Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng cho
rằng, các nước châu Á cần tăng cường hợp tác để thúc đẩy hòa bình, an
ninh và đối phó với những thách thức chung; tiếp tục xây dựng và củng cố
lòng tin, nâng cao hiểu biết lẫn nhau, giải quyết hòa bình các tranh
chấp, khác biệt thông qua đối thoại, đàm phán dựa trên các nguyên tắc cơ
bản của luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn
lãnh thổ của nhau.
Ngày 29/11, tại thành phố cổ Siem Reap,
tỉnh Siem Reap, Campuchia, Hội đồng Nghị viện châu Á (APA) đã tiến hành
các phiên họp để thảo luận 21 dự thảo nghị quyết trình phiên họp toàn
thể lần thứ 9 (APA-9) thông qua.
Nội dung 21 dự thảo nghị quyết liên quan đến nhiều vấn đề quan trọng, có
ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân châu Á như kinh tế, văn hóa, xã
hội, an ninh, quốc phòng, phòng chống khủng bố, bạo loạn lật đổ, cách
mạng màu và can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.
Trong
đó, các đại biểu quan tâm thảo luận nhiều xung quanh các chủ đề như an
ninh, quốc phòng, phòng chống khủng bố, bạo loạn lật đổ, cách mạng màu
và can thiệp vào công việc nội bộ của một nước khác.
Ủy viên Bộ
Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng đã có bài tham
luận quan trọng tại Hội nghị. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh
giá cao APA, với 17 năm hình thành và phát triển, từ tiền thân là tổ
chức Nghị viện châu Á vì Hòa bình (AAPP), với sứ mệnh thúc đẩy nền hòa
bình ở châu Á, APA đã và đang nỗ lực phát huy vai trò quan trọng trong
sự nghiệp bảo vệ hòa bình tại khu vực, xây dựng và từng bước củng cố
lòng tin giữa các quốc gia thông qua đối thoại và hợp tác khu vực, liên
khu vực và toàn cầu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho
rằng, các nước châu Á cần tăng cường hợp tác để thúc đẩy hòa bình, an
ninh và đối phó với những thách thức chung; tiếp tục xây dựng và củng cố
lòng tin, nâng cao hiểu biết lẫn nhau, giải quyết hòa bình các tranh
chấp, khác biệt thông qua đối thoại, đàm phán dựa trên các nguyên tắc cơ
bản của luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn
lãnh thổ của nhau.
Việc kết nối nhân dân các nước châu Á với
nhau và giữa châu Á với phần còn lại của thế giới là rất quan trọng, vì
một châu lục hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững. Ở cấp độ quốc
gia, các nước châu Á cần đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại
nền kinh tế để phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa hơn giữa tăng
trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài
nguyên và môi trường.
Đối với những người đại diện cho người
dân, phải tiếp tục thúc đẩy các chính phủ có trách nhiệm với những mục
tiêu đã cam kết, bảo đảm thông qua các luật và ngân sách phù hợp, thực
hiện hiệu quả giám sát, bảo vệ lợi ích của người dân, mở rộng các mối
quan hệ đối tác khu vực, liên khu vực và trên toàn thế giới.
Bà
Tòng Thị Phóng đề nghị, trong bối cảnh tình hình mới, để APA trở thành
một tổ chức liên nghị viện hiệu quả trong khu vực, Hội nghị cần quan tâm
tới một số vấn đề như: Củng cố cơ cấu tổ chức, hoạt động của APA theo
hướng hiệu quả, thiết thực, đáp ứng lợi ích và quan tâm của các quốc hội
thành viên;
Đổi mới chương trình nghị sự, thúc đẩy mạnh mẽ hơn
nữa các giải pháp nhất là ngăn ngừa các xung đột tiềm tàng, tuân thủ
luật pháp quốc tế, xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, trong đó có
các nguyên tắc cơ bản điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia cũng như
giải quyết hòa bình các tranh chấp;
Tăng cường mối quan hệ, sự
tương tác giữa APA với các chính phủ các nước thành viên để khuyến khích
thực hiện những đề xuất đã nêu trong các văn kiện, nghị quyết của APA;
Phát huy tiếng nói và sự tham gia của người dân trong tiến trình phát
triển đất nước, là điều kiện tiên quyết để đảm bảo dân chủ, đem lại hòa
bình, ổn định cho các quốc gia và các khu vực trên toàn thế giới;
Tăng
cường trao đổi giữa các nghị viện thành viên APA ở các cấp độ, dưới mọi
hình thức để góp phần nâng cao sự hiểu biết, tin cậy giữa các nhà lãnh
đạo và nghị sỹ, thúc đẩy quan hệ và làm sâu sắc tình hữu nghị giữa các
dân tộc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, với
trách nhiệm là một nước tham gia sáng lập APA, Việt Nam luôn kiên
định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa
trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc
tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm
của cộng đồng quốc tế vì hòa bình – hợp tác và phát triển.
Quốc
hội Việt Nam với phương châm đoàn kết, sáng tạo và hành động vì lợi
ích của nhân dân, vì danh dự và lòng tự hào của dân tộc, vì sự phát
triển bền vững của đất nước, sẵn sàng hợp tác cùng các nghị viện
thành viên APA với nỗ lực chung xây dựng một khu vực châu Á hòa
bình và phát triển bền vững.
Cũng trong sáng 29/11, đã diễn
ra Phiên họp nữ nghị sỹ APA với sự tham gia của nhiều nghị sỹ nữ trong
khu vực châu Á. Tại phiên họp này, các đại biểu đánh giá cao về vai trò
của phụ nữ trong phát triển kinh tế văn hóa - xã hội, đồng thời tiếp tục
kêu gọi chính phủ các nước tiếp tục quan tâm hơn nữa trong xây dựng và
phát triển nguồn nhân lực nữ.
Hội nghị sẽ tiếp tục các phiên họp theo chương trình nghị sự và bế mạc vào tối 1/12.
Phó
Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chào xã giao Chủ tịch Quốc hội Vương
quốc Campuchia Samdech Heng Samrin. Ảnh: Phan Minh Hưng - P/v TTXVN tại
Campuchia.
|
Bên lề phiên họp, Phó Chủ
tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã đến chào xã giao Chủ tịch Quốc hội nước
chủ nhà Campuchia Samdech Heng Samrin.
Tại buổi chào xã giao, hai
bên đánh giá cao sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và
nhân dân 2 nước Việt Nam – Campuchia; đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp
tục xây dựng, củng cố và phát triển mối quan hệ truyền thống hữu nghị,
đoàn kết giữa 2 nước ngày càng phát triển và lên tầm cao mới.
Chủ
tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin đánh giá cao vai trò và tin
tưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ góp phần làm cho Hội nghị
APA-9 thành công tốt đẹp./.
(TTXVN)