Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 27/10/2016 8:44'(GMT+7)

Cần đổi mới cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập

Quang cảnh Họp báo chiều ngày 26/10 tại Hà Nội. (Ảnh DP)

Quang cảnh Họp báo chiều ngày 26/10 tại Hà Nội. (Ảnh DP)

Sự cần thiết đổi mới cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Xuất phát từ tầm quan trọng của việc đổi mới khu vực sự nghiệp công theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và thực tiễn đặt ra yêu cầu đổi mới khu vực sự nghiệp công; Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập (NĐ số 43) theo hướng ban hành một Nghị định khung quy định các vấn đề chung về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Các Bộ quản lý ngành căn cứ vào Nghị định khung xây dựng và trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực: y tế; giáo dục đào tạo; dạy nghề; văn hoá thể thao và du lịch; thông tin truyền thông và báo chí; khoa học và công nghệ; sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

Tại buổi họp báo, Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp Phạm Văn Trường cho biết, việc đổi mới cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập là nhằm đổi mới toàn diện, tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp công; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp, bao gồm cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và về tài chính; đơn vị càng tự chủ cao về tài chính thì được tự chủ cao trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và phân bổ, sử dụng các nguồn tài chính; phân định rõ các nhóm đơn vị và loại hình dịch vụ sự nghiệp công để có bước đi và lộ trình phù hợp xóa bỏ bao cấp qua giá, từng bước tính đủ chi phí; Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách sử dụng dịch vụ sự nghiệp công; đổi mới phương thức chi từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp theo hướng tăng cường thực hiện phương thức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật.

Mục tiêu hướng tới là thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp vươn lên, tăng cường khả năng tự chủ ở mức cao hơn, thúc đẩy khu vực sự nghiệp công phát triển nhanh, mạnh và bền vững, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội...

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Chính phủ ký ban hành: Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định số 16).

Tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ.


Bộ Tài chính đã có các công văn số 16723/BTC-HCSN ngày 11/11/2015 và 1931/BTC-HCSN ngày 03/02/2016  gửi các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị báo cáo tiến độ thực hiện, khó khăn vướng mắc khi triển khai Nghị định số 16/2015/NĐ-CP và Quyết định số 695/QĐ-TTg.

Tuy nhiên, ông Trường cho biết trong năm nay, mới có 2 Nghị định được Chính phủ ký ban hành (Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập; Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác).

Có 4 Nghị định đang trình Chính phủ trong lĩnh vực: Y tế; giáo dục đào tạo; dạy nghề; văn hóa thể thao và du lịch; thông tin truyền thông và báo chí; khoa học và công nghệ; sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác. Có 1 Nghị định đang lấy ý kiến các bộ, ngành lần 2 (Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục. Ngoài ra, việc ban hành các quyết định về danh mục đơn vị sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước của từng bộ, cơ quan Trung ương cũng hoàn thành chưa đồng đều.

Tiến độ các Bộ, địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao chậm so với thời gian yêu cầu theo Quyết định số 695/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đa số các địa phương còn chờ Nghị định trong các lĩnh vực và văn bản hướng dẫn của các Bộ ban hành, mới triển khai phần nhiệm vụ của địa phương... Các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan tại địa phương chưa chủ động đề xuất danh mục dịch vụ sự nghiệp công, quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công sử dụng NSNN theo chức năng, nhiệm vụ được giao...

Để khắc phục những tồn tại trên, ông Trường cho biết trong thời gian tới, các Bộ (Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và truyền thông) ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực cụ thể. Trong đó, Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

Bộ Nội vụ nghiên cứu, ban hành Thông tư hướng dẫn về nguyên tắc, phương pháp xác định vị trí việc làm; thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định số lượng vị trí việc làm; hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp công chưa xây dựng được vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp xác định số lượng người làm việc trên cơ sở định biên bình quân các năm trước.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực sẽ xây dựng, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các định mức kinh tế kỹ thuật; tiêu chí, tiêu chuẩn các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan trung ương.

Các Bộ, cơ quan trung ương giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc để thực hiện. Đồng thời có trách nhiệm tổ chức, sắp xếp, chuyển đổi, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo các cơ quan tham mưu, khẩn trương xây dựng để ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN của địa phương; ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thuộc phạm vi quản lý của địa phương; tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ sự nghiệp công do địa phương quản lý.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc để thực hiện. Đồng thời có trách nhiệm tổ chức, sắp xếp, chuyển đổi, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt./.

Duy Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất