Thứ Bảy, 23/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Sáu, 3/11/2017 19:17'(GMT+7)

Cách mạng Tháng Mười Nga - Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại

V.I.Lênin với Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. (Ảnh tư liệu)

V.I.Lênin với Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. (Ảnh tư liệu)

Cách đây 100 năm, ngày 7/11/1917 đã nổ ra cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, một sự kiện lịch sử làm rung chuyển thế giới, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại.

Sự thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã khai sinh ra chủ nghĩa xã hội hiện thực. Một thế kỷ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội đã diễn ra với rất nhiều thăng trầm: có cả những thành tựu to lớn đã đạt được ở mỗi nước và cả những đổ vỡ, thất bại. Nhưng cũng chính từ thực tiễn thăng trầm đó, mỗi nước trên con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa hiện thực đã đúc rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho mình.

Với cách mạng Việt Nam, cách mạng Tháng Mười Nga và lịch sử thăng trầm của chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới luôn có ý nghĩa thiêng liêng và sâu sắc đặc biệt. Mỗi lần kỷ niệm Cách Mạng Tháng Mười Nga không chỉ là một lần chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đối với nhân dân Liên Xô và đối với lãnh tụ V.I.Lênin vĩ đại, mà còn là dịp để chúng ta nhìn nhận đầy đủ, sâu sắc hơn về quá khứ, hiện tại và tương lai của chủ nghĩa xã hội trên thế giới; về giá trị, sức sống của chủ nghĩa Mác-Lênin và thực tiễn vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội; về những thuận lợi và khó khăn, những thời cơ và thách thức, những bài học lịch sử từ những thành công và sai lầm, thất bại; về mục tiêu, con đường xã hội chủ nghĩa và tiền đồ của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam…

Thời gian càng lùi xa càng cho phép chúng ta đánh giá, nhìn nhận rộng hơn, đa chiều, sâu sắc hơn và khách quan hơn về ý nghĩa lịch sử, tầm vóc thời đại của Cách mạng Tháng Mười, cũng như địa vị, vai trò của chủ nghĩa xã hội hiện thực đối với tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại.

Tại các cuộc Hội thảo, Tọa đàm khoa học với chủ đề “100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga và chủ nghĩa xã hội hiện thực (1917-2017) - Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức thời gian gần đây, đã có nhiều ý kiến trao đổi một cách khách quan, khoa học của các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và các nhà hoạt động chính trị thực tiễn đến từ các nước Nga, Trung Quốc, Lào, Cuba, Thụy Điển. Các tham luận đã đưa ra một cách tổng thể, toàn diện, khách quan về giá trị của Cách mạng tháng Mười và những vấn đề đang đặt ra hiện nay cần nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội hiện thực; nêu lên những vấn đề lớn, thậm chí là vấn đề rất lớn, rất hệ trọng mang tầm lý luận và thực tiễn của quốc gia và quốc tế liên quan đến vận mệnh của chủ nghĩa xã hội trên thế giới và ở Việt Nam.

Thứ nhất, về giá trị thời đại, ý nghĩa mở đường và tinh thần khai sáng cho một thế kỷ phát triển vừa qua của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga 1917.

Cho đến nay, các nhà tư tưởng lớn và nhiều nhà khoa học trên thế giới đều khẳng định về giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã đập tan ách áp bức, bóc lột của chế độ phong kiến và chủ nghĩa tư bản ở nước Nga, đưa giai cấp công nhân và quần chúng nhân dân lên nắm chính quyền; biến mơ ước, nguyện vọng hàng ngàn năm của quần chúng lao động về một chế độ xã hội không còn bóc lột, áp bức, bất công và nhân dân trở thành chủ nhân của xã hội. Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi đã đi vào lịch sử nhân loại như một sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ XX, mở đầu thời đại mới - thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới. Nó đã đánh dấu bước chuyển biến về chất của chủ nghĩa xã hội khoa học: từ lý luận đã trở thành hiện thực sinh động. V.I.Lênin từng nhận định, Cách mạng Tháng Mười đã mở đầu cho “một thời đại mới trong lịch sử loài người”, “một sự nghiệp mới mẻ sáng tạo ra một chế độ nhà nước xưa nay chưa từng có”.

Cách mang Tháng Mười Nga đã thức tỉnh và cổ vũ các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc vùng lên giành độc lập dân tộc, tự giải phóng khỏi mọi áp bức, bất công, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã khẳng định bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin và cung cấp những bài học lịch sử vô giá cho các cuộc cách mạng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”(1).

Tuy vậy, từ sau sự kiện Đông Âu - Liên Xô (1989-1991) cho đến gần đây cũng xuất hiện những ý kiến trái chiều, đặt lại vấn đề về giá trị của cách mạng Tháng Mười Nga. Chẳng hạn, các ý kiến cho rằng đó là “sự lầm lạc lịch sử”; rằng, “đó chỉ là một cuộc phiêu lưu”, “sự áp đặt từ bên trên”; rằng nó “phải chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội” hiện thực sau này.v.v.. Tuy nhiên, trên thực tế, cũng đã có nhiều ý kiến phản bác sắc sảo từ chính các học giả Phương Tây về những quan điểm xuyên tạc, phủ nhận giá trị của cách mạng Tháng Mười.

Thứ hai, về chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới: thành tựu, hạn chế, nguyên nhân, thời cơ, thách thức và triển vọng của nó.

Chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới được bắt đầu từ năm 1917 với thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga đến nay đã được một thế kỷ. Có thành tựu và bất cập, đổ vỡ và cải cách, đổi mới và khơi dậy bao nhiêu cảm xúc và trăn trở trong lương tri của nhân loại trong một thế kỷ qua.

Thành tựu nổi bật của một thế kỷ xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự lớn mạnh nhanh chóng, sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội và sự xuất hiện nhiều mô hình xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Chủ nghĩa xã hội từ sau chiến tranh thế giới thứ II đã trở thành một hệ thống thế giới mang tính đối trọng với chủ nghĩa tư bản đế quốc và là một con đường phát triển, một hình mẫu của tổ chức xã hội mang lại tự do, công bằng và hạnh phúc cho đa số nhân dân. Nhiều thành tựu trong tổ chức quản lý xã hội của chủ nghĩa xã hội đã khiến cho các nước tư bản chủ nghĩa cũng phải thừa nhận và học tập. Thế giới đã phát triển bình đẳng hơn, công bằng hơn. Sự lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa đã trở thành một xu thế lớn.

Đã có nhiều mô hình và các thử nghiệm ban đầu để xây dựng chủ nghĩa xã hội trong một thế kỷ qua. Chỉ riêng nước Nga, giai đoạn 1917-1927 đã trải qua việc thử nghiệm 3 mô hình: “Chính sách cộng sản thời chiến” (1918-1921), “Chính sách kinh tế mới” (1921-1927) và mô hình “chủ nghĩa xã hội nhà nước” (1927-1991) hay còn gọi là mô hình Liên Xô, với đặc trưng kế hoạch hóa, tập trung và phi sản xuất hàng hóa.

Những năm 50 của thế kỷ XX, chúng ta lại thấy một tìm tòi thử nghiệm mới với chủ nghĩa cộng sản Nam Tư, do Liên đoàn cộng sản Nam Tư khởi xướng. Đặc trưng của nó là kết hợp quản lý của Nhà nước với yếu tố kinh tế thị trường và vai trò tự quản xã hội của các cộng đồng dân cư. Mô hình Nam Tư là một phiên bản có nhiều cải tiến từ mô hình Liên Xô, tuy chưa thành công nhưng có lẽ đây là tín hiệu đầu tiên của đổi mới và đa dạng hóa mô hình của chủ nghĩa xã hội hiện thực.

Đến thập niên 80, bên cạnh sự khủng hoảng, đổ vỡ của một mô hình chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô, chúng ta lại chứng kiến sự xuất hiện hàng loạt mô hình chủ nghĩa xã hội thời kỳ cải cách, đổi mới như “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”, “chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, “chủ nghĩa xã hội ở Lào” và “Cập nhật hóa mô hình phát triển kinh tế - xã hội” ở Cuba. Cùng với đó là trào lưu “chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” ở khu vực Mỹ La tinh và trên thế giới hiện nay.

Nhìn tổng quát, một thế kỷ xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực, có thành công, có thất bại, phải “làm đi làm lại những cái tưởng như đã làm rồi” (C.Mác). Thực tế ấy đã mang lại nhiều nhận thức lý luận và cả các cung bậc cảm xúc của những người yêu quý sự nghiệp giải phóng và phát triển. Sự tồn tại, phát triển rồi trì trệ, khủng hoảng và cải cách, đổi mới của chủ nghĩa xã hội hiện thực cho chúng ta một đánh giá khái quát về sự thăng trầm, sức sống và cả những vấn đề của nó 100 năm qua.

Hiện thực hóa lý tưởng xã hội chủ nghĩa thật vinh quang nhưng cũng không hề dễ dàng, thậm chí đầy gian nan, thử thách! Thực tiễn nhiều chiều cạnh của chủ nghĩa xã hội hiện thực một thế kỷ qua, dưới cái nhìn của khoa học hôm nay, có thể rút ra những vấn đề có tính quy luật hoặc những kinh nghiệm để quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực ở mỗi nước trong thế kỷ XXI đạt hiệu quả cao hơn. Cùng với đó là việc xác lập niềm tin khoa học cho những người yêu quý chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và thế giới hướng tới các giá trị vĩnh tồn của nó là phát triển, công bằng, bình đẳng, tự do, dân chủ và hòa bình. Rằng, thế kỷ XXI, nhân loại vẫn tiếp tục quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội với những nhận thức mới được bổ sung từ thực tiễn của 100 năm qua và từ công cuộc cải cách, đổi mới hiện nay.

Thứ ba, kiên định, trung thành, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên thế giới trong một thế kỷ qua.

Khi bàn về nguyên nhân khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội hiện thực và sự sụp đổ của Liên Xô và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, các nhà nghiên cứu đều cho rằng có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Trong nguyên nhân chủ quan cũng có nhiều nhân tố như: tình trạng quan liêu, xa dân, tham ô, tham nhũng; yếu kém trong tổ chức thực hiện đường lối, chính sách, kể cả sai lầm về đường lối sách lược cách mạng hay sự phản bội mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa của một số nhà lãnh đạo. Nhìn nhận bao quát hơn, sâu sắc hơn, có thể thấy những nhân tố chủ quan đó đều liên quan đến vấn đề kiên định, trung thành, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của các nước này.

V.I.Lênin từng viết: “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”; “chỉ Đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong”(2). Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng khẳng định: “Không có lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học thì không thể có lập trường giai cấp vững vàng”(3). Tất nhiên, hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học chứa trong mình bản chất khoa học và cách mạng nên nó là một hệ thống mở. Ngay trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, chính C.Mác và Ph.Ăngghen từng nhấn mạnh: “bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời…”(4). Điều ấy có nghĩa rằng, trung thành, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa xã hội khoa học phù hợp với thực tiễn là điều mà các nhà kinh điển muốn nói với hậu thế. Câu nệ, máy móc hay nhân danh cải tổ, cải cách, đổi mới mà thực tế là xa rời bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin đều là những sai lầm nguy hiểm. Bế tắc, lúng túng, chao đảo về tư tưởng, lý luận sẽ dẫn đến chuệch choạc về thực tiễn. Sai lầm trong lý luận sẽ dẫn đến thất bại, trả giá, thậm chí là trả giá rất đắt trong thực tiễn.

Cách mạng Tháng Mười Nga và lịch sử thăng trầm của chủ nghĩa xã hội hiện thực thế giới trong một thế kỷ qua đã xác nhận, ở đâu, lúc nào những người cộng sản trung thành, vận dụng, phát triển sáng tạo di sản Mác-Lênin thì khi đó, ở đó cách mạng giành được thành công, thu được thắng lợi; ngược lại, ở đâu, lúc nào rơi vào chủ quan, duy ý chí, máy móc, giáo điều hoặc xa rời, từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin thì ở đó, lúc đó cách mạng lâm vào khó khăn, khủng hoảng, chao đảo, thậm chí thất bại, tan rã. Đây là vấn đề chưa hề cũ với chúng ta.

Thứ tư, về thách thức, thời cơ và triển vọng của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay từ ánh sáng Cách mạng Tháng Mười Nga và bài học lịch sử thăng trầm một thế kỷ qua của chủ nghĩa xã hội hiện thực thế giới.

Theo tiếng gọi của Cách mạng Tháng Mười Nga, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, cách mạng Việt Nam đã đi từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trước đòi hỏi của thực tiễn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ năm 1986 nước ta đã tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau hơn 30 năm đổi mới và kiên trì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản và nhân dân đã lựa chọn, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được bảo vệ, giữ vững và đang  tiếp tục phát triển.

Tuy nhiên hiện nay, nước ta đang đứng trước không ít những khó khăn, nguy cơ, thách thức. Từ ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười cùng những bài học đau xót từ sự sụp đổ của Liên Xô và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đòi hỏi chúng ta phải nhận diện rõ các nguy cơ và những vấn đề đặt ra để chủ động có phương án giải quyết. Đó là những vấn đề liên quan đến hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; vấn đề phát triển kinh tế tư nhân với tư cách là động lực quan trọng của nền kinh tế; vấn đề hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và phát triển văn hóa con người Việt Nam; vấn đề bảo vệ lợi ích quốc gia và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; vấn đề thời cơ và thách thức của Việt Nam trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.v.v.. Đó là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nguy cơ từ những âm mưu, hành động “diễn biến hòa binh” của thế lực thù địch; nguy cơ từ tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham ô, tham nhũng và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.v.v.. Tất cả những vấn đề, những nguy cơ đó đều liên quan mật thiết đến vận mệnh, tiền đồ của dân tộc và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

*       *      *           

“Cách mạng đã chết, cách mạng muôn năm!” C.Mác đã từng viết như vậy trong tác phẩm “Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1848-1850” như một tiên tri về tính chất khó khăn, phức tạp và tính tất yếu của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa. Năm 1918, V.I.Lênin cũng đã viết: “Nếu chính quyền Xô Viết bị chủ nghĩa đế quốc liên minh đè bẹp, trong trường hợp xấu nhất ấy, những sách lược Bônsêvích cũng không vì thế mà không có ích lợi to lớn cho chủ nghĩa xã hội và giúp cho sự lớn mạnh của cách mạng thế giới vô địch”. Từ bối cảnh của thế giới hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định rằng: “Hiện tại, chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không được giải quyết mà ngày càng trở nên sâu sắc”(5) và “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”(6). Nhận thức đó đang được nhiều dữ kiện của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới và những thành tựu của công cuộc cải cách, đổi mới ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới xác nhận. Đồng thời, từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội của Trung Quốc, Việt Nam, Lào, chúng ta có thể khẳng định rằng, kinh tế thị trường tự nó không đi đến chủ nghĩa xã hội nhưng chủ nghĩa xã hội muốn thành công, tất yếu phải phát triển kinh tế thị trường.

Chắc chắn những kinh nghiệm và xung lực từ Cách mạng Tháng Mười Nga, từ sự nghiệp xây dựng hệ thống xã hội chủ nghĩa, từ những bài học của khủng hoảng rồi sụp đổ của Đông Âu, của Liên Xô và cả những bài học kinh nghiệm của chủ nghĩa xã hội hiện thực trong cải cách, đổi mới hiện nay, đều rất có ích cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và các nước trên thế giới./.

GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng
Ủy viên Trung ương Đảng
Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

_____________________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t.2, tr. 300.

(2) VI. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến Bộ. M, 1975. t.6, tr.30, 32.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự Thật, H, 2011, t.15, tr.113.

(4) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1995, t.18, tr.128.

(5) (6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hôi đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự Thật, H, 2011, tr.68, 69.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất