao động phổ thông mà còn cả năng lực quản lý của nhân sự cấp trung, cấp cao nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh.
Cùng quan điểm, bà Saranya Skonnarak, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thái Lan cho rằng chất lượng nguồn nhân lực không chỉ ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư nước ngoài mà còn là yếu tố quyết định sự thành công của đề án xây dựng đô thị thông minh.
Theo bà Saranya Skonnarak, trong thu hút đầu tư nước ngoài, lao động Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung không còn nhiều lợi thế về giá nhân công. Vì vậy, phải có giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng lao động. Thành phố thông minh là để phục vụ nhu cầu của con người, do đó để xây dựng thành phố thông minh không chỉ cần có công nghệ hiện đại mà còn phải có đội ngũ nhân sự có trình độ, năng lực vận hành hệ thống và đủ khả năng thụ hưởng những tiện ích mà nó mang lại.
Ông Seck Yee Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Singapore, cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều đô thị khác ở Việt Nam đang có nhu cầu xây dựng thành phố thông minh. Đây là bước đi cần thiết để hiện đại hóa đô thị và giải quyết các vấn đề nóng như hạ tầng giao thông, môi trường, cơ sở dữ liệu. Singapore là nước có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng đô thị thông minh cũng như phát triển dựa trên nền tảng công nghệ và sẵn sàng hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung.
Tuy nhiên, Việt Nam phải có chính sách cởi mở hơn đối với các lĩnh vực đầu tư vào dịch vụ công nghệ. Cụ thể, cần xem xét, bãi bỏ các như quy định như yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam phải khai báo thông tin người sử dụng hay bắt buộc doanh nghiệp nước ngoài phải thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài cũng cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh cần đồng bộ hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa các hoạt động của cơ quan quản lý để nâng cao hiệu quả thực thi chính sách, cắt giảm tối đa thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp FDI, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị các sở, ngành của thành phố nghiên cứu những nội dung phát biểu, hiến kế của các doanh nghiệp để bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển của thành phố.
Ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu các ngành chức năng của thành phố sớm phản hồi theo thẩm quyền những vướng mắc của doanh nghiệp, cũng như kiến nghị lên cấp trên những vấn đề vượt thẩm quyền để có giải pháp điều chỉnh phù hợp, đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển đầu tư, kinh doanh, gắn bó lâu dài với thành phố./.
Xuân Anh (TTXVN)