Phát biểu khai mạc Hội thảo “Đổi mới sáng tạo - Động lực để phát triển bền vững đất nước” ngày 22-3, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, Việt Nam được đánh giá là mạnh ở các chỉ số thuộc nhóm Đầu ra của đổi mới sáng tạo, tuy nhiên còn yếu ở các chỉ số thuộc nhóm Đầu vào của đổi mới sáng tạo như: môi trường kinh doanh, xếp hạng các đại học, việc làm thâm dụng tri thức, tỷ lệ lao động nữ có trình độ, đăng ký sáng chế quốc tế PCT, xuất khẩu dịch vụ ICT, nhập khẩu dịch vụ ICT.
Xác định vai trò quan trọng của môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và hoạt động đổi mới sáng tạo trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ngày 6-2 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Nghị quyết đã xác định rõ Việt Nam cần “có nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực”. Chính phủ đã giao trách nhiệm cho từng bộ, ngành, địa phương trong việc chủ trì, phối hợp thực hiện các giải pháp cải thiện các chỉ số, trong đó Bộ Khoa học và Công nghệ được giao làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các chỉ số về đổi mới sáng tạo. Sau đó, ngày 24-2, Bộ Khoa học và công nghệ đã ban hành Chương trình hành động của Bộ KH&CN thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, Bộ sẽ tập trung mạnh mẽ hơn vào việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu triển khai, thúc đẩy việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thương mại hóa tài sản trí tuệ, đặc biệt tài sản trí tuệ của các chủ thể Việt Nam. Chính phủ sẽ hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ trong xác lập, bảo vệ và ứng dụng quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời, tạo ra các mạng lưới, hạ tầng giúp cho các chủ thể của quá trình có những định hướng và sự hỗ trợ thiết thực nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo.
Theo định hướng nói trên, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng đề án thiết lập một mạng lưới các Trung tâm sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp (mạng lưới “IP Hub”), hỗ trợ các thành viên mạng lưới tiếp cận với thông tin khoa học công nghệ chất lượng cao và các dịch vụ liên quan, khai thác tiềm năng đổi mới sáng tạo và xác lập, bảo vệ và ứng dụng quyền sở hữu trí tuệ. Trên cơ sở đó, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, đặc biệt của chủ đơn Việt Nam gia tăng, thắt chặt mối liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, đưa sở hữu trí tuệ trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Toàn cảnh phiên khai mạc Hội thảo ngày 22-3.
Hội thảo “Đổi mới sáng tạo - Động lực để phát triển bền vững đất nước” có hai chủ đề: Hội thảo về IP-Hub, từ ngày 22 đến 24-3 nhằm khởi động Dự án IP-Hub về thương mại hóa tài sản trí tuệ; Hội thảo về Chỉ số sáng tạo toàn cầu (GII).
Ông Francis Gurry, Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cho biết, với tư cách là cơ quan chủ trì xây dựng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, WIPO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực mới này, bắt đầu bằng sự trợ giúp về phương pháp tính toán, xử lý số liệu và tư vấn giải pháp cải thiện các chỉ số đổi mới sáng tạo.
Được biết, những năm gần đây, vai trò của Việt Nam trong tổ chức và hoạt động của WIPO ngày càng được nâng cao. Hàng năm, Việt Nam đều cử đại diện tham dự các phiên họp thường trực của các Cơ quan điều hành và các Ủy ban chuyên môn của WIPO, theo dõi và nắm bắt tình hình hoạt động của Tổ chức, cũng như những diễn biến của các định chế quốc tế về sở hữu trí tuệ do WIPO quản lý. Đặc biệt, trong năm 2014, lần đầu tiên Việt Nam đã được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban Điều phối của WIPO, và được ghi nhận đã đóng góp giúp giải quyết một số vấn đề quan trọng về hành chính, nhân sự của tổ chức này.
Hồng Vân/Nhân Dân