Thứ Bảy, 23/11/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Hai, 6/11/2017 12:1'(GMT+7)

Cách mạng Tháng Mười Nga với việc giải phóng các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc trên thế giới; soi chiếu vào trường hợp Việt Nam

Đã tròn 100 năm kể từ ngày Cách mạng Tháng Mười Nga bùng nổ và thắng lợi. Trong thời gian một thế kỷ qua, nhân loại đã chứng kiến biết bao nhiêu biến cố, bao nhiêu đổi thay. Có rất nhiều sự kiện lịch sử đã bị thời gian khỏa lấp, trôi vào quên lãng. Song cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga tháng 11 năm 1917 là sự kiện đặc biệt, ngay từ khi diễn ra cho đến tận bây giờ, vẫn luôn là đề tài được bàn luận, tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn từ Ðông sang Tây với nhiều cách tiếp cận, đánh giá trên cơ sở ​ý thức hệ và lợi ích khác nhau. Điều đáng nói là, cùng với độ lùi về thời gian, những diễn biến nóng hổi, những động thái nhiều kịch tính của đời sống thế giới đương đại không những không làm mờ nhòe, trái lại làm sáng tỏ hơn những giá trị đích thực, bền vững của Cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới. Tháng 11/2016, Nhà xuất bản Gregory Elliott đã cho ra mắt tác phẩm "Kỷ nguyên Xô viết" của nhà sử học người Mỹ nổi danh Moshe Lewin (1). Bằng nguồn sử liệu phong phú và sự luận giải sắc sảo, Moshe Lewin đã chứng minh thế kỷ XX chính là thế kỷ mang đậm dấu ấn của chế độ Xô viết được khởi đầu từ Cách mạng Tháng Mười Nga. Gần đây, ngày 17/8/2017, tại cuộc Tọa đàm quốc tế do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, Giáo sư, Tiến sĩ V.V.Konđrashin, Giám đốc Trung tâm Lịch sử kinh tế, Viện Lịch sử Nga thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga đã bày tỏ sự đồng tình với nhận định của nhà sử học người Mỹ. Ông nhấn mạnh “cuộc Cách mạng Nga vĩ đại năm 1917 - đó là kết quả tác động của tổ hợp các yếu tố, cả khách quan lẫn chủ quan. Nhưng khoảnh khắc của sự thật là ở chỗ nó là sự kiện thay đổi có ý nghĩa lịch sử thế giới, làm thay đổi nước Nga và toàn thế giới"(2).​​​

Xem xét sự tác động của Cách mạng Tháng Mười Nga đến đời sống các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc thông qua những sự kiện tiêu biểu, những mốc quan trọng trong lịch sử hiện đại thế giới, có thể khẳng định nguyên giá trị lời nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 50 năm: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức bóc lột trên trái đất (…), mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người”(3).

1. Cách mạng Tháng Mười Nga mở ra kỷ nguyên thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc trên phạm vi toàn thế giới

Cỏ khô và lửa

Sức hấp dẫn đặc biệt và ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc chủ yếu và trước hết là vì cuộc cách mạng đó đã đáp ứng đúng khát vọng bình đẳng, tự do mãnh liệt và đưa ra lời giải cho những bức xúc bị dồn nén, những bế tắc kéo dài chưa được giải quyết của các dân tộc bị áp bức, bóc lột.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa mà một đặc trưng nổi bật là sự tăng cường khai thác, vơ vét các nguồn lực từ các nước thuộc địa, phụ thuộc đã mở rộng khắp các châu lục để thỏa mãn nhu cầu lợi nhuận ngày càng lớn của giới tư bản độc quyền ở các nước cai trị - các nhà sử học thường gọi là các chính quốc. Ách áp bức, bóc lột đè nặng lên đầu, lên cổ các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc; mâu thuẫn dân tộc đan xen với mâu thuẫn giai cấp căng như sợi dây đàn. Giải thoát khỏi ách nô dịch thực dân, đế quốc, khỏi nghèo đói, bất công… trở thành khát vọng cháy bỏng của hàng trăm triệu người ở các quốc gia mất độc lập, chủ quyền. Ở hầu khắp các nước châu Á, châu Phi, Mỹ La tinh đã xuất hiện những nhà yêu nước chân chính dấn thân tìm kiếm, thử nghiệm các ý tưởng, mô hình, phương thức tự giải phóng dân tộc mình và các dân tộc bị áp bức, bóc lột. Đáng tiếc những cuộc tìm kiếm, thử nghiệm rất hào hùng, đáng quý đó đều không đi đến kết quả mong đợi.

Đúng vào thời điểm đó, Cách mạng Tháng Mười Nga bùng nổ và thắng lợi. Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, ở một nước tư bản phát triển trung bình, dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản, giai cấp công nhân liên minh với giai cấp nông dân đã vùng lên đập tan ách thống trị của phong kiến, tư bản; thành lập chính quyền Xô viết; xây dựng chế độ xã hội mới, đưa nhân dân lao động từ thân phận nô lệ làm thuê lên địa vị làm chủ; phá tan nhà tù kìm kẹp các dân tộc của đế chế Sa hoàng, trao quyền tự quyết cho các dân tộc. Cách mạng Tháng Mười vừa thành công, ngay từ những ngày đầu tiên, chính quyền Xô viết đã ban bố và tập trung thực hiện những chính sách tiến bộ, đem lại những lợi ích cơ bản, thiết thân của nhân dân: nhà máy cho công nhân; ruộng đất cho nông dân; bình đẳng, tự do, hạnh phúc cho mọi người (4). Chủ nghĩa xã hội từ một học thuyết đã trở thành hiện thực sinh động trên đất nước Nga Xô viết. Cũng là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, quyền tự quyết của các dân tộc được thực hiện trên một phần hành tinh; ngọn cờ hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc được giương cao trên quê hương cách mạng vô sản.

Vượt qua các rào cản, ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 lan truyền, sớm muộn khác nhau, đến các nước thuộc địa, phụ thuộc trên toàn thế giới; cổ vũ, động viên các dân tộc bị áp bức bóc lột tự tin vào sức mạnh của mình và mở ra trước họ một hướng đi mới, một cách làm mới trên con đường tự giải phóng. Những đồng cỏ khô hạn bao năm ở các nước thuộc địa, phụ thuộc bắt gặp ngọn lửa của Cách mạng Tháng Mười Nga bùng cháy thành bão lửa cách mạng sâu rộng, mãnh liệt chưa từng có. Kỷ nguyên bão táp giải phóng dân tộc khởi đầu từ đó.

Triều dâng, thác đổ

Từ cuối thập niên thứ hai đến thập niên thứ tám của thế kỷ XX, dòng thác cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, phụ thuộc phát triển mạnh mẽ, liên tục, lan rộng khắp hành tinh. Hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp, các phong trào giải phóng dân tộc đều chịu ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga và nhịp điệu, hiệu quả, thắng lợi của phong trào tương thích với những thành quả, sức mạnh to lớn của chế độ xã hội mới được khởi dựng từ thành công của cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới.

Những năm 1920, 1930 của thế kỷ trước, hàng loạt các đảng cộng sản ra đời ở các nước thuộc địa, phụ thuộc. Phong trào đấu tranh đòi độc lập dân tộc bùng phát, bước đầu thu được kết quả quan trọng, tiêu biểu là thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Apganixtan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Mông Cổ… Hạt giống đỏ của Cách mạng Tháng Mười từng bước được nhân rộng.

Thập niên 1930, thập niên 1940, Liên bang Xô viết - thành quả trực tiếp của Cách mạng Tháng Mười Nga, đã đạt được những kỳ tích trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, quốc phòng, an ninh; không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; tạo lập vị thế mới của quốc gia trong cộng đồng quốc tế. Với sức mạnh tổng hợp to lớn đó, Liên bang Cộng hòa Xô viết đã vượt qua những thử thách khắc nghiệt của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai; đóng vai trò quyết định tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, cứu châu Âu và nhân loại khỏi thảm họa hủy diệt, lập lại hòa bình và làm thay đổi cục diện thế giới.

Chiến thắng vĩ đại của Hồng quân Liên Xô và các lực lượng đồng minh đã tạo thời cơ và cổ vũ, động viên nhân dân nhiều nước vùng lên giải phóng khỏi ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, phát xít, quân phiệt, độc tài. Hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ bị phá vỡ những mảng lớn. Ở châu Á, hàng loạt nước giành được độc lập dân tộc: Việt Nam, Indonesia, Lào, Trung Quốc, Triều Tiên, Philippine, Miến Ðiện, Ấn Ðộ… Noi gương Cách mạng Tháng Mười Nga và khâm phục, tin tưởng vào tính ưu việt cùng sức mạnh của Liên bang Xô viết, một số nước ở châu Âu, châu Á sau khi tuyên bố độc lập đã lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Vượt khỏi phạm vi một quốc gia, chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa bắt đầu được xây dựng trên quê hương Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở rộng trên lãnh thổ hơn mười quốc gia. Chủ nghĩa xã hội mà nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác-Lênin từ lý tưởng, mục tiêu chính trị đã trở thành một hệ thống thế giới, làm thay đổi căn bản cục diện chính trị quốc tế.

Sự ra đời của hệ thống xã hội chủ nghĩa mà Liêng bang Xô viết là trụ cột tập trung xậy dựng, phát triển tiềm lực về mọi mặt, tạo thế đối trọng, buộc hệ thống tư bản chủ nghĩa phải điều chỉnh chiến lược chính trị, kinh tế, xã hội và không thể làm mưa làm gió trên vũ đài chính trị; đồng thời hết lòng ủng hộ, giúp đỡ phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc và phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên khắp thế giới. Trên thực tế, từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhất là từ những năm 50 đến những năm 70 của thế kỷ XX, sự lớn mạnh vượt bậc của hệ thống xã hội chủ nghĩa, điển hình là những thành tựu vĩ đại của Liên bang Xô viết, đã trở thành nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với sự vận động, phát triển của xã hội loài người nói chung; tạo vận hội để phong trào giải phóng dân tộc phát triển tới cao trào nói riêng.

Tiếp theo thời kỳ "châu Á thức tỉnh" là thời kỳ châu Phi vùng lên. Hàng loạt quốc gia châu Phi giành được độc lập; riêng năm 1960, cuộc đấu tranh giải phóng đã thành công trên 17 nước. Cộng hưởng với phong trào giải phóng dân tộc lan rộng khắp châu Á, châu Phi, những năm 60, 70 của thế kỷ trước, cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài và ách nô dịch thực dân phát triển mạnh mẽ ở Mỹ La tinh; các chính phủ dân chủ được thành lập. Ðến thập niên 80, các nước thuộc địa cuối cùng trên thế giới được giải phóng. Hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, đế quốc hoàn toàn sụp đổ. Bản đồ chính trị thế giới đã thay đổi về căn bản.

Sự thật lịch sử không ai có thể phủ nhận hoặc xuyên tạc là, Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thắng lợi và những thành tựu hiện thực gắn liền với cuộc cách mạng đó “đã mở ra thời đại cách mạng chống đế quốc, thời đại giải phóng dân tộc”(5); “đã đem lại cho nhân dân tất cả các dân tộc quyền tự quyết và những phương tiện thực tế để thực hiện quyền đó”(6). Theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, phụ thuộc đã phát triển như triều dâng, thác đổ hợp thành dòng thác cách mạng vĩ đại làm sụp đổ hoàn toàn hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, mở đường cho hàng ngàn triệu người thoát khỏi xiềng xích nô lệ, tiến lên giành độc lập, tự do.

Xu thế phát triển mới của thời đại

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga; sự ra đời và lớn mạnh của hệ thống xã hội chủ nghĩa và thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc thế giới đã phá vỡ vị thế độc tôn của chủ nghĩa tư bản; làm thay đổi tính chất và xu thế phát triển của thời đại. Con đường phát triển phi tư bản chủ nghĩa với những dạng thức, cấp độ khác nhau trở thành một xu thế lớn, lôi cuốn nhiều quốc gia, dân tộc.

Tiếp theo Liên bang Xô viết, 14 quốc gia ở châu Âu, châu Á, Mỹ La tinh sau khi thực hiện thành công nhiệm vụ cách mạng dân tộc, dân chủ đã vận dụng sáng tạo học thuyết Mác-Lênin về cách mạng không ngừng, tiến lên xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, mở ra trước nhân loại con đường phát triển hoàn toàn mới.

Nhiều quốc gia ở các châu lục, sau khi giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, do những điều kiện lịch sử cụ thể, tuy chưa đi vào quỹ đạo chủ nghĩa xã hội nhưng đã lựa chọn con đường phát triển phi tư bản chủ nghĩa và tự xác nhận là các nước thuộc thế giới thứ ba. Ở các quốc gia này, những lực lượng yêu nước, tiến bộ đã tập hợp lại, xây dựng đất nước độc lập, tự chủ và tuyên bố lập trường đấu tranh chống lại mọi biểu hiện của chủ nghĩa thực dân cũ và mới, mọi biểu hiện nô dịch, áp bức, bất công. Sự xuất hiện thế giới thứ ba và con đường phát triển phi tư bản chủ nghĩa là một thành quả quan trọng của phong trào giải phóng dân tộc ở các nước vốn là thuộc địa, phụ thuộc, tạo tiền đề cho một xu thế phát triển khách quan của xã hội loài người trong tương lai.

Nhìn từ bản chất và dự báo từ tầm xa, sự ra đời của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, sự hình thành thế giới thứ ba cùng con đường phát triển phi tư bản chủ nghĩa và những điều chỉnh, thay đổi của bản thân các nước tư bản chủ nghĩa trước áp lực của phong trào dân chủ, tiến bộ… đã làm thay đổi tính chất và xu thế phát triển của thời đại. Một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên pham vi toàn thế giới đã mở ra mà điểm khởi đầu chính là thắng lợi vĩ đại của Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917.

Mục tiêu giải phóng còn ở phía trước

Lịch sử có những khúc quanh, những bước ngoặt, những đột biết khó lường. Cuối những năm 80, đầu những năm 90 thế kỷ XX, do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, mô hình chủ nghĩa xã hội sụp đổ ở Liên bang Xô viết và các nước Ðông Âu; hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã; khái niệm thế giới thứ ba không còn tồn tại; thế giới hai cực chuyển thành đơn cực với sự thắng thế của chủ nghĩa tư bản… Những người ở trận tuyến đối lập với chủ nghĩa xã hội tuyên truyền rầm rộ về sự cáo chung của chủ nghĩa Mác-Lênin, về sự diệt vong của chủ nghĩa xã hội. Người ta cho rằng, từ đây, Cách mạng Tháng Mười Nga và chủ nghĩa xã hội hiện thực sẽ vĩnh viễn chỉ còn là một huyền thoại và sẽ mãi mãi không còn ảnh hưởng gì đối với thế giới đương đại, với đời sống của các dân tộc!

Nhưng sự thật đã không diễn ra như vậy. Xuyên qua những thăng trầm, biến động phức tạp, xã hội loài người vẫn từng bước đi về phía trước theo những quy luật khách quan không lực lượng nào có thể ngăn cản nổi. Chủ nghĩa tư bản dù còn nhiều tiềm năng phát triển, dù đã được điều chỉnh nhiều lần vẫn không thể giải quyết được mâu thuẫn cơ bản giữa trình độ phát triển hiện đại và xã hội hóa cao độ của lực lượng sản xuất với chết độ sở hữu tư bản chủ nghĩa và về sâu xa, vẫn là căn nguyên dẫn đến áp bức, bất công. Cuộc khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế toàn cầu 2008-2009, theo nhận định của nhiều chính khách, nhiều chuyên gia hàng đầu ở các nước tư bản, đã bộc lộ trọn vẹn những khuyết tật, những phi lý, bất công của chủ nghĩa tư bản hiện đại (7).

Về danh nghĩa, hệ thống thuộc địa tuy đã bị xóa bỏ, chủ nghĩa thực dân tuy không còn tồn tại, nhưng trên thực tế vẫn còn đó, dưới những dạng thức mới, tinh vi hơn, tình trạng nô dịch, bất bình đẳng dân tộc trong quan hệ giữa các nước lớn, các nước tư bản phát triển với các nước vừa và nhỏ, các nước đang phát triển. Sự áp đặt về chính trị; can thiệp bằng quân sự; sự ràng buộc, chi phối về kinh tế; sự tác động, thậm chí xâm lăng về vãn hóa; sự bóc lột tài nguyên và nguồn nhân lực… là những biểu hiện nô dịch dân tộc kiểu mới. Ðộc lập dân tộc tuy đã giành được nhưng chưa trọn vẹn; mục tiêu giải phóng dân tộc khỏi mọi áp bức, bất công vẫn còn ở phía trước. Trong bối cảnh đó, lý tưởng và những giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga, của chủ nghĩa xã hội hiện thực lại hồi sinh, tiếp tục trở thành động lực cổ vũ nhân dân các dân tộc trong cuộc đấu tranh vì hòa bình và tiến bộ xã hội; dân chủ hóa đời sống chính trị quốc tế; hợp tác bình đẳng, cùng có lợi giữa các quốc gia; bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc và môi trường sinh thái…

Tiêu biểu của phong trào đấu tranh vì quyền tự quyết dân tộc đích thực trong thời kỳ mới theo lý tưởng Cách mạng Tháng Mười Nga chính là phong trào cánh tả diễn ra sôi động ở Mỹ La tinh - khu vực vốn được coi là sân sau của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Thập niên đầu thế kỷ XXI, nhiều quốc gia Mỹ La tinh, điển hình là Venêduêla, Bolivia, Êcuađo, Nicaragoa… đã tuyên bố đoạn tuyệt với chủ nghĩa tư bản, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI. Cho đến nay, do những hạn chế trong đường lối chính trị, xây dựng lực lượng cách mạng, thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội… và do sự cản phá từ bên ngoài, phong trào đang gặp rất nhiều khó khăn. Con đường giải phóng triệt để khỏi áp bức, bất công, xây dựng chế độ xã hội mới thật không dễ dàng, nhưng khát vọng của nhân dân và lý tưởng phấn đấu của những nhà cách mạng Mỹ La tinh phản ánh sức sống mãnh liệt, những giá trị chân chính và xu hướng phát triển tất yếu của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở đường cách đây tròn 100 năm.

Lịch sử đã và đang khẳng định một sự thật: thời đại do Cách mạng Tháng Mười Nga mở ra chưa kết thúc mà mới chỉ là giai đoạn ban đầu. Những mục tiêu hợp quy luật của Cách mạng Tháng Mười Nga chính là mục tiêu cơ bản của thời đại: xã hội không có chế độ bóc lột người, không có áp bức và hận thù dân tộc. Về bản chất, mục tiêu đó chính là sự kết hợp biện chứng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (8).

2. Việt Nam kiên định, sáng tạo theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga

Thế kỷ XX, trong thế giới thuộc địa, Việt Nam là một trong những nước tiếp nhận sớm ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga và nghiên cứu lịch sử hơn một thế kỷ, đặc biệt là 87 năm cách mạng kể từ khi Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời, có thể thấy rất rõ, Việt Nam là một điển hình về sự kiên định, sáng tạo trên con đường giải phóng theo ngọn cờ Cách mạng Tháng Mười.

Cuộc gặp gỡ lịch sử đặc biệt

Người Việt Nam đầu tiên nhận thức rõ giá trị to lớn và tầm vóc thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga, tin tưởng và quyết tâm đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Sau 12 năm bôn ba khắp thế giới, tìm tòi, khảo nghiệm thực tiễn phong trào cách mạng quốc tế, trăn trở tìm con đường cứu nước, mùa hè năm 1923, người con ưu tú nhất của dân tộc Việt Nam đặt chân đến đất nước Nga Xô viết. Thực tiễn sinh động của chế độ xã hội do nhân dân lao động làm chủ trên quê hương Xô viết và những tư tưởng cách mạng của V.I. Lênin thể hiện trong “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” đã chinh phục trái tim, khối óc của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Bằng những tri thức phong phú, sự trải nghiệm sâu rộng và bằng mẫn cảm chính trị sáng suốt, Người đã khẳng định dứt khoát: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mạng Nga đã thành công và thành công đến nơi (…). Cách mạng Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả các đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”; “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”(9). Từ đó, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đặt trọn vẹn niềm tin vào con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, vào chủ nghĩa Mác-Lênin, xem đó là cẩm nang thần kỳ, là kim chỉ nam, là mặt trời soi sáng con đường cách mạng Việt Nam (10). Người ra sức truyền bá lý tưởng, kinh nghiệm của Cách mạng tháng Mười và những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về Việt Nam, dầy công chuẩn bị tư tưởng, tổ chức cho việc thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam - một chính đảng vô sản kiểu mới theo hình mẫu Đảng Bônsevic Nga do Lênin sáng lập.

Chủ nghĩa Mác-Lênin và ánh sáng Cách mạng Tháng Mười Nga đến với Việt Nam đúng vào lúc phong trào yêu nước chống thực dân, phong kiến vì độc lập tự do của nhân dân Việt Nam, sau bao nhiêu phong trào quật khởi, bao nhiêu cuộc tìm kiếm, thử nghiệm với các xu hướng, khuynh hướng, phương pháp khác nhau đều lần lượt thất bại, đang lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc về đường lối, về tổ chức. Cách mạng Tháng Mười Nga và chủ nghĩa Mác-Lênin thổi luồng sinh khí mới vào phong trào cách mạng Việt Nam, đáp ứng trúng sự khát khao, mong chờ của những người yêu nước và đông đảo nhân dân lao động đang quằn quại, rên xiết dưới ách thống trị, thực dân, phong kiến, và do vậy, đã nhanh chóng ăn sâu, bén rễ và nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt. Nhà ái quốc tiêu biểu Phan Bội Châu sau mấy chục năm quyết liệt tìm con đường cứu nước, trải qua trăm lần thất bại, chưa một lần thành công, vào cuối đời đã nhận ra giá trị mở đường to lớn của cuộc cách mạng vô sản vĩ đại. Cụ tự bạch: “May thay! Đúng giữa lúc khói đục, mây mù, thình lình mà có một luồng gió xuân thổi tới; đương giữa trời khuya, đất ngủ, thình lình mà có cả một tia thái dương mọc ra, luồng gió xuân ấy, tia thái dương ấy là chủ nghĩa xã hội vậy"(11). Sự thức tỉnh của Cụ Phan phản ánh khát vọng chung của dân tộc Việt Nam trên con đường kiếm tìm chân lý cứu nước.

Sự kiện Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đến với quê hương Cách mạng Tháng Mười Nga, đến với chủ nghĩa Mác-Lênin; nhân dân Việt Nam tự nguyện đón nhận tư tưởng, kinh nghiệm của cuộc cách mạng vô sản đầu tiên, tiếp nhận học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học không phải là ngẫu nhiên mà là một tất yếu. Đó là sự gặp gỡ lịch sử giữa một bên là cuộc cách mạng vốn mang trong mình ước nguyện giải phóng không chỉ của giai cấp công nhân, nông dân, nhân dân lao động Nga mà là ước nguyện của hàng trăm, hàng ngàn triệu người bị áp bức, bóc lột trên khắp hành tinh với một bên là một dân tộc có truyền thống anh hùng, bất khuất đang nung nấu quyết tâm, ý chí vùng lên tự giải phóng khỏi ách thống trị thực dân, đế quốc. Tính tất yếu, tự nhiên, hợp quy luật là nhân tố bảo đảm sức sống mãnh liệt và độ bền vững lâu dài của cuộc gặp gỡ lịch sử này.

Sự tiếp nhận chủ động, triệt để, kiên định

Cách mạng Việt Nam tiếp nhận ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga và chủ nghĩa Mác-Lênin một cách trực tiếp, chủ động, tự nguyện thông qua Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cùng thế hệ cộng sản tiền bối do Người đào tạo. Ðó là sự tiếp thu triệt để, nhất quán và kiên định.

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, từ chủ nghĩa yêu nước chân chính, trải qua quá trình nghiên cứu lý luận; hoạt động, đúc kết thực tiễn; phân tích, so sánh các cuộc cách mạng điển hình, các học thuyết chính trị tiêu biểu trên thế giới, cuối cùng quyết định lựa chọn đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, tin theo chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là sự lựa chọn tự giác, có căn cứ vững chắc; là sự tiếp thu từ gốc, căn bản, triệt để những tư tưởng cốt lõi nhất của Cách mạng Tháng Mười Nga. Lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước Xô viết đã sớm nhận ra chân lý: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”; “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(12).

Trên cơ sở nhận thức có ý nghĩa nền tảng về mục tiêu của cách mạng vô sản mà Cách mạng Tháng Mười là hình mẫu, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng đường lối chiến lược cách mạng phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của đất nước, trong đó tư tưởng xuyên suốt, nhất quán là gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Đảng xác định, sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ phải tiến lên thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa; giữa cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa không có bức tường thành ngăn cách, sự kết thúc thời kỳ cách mạng này cũng là sự bắt đầu của thời kỳ cách mạng mới; trong khi tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ phải chuẩn bị tiền đề cho cách mạng xã hội chủ nghĩa và khi thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa phải tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ của cách mạng dân tộc dân chủ. Trong tư duy chiến lược của Ðảng Cộng sản Việt Nam, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội gắn bó chặt chẽ, biện chứng với nhau; độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là nhân tố quyết định bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc.

87 năm qua, Ðảng Cộng Sản Việt Nam không ngừng hoàn thiện đường lối chiến lược cách mạng và lãnh đạo toàn thể nhân dân từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc - chủ nghĩa xã hội phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của từng thời kỳ, giai đoạn cách mạng.

Trong quá trình thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, noi theo tinh thần Cách mạng Tháng Mười Nga, Việt Nam luôn thể hiện lập trường kiên định, trước sau như một. Vào những thời điểm lịch sử có ý nghĩa bước ngoặt, trước những thử thách khắc nghiệt, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Ðảng Cộng sản Việt Nam thay mặt toàn dân tộc, luôn thể hiện sự vững vàng không gì lay chuyển nổi. Đó là tinh thần "dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sõn cũng phải giành cho được độc lập” trong những ngày chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền; “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ bước vào giai đoạn gay go ác liệt. Vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 thế kỷ XX, trước cơn chấn động chính trị toàn cầu khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên bang Xô viết và các nước Ðông Âu sụp đổ, Ðảng Cộng sản Việt Nam ban bố Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, khẳng định mục tiêu nhất quán của Việt Nam là tiến lên chủ nghĩa xã hội. Lập trường kiên định đó được khẳng định và luận giải thấu đáo hơn trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011).

Không ngừng sáng tạo


Thấm nhuần quan điểm chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo và phép biện chứng duy vật, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn vận dụng, phát triển sáng tạo những bài học, kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga và những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của Việt Nam.

Nhận thức sâu sắc bài học lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga là phải có sự lãnh đạo đúng đắn của một đảng cách mạng chân chính, 87 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định là xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, và gần đây, bổ sung mục tiêu, nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, phù hợp với đặc điểm xã hội, truyền thống văn hóa Việt Nam. Đảng thường xuyên chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, phấn đấu làm cho Đảng thật sự là đội tiền phong, đại diện trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc. Quá trình xây dựng Đảng gắn liền với quá trình chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng chống bệnh giáo điều, bảo thủ, cực đoan, duy ý chí, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ Đảng; xây dựng, bồi đắp quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân, quan hệ hữu nghị với các đảng cộng sản và các đảng chính trị trên thế giới.

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiếng lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng học tập, vận dụng, phát triển sáng tạo những bài học, kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga, của Liên bang Xô viết về xây dựng lực lượng cách mạng, về phương pháp tiến hành cách mạng thích hợp với hoàn cảnh lịch sử và yêu cầu, điều kiện của từng thời kỳ cách mạng.

Trong 15 năm chuẩn bị, đấu tranh giành chính quyền (1930-1945) và trong 30 năm tiến hành hai cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất đất nước (1945-1975), Việt Nam đã kế thừa, phát triển sáng tạo những bài học của Cách mạng Tháng Mười Nga về liên minh công nông; về xây dựng đội quân công nông; về sử dụng bạo lực cách mạng; về chuyên chính vô sản… Xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, tập hợp tất cả các lực lượng yêu nước vào trận tuyến cách mạng trên nền tảng khối liên minh công nông; xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân làm nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc; xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc; kết hợp lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang, đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang tiến tới khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh cách mạng; tiến công trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao; chủ động tạo thời cơ, kiên quyết chớp thời cơ, giành thắng lợi từng phần tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Ðó là những nét đặc sắc trong nghệ thuật xây dựng lực lượng và phương pháp cách mạng khoa học của Việt Nam trên cơ sở phát huy tinh hoa đánh giặc, giành và giữ độc lập được đúc kết qua hàng ngàn năm của dân tộc; tiếp thu sáng tạo kinh nghiệm của phong trào cách mạng quốc tế, trước hết là những bài học quý báu của Cách mạng Tháng Mười Nga, của Liên bang Xô viết.

Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc trên phạm vi cả nước, đặc biệt khi tiến hành công cuộc đổi mới, đồng thời với việc tổng kết nghiêm túc thực tiễn trong nước, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Ðảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt coi trọng phân tích những bài học thất bại của Liên bang Xô viết, tìm hiểu sâu và vận dụng sáng tạo Chính sách kinh tế mới của V.I. Lênin và những thành công trong phát triển kinh tế, xã hội của Nhà nước Xô viết… để hình thành đường lối đổi mới. Xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa gắn với phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng, phát triển văn hóa, con người; tăng cường quốc phòng, an ninh; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước nhanh, bền vững; kiên quyết bảo vệ vững chắc Tổ quốc… chính là những sáng tạo lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có những đóng góp về lý luận, thực tiễn được đúc kết từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và từ những thành công và cả những không thành công trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở Liên ban Xô viết.

Lịch sử cách mạng 87 năm qua khẳng định: Việt Nam đã, đang và sẽ mãi mãi đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga. Và, mặc dù, trước mắt còn vô vàn khó khăn, còn không ít vấp váp, song với sự kiên định, sáng tạo, với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và những kinh nghiệm phong phú đã tích lũy được, nhất định Việt Nam sẽ đi đến đích thắng lợi ./.

GS. TS. Phùng Hữu Phú
Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

______________________

(1) Moshe Lewin: The Soviet Century, Edited by Gregory Ellitt, 2016, tr. 432.
(2) V.V.Kondrashin: Cách mạng là khoảnh khắc của sự thật - kỷ niệm 100 năm cuộc Cách mạng Nga vĩ đại, Tham luận tại cuộc Tọa đàm quốc tế do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 17/8/2017.
(3) (5) (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2011, t.15, tr. 387, 164, 167.
(4) (8) Nguyễn Đức Bình: Về cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay, Nxb. CTQG, H, 2016, tr. 571, 578.
(7) Tham khảo: Thông tin tư liệu số 7 năm 2000; Diễn đàn kinh tế thế giới Davos năm 2008, tài liệu của Bộ Ngoại giao; Terry Eagleton; Why Marx was right, Yale University, 2011.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 304.
(10) (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 563, 30, 563.
(11) Phan Bội Châu: Toàn tập, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1990, t. 4, tr. 132.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất