Thứ Năm, 21/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 27/4/2023 14:10'(GMT+7)

Cần cơ chế vượt trội để Thủ đô phát triển xứng tầm, bền vững

Đô thị Hà Nội tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại hóa. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Đô thị Hà Nội tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại hóa. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ngày 27/4, tại Hội nghị lần thứ 12, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết sau hơn 10 năm thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, diện mạo Thủ đô đã có nhiều thay đổi.

Cảnh quan đô thị và nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại, sáng, xanh, sạch, đẹp hơn.

Đô thị Hà Nội tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại hóa, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị được đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện...

Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, Đồ án quy hoạch chưa phát huy được vai trò, vị thế, tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô Hà Nội trong Vùng Thủ đô.

Quy mô dân số đã vượt ngưỡng dự báo. Tỷ lệ đô thị hóa đạt thấp, chất lượng phát triển đô thị chưa đồng đều dẫn đến những khó khăn trong việc phân bố, điều tiết, quản lý và kiểm soát dân cư...

Do đó, việc nghiên cứu, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để phù hợp với thực tiễn, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của thành phố trước mắt và lâu dài là rất cần thiết.

Trên cơ sở kết quả thảo luận tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội cơ bản thống nhất với Định hướng nghiên cứu Đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đặc biệt, để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của Đồ án, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị thống nhất điều chỉnh thời hạn của Đồ án quy hoạch là “Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065” như đề nghị của Bộ Xây dựng để thống nhất với Khoản 3 Điều 25 Luật Quy hoạch đô thị 2009 (Thời hạn quy hoạch đối với quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương từ 20 đến 25 năm, tầm nhìn đến 50 năm).

Song song với đó, việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phải đảm bảo định hướng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại,” kế thừa các định hướng cơ bản của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, đảm bảo phù hợp với nghiên cứu định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng, quy hoạch các ngành quốc gia, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Một góc khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Một góc khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô kiên định với định hướng phát triển hai thành phố trực thuộc Thủ đô là thành phố Bắc sông Hồng (Mê Linh-Sóc Sơn-Đông Anh), thành phố phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc-Xuân Mai) và 5 trục phát triển gồm trục không gian sông Hồng, lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, thay đổi quan điểm phát triển theo hướng quay mặt ra sông thay vì quay lưng ra sông như hiện nay.

Trục không gian Hồ Tây-Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh.

Trục không gian Hồ Tây-Cổ Loa xác lập không gian kiểm soát đặc biệt là tổ hợp các khu chức năng công cộng gắn với các công trình biểu tượng.

Trục không gian Nhật Tân-Nội Bài là trục đô thị thông minh.

Trục không gian phía Nam kết nối không gian sinh thái với cụm du lịch tâm linh tại huyện Mỹ Đức và tỉnh Hà Nam.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết thêm thành phố tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng thêm một sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc như tinh thần Nghị quyết số 15-NQ-TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị, đồng thời đề xuất một số sân bay trên địa bàn Thủ đô chuyển thành lưỡng dụng để phục vụ nhu cầu trước mắt và lâu dài. Đây sẽ là tiền đề tạo cực tăng trưởng mới để phát triển kinh tế-xã hội đối với các khu vực của thành phố.

Bên cạnh đó, Hà Nội nghiên cứu, tính toán định hướng phát triển Hà Nội với vai trò dẫn dắt, tạo sức mạnh lan tỏa trong Vùng Thủ đô bằng việc nghiên cứu đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông kết nối liên vùng với các tỉnh như Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc... kể cả đường bộ và đường sắt.

Về Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân thành phố tiếp tục nghiên cứu, rà soát nội dung quy hoạch để đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng bộ, thống nhất về tổ chức không gian với Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065).

Tại hội nghị, các đại biểu nhất trí cao về sự cần thiết phải xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với những cơ chế vượt trội để tạo hành lang pháp lý cho Thủ đô phát triển xứng đáng với vị trí, vai trò như đã được xác định cụ thể trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.”

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân nêu ý kiến khó khăn rất lớn trong phát triển Thủ đô hiện nay chính là nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng.

Nếu không có cơ chế vượt trội để thu hút các nguồn lực xã hội rất khó giải quyết.

Do đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhất định phải đưa vào các quy định để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế để thu hút mạnh các nguồn lực xã hội, trong đó có việc tiếp tục triển khai các hình thức đầu tư, như BT, PPP (đối tác công tư)...

Làm rõ nội dung này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng từ kết quả nghiên cứu, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho một số tỉnh, thành phố trong thời gian qua; những văn bản tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách của Quốc hội, Chính phủ (như trong việc triển khai dự án đường vành đai 4), qua đó nghiên cứu, chọn lọc những nội dung phát huy tốt được hiệu quả trong thực tiễn để đưa vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đồng thời, Hà Nội cần bám sát quá trình xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh để nghiên cứu, chọn lọc những chính sách đặc thù, có sự tương đồng giữa hai thành phố lớn, đô thị đặc biệt của cả nước.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, ba nội dung nêu trên rất quan trọng đối với sự phát triển lâu dài, bền vững của Thủ đô và có mối quan hệ mật thiết với nhau. Trong đó, Quy hoạch Thủ đô là quy hoạch định hướng, có quy mô và tầm bao quát rộng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô là quy hoạch đô thị, cụ thể hóa Quy hoạch Thủ đô về tổ chức không gian, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của thành phố.

Luật Thủ đô (sửa đổi) là cơ sở pháp lý mang tính đột phá, điều kiện quan trọng nhất để tạo ra các cơ chế, chính sách và nguồn lực cho việc triển khai nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị và định hướng của hai Quy hoạch nêu trên./.

Nguyễn Thắng-Văn Cảnh (TTXVN/Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất