(TG) - Ngày 28/5, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc - UNICEF Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý xây dựng Đề án "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng" giai đoạn 2020-2025 để tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, cơ quan chức năng, tổ chức chính trị và tổ chức quốc tế hoạt động vì trẻ em trên lãnh thổ Việt Nam trước khi trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2020 tới đây.
Với định hướng bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, đặc biệt sử dụng lợi thế của CNTT, sự hỗ trợ của các nền tảng kỹ thuật, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan liên quan: Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, Bộ Công an, Bộ Giáo dục & Đào tạo xây dựng Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng” giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu của đề án là hỗ trợ trẻ em tiếp cận, tương tác môi trường mạng một cách tích cực, nâng cao chất lượng học tập và giải trí của trẻ em thông qua việc ứng dụng công nghệ.
Theo Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children), 66,1% trẻ em Việt Nam có cơ hội tiếp cận thiết bị kết nối Internet. Trong đó, 43,4% có thời gian sử dụng trung bình từ 1-3 tiếng trong ngày. Trong năm 2018, Việt Nam có 706,435 vụ báo cáo về hình ảnh/video xâm hại tình dục trẻ em trên mạng, đứng thứ 2 trong ASEAN, sau Indonesia. Những thống kê, số liệu kể trên đã và đang làm nhức nhối các cơ quan chức năng, người làm cha mẹ và đội ngũ giáo viên trong cả nước.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, Hội thảo hôm nay cũng được tổ chức vào một thời điểm đặc biệt khi vào ngày 27/5, Quốc hội Việt Nam đã nghe báo cáo chuyên đề về việc thực thi chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, trong đó có nội dung phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Và chỉ vài ngày nữa là ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6, ngày của Trẻ em – những chủ nhân tương lai của thế giới.
"Nếu như trong cuộc sống thực, trẻ em được bảo vệ bởi nhiều thiết chế như gia đình, họ hàng người thân cho đến nhà trường, trung tâm chăm sóc và hỗ trợ trẻ em... Tuy nhiên trên môi trường mạng, còn thiếu rất nhiều thiết chế để bảo vệ trẻ em như cách chúng ta làm trong cuộc sống thực; trong khi đó, bất kỳ một trẻ em nào truy cập Internet đều chịu nhiều nguy cơ tiềm ẩn từ việc bắt nạt trên mạng, dụ dỗ qua mạng, lừa đảo qua mạng hay thậm chí là bị tấn công, xâm hại tình dục qua môi trường mạng" – ông Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh.
Bà Lesley Miller, Phó Trưởng Đại diện của UNICEF tại Việt Nam cho biết, xâm hại trẻ em trên mạng là xu hướng ngày càng tăng và không có số liệu chính xác: "Hàng ngàn trẻ em bị bắt nạt trên mạng xã hội mỗi ngày. Bên cạnh đó, những kẻ xấu có mục đích dâm ô, xâm hại trẻ em. Nhiều em còn ngây thơ, tin tưởng người khác và chia sẻ hình ảnh nhạy cảm với những người các em gọi là bạn mà không lường trước được hậu quả".
Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn coi nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em là một trong những nội dung cơ bản của chiến lược phát triển con người. Ở mức luật, quy định về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được đề cập tại: Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An toàn thông tin năm 2018, Luật An ninh mạng 2018... Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ở cấp Bộ cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết triển khai luật.
Thực hiện Chương trình công tác năm 2020 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì phối hợp với các Bộ: Lao động – Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo và Công an xây dựng Đề án "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng" giai đoạn 2020-2025. Đề án được xây dựng nhằm hai mục đích:
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng: Bảo vệ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng.
Hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng: Kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ chung tay tham gia phát triển các ứng dụng, sản xuất các nội dung bổ ích giúp trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Ở Việt Nam có câu "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", thì vế thứ hai của Đề án này chính là bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng một cách tích cực.
Tại Hội thảo, đại diện các Bộ, Ngành, cơ quan chức năng, các tổ chức trong nước và quốc tế đã trao đổi, thảo luận, lắng nghe ý kiến của đại diện một số trẻ em, đóng góp ý kiến hoàn thiện các giải pháp, nhiệm vụ chính của Đề án, trong đó tập trung vào một số vấn đề mấu chốt:
- Cách thức nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi quy định của pháp luật và cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
- Cơ chế khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, trong đó nòng cốt là các doanh nghiệp công nghệ Việt tham tham gia xây dựng Hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng.
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, đặc biệt là thông qua cách thức truyền thông mạng xã hội, để Đề án có thể là một "điểm sáng" về công tác tuyên truyền của các cơ quan nhà nước trong nâng cao nhận thức cộng đồng về một vấn đề hết sức quan trọng.
Đề xuất đến giải pháp bảo vệ trẻ em trên mạng internet, ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin ( Bộ TTTT) chia sẻ về 5 yếu tố cơ bản, đó là: Hoàn thiện cơ sở pháp lý của Việt Nam; phương pháp hiệu quả để giáo dục, tuyên truyền cho trẻ thanh thiếu niên; sử dụng công nghệ để hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng; nâng cao năng lực sử dụng internet của toàn xã hội; tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề dành cho trẻ em trên môi trường mạng.
Sau khi tham vấn ý kiến các chuyên gia và các cơ quan hữu quan, dự kiến đề án sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2020./.
Thanh Xuân