Thứ Hai, 30/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 23/10/2008 16:47'(GMT+7)

Cân nhắc kỹ các luật trước khi đưa vào chương trình xây dựng

Đại biểu Nguyễn Đình Liêu (Đoàn Ninh Thuận)

Đại biểu Nguyễn Đình Liêu (Đoàn Ninh Thuận)

Theo Tờ trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2009 gồm có 59 dự án luật, pháp lệnh, trong đó có 38 dự án thuộc chương trình chính thức (thông qua 25 dự án luật, cho ý kiến đối với 22 dự án luật), 2 dự án pháp lệnh, 18 dự án luật và 1 dự án pháp lệnh thuộc chương trình chuẩn bị. Lựa chọn 2 trong 3 nội dung sau để đưa vào Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2009: Chương trình giáo dục phổ thông và việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa; Việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Không cần thiết phải có Luật Giáo viên

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Đoàn Bắc Ninh) cho rằng nhìn vào dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009, đại biểu không thể nắm được luật nào cần, luật nào chưa. Mặc dù số lượng rất nhiều nhưng cần xem xét về mức độ cần thiết của từng luật để đưa vào trước hoặc sau, để Chính phủ cũng có thời gian chuẩn bị.

Ví như Luật Điện ảnh cũng mới được thông qua năm 2006, liệu những vấn đề phát sinh đã được tổng kết cẩn thận chưa. Luật Giáo viên cũng vậy, trong Luật Giáo dục đã có một số điều điều chỉnh về đối tượng giáo viên, trong khi chúng ta vừa thông qua Luật Cán bộ công chức, dự kiến trong năm 2009 sẽ đưa ra Luật Viên chức, vậy giáo viên có chịu điều chỉnh của Luật Viên chức hay không. Khi đã có Luật Viên chức, có Luật Giáo viên, liệu ngành Y tế có yêu cầu phải có luật riêng cho bác sĩ không? Đại biểu đề nghị phải cân nhắc kỹ, cùng là cán bộ viên chức của Nhà nước cả, không thể có quá nhiều luật quy định như vậy.

Đại biểu Lê Đình Khanh (Đoàn Hải Dương) cũng cho biết, trước đây đại biểu Quốc hội đã từng có ý kiến về việc không cần thiết phải có Luật Giáo viên, nhưng Luật này vẫn được đưa vào trong chương trình của năm 2009. Đại biểu cho rằng nếu đã có Luật giáo viên, đương nhiên phải có Luật thầy thuốc. Mà trong khi chúng ta không cần thiết phải có nhiều luật đến thế, mỗi luật phải qua rất nhiều công đoạn, gây tốn kém, lãng phí.

Chưa có ưu tiên đúng mức cho những luật thực sự cần thiết

Trong khi đó, những bộ luật được đánh giá là vô cùng cấp thiết với đời sống xã hội hiện nay thì lại chưa có sự ưu tiên đúng mức. Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Đoàn Trà Vinh) cùng nhiều đại biểu khác đề nghị nên ưu tiên đối với những luật có đối tượng điều chỉnh rộng, liên quan đến phần lớn xã hội như đời sống nhân dân, công nhân, người lao động. Thời gian qua vấn đề đình công của công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất xảy ra liên tục không theo một trình tự pháp luật nào. Đương nhiên, có ảnh hưởng đến quyền lợi của mình thì người lao động mới đấu tranh, nhưng lại không đúng nơi đúng chỗ không đúng theo quy trình thủ tục.

Đại biểu Lê Đình Khanh (Đoàn Hải Dương) lại cho rằng yêu cầu sửa đổi, bổ sung đối với Luật Đất đai là một vấn đề bức xúc, gây ra khiếu kiện vượt cấp, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Đáng lẽ Luật này đã được đưa vào xem xét, sửa đổi, bổ sung trong chương trình của năm 2008 nhưng đã bị lùi lại, nay lại để đến cuối năm 2009 mới xem xét là quá muộn. Vấn đề này cần phải được đưa lên sớm bởi nếu không khi Luật hoàn thiện rồi thì liệu có còn đất để điều chỉnh.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Đình Liêu (Đoàn Ninh Thuận) cho rằng, sau hàng loạt vụ vi phạm về an toàn thực phẩm thời gian qua như phun hoá chất trên rau, nước tương, kẹo, sữa… nhất thiết phải có Luật An toàn thực phẩm. Đây cũng là vấn đề lớn, có mức độ ảnh hưởng rộng nhưng nếu để đến cuối năm 2009 mới đưa ra lấy ý kiến là quá muộn.

Đề nghị có luật về người có công, luật về nông dân

Đại biểu Lê Đình Khanh (Đoàn Hải Dương) kiến nghị xem xét để ban hành Luật Nông dân. Người nông dân được xem là một trong những đối tượng yếu thế nhất trong xã hội, trong sản xuất kinh doanh họ cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng chưa được bảo vệ một cách đầy đủ. Đại biểu cho rằng nếu không tính xa, đến một lúc nào đó, đời sống của người dân quá khó khăn, bức bách, nếu không được bảo vệ sẽ dẫn đến những bất ổn trong xã hội. Giai cấp cần phải được bảo vệ quyền lợi, sớm đưa vào luật đó là nông dân thay vì phải có Luật Giáo viên.

Đại biểu Nguyễn Đình Liêu (Đoàn Ninh Thuận) đề nghị cần sớm có Luật về người có công. Đại biểu cho biết vấn đề này đã tồn tại từ nhiều khoá trước. Hiện cả nước có khoảng 10 triệu người có công, chiếm khoảng 10% dân số. Người có công cũng là một trong nhiều đối tượng bảo trợ xã hội, cùng với người cao tuổi, người tàn tật. Trong khi Luật về người cao tuổi, người tàn tật đã được đưa vào chương trình, không hiểu vì lý do gì vẫn chưa thể có một bộ luật quy định về người có công.

Đề nghị giám sát về chương trình giáo dục và vệ sinh ATTP

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Đoàn Trà Vinh), Nguyễn Đình Liêu (Đoàn Ninh Thuận) cùng nhiều ý kiến khác đề nghị để đưa vào chương trình giám sát của Quốc hội, đề nghị chọn nội dung về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm và chương trình giáo dục phổ thông, biên soạn sách giáo khoa. Đối với vấn đề chương trình giáo dục phổ thông, là vấn đề đã tồn tại nhiều năm nay, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Đây là nội dung có mức độ ảnh hưởng lớn, đến toàn xã hội, gia đình nào không có con thì cũng có cháu đang trong độ tuổi đi học, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục không chỉ hiện tại mà cả sau này. Vấn đề an toàn thực phẩm cũng có mức độ ảnh hưởng rất rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người, thời gian gần đây có quá nhiều vi phạm về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, ngày càng trở nên nghiêm trọng và bức xúc trong toàn xã hội.

Các ý kiến đại biểu cũng đề nghị xem xét về phương thức giám sát, nội dung giám sát, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, gửi đề cương cho đại biểu, cho địa phương nghiên cứu. Về phía địa phương cũng phải tạo điều kiện đáp ứng yêu cầu của đoàn giám sát. Sau giám sát đề nghị nên theo dõi kết quả đề nghị có được lãnh đạo Bộ, địa phương trả lời và thực hiện hay không. Chứ nếu giám sát rồi bỏ ngỏ, không theo dõi đến cùng thì kết quả cũng như chất lượng của giám sát không được bảo đảm./.

(VOVNews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất