Thứ Bảy, 23/11/2024
Ủy ban an toàn giao thông
Thứ Sáu, 26/7/2019 13:17'(GMT+7)

Cần đề xuất bổ sung hình phạt đối với lỗi vi phạm nồng độ cồn

Sáng ngày 26/7, tại Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Hội An toàn giao thông Việt Nam, Hiệp hội Các doanh nghiệp Rượu châu Á Thái Bình Dương (APIWSA) và Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD) phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia “Công bố kết quả Nghiên cứu ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn đến hành vi điều khiển mô tô, xe máy tại Việt Nam”.

Ba mục tiêu của nghiên cứu là : Xác định mối tương quan giữa thói quen uống bia rượu và tai nạn giao thông trong quá khứ; Xác định mối quan hệ giữa nồng độ cồn trong máu và xác suất xảy ra tai nạn giao thông đối với người điều khiển mô tô, xe máy; Đề xuất các giải pháp có tính mới để cắt giảm tai nạn giao thông do uống rượu bia điều khiển xe máy gây ra.

Đối tượng nghiên cứu là người điều khiển phương tiện mô tô, xe máy. Nghiên cứu được tiến hành ở 3 địa phương (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội) từ tháng 5 đến tháng 12 năm 2018.

Theo số liệu thống kê của cảnh sát giao thông trên toàn quốc, số vụ tai nạn giao thông liên quan tới nồng độ cồn 4%, tại Thành phố Hồ Chí Minh ở mức 5% và tỉnh Bình Dương là 12%. Tuy nhiên số liệu này thấp hơn rất nhiều so với số liệu thống kê tai nạn giao thông do rượu bia nhập viện tại một số bệnh viện. Nguyên nhân cơ bản của khác biệt trên là do trong nhiều vụ tai nạn giao thông, tình trạng chấn thương của nạn nhân đã gây khó khăn lớn cho công tác xét nghiệm nồng độ cồn. Nam giới gây ra 80%-90% các vụ tai nạn giao thông do uống rượu bia và lái xe, tai nạn xảy ra vào buổi tối từ 18h-24h và cao hơn vào các ngày cuối tuần. Xe máy gây ra 70%-90% các vụ tai nạn giao thông do uống rượu bia và lái xe.

Quan trắc hành vi tại các nhà hàng, quán nhậu cho thấy hành vi do uống rượu bia và lái xe rất phổ biến bất chấp các quy định luật pháp hiện hành. Tỉ lệ thực khách tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia chiếm tỉ lệ 68% (xe máy 62%, ô tô 6%). Khoảng 40% người đi nhậu ra về trong tình trạng bị say: 34% có dáng đi hơi xiêu vẹo, 5% xiêu vẹo. Tỷ lệ vi phạm Luật Giao thông đường bộ rất cao, cụ thể 36% không bật xi nhan khi sang đường, 26% đi ngược chiều và 17% không bật đèn xe.

Khảo sát, phân tích chuyên sâu tâm lý hành vi người điều khiển xe máy chung cho thấy người đi xe máy tự tiết lộ rằng hành vi do uống rượu bia và lái xe gây ra khoảng 11-17% các vụ tai nạn giao thông đối với bản thân họ. Nam giới và người làm việc thời vụ có xu hướng do uống rượu bia và lái xe thường xuyên hơn các nhóm khác. Hạn chế trong nhận thức về các tác động của rượu bia lên sức khỏe và khả năng kiểm soát tình huống nguy hiểm khi lái xe làm tăng mức độ thực hiện hành vi do uống rượu bia và lái xe.

Hầu hết tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia do tài xế xe máy say gây ra

và rơi vào thời gian chiều tối. Ảnh minh hoạ. 

Khảo sát, phân tích tâm lý hành vi các đối tượng bị tai nạn giao thông do do uống rượu bia và lái xe cho thấy có một số nhận thức sai lầm của các nạn nhân đó là: “Lái xe máy sau khi uống rượu bia vẫn an toàn như mọi khi” và “Đi quãng đường ngắn nên vẫn an toàn”. Những nạn nhân nghĩ mình vẫn “bình thường” đủ khả năng điều khiển xe máy ra về thì lại có tỷ lệ bị chấn thương nặng cao hơn những nạn nhân cảm thấy “không bình thường” hay “bị say”. Gần 2/3 số nạn nhân vẫn tiếp tục từ điều kiển phương tiện ra về sau khi uống rượu bia say mặc dù họ có sự thay đổi nhận thức về các tác hại của hành vi này sau khi bị tai nạn. Do đó, cần áp dụng các giải pháp mạnh tay hơn nữa trong thực tế.

Qua nghiên cứu, Hội thảo đề xuất giải pháp, chính sách có tính đổi mới. Theo đó, áp dụng giảm chỉ số nồng độ cồn đối với người điều khiển xe máy (sửa Nghị định 46 và Luật Giao thông Đường bộ); Tăng cường công tác Kiểm tra nồng độ cồn ngẫu nhiên; Tăng mức phạt tiền và bổ sung các hình phạt mới (Luật xử lý vi phạm hành chính, lao động công ích).

Bên cạnh đó chú trọng các giải pháp tuyên truyền, giáo dục qua các nạn nhân từng bị tai nạn giao thông do uống rượu bia và lái xe; Dán poster cảnh báo tại các cơ sở phục vụ rượu bia (nhà hàng, quán nhậu); Tăng cường cảnh báo từ người thân trong gia đình; Chương trình giáo dục cho người tái vi phạm; Sử dụng kết quả của nghiên cứ này để truyền thông thay đổi nhận thức, ý thức và hành vi; Giáo dục về tác hại của hành vi uống rượu bia và lái xe và các biện pháp phòng tránh ở nhà trường các cấp.

Ngoài ra, tăng cường dịch vụ taxi đưa người uống về nhà an toàn; Khuyến khích sản xuất và tiêu thụ đồ uống có nồng độ cồn thấp hoặc không cồn; Ứng dụng các phần mềm cảnh báo nồng độ cồn trên điện thoại thông minh; Ứng dụng khóa liên động trên phương tiện mô tô, xe máy.

 Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm chuyên gia đến từ Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức, do TS. Vũ Anh Tuấn giám đốc trung tâm làm Trưởng nhóm. Nghiên cứu là một minh chứng cho sự kết hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, sự phát huy trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu trong việc thực hiện những dự án phục vụ lợi ích chung của cộng đồng

Duy Phong

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất